Đề ra phương hướng đưa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ ngày càng phát triển mạnh mẽ, thực chất
Tại Thủ đô New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ. Lễ đón được tổ chức trọng thể tại Phủ Tổng thống Ấn Độ vào sáng 1/8.
Ngay sau lễ đón, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dâng hoa tại Khu tưởng niệm Mahatma Gandhi.
Mahatma Gandhi (2/10/1869-30/1/1948), tên đầy đủ là Mohandas Karamchand Gandhi, là nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, được tôn vinh là Cha già dân tộc, lãnh tụ tinh thần của người dân Ấn Độ, có đóng góp to lớn vào thành công của cuộc đấu tranh giành độc lập cho tiểu lục địa Ấn Độ khỏi ách thống trị của thực dân Anh năm 1947. Ông được tôn vinh là “Mahatma” (tức “Tâm hồn vĩ đại” theo tiếng Phạn).
Thủ tướng Chính phủ và đoàn được giới thiệu một số nét tiêu biểu về cuộc đời, sự nghiệp của Mahatma Gandhi và thực hiện nghi thức rải hoa, tưởng niệm người Anh hùng dân tộc Ấn Độ. Thủ tướng và Đoàn công tác kính cẩn nghiêng mình; nguyện học tập, làm theo tấm gương hy sinh quên mình của Mahatma Gandhi cho sự nghiệp phát triển phồn vinh, thịnh vượng của Nhân dân, nhất là qua triết lý “bất bạo động”.
Ghi Sổ lưu niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tư tưởng của Mahatma Gandhi, “Linh hồn vĩ đại” của Nhân dân Ấn độ sẽ luôn là bản giao hưởng vĩnh cửu, vang mãi trong tâm tưởng của Nhân dân Ấn Độ, Việt Nam và các nước khác trên thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giới thiệu với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về thành phần đoàn cấp cao Việt Nam. Nguồn: VGP |
Lịch sử quan hệ Việt Nam – Ấn Độ bắt nguồn từ quá trình giao lưu văn hóa, tôn giáo từ hơn 2.000 năm trước và được hai lãnh tụ vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà lãnh đạo Mahatma Gandhi gây dựng, vun đắp. Hai nước luôn ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc.
Trải qua hơn 5 thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện đã mở ra không gian hợp tác mới về chuỗi giá trị và tài nguyên chiến lược, an ninh kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường, khoa học công nghệ, kết nối tài chính, nhân lực chất lượng cao, giáo dục, an ninh quốc phòng…
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 (tháng 9/2016), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khẳng định “Việt Nam là trụ cột mạnh mẽ trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ” và “quan hệ song phương giữa hai nước dựa trên sự tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau và hội tụ những quan điểm về các vấn đề khác nhau trong khu vực và toàn cầu”.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trên cương vị người đứng đầu Chính phủ và là chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sau 10 năm.
Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo Ấn Độ sẽ thảo luận, đề ra phương hướng đưa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ ngày càng phát triển mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.
Tại cuộc gặp ngày 31/7, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S.Jaishankar đã chào mừng nồng nhiệt Thủ tướng Phạm Minh Chính, một trong những lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ kể từ khi Chính phủ nhiệm kỳ thứ 3 của Thủ tướng Narendra Modi tái cử; khẳng định Chính phủ Ấn Độ hết sức coi trọng chuyến thăm và tin tưởng chuyến thăm sẽ mang đến xung lực mạnh mẽ cho quan hệ Việt Nam – Ấn Độ trong thời gian tới.
Đề nghị nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ mở rộng đầu tư ở Việt Nam
Trước đó, vào chiều 31/7, tại thủ đô New Delhi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo Tập đoàn Phát triển hành lang công nghiệp quốc gia của Ấn Độ (NICDC) – đơn vị thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ; đại diện tập đoàn dầu thô và khí đốt tự nhiên lớn nhất của Ấn Độ; lãnh đạo tập đoàn công nghệ HCL.
Tiếp ông Rajesh Kumar Singh, Chủ tịch NICDC, Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo NICDC đã trao đổi về các kinh nghiệm, chính sách đáng chú ý, nhất là công tác quy hoạch không gian phát triển các ngành, lĩnh vực, các vùng để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của mỗi vùng, địa phương; đầu tư phát triển hạ tầng, giảm chi phí logistics; thủ tục đầu tư, chuyển đổi số; cơ chế huy động nguồn lực, ưu tiên cho một số lĩnh vực như: bán dẫn, năng lượng sạch, gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường…
Thủ tướng đánh giá cao mô hình hoạt động, quy mô, tầm nhìn, vai trò của NICDC đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, hiện đại hóa, công nghiệp hóa của Ấn Độ trong thời gian qua, đặc biệt là trong phát triển hạ tầng chiến lược, tạo không gian phát triển mới, giá trị mới. Cho rằng đây là mô hình hay với nhiều kinh nghiệm mà Việt Nam có thể nghiên cứu, tham khảo, Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương phía Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương Ấn Độ và NICDC, có thể lập tổ công tác để hợp tác, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm trong thời gian tới.
Tiếp ông Arun Kumar Singh, Chủ tịch tập đoàn ONGC Videsh Ltd. – công ty con của ONGC là tập đoàn dầu thô và khí đốt tự nhiên lớn nhất của Ấn Độ, Thủ tướng nhấn mạnh thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí là lĩnh vực quan trọng với Việt Nam, hợp tác năng lượng cũng rất quan trọng trong quan hệ hai nước; đánh giá cao hoạt động hợp tác, đầu tư của tập đoàn tại Việt Nam; hoan nghênh các kế hoạch phát triển, mở rộng hợp tác, đầu tư trong thời gian tới.
Thủ tướng đề nghị ONGC Videsh tiếp tục thúc đẩy đầu tư, hợp tác với một số đối tác tiềm năng, có năng lực của Việt Nam, nhất là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (Petrovietnam) để rà soát, tiếp tục làm tốt các dự án đã có, triển khai các dự án mới trong thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí bảo đảm hiệu quả cao, cả trước mắt và lâu dài; đồng thời thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng khác.
Thủ tướng đề nghị tập đoàn tiếp tục trao đổi, làm việc với các bộ, ngành, địa phương và đối tác liên quan để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tiếp ông Shikhar Malhotra, Giám đốc tập đoàn HCL, Thủ tướng đánh giá cao hoạt động của HCL đối với sự phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Ấn Độ và các quốc gia khác mà tập đoàn có chi nhánh, trong đó có Việt Nam, đồng thời đề nghị tập đoàn đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, hỗ trợ về nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, đặt hàng với các đối tác Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) với ưu tiên phù hợp, giá cả phải chăng, cạnh tranh, qua đó cùng tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, khai thác tốt thị trường Việt Nam cũng như thị trường từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia; đồng thời thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng…/.