ThS. Hoàng Mạnh Dũng
Viện Kinh tế Việt Nam
Email: baobao1102@gmail.com
Tóm tắt
Bài viết khái lược 30 năm quan hệ thương mại Việt Nam – Hàn Quốc, từ đó, phân tích tính khả thi của mục tiêu phấn đấu đưa kim ngạch xuất – nhập khẩu giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt mốc 100 tỷ USD, đồng thời, dự báo thời điểm đạt được mục tiêu này.
Từ khóa: Việt Nam – Hàn Quốc; Quan hệ thương mại Việt Nam – Hàn Quốc, Thương mại song phương
Summary
The article summarizes 30 years of Vietnam – Korea trade relations, thereby analyzing the feasibility of striving to bring the import – export turnover between Vietnam and Korea to the milestone of 100 billion USD and, at the same time, forecasting the time to achieve this goal.
Keywords: Vietnam – Korea; Vietnam – Korea trade relations, Bilateral trade
GIỚI THIỆU
Trong khuôn khổ các buổi hội kiến cấp cao Việt Nam – Hàn Quốc những năm qua, các nhà lãnh đạo hai nước đã kỳ vọng và liên tiếp đưa ra mục tiêu nâng kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 100 tỷ USD vào năm 2020, rồi sau đó là năm 2023. Tuy nhiên, mục tiêu này chưa thực hiện được. Vậy làm thế nào để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
QUAN HỆ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – HÀN QUỐC: GIAI ĐOẠN 1993-2022
Giai đoạn 1993-2008
Mặc dù, từ đầu những năm 1980, Việt Nam và Hàn Quốc đã có một số quan hệ mậu dịch với nhau, song phải đến sau khi quan hệ ngoại giao giữa 2 nước được chính thức thiết lập, hợp tác thương mại giữa hai nước mới phát triển mạnh mẽ. Quan hệ thương mại Việt Nam – Hàn Quốc những năm 1993-2008 có một số thành tựu và đặc điểm nổi bật:
Một là, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước liên tục tăng lên mạnh mẽ, tăng hơn 15 lần từ mức 581 triệu USD năm 1993 lên hơn 8,85 tỷ USD năm 2008, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình năm là 21,3%. Trong đó, riêng các năm 1994-1995 và 2007-2008, tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn, tương ứng ở mức 40,3%, 84,1% và 38,5% và 34,4%. Một trong những nguyên nhân tạo nên sự gia tăng này là dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Hàn Quốc vào Việt Nam tăng mạnh trong những năm 1993-1996 và 2002-2006, kéo theo sự gia tăng nhập khẩu máy móc và thiết bị, cũng như các đầu vào khác phục vụ cho các cơ sở được đầu tư (Bảng 1).
Hai là, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình hàng năm cao hơn so với nhập khẩu (27,9% so với 20,7%), song thực tế, Việt Nam vẫn luôn bị nhập siêu trong quan hệ buôn bán với Hàn Quốc và mức nhập siêu không ngừng gia tăng, từ 382,4 triệu USD năm 1993 lên 5,28 tỷ USD năm 2008 (Bảng 1).
Ba là, vị trí của Việt Nam trên thị trường Hàn Quốc cũng như của Hàn Quốc trên thị trường Việt Nam đều được cải thiện đáng kể. Về xuất khẩu, Hàn Quốc luôn là một trong mười thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam, còn Việt Nam đứng trong khoảng từ thứ 27 đến thứ 30 trong số trên 200 nước và vùng lãnh thổ xuất khẩu vào Hàn Quốc (năm 2008). Về nhập khẩu, Hàn Quốc luôn là 1 trong năm thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam trong khoảng thứ 11-13 (năm 2008) trong tổng số các thị trường nhập khẩu từ Hàn Quốc (Bảng 1).
