Từ khóa: chi ngân sách nhà nước, chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển, Phú Thọ

Summary

Based on the systematization of basic theoretical issues on state budget expenditures and the content of state budget expenditure management, the article analyzes the current situation of state budget expenditures and the content of state budget expenditure management in Phu Tho province in the period of 2019-2022. The article has pointed out some shortcomings and limitations of provincial state budget expenditures for regular expenditures, as well as capital expenditures. Thereby, proposing the groups of solutions to improve state budget expenditure management in Phu Tho province in the coming time.

Keywords: state budget expenditure, regular expenditure, capital expenditure, Phu Tho province

ĐẶT VẤN ĐỀ

NSNN là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước (Luật Ngân sách năm 2015). NSNN là công cụ tài chính chủ yếu của Nhà nước, là điều kiện vật chất quan trọng để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. NSNN là công cụ để điều tiết vĩ mô nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả quản lý nền kinh tế.

Chi NSNN bao gồm: chi đầu tư phát triển, chi dự trữ quốc gia, chi thường xuyên, chi trả nợ lãi, chi viện trợ và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật. Tăng cường quản lý chi NSNN là một nhiệm vụ rất quan trọng của các cấp chính quyền để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân.

Tỉnh Phú Thọ với tổng diện tích tự nhiên 3.534,6 km2 với 13 đơn vị hành chính gồm; TP. Việt Trì, thị xã Phú Thọ và 11 huyện (Lâm Thao, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Ba, Đoan Hùng, Phù Ninh, Thanh Thủy, Tam Nông). Phú Thọ thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc, tiếp giáp với các tỉnh Tuyên Quang, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Sơn La, Yên Bái và TP. Hà Nội. Trong những năm vừa qua, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân trong Tỉnh đã tích cực đẩy mạnh việc thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển nhằm đưa Phú Thọ trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Theo UBND tỉnh Phú Thọ (2023), kinh tế của Tỉnh tiếp tục phát triển ổn định trong điều kiện lạm phát tăng cao, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 3 năm (2020-2022) đạt 7,26%/năm; quy mô nền kinh tế của Phú Thọ ngày càng được mở rộng (năm 2022 đạt 89.398 tỷ đồng, tăng 14.120 tỷ đồng so với năm 2020, đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố; năm 2023 ước đạt 96.720 tỷ đồng). Cơ cấu kinh tế của Tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tiến bộ, phù hợp với định hướng phát triển; tỷ trọng khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 18,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 41,8%; khu vực dịch vụ chiếm 39,7%; sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững tiếp tục được triển khai đồng bộ, đạt được kết quả quan trọng. Đến nay, toàn tỉnh Phú Thọ đã có 128/225 xã đạt chuẩn nông thôn mới; về đơn vị cấp huyện, huyện Lâm Thao và huyện Thanh Thủy đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; TP. Việt Trì và thị xã Phú Thọ được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; trên toàn Tỉnh, bình quân mỗi xã đạt 16 tiêu chí. Sự phục hồi và phát triển nhanh của sản xuất công nghiệp là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Tỉnh. Cơ cấu các nhóm ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (từ 24,6% vào năm 2020 lên 27% vào năm 2023).

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh nhìn chung vẫn còn thấp hơn so với mức trung bình của cả nước. Đặc biệt, tổng thu cân đối NSNN trên địa bàn năm 2023 ước đạt 8.416 tỷ đồng, Tỉnh vẫn chưa tự cân đối được thu chi ngân sách; trong đó thu từ sản xuất kinh doanh trong nước gần 8.000 tỷ đồng; thu xuất, nhập khẩu trên 460 tỷ đồng (đạt 115% dự toán). Đến nay, hầu hết các chỉ tiêu thu đạt và vượt dự toán HĐND Tỉnh giao; 13/13 đơn vị huyện, thành phố, thị xã hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN được giao, trong đó có một số đơn vị đạt cao. Tuy nhiên, do tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khó khăn, thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế; thị trường bất động sản gặp khó khăn do đó một số khoản thu chưa đạt, còn thấp so dự toán.

