Vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước. Những đau thương, mất mát là vô cùng to lớn. Trong suốt những năm qua, nhằm phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo đến chế độ, chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng nhằm phần nào xoa dịu những nỗi đau, mất mát mà chiến tranh để lại. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024), nhằm nhắc nhớ và tri ân các liệt sĩ, thương, bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và các gia đình có công với cách mạng, chương trình “Hoa tháng Bảy” nhận được sự quan tâm từ đông đảo từ các lãnh đạo bộ, ban, ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và đông đảo khán giả.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại điện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và toàn bộ khán giả đã dành một phút mặc niệm các anh hùng, liệt sĩ, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Trước khi bắt đầu chương trình, các đại biểu đã thành kính, dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc, tự do của Tổ quốc và cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân.
Chương trình “Hoa tháng Bảy” được chia làm hai phần với phần 1 có chủ đề “Khúc tráng ca bất tử” và phần 2 là “Tình yêu hòa bình”. Âm nhạc là một trong những điểm nhấn quan trọng của “Hoa tháng Bảy”, với nhiều ca khúc quen thuộc được vang lên trong chương trình như: Bài ca hy vọng, Bài ca không quên, Màu hoa đỏ…
Các cựu chiến binh CLB Khúc Ca Đồng Đội thể hiện ca khúc Cỏ non thành cổ trong chương trình |
Cũng trong chương trình, một tiết mục khiến người xem đặc biệt xúc động là Cỏ non thành cổ do các cựu chiến binh đến từ CLB Khúc ca Đồng đội biểu diễn. Họ là những cựu binh đã từng tham gia chiến đấu để bảo vệ tổ quốc. Với phần trình diễn của mình cùng tiếng hát mộc mạc trong chương trình, đây như một lời tri ân đầy xúc động tới những đồng đội đã mãi mãi không trở về.
Qua từng giai điệu, từng hình ảnh trong chương trình, chúng ta cảm nhận rõ rệt niềm tự hào về di sản lịch sử vĩ đại của dân tộc và sự tri ân chân thành đối với những hy sinh vô giá của các thế hệ đi trước. Đây là dịp để mỗi người dân Việt Nam tự nhắc nhở mình về giá trị của hòa bình và tự do, đồng thời cam kết giữ gìn và phát huy những giá trị ấy trong cuộc sống hiện tại và tương lai. Chương trình không chỉ khép lại trong tiếng vỗ tay, mà còn mở ra trong lòng mỗi người những cảm xúc chân thành và quyết tâm xây dựng một đất nước ngày càng thịnh vượng, xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng Thương binh – Liệt sĩ.
PV