Bốn là, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đã có những chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng hàng nguyên liệu, tăng dần tỷ trọng hàng hóa chế tạo, một phần do Việt Nam thực hiện chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo giúp tăng cường sản xuất hàng hóa chế tạo, từ đó nâng cao giá trị xuất khẩu, một phần do nhu cầu cao về hàng hóa chế tạo, đặc biệt là trong các lĩnh vực như điện tử, máy móc, thiết bị của Hàn Quốc. Trong khi đó, cơ cấu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Hàn Quốc biến động không nhiều với nhóm hàng chế tạo chiếm từ 70% đến 80% kim ngạch nhập khẩu. Đây là nhóm hàng nhập khẩu chủ lực phục vụ cho sản xuất công nghiệp của Việt Nam và là đầu vào của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc tại Việt Nam. Điều này cho thấy, sự chênh lệch trong trình độ phát triển kinh tế, đặc biệt là trình độ công nghệ giữa 2 nước (Vuong và Nguyen, 2024).
Năm là, môi trường chính sách đã được cải thiện đáng kể. Với Việt Nam là việc tiếp tục cải thiện chính sách thương mại theo hướng tăng cường thuận lợi hóa – nâng cấp hệ thống hải quan, tăng cường áp dụng tiêu chuẩn quốc tế. Với Hàn Quốc là việc tiếp tục áp dụng khuyến khích các biện pháp thu hút đầu tư và đầu tư ra nước ngoài, nhằm nâng cao khả năng cải thiện trình độ công nghệ và tìm kiếm thị trường đầu tư có hiệu quả hơn ở bên ngoài. Khi Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam đã kéo theo việc Việt Nam gia tăng nhập khẩu từ Hàn Quốc (Bảng 1).
Bảng 1: Kim ngạch xuất – nhập khẩu Việt Nam – Hàn Quốc giai đoạn 1993-2008
Đơn vị: Triệu USD
Năm |
Tổng trao đổi |
Xuất khẩu |
Nhập khẩu |
Cán cân thương mại |
||||
Kim ngạch |
Tăng/ giảm (%) |
Kim ngạch |
Tăng/ giảm (%) |
Kim ngạch |
Tăng/ giảm (%) |
Giá trị |
% so tổng kim ngạch |
|
1993 |
581,7 |
17,8 |
99,8 |
74,2 |
481,9 |
10,5 |
-382,0 |
65,67 |
1994 |
816,2 |
40,3 |
88,8 |
– 11,1 |
727,4 |
50,9 |
-638,6 |
78,25 |
1995 |
1.503,0 |
84,1 |
152,0 |
71,2 |
1.351,0 |
85,7 |
-1.199,0 |
79,77 |
1996 |
1.666,0 |
10,8 |
216,0 |
42,1 |
1.450,0 |
7,3 |
-1.234,0 |
74,07 |
1997 |
1.908,3 |
14,5 |
352,0 |
62,9 |
1.556,3 |
7,3 |
-1.204,3 |
63,11 |
1998 |
1.653,0 |
– 13,4 |
230,2 |
– 34,6 |
1.422,8 |
– 8,6 |
-1.192,7 |
72,15 |
1999 |
1.760,2 |
6,5 |
319,9 |
38,9 |
1.440,3 |
1,2 |
-1.120,4 |
63,65 |
2000 |
2.082,1 |
18,3 |
351,9 |
10,0 |
1.730,2 |
20,1 |
-1.378,3 |
66,20 |
2001 |
2.299,6 |
10,4 |
406,1 |
15,4 |
1.893,5 |
9,4 |
-1.487,4 |
64,68 |
2002 |
2.751,5 |
19,6 |
466,0 |
14,7 |
2.285,5 |
20,7 |
-1.819,5 |
66,13 |
2003 |
3.116,6 |
13,3 |
492,2 |
5,6 |
2.624,4 |
14,8 |
-2.132,2 |
68,41 |
2004 |
3967,5 |
27,3 |
608,1 |
23,5 |
3359,4 |
28,0 |
-2.751,3 |
69,34 |
2005 |
4257,7 |
7,3 |
663,6 |
9,1 |
3594,1 |
7,0 |
-2.930,5 |
68,83 |
2006 |
4751,3 |
11,6 |
842,9 |
27,1 |
3908,4 |
8,7 |
-3.065,5 |
64,52 |
2007 |
6583,8 |
38,5 |
1243,4 |
47,5 |
5340,4 |
36,6 |
-4.097,0 |
62,23 |
2008 |
8850,7 |