Chi NSNN của Tỉnh đảm bảo tính chủ động, đáp ứng đầy đủ các nhiệm vụ thường xuyên và các khoản chi phát sinh. Thực hiện quản lý chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; ưu tiên sử dụng các nguồn kinh phí chuyển nguồn, chuyển nhiệm vụ chi, tiền sử dụng đất cho đầu tư phát triển và thực hiện các chế độ chính sách cải cách tiền lương, an sinh xã hội. Tuy nhiên, vẫn nhiều hạn chế trong công tác này.

Xuất phát từ những lý do trên, bài báo tập trung phân tích, đánh giá đầy đủ thực trạng chi NSNN của tỉnh Phú Thọ và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn tới với mục tiêu tự đảm bảo cân đối thu chi ngân sách của Tỉnh.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu được thực hiện chủ yếu dựa trên phương pháp phân tích thống kê và phương pháp so sánh. Phạm vi số liệu thứ cấp thu thập trong giai đoạn 2019-2022, một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu được cập nhật đến năm 2023. Bên cạnh đó, tác giả thu thập thông tin từ các nghiên cứu của các cá nhân, tổ chức về chi ngân sách của các tỉnh/thành phố nói chung. Sử dụng các tài liệu, số liệu từ các tạp chí chuyên ngành để làm sáng tỏ các vấn đề về mặt lý luận.

THỰC TRẠNG CHI NGÂN SÁCH CỦA TỈNH PHÚ THỌ

Tổng quát thu – chi NSNN trên địa bàn tỉnh

Giai đoạn 2019-2022, Tỉnh đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu được giao, năm sau cao hơn năm trước, đảm bảo nguồn lực tài chính để hoàn thành thắng lợi các nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh (Bảng 1).

Bảng 1: Tổng hợp thu – chi ngân sách tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2019-2022

Đơn vị: Tỷ đồng

STT

Nội dung

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022*

I

THU NSNN

1

Quyết toán

8.540,3

8.657,8

9.02,09

9.189

2

Dự toán

5.046,3

6.193,0

5.926,9

5.651

3

Tỷ lệ hoàn thành (%)

169

140

152

162,6

II

CHI NSNN

1

Quyết toán (tỷ đồng)

15.680,4

17.926,2

17.845

23.067,9

2

Dự toán (tỷ đồng)

11.883,0

13.005,7

12.159,1

12.750,4

3

Tỷ lệ hoàn thành (%)

132

138

147

181

* Ghi chú: Số liệu năm 2022 là dự kiến

Nguồn: UBND tỉnh Phú Thọ, năm 2019-2022

Thực trạng chi ngân sách của tỉnh Phú Thọ

Tổng chi ngân sách địa phương (NSĐP) của Tỉnh tăng qua các năm, đặc biệt là năm 2022 (Bảng 2).

Bảng 2: Tổng chi NSĐP tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2019-2022

