Sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực ESG chuyển đổi số
Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Hiện nay Chính phủ đã có nhiều chính sách, cũng như các chương trình để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong chuyển đổi số, không chỉ là chính sách, mà cả những hành động thiết thực. ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) là một trong những lĩnh vực chúng tôi quan tâm.
Các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực ESG, thì có thể kết nối với Cục Phát triển doanh nghiệp, chúng tôi sẵn sàng là đầu mối để cùng đồng hành với doanh nghiệp trong chuyển đổi số.
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy thị trường giáo dục ứng dụng công nghệ. Trong lĩnh vực này đang diễn ra rất mạnh mẽ. Học sinh và các bậc phụ huynh đã rất quen thuộc với việc sử dụng nền tảng trực tuyến để học tập, do đó, nhu cầu về chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đang diễn ra rất mạnh mẽ. Trong quá trình hỗ trợ các doanh nghiệp và đánh giá về các mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, chúng tôi nhận thấy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục có mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cao nhất so với tất cả các lĩnh vực khác.
Hiện nay, chúng tôi đã hỗ trợ cho một số trung tâm đào tạo, điển hình là các trung tâm đào tạo tiếng Anh, ví dụ như: hỗ trợ kết nối cung cấp các nền tảng để doanh nghiệp tải các bài học trực tuyến, hoặc doanh nghiệp có thể vào đó để học tập trực tuyến trên nền tảng ghi âm.
Đồng hành với doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số
Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Về chuyển đổi số, không phải các nhà quản lý doanh nghiệp nào cũng đều có đầy đủ các thông tin, kiến thức và các điều kiện để có thể chuyển đổi số. Hiện nay, các bộ, ngành đã và đang triển khai nhiều chương trình, cũng như đồng hành chia sẻ với doanh nghiệp trong chuyển đổi số. Để chủ động hơn nữa, cũng như đón nhận các xu hướng mới trong chuyển đổi số, hiện nay, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với USAID thông qua Dự án “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa”, triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 cùng nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, nhằm tăng cường năng lực tiếp cận các nguồn tài chính đa dạng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Doanh nghiệp bơi trong hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhưng chẳng biết cách nào để nhận được sự hỗ trợ
Bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ nhiệm Đề tài Từ chính sách ra Cuộc sống
Hiện nay các cơ chế, chính sách về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo có sự phân tán, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, trong khi sự kết nối giữa các đơn vị này còn không ít hạn chế, thách thức. Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, lúng túng khi muốn triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số, bởi không biết làm theo bộ, ngành nào.
Cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong triển khai đổi mới sáng tạo vừa nhiều, vừa thiếu. Nhiều là vì lẻ tẻ, phân tán ở nhiều lĩnh vực, do các bộ, ngành, địa phương khác nhau quản lý, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong nhận diện các chính sách này để tận dụng. Nhưng thiếu là thiếu hệ thống cơ chế, chính sách có sự liên kết mang tính tập trung, có hệ thống bài bản để doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi. Doanh nghiệp đang bơi trong hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhưng chẳng biết cách nào để nhận được sự hỗ trợ này. Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam, nhưng bị đứt gãy, do tình trạng cát cứ thông tin của các bộ, ngành.
Để khắc phục những hạn chế trên, qua đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo phát triển thực chất và hiệu quả trong thời gian tới, cần triển khai một số giải pháp:
Một là, cần tạo ra sự kết nối 2 chính sách quan trọng là thu hút nguồn lực tri thức, hỗ trợ nâng cao vai trò của doanh nhân trong thời đại mới;
Hai là, các bộ, ngành phải ngồi lại với nhau để tạo ra sự liên kết, liên thông về cơ chế, chính sách đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Với vai trò của NIC, tổ chức này nên là đầu mối, là trung tâm tập hợp tổng thể hệ thống cơ chế, chính sách ở tầm quốc gia về đổi mới sáng tạo. Các thông tin này cần được cập nhật thường xuyên trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, để các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các đối tác dễ dàng nắm bắt, qua đó đáp ứng các nhu cầu đa dạng của họ. Đây là cách giúp Việt Nam cải thiện khả năng thu hút đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. NIC nên triển khai thí điểm mô hình tập hợp tất cả các ý kiến đóng góp, các sáng kiến về đổi mới sáng tạo nói riêng, sự phát triển của Việt Nam nói chung từ các chuyên gia, trong đó có đội ngũ trí thức, chuyên gia ở nước ngoài. Từ thu hút đóng góp về ý tưởng, cần tiến đến thu hút về vốn, kiều hối;
Ba là, muốn đổi mới sáng tạo thành công, cần tập trung vào 3 vấn đề, gồm: Tăng năng suất lao động, tăng nguồn thu, tăng nhận diện thương hiệu. Để tăng năng suất lao động, cần tận dụng tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước, từ đó phục vụ cho triển khai hiệu quả các chương trình.
Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là tất yếu
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh
Hiện nay, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là tất yếu. Nếu Việt Nam không chộp cơ hội này, thì không còn cơ hội khác. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chủ động bắt nhịp xu thế và thành công trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tiêu biểu như FPT… Tuy nhiên, đây là cuộc cách mạng về thể chế, chính sách, nên rất nhiều vấn đề đặt ra. Vì vậy, cần vừa làm vừa chạy, không thể ngồi chờ thể chế hoàn thiện.
Để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, về mặt quản trị nhà nước và doanh nghiệp, có 4 từ rất quan trọng là: tốc độ, linh hoạt, các bên liên quan tác động sự tham gia của họ, thí điểm/học hỏi. Tóm lại, xu thế không chờ chính sách./.