Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, chuyển đổi số đã là mục tiêu hàng đầu đối với nhiều giám đốc điều hành doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đều hiểu rằng, chuyển đổi số – hay quá trình áp dụng các công nghệ, mô hình làm việc mới và lấy khách hàng làm trung tâm – là chìa khóa để duy trì cạnh tranh.

5 bài học về chuyển đổi số trong doanh nghiệp
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình số hóa ở khu vực Đông Nam Á

Trên thực tế, theo báo cáo e-Conomy SEA 2021 của Google, Temasek, Bain & Company, có đến 1/3 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đông Nam Á cho rằng, họ sẽ không thể tồn tại qua đại dịch Covid-19 nếu không bán hàng trên các nền tảng số.

Chưa hết, trong một cuộc khảo sát của Bain, chỉ 4% giám đốc điều hành khẳng định, họ đã đạt được tất cả các mục tiêu kỹ thuật số của mình; 30% cho biết họ đạt được chưa đến một nửa. Khi đại dịch xảy ra, các doanh nghiệp đang triển khai chuyển đổi số thì có sự chuẩn bị tốt hơn để đáp ứng những thách thức và nhu cầu của thị trường (và thế giới).

Covid-19 đã làm tăng tốc ứng dụng kỹ thuật số và đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng, việc chuyển đổi số chưa bao giờ cấp bách hơn thế. Đông Nam Á hiện có 350 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số, tăng thêm 60 triệu người kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Tiêu dùng kỹ thuật số hiện đã ăn sâu vào lối sống của con người, do đó, các doanh nghiệp muốn phát triển mạnh mẽ phải đáp ứng được kỳ vọng ngày càng cao của người tiêu dùng.

Việc tham gia nhanh chóng vào kỹ thuật số rút ra cho doanh nghiệp 5 bài học về tương lai chuyển đổi số của họ:

• Chuyển đổi số không xảy ra nếu không có chuyển đổi công nghệ. Cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại và linh hoạt là yếu tố quan trọng để xây dựng khả năng thích ứng và phục hồi cần thiết, giúp nắm bắt lợi thế cạnh tranh của kỹ thuật số ở cả quy mô và tốc độ.

• Thay đổi con người và cách thức làm việc còn khó hơn thay đổi công nghệ. Nhanh chóng thu hẹp khoảng cách về năng lực và hiểu biết trong quá trình này sẽ giúp tiết kiệm thời gian và tránh những trở ngại về sau.

• Ủng hộ là chìa khóa thành công. Sự đồng lòng của hội đồng quản trị, đội ngũ điều hành là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số trên quy mô lớn.

• Đổi mới đòi hỏi quyền tự quyết và chấp nhận rủi ro. Doanh nghiệp cần thành lập một phòng riêng biệt chịu trách nhiệm cho hoạt động đổi mới.

• Từng bước chuyển đổi số. Thay vì áp dụng kỹ thuật số trên phạm vi cả doanh nghiệp trong một sớm một chiều, hãy thử nghiệm trong một hoặc một vài lĩnh vực kinh doanh để đánh giá kết quả ban đầu trước khi mở rộng quy mô.

Có thể thấy, kỹ thuật số không chỉ đem lại lợi ích kinh doanh, mà nó là còn là cách để tạo ra một thế giới bền vững và công bằng hơn.

Các công cụ kỹ thuật số sẽ đóng vai trò then chốt trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững. Tất cả chúng ta đều thấy và tin rằng, thế giới hiện đang trải qua một quá trình chuyển đổi môi trường, xã hội và quản trị (ESG) lớn. Nó sẽ tác động đến tất cả các ngành công nghiệp và tất cả các quốc gia. Kỹ thuật số sẽ là một yếu tố quan trọng đối với xu hướng này.

Chẳng hạn, công cụ kỹ thuật số sẽ cho phép các công ty đo lường, theo dõi và quản lý các mục tiêu bền vững trong toàn bộ chuỗi giá trị; cộng tác trong và ngoài công ty tốt hơn; và đổi mới bằng cách nhanh chóng thử nghiệm các sản phẩm và dịch vụ bền vững.

Các công cụ kỹ thuật số cũng sẽ tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên để làm cho các quy trình tự động và hiệu quả hơn, giúp các công ty dự đoán và giảm thiểu rủi ro cũng như tăng năng suất lao động.

Mặt khác, các ứng dụng kỹ thuật số sẽ thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng và tăng tính an toàn của sản phẩm, cho phép truy xuất nguồn gốc và khả năng hiển thị của chuỗi cung ứng, cũng như giới thiệu các cách thức hoạt động kết hợp mới.

Tích hợp kỹ thuật số vào chiến lược cốt lõi của doanh nghiệp còn cho phép chuyển đổi toàn diện, cải thiện khả năng tăng trưởng trong tương lai và thực hiện mục tiêu về ESG./.