Sự cần thiết của áp dụng quản lý tuân thủ thuế
Theo Tổng cục Thuế, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước hiện có gần 1 triệu doanh nghiệp, hơn 3 triệu hộ kinh doanh (trong đó có khoảng 1,9 triệu hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế) và 27 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân (trong đó có khoảng 7 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân). Với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, cùng với chủ trương đẩy mạnh hội nhập, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức cá nhân kinh doanh tại Việt Nam, trong khi số lượng cán bộ thuế hạn chế. Vì vậy, việc áp dụng quản lý thuế theo rủi ro sẽ giúp cơ quan thuế phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực khan hiếm của mình, để tập trung quản lý nhóm NNT có mức độ tuân thủ thấp nhất, khả năng gian lận về thuế cao nhất; tiết kiệm thời gian, hiểu được hành vi tuân thủ của NNT, từ đó có chiến lược xử lý rủi ro phù hợp, giám sát chặt chẽ và xử lý kịp thời các hành vi không tuân thủ, nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của NNT. Bên cạnh đó, việc cơ quan thuế áp dụng phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để NNT tuân thủ tốt các quy định của pháp luật.
Trong điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay, cùng với yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ, hiện đại hóa công tác quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thuế, tất yếu cơ quan quản lý thuế phải thay đổi phương thức quản lý thuế, từ quản lý thuế truyền thống sang quản lý thuế theo phương thức phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ NNT. Do vậy, việc triển khai áp dụng QLRRTT là cần thiết đối với cơ quan thuế Việt Nam.
Thực trạng áp dụng quản lý rủi ro tuân thủ tại Việt Nam
Kết quả đạt được
Thực tiễn cho thấy, việc áp dụng QLRRTT đã đạt được những kết quả như sau:
Thứ nhất, tạo được hành lang pháp lý phù hợp với yêu cầu quản lý thuế hiện đại và phù hợp với định hướng chiến lược cải cách hiện đại hóa của ngành Thuế đến năm 2030 như: quy định áp dụng phương pháp học máy (ML), trí tuệ nhân tạo (AI), sử dụng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), để đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro NNT bên cạnh phương pháp chấm điểm và phân loại theo điểm và phương pháp xếp hạng theo danh mục.
Thứ hai, góp phần nâng cao hiệu quả trong quá trình lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra tại trụ sở NNT, tiết kiệm đáng kể chi phí, nguồn lực con người; xác định đúng đối tượng cần kiểm tra, thanh tra thuế, ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực trong việc lựa chọn đối tượng, đảm bảo tính khách quan, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra tại trụ sở NNT; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để NNT tuân thủ tốt các quy định pháp luật; hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật thuế. Dựa trên kết quả áp dụng các bộ tiêu chí đánh giá rủi ro, kết quả thanh tra, kiểm tra NNT tại cơ quan thuế các cấp đều tăng qua các năm.
Thứ ba, phân loại hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng tự động, không có sự can thiệp của con người trong quá trình phân loại hồ sơ hoàn, rút ngắn thời gian phân loại hồ sơ hoàn, đảm bảo khách quan, công bằng trong phân loại hồ sơ hoàn thuế.
Thứ tư, theo dõi, quản lý chặt chẽ, sát sao tình hình quản lý, sử dụng hóa đơn chứng từ của NNT, hạn chế tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp thông qua việc xác định các dữ liệu rủi ro, xây dựng các công cụ, ứng dụng quản lý việc sử dụng hóa đơn điện tử của NNT.
Thứ năm, góp phần nâng cao nhận thức của cơ quan thuế, NNT và cộng đồng xã hội trong việc cải cách quản lý thuế theo hướng minh bạch, công khai, tạo điều kiện thuận lợi cho NNT chấp hành tốt pháp luật về thuế, góp phần nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật thuế của NNT, giảm chi phí quản lý thuế và chi phí tuân thủ của NNT.
Tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, quá trình triển khai thực hiện áp dụng quản lý rủi ro (QLRR) trong quản lý thuế hiện nay còn gặp nhiều bất cập, hạn chế cụ thể như sau:
Một là, nghiên cứu, xây dựng và triển khai các biện pháp nghiệp vụ QLRR, quản lý tuân thủ là một nhiệm vụ lớn và phức tạp. Với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, cùng với chủ trương đẩy mạnh hội nhập, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức cá nhân kinh doanh tại Việt Nam với các hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng phức tạp. Đây là một áp lực cho công tác quản lý thuế nói chung, trong đó có yêu cầu về quản lý thuế theo phân tích rủi ro.
Hai là, quản lý rủi ro mới được nghiên cứu triển khai áp dụng tại một số nghiệp vụ quản lý thuế đơn lẻ, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của công tác quản lý thuế (công tác lựa chọn NNT có rủi ro để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, phân loại hồ sơ hoàn thuế và quản lý hóa đơn), mà chưa xây dựng và triển khai chương trình QLRR tuân thủ tổng thể về thuế và hệ thống quản lý toàn diện về phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ thuế.
