Những ngày gần đây, diện mạo mới của di tích Chùa Cầu (Hội An) được dư luận quan tâm. Sau hơn một năm quây lại tu bổ, cơ quan chức năng đã tháo dỡ toàn bộ phần nhà bao che bằng khung sắt và mái tôn.
Tuy nhiên, bên cạnh sự háo hức đón chờ di tích Chùa Cầu sau trùng tu , nhiều người cho rằng công trình kiến trúc này đã mất đi vẻ cổ kính vốn có.
Trước những phản hồi trái chiều của công chúng, đại diện UBND thành phố Hội An cho biết sẽ nghiên cứu và có điều chỉnh màu sơn của công trình cho phù hợp hơn, sát với màu cũ của công trình gốc.
Vị này cũng khẳng định quy trình trùng tu di tích được thực hiện kỹ càng về mặt khoa học, lịch sử, văn hóa, quy trình, thủ tục pháp lý và tham vấn ý kiến cộng đồng, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu…
Trước đó, vào năm 2015, việc trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội cũng bị phản ứng về màu chói lóa, làm mất đi vẻ rêu phong. Sau hai lần sơn, Nhà hát Lớn Hà Nội đã được trả lại vẻ ngoài như phiên bản trùng tu năm 1997. Nhà hát Lớn Hà Nội trải qua lần trùng tu lớn nhất vào những năm 1995-1997.
Nhà thờ Lớn Hà Nội từng gây xôn xao với vẻ ngoài khác lạ. Tháng 5/2022, sau thời gian tu sửa với nhiều lớp sơn, diện mạo hoàn chỉnh của Nhà thờ Lớn Hà Nội khiến nhiều người ngạc nhiên.
Diện mạo mới sau quá trình dài tu sửa đem tới hình ảnh một Nhà thờ Lớn Hà Nội không khác nhiều so với trước. Trước đó, trong quá trình trùng tu, lớp sơn của Nhà thờ Lớn Hà Nội từng gây nhiều tranh cãi .
Phương châm trùng tu Nhà thờ Lớn Hà Nội là cố gắng phục chế mà không phá dỡ hay làm thay đổi kiến trúc nhà thờ, bảo tồn hết mức những giá trị thời gian.
Vì vậy, quy trình phục chế lại diện mạo bên ngoài của nhà thờ được lên kế hoạch tỉ mỉ, cẩn thận để có thể giống nhất dáng vẻ cũ. Từng vệt màu 3D được sơn lên tường, tạo thành những vệt loang màu cổ kính, hằn dấu vết thời gian và sơ nguyên như chưa hề được trùng tu, sửa chữa.
Ở Hà Nội, công trình biệt thự cổ 49 Trần Hưng Đạo từng được mổ xẻ. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, màu sơn vàng kết hợp với đỏ là màu sơn gốc của công trình nhưng vẫn tránh được những ý kiến trái chiều từ cộng đồng về sự “mới” của công trình.
Ông Emmanuel Cerise – Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế vùng Paris tại Việt Nam – cho biết một số dự án tôn tạo, trùng tu các biệt thự cổ Pháp đi theo hướng lựa chọn gam màu nhạt hơn, cố tình thể hiện vẻ nhuốm màu thời gian nhưng đây không phải cách bảo tồn công trình thật sự.
Bởi nếu cố tình làm nhạt màu theo thời gian, với tác động của mặt trời, mưa gió, màu lại nhạt tiếp, lúc đó không còn đúng đặc điểm của công trình.
Công trình biệt thự cổ 49 Trần Hưng Đạo được trùng tu với hai màu vàng và đỏ.
Sau khi hoàn thành trùng tu, công trình nhà Pháp cổ ở 49 Trần Hưng Đạo trở thành một địa điểm tham quan, chụp ảnh không thể thiếu dành cho du khách khi đến Hà Nội.
Lớp áo thử nghiệm của dinh thự vua Mèo tại huyện Bắc Hà (Lào Cai) cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Theo đó, dinh thự cổ Hoàng A Tưởng được sơn thử nghiệm với hai màu hồng, trắng khiến công chúng bất ngờ, khó chấp nhận.
Dinh thự cổ Hoàng A Tưởng là một “chứng nhân” của lịch sử, nơi ghi dấu một phần đời sống người dân cao nguyên trắng Bắc Hà nửa đầu thế kỷ 20. Công trình kiến trúc này được công nhận là di tích quốc gia vào năm 1999.
Di tích này trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn tại cao nguyên đá Bắc Hà, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024.
“Thẩm quyền phê duyệt dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích được thực hiện theo Luật này và các quy định của pháp luật về xây dựng. Khi phê duyệt dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa – thông tin”, Luật Di sản văn hóa quy định.