Đơn vị: Tỷ đồng

STT

Nội dung

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022*

TỔNG CHI NSĐP

15.680,4

17.926,2

17.845,0

23.067,9

I

Tổng chi cân đối NSĐP

13.081,7

14.934,7

13.981,9

17.339,1

1

Chi đầu tư phát triển

4.395,0

5.661,9

4.667,7

8.401,7

2

Chi thường xuyên

8.679,7

9.265,6

9.309,9

8.933,1

3

Chi trả nợ lãi các khoản do chính quyền địa phương vay

5,8

6,0

3,1

3,1

4

Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính

1,2

1,2

1,2

1,2

5

Dự phòng ngân sách

6

Chi tạo nguồn, điều chỉnh tiền lương

II

Chi các chương trình mục tiêu

1

Chi các chương trình mục tiêu quốc gia

2

Chi các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ

III

Chi chuyển nguồn sang năm sau

2.598,6

2.824,2

3.863,1

5.728,8

* Ghi chú: Số liệu năm 2022 là dự kiến

Nguồn: UBND tỉnh Phú Thọ, năm 2019-2022

Cơ cấu các khoản chi NSĐP của Tỉnh chủ yếu là chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên; giai đoạn 2019-2021 tỷ lệ chi đầu tư phát triển/chi thường xuyên giao động từ 50-60%; tuy nhiên năm 2022, tỷ lệ này đạt khoảng 95% do Tỉnh có nhiều dự án triển khai, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Nội dung chi thường xuyên chủ yếu là chi quản lý hành chính dựa trên lao động được giao; trong đó, tỷ trọng khoản chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo, chi sự nghiệp y tế tương đối cao.

Đối với chi đầu tư phát triển, Tỉnh thực hiện cơ cấu lại chi đầu tư công, cải thiện mạnh hiệu quả đầu tư công theo hướng tập trung, tránh dàn trải; đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ tại địa phương. Đồng thời, chủ động nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, chuyển phương thức quản lý đầu tư công theo kế hoạch hàng năm sang kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm…

Đối với chi thường xuyên, UBND tỉnh Phú Thọ quán triệt nguyên tắc triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, phấn đấu giảm tỷ trọng chi thường xuyên, dành nguồn tăng chi đầu tư và trả nợ. Trong đó, giảm tỷ trọng chi quản lý hành chính nhà nước chủ yếu trên cơ sở sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; giảm tỷ trọng chi giáo dục đào tạo, y tế, chủ yếu trên cơ sở đẩy mạnh cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực này gắn với việc điều chỉnh giá, phí dịch vụ sự nghiệp công. Nhờ đó, chi thường xuyên NSNN cơ bản đáp ứng được đầy đủ, kịp thời các khoản chi lương, phụ cấp và chi các chế độ an sinh xã hội cho con người; đảm bảo kinh phí khắc phục hậu quả do thiên tai, mưa lũ và đáp ứng nguồn kinh phí chi các nhiệm vụ phòng chống đại dịch Covid-19.

Một số tồn tại, hạn chế liên quan đến chi ngân sách của tỉnh Phú Thọ

Quá trình phân tích thực trạng chi ngân sách của tỉnh Phú Thọ giai đoạn vừa qua cho thấy một số tồn tại, hạn chế như sau:

Thứ nhất, việc lập dự toán dự phòng ngân sách chưa đảm bảo tỷ lệ theo quy định; còn một số tồn tại trong việc tổ chức thu tiền sử dụng đất chưa đúng quy định (chưa thực hiện trích hoặc trích chưa đủ 10% số thu tiền sử dụng đất để thực hiện công tác đo đạc, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định).

Thứ hai, kết quả giải ngân thanh toán vốn các nguồn đầu tư công (bao gồm các chương trình mục tiêu quốc gia) của các nhiệm vụ, công trình, dự án vẫn còn chậm mặc dù Chính phủ, các bộ ngành trung ương và địa phương đã có nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Thứ ba, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng theo tuyến, liên huyện, liên vùng, các dự án có liên quan thu hồi đất trồng lúa, đất trồng rừng. Đây là “điểm nghẽn lớn” trong trong thực hiện đầu tư các dự án, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Tỉnh.

Thứ tư, kỷ luật, kỷ cương đối với các đơn vị sử dụng NSNN còn chưa được quan tâm đúng mức; còn tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư sử dụng vốn NSNN vẫn còn xảy ra dẫn đến làm giảm hiệu quả sử dụng NSNN trên địa bàn Tỉnh.

Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế: (i) Nguyên nhân chủ quan: Năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước của một số địa phương còn một số yếu kém; Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và thực thi nhiệm vụ chi ngân sách của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; (ii) Nguyên nhân khách quan là do các cơ chế, chính sách