34,4 |
1874,4 |
50,4 |
7066,3 |
32,3 |
-5.281,9 |
59,67 |
Trung bình năm |
|
21,3 |
|
27,9 |
|
20,7 |
|
|
Nguồn: Ngô Xuân Bình (2010)
Giai đoạn 2009-2022
Tháng 10/2009, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak, nguyên thủ 2 nước đã tuyên bố nâng cấp quan hệ 2 nước lên thành “Đối tác hợp tác chiến lược”. Hai bên đánh giá cao những thành tựu đã đạt được và nhất trí sẽ nỗ lực đưa kim ngạch thương mại hai nước lên 20 tỷ USD vào năm 2015, đồng thời cùng nỗ lực hợp tác vì sự cân bằng cán cân thương mại song phương. Trong giai đoạn 2009-2022, hơn 10 sau khi thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược, 2 nước đã đạt được những mục tiêu và thành tựu còn vượt trên cả kỳ vọng. Cụ thể:
– Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, tăng gần 10 lần, từ mức 9,03 tỷ USD năm 2009 lên mức 86,4 tỷ USD năm 2022, tốc độ tăng trưởng trung bình 18,6%/năm. Năm 2015, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc đạt 36,49 tỷ USD, vượt qua rất nhiều mốc kỳ vọng là 20 tỷ USD khi 2 nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược năm 2009. Sau 8 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), thương mại 2 chiều Việt Nam – Hàn Quốc tăng hơn gấp đôi từ 36,49 tỷ USD năm 2015 lên 86,4 tỷ USD năm 2022. Tính theo giá trị tuyệt đối của kim ngạch thương mại giữa 2 nước, thì mức tăng này là rất lớn (Bảng 2).
– Hai nước luôn giữ vị thế là đối tác thương mại lớn của nhau và tăng lên qua từng năm. Năm 2009, tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu Việt Nam – Hàn Quốc chiếm 7,11% trong tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu của Việt Nam và tăng dần đều lên 14,37% vào năm 2017. Từ năm 2018 đến nay, tỷ trọng này có giảm đôi chút, song luôn đạt từ gần 12% đến 14%. Với Hàn Quốc, tỷ trọng này tăng dần đều từ 1,13% năm 2009 lên 5,35% năm 2022[1]. Năm 2022, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 (sau Trung Quốc, Mỹ), là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Mỹ, Trung Quốc), thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 (sau Trung Quốc) của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đã lần đầu tiên vượt qua Nhật Bản để giữ vị trí đối tác thương mại thứ 3 của Hàn Quốc (sau Trung Quốc, Mỹ)[2].
– Thâm hụt cán cân thương mại Việt Nam – Hàn Quốc dần có xu hướng giảm từ mức 70% (54,4% so với tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu) năm 2009 xuống còn 56% (43,8% so với tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu) năm 2022, chủ yếu là nhập khẩu máy móc trang thiết bị phục vụ cho sản xuất của khu vực FDI. Tuy nhiên, xét về giá trị tuyệt đối thâm hụt cán cân thương mại Việt Nam – Hàn Quốc lại tăng nhanh từ 4,9 tỷ USD năm 2009 lên 37,8 tỷ USD năm 2022. Thậm chí, với giá trị thâm hụt cán cân thương mại 37,8 tỷ USD năm 2022, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam trở thành đối tác thặng dư thương mại lớn nhất của Hàn Quốc (Bảng 2).