Ba là, cơ cấu tổ chức bộ máy, cũng như việc trao quyền và trách nhiệm thực hiện QLRR chưa phù hợp, chưa tương xứng với công tác QLRR trong giai đoạn hiện nay. Vấn đề QLRR là xu hướng tất yếu trong quản lý thuế hiện đại, đảm bảo liên kết, điều phối xuyên suốt trong các hoạt động nghiệp vụ thuế, nhưng việc sắp xếp tổ chức bộ máy QLRR trong ngành Thuế dưới hình thức “ban mềm” trên cơ sở điều động, biệt phái các cán bộ ở các đơn vị trong Tổng cục Thuế, để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, tổ chức triển khai áp dụng QLRR, quản lý tuân thủ về thuế còn chưa phù hợp với thực tế triển khai công việc.
Đề xuất giải pháp
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, đồng thời đảm bảo việc áp dụng QLRR trong quản lý thuế được thực hiện theo lộ trình phù hợp về thời gian, nguồn nhân lực, cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với chiến lược cải cách hành chính nói chung, chiến lược cải cách hệ thống thuế nói riêng, việc xây dựng kế hoạch áp dụng QLRRTT tổng thể cần theo định hướng như sau:
(1) Hoàn thiện hành lang pháp lý về QLTT tổng thể tại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thuế theo nguyên tắc phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ về thuế. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật quản lý thuế, pháp luật về QLTT của NNT, nhằm thúc đẩy sự tuân thủ của NNT. Căn cứ vào mức độ tuân thủ của NNT, cơ quan thuế xác định mức độ ưu tiên NNT trong việc kê khai thuế, nộp thuế, thanh tra, kiểm tra thuế, hoàn thuế, sử dụng hóa đơn; ưu tiên về hỗ trợ thuế… Có chính sách ưu tiên, hỗ trợ khen thưởng, chế tài xử phạt rõ ràng đối với từng mức độ tuân thủ của NNT theo các cách phân đoạn NNT nêu trên.
(2) Xây dựng một cơ sở dữ liệu thông tin quản lý tuân thủ tổng thể, toàn diện với các công cụ thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế phát triển của công nghệ đáp ứng yêu cầu quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người dân, nâng cao hiệu quả quản lý. Hoàn thiện môi trường hệ thống trung tâm phân tích dữ liệu gồm: (i) Tổ chức hệ thống phân tích dữ liệu theo thời gian thực, bố trí các máy chủ đảm bảo lưu trữ các dữ liệu cần cho phân tích rủi ro; (ii) Triển khai các phần mềm hệ thống cho cơ sở dữ liệu lớn, phần mềm hệ thống thao tác cơ sở dữ liệu, phần mềm hệ thống hỗ trợ chạy phân tích dữ liệu.
(3) Xây dựng Bộ Chỉ số tiêu chí áp dụng phân tích rủi ro quản lý tuân thủ tổng thể với đầy đủ các chức năng nghiệp vụ quản lý thuế; kết hợp giữa kết quả phân tích dữ liệu thực tế kê khai của NNT và kinh nghiệm thực tiễn trong công tác quản lý thuế của cơ quan thuế các cấp. Cụ thể, thông qua việc xây dựng Bộ Chỉ số tiêu chí phân tích rủi ro, kết quả thanh tra, kiểm tra NNT kết hợp với công tác quản lý trực tiếp NNT, để đánh giá mức độ tuân thủ đối với từng phân đoạn NNT (theo quy mô, theo sắc thuế, theo từng khâu quản lý thuế, theo loại hình kinh tế, ngành nghề kinh doanh…), từ đó có biện pháp quản lý về thuế phù hợp nhằm nâng cao tính tuân thủ của NNT.
(4) Triển khai xây dựng “Hệ thống ứng dụng cơ sở dữ liệu và phân tích rủi ro tổng thể” trên cơ sở nghiên cứu áp dụng phương pháp phân tích dữ liệu số lớn, sử dụng công nghệ AI, học máy vào phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ NNT.
(5) Tổng cục Thuế chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch quản lý tuân thủ tổng thể NNT; xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ, hợp tác quốc tế về quản lý tuân thủ thuế.
(6) Hướng dẫn cơ quan Thuế các cấp thực hiện công tác phân tích dữ liệu, phân tích rủi ro phục vụ yêu cầu nghiệp vụ quản lý thuế từ trung ương đến địa phương; chỉ đạo toàn ngành kiểm tra, đánh giá, giám sát việc áp dụng QLRRTT tổng thể trong công tác quản lý thuế.
(7) Đẩy mạnh tuyên truyền về việc áp dụng phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ thuế. Phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền về việc áp dụng phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ về thuế để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong và ngoài ngành Thuế, cũng như ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của NNT.
(8) Xây dựng và kiện toàn bộ phận QLRR về thuế thuộc Tổng cục Thuế nhằm nâng cao thẩm quyền, địa vị pháp lý và năng lực, nguồn nhân lực để triển khai sâu, rộng, toàn diện, tập trung, có hiệu quả công tác phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ thuế, đáp ứng yêu cầu phát triển, hiện đại hóa ngành Thuế và nâng cao tính tuân thủ của NNT. Theo đó, cần củng cố bộ phận QLRR bằng việc hình thành một bộ máy có địa vị pháp lý đủ tầm, đảm bảo đủ nguồn lực, thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ và năng lực thực tế làm đầu mối chủ trì việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình QLRRTT tổng thể ngành Thuế…/.