– Cơ cấu xuất – nhập khẩu của 2 nước có tính bổ sung rõ nét và ít có sự cạnh tranh trực tiếp. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng mà các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc sản xuất (điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị phụ tùng) và các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, như: nông thủy sản, thực phẩm chế biến, dệt may, giày dép, đồ gỗ. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc mặt hàng là đầu vào của các doang nghiệp FDI và nguyên, nhiên liệu công nghiệp, như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, xăng dầu các loại, chất dẻo nguyên liệu, vải các loại, kim loại thường khác, linh kiện, phụ tùng ô tô, sản phẩm từ chất dẻo, sắt thép các loại… Đầu những năm thập niên 2010, mặt hàng dầu thô, dệt may và thủy sản là những mặt hàng mặt hàng xuất khẩu có trị giá hàng đầu, chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu. Từ năm 2015 trở đi, sau khi thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những thay đổi rõ rệt theo hướng tập trung hơn vào hàng hóa chế biến và lắp ráp với tỷ lệ công nghệ cao hơn, các mặt hàng mà các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc sản xuất, như: điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác trở thành những mặt hàng có trị giá xuất khẩu hàng đầu, sau đó là các mặt hàng dệt may, thủy sản… Từ năm 2016, điện thoại và linh kiện trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất sang Hàn Quốc (năm 2016 đạt 2.748 triệu USD) (Tổng cục Thống kê, 2017).
Sự thay đổi về cơ cấu xuất khẩu nói chung và mức tăng trưởng đột biến của ngành hàng điện thoại và linh kiện có được là do Việt Nam chủ trương tăng cường xuất khẩu hàng hóa công nghiệp, chế biến, lắp ráp cùng với việc các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường đầu tư sang Việt Nam; trong đó, năm 2015, Samsung tăng vốn thêm 3 tỷ USD đầu tư vào nhà máy tại Việt Nam, đồng thời chuyển dây chuyền sản xuất các loại màn hình dùng cho thiết bị di động từ Hàn Quốc sang Việt Nam. Cũng vào năm 2015, nhà máy LG Hải Phòng với nguồn vốn 1,5 tỷ USD bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất các sản phẩm và thiết bị điện tử, trong đó bao gồm điện thoại và linh kiện. Lượng điện thoại mà LG sản xuất tại nhà máy ở Hải Phòng này ước lượng tầm 10 triệu chiếc năm 2015. LG năm 2015 cũng nắm giữ thị phần cao trong ngành điện thoại tại Hàn Quốc, trung bình trên 20%, bằng một nửa thị phần của Samsung nên nhu cầu về điện thoại LG cũng rất khả quan (Tổng cục Thống kê, 2016).
Năm là, trong Tuyên bố chung về Đối tác chiến lược, Hàn Quốc đánh giá cao nỗ lực của phía Việt Nam trong việc phát triển cơ chế kinh tế thị trường thông qua việc thực hiện chính sách cải cách – mở cửa và công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Tiếp đó, trên cơ sở của việc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký kết thành công VKFTA nhằm đẩy mạnh hơn nữa thương mại song phương với nhiều điều khoản có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Đây là FTA song phương đầu tiên giữa Việt Nam với các đối tác kinh tế mang tính toàn diện, có mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả đôi bên. Đây là những cơ sở về chính sách rất quan trọng để phát triển thương mại giữa 2 nước.
Sáu là, Hàn Quốc đã vươn lên dẫn đầu và liên tục giữ vững vị trí là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Lũy kế đến ngày 20/5/2023, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là 81,56 tỷ USD và 9.666 dự án còn hiệu lực. Các nhà đầu tư Hàn Quốc có mặt ở hầu hết các địa phương, trong đó tập trung nhiều nhất ở Bắc Ninh, Hà Nội, Đồng Nai, Hải Phòng, Thái Nguyên và TP. Hồ Chí Minh. Lĩnh vực mà các doanh nghiệp Hàn Quốc đang quan tâm đầu tư chủ yếu là sản xuất và chế tạo (Minh Duyên, 2023).
Bảng 2: Kim ngạch xuất – nhập khẩu Việt Nam – Hàn Quốc giai đoạn 2009-2022
Đơn vị: Tỷ USD
Năm |
Tổng trao đổi |
Xuất khẩu |
Nhập khẩu |
Cán cân thương mại |
||||
Kim ngạch |
Tăng/ giảm (%) |
Kim ngạch |
Tăng/ giảm (%) |
Kim ngạch |
Tăng/ giảm (%) |
Giá trị |
% so tổng kim ngạch |
|
2009 |
9,03 |
2,03 |
2,06 |
10,16 |
6,97 |
-1,41 |
-4,91 |
54,4 |
2010 |
12,85 |
42,3 |
3,09 |
50 |
9,76 |
40,02 |
-6,67 |
51,9 |
2011 |
17,88 |
39,14 |
4,71 |
52,42 |
13,17 |
34,93 |
-8,46 |
47,3 |
2012 |
21,11 |
18,06 |
5,58 |
18,47 |
15,53 |
17,91 |
-9,95 |
47,1 |
2013 |
27,32 |
29,41 |
6,63 |
18,81 |
20,69 |
33,22 |
-14,06 |
51,5 |
2014 |
28,88 |
5,71 |
7,16 |
8 |
21,72 |
4,97 |
-14,56 |
50,4 |
2015 |
36,49 |
26,35 |
8,91 |
24,44 |
27,58 |
26,98 |
-18,67 |
51,2 |
2016 |
43,57 |
19,4 |
11,41 |
28,05 |
32,16 |
16,61 |
-20,75 |
47,6 |
2017 |
61,55 |
41.26 |
14,82 |
29,88 |
46,73 |
45,3 |
-31,91 |
51,8 |
2018 |
65,72 |
6,77 |
18,14 |
22,4 |
47,58 |
1,82 |
-29,44 |
44,8 |
2019 |
66,65 |
1,41 |
19,72 |
8,7 |
46,93 |
-1,3 |
-27,21 |
40,8 |
2020 |
66 |
-0,97 |
19,1 |
-3,15 |
46,9 |
-0,1 |
-27,8 |
42,1 |
2021 |
78,26 |
18,57 |
21,95 |
14,9 |
56,31 |
20,06 |
-34,36 |
43,9 |
2022 |
86,4 |
10,4 |
24,3 |
10,7 |
62,1 |
10,3 |
-37,8 |
43,8 |
Trung bình năm |
18,6 |
|
21 |
|
17,8 |
|
Nguồn: Tổng hợp từ Tổng cục Thống kê từ năm 2009-2022
Có nhiều lý do dẫn đến kim ngạch thương mại Việt Nam – Hàn Quốc có những bước tăng trưởng thần kỳ, trong đó có những nguyên nhân cơ bản sau:
(i) 2 nước Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, và cùng với đó đã tìm thấy ở nhau những cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế của mỗi nước. Việt Nam đã tìm thấy ở Hàn Quốc một đất nước có nền công nghiệp phát triển, đang mong muốn tìm được các đối tác để xuất khẩu công nghệ và đầu tư sản xuất hướng xuất khẩu. Còn Hàn Quốc tìm thấy ở Việt Nam một đất nước có chính sách mở cửa, đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thành viên một khu vực ASEAN năng động và tiềm năng, khát khao thu hút FDI để phát triển đất nước.
(ii) Việt Nam và Hàn Quốc đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên thành Đối tác chiến lược năm 2009 với nhiều mục tiêu, trong đó hợp tác kinh tế chiếm vai trò chủ đạo. Theo tuyên bố chung, hai nước cam kết sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại song phương và nỗ lực hợp tác, vì sự cân bằng cán cân thương mại; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư kinh doanh lâu dài tại Việt Nam, cũng như khuyến khích mở rộng các lĩnh vực đầu tư; tăng cường hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong các lĩnh vực khoa học – kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, việc làm, chính sách môi trường, phát triển nông thôn và an ninh năng lượng. Việc ký kết, cũng như nâng tầm mối quan hệ Đối tác chiến lược đã tạo tiền đề cho Hàn Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam, phát triển quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Cụ thể, trong nội dung quan hệ Đối tác chiến lược, hai chính phủ đã thống nhất thúc đẩy ODA, Việt Nam cam kết phát triển cơ chế kinh tế thị trường thông qua việc thực hiện chính sách cải cách – mở cửa, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Về phía Hàn Quốc, nước này cam kết khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam, đề nghị mở rộng các lĩnh vực khai thác, đầu tư để các doanh nghiệp có nhiều cơ hội phát triển cụ thể trên lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, xây dựng cơ sở hạ tầng… Các mục tiêu mà 2 nước kỳ vọng cơ bản đều được hai chính phủ hoàn thành, nhiều mục tiêu có kết quả vượt trên cả kỳ vọng. Hàn Quốc nhiều năm giữ vị trí là nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam và đã trở thành một trong những đối tác kinh tế, thương mại quan trọng nhất của Việt Nam.
(iii) Việt Nam và Hàn Quốc đã ký kết VKFTA với những nội dung chính về thương mại hàng hóa, dịch vụ (bao gồm: các phụ lục về dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính, di chuyển thể nhân), đầu tư, sở hữu trí tuệ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa hải quan, phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại điện tử, cạnh tranh, hợp tác kinh tế, thể chế và pháp lý. VKFTA đã giúp hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng nhiều cơ hội nhờ các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của phía Hàn Quốc và thu hút rất nhiều vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam. Việt Nam và Hàn Quốc đã và đang tận dụng tốt các điều khoản từ VKFTA, qua đó đóng góp tích cực vào mối quan hệ song phương giữa 2 nước về đầu tư và thương mại.
MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN MỤC TIÊU ĐƯA THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – HÀN QUỐC HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU 100 TỶ USD
Ngày 11/12/2020, Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã ký kết Kế hoạch hành động triển khai mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc đạt 100 tỷ USD theo hướng cân bằng hơn vào năm 2023. Tuy nhiên, mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc lên 100 tỷ USD vào năm 2023 không thực hiện được dù 2 nước cùng rất nỗ lực. Năm 2023, kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam – Hàn Quốc chỉ đạt 79,43 tỷ USD giảm 8% so với năm 2022, trong đó cả xuất khẩu, nhập khẩu đều giảm so với năm 2022, trong đó xuất khẩu giảm 2,9% xuống còn 25,94 tỷ USD, nhập khẩu giảm 12,3% xuống còn 53,49 tỷ USD.
Kỳ vọng nâng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc lên 100 tỷ USD vào năm 2020 của lãnh đạo 2 nước đã không đạt được. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 đã diễn ra trên phạm vi toàn thế giới trong năm 2020. Đối với mục tiêu đề ra năm 2023 không đạt kỳ vọng là do cả xuất khẩu và nhập khẩu đều suy giảm, trong đó nhập khẩu sang Việt Nam từ Hàn Quốc sụt giảm 12,3% xuống còn 53,49 tỷ USD (giảm hơn 7,5 tỷ USD) (Tổng cục Thống kê, 2024).
Để đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc lên 150 tỷ USD vào năm 2030, trước hết 2 nước cần phải phấn đấu đạt được mục tiêu 100 tỉ USD trong thời gian sớm nhất. Để đạt được mốc 100 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hàn Quốc từ mốc gần 80 tỷ USD của năm 2023, kim ngạch thương mại 2 nước cần phải có một năm tăng trưởng với mức 25%/năm hoặc cần phải có hai năm tăng trưởng với mức gần 12%/năm. Triển vọng quan hệ thương mại Việt Nam – Hàn Quốc cho thấy, kim ngạch thương mại giữa 2 nước sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới và hoàn toàn có khả năng đạt mức tăng trưởng trung bình 12%/năm. Để đạt được mục tiêu kỳ vọng, Chính phủ Việt Nam cùng chính quyền các cấp và các doanh nghiệp cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về kinh tế đối ngoại, đồng thời thực hiện tốt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 493/QĐ-TTg, ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.
Hai là, tranh thủ và phát huy các điều kiện thuận lợi khi quan hệ giữa hai nước được nâng lên mức “Đối tác chiến lược toàn diện” để phát triển thương mại giữa hai nước. Đồng thời, tiếp tục tận dụng các cam kết về cắt giảm thuế quan mà Việt Nam và Hàn Quốc đã cùng ký kết trong các hiệp định thương mại đa phương và song phương để gia tăng kim ngạch thương mại giữa 2 nước.
Ba là, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng về thu hút đầu tư nước ngoài, thực hiện tốt Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 ban hành kèm theo Quyết định số 667/QĐ-TTg, ngày 02/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030. Trên cơ sở đó, cùng với những cam kết về khuyến khích và ưu đãi đầu tư trong các hiệp định đa phương và song phương đã ký kết với Hàn Quốc, Chính phủ cần có những chính sách ưu đãi cụ thể để tiếp tục duy trì và thu hút nguồn vốn FDI từ Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam.
Bốn là, nâng cao khả năng xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc. Chính phủ và các Bộ ngành liên quan cần nghiên cứu xây dựng cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Hàn Quốc có tính bổ sung cao với cơ cấu hàng nhập khẩu của Hàn Quốc, xây dựng các tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu đáp ứng các yêu cầu cao của Hàn Quốc, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động hợp tác địa phương…
Năm là, Chính phủ và các địa phương tạo các điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, hạ tầng, điều kiện, thủ tục xuất – nhập khẩu hàng hóa cho các công ty FDI của Hàn Quốc, đặc biệt là các công ty có vốn đầu tư lớn, có đóng góp lớn vào kim ngạch xuất – nhập khẩu của Việt Nam với Hàn Quốc nói riêng và với thế giới nói chung, như: Samsung Việt Nam, Công ty LG Việt Nam…/.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hải Triều (2021), Nâng kim ngạch thương mại Việt-Hàn lên 100 tỷ USD vào năm 2023, truy cập từ https://congan.com.vn/tin-chinh/nang-kim-ngach-thuong-mai-viet-han-len-100-ty-usd-vao-nam-2023124495.html.
2. Ngô Xuân Bình (2010), Báo cáo tổng hợp “Quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hàn Quốc trong bối cảnh quốc tế mới”.
3. Ngô Xuân Bình (2012), Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc trong bối cảnh quốc tế mới, Nxb Từ điển Bách khoa.
4. Minh Duyên (2023), Nhìn lại 8 năm thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), truy cập từ https://nvsk.vnanet.vn/nhin-lai-8-nam-thuc-hien-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-viet-nam-han-quoc-vkfta-1-40630.vna.
5. Quang Thanh (2022). Thúc đẩy nâng kim ngạch thương mại Việt Nam – Hàn Quốc đạt 100 tỷ USD vào năm 2023, truy cập từ https://vneconomy.vn/techconnect/thuc-day-nang-kim-ngach-thuong-mai-viet-nam-han-quoc-dat-100-ty-usd-vao-nam-2023.htm.
6. Tổng cục Thống kê (1994-2023), Niên giám Thống kê các năm, từ năm 1994 đến năm 2022, Nxb Thống kê.
7. Tổng cục Thống kê (2024), Báo cáo tình hình Kinh tế – xã hội quý IV và cả năm 2023.
8. Vuong, Q. H., Nguyen, M. H. (2024). Further on informational quanta, interactions, and entropy under the granular view of value formation. https://books.google.com/books/about?id=vy4ZEQAAQBAJ
[1] Tác giả tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê và Bộ Công Thương.
[2] https://www.vietnamplus.vn/quan-he-thuong-mai-giua-viet-nam-va-han-quoc-post962325.vnp
*Bài nghiên cứu này là kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ cấp cơ sở: “Nghiên cứu so sánh thương mại Việt Nam với Nhật Bản và Hàn Quốc trong bối cảnh mới”, Viện Kinh tế Việt Nam chủ trì thực hiện.
Ngày nhận bài: 23/9/2024; Ngày phản biện: 05/10/2024; Ngày duyệt đăng: 30/10/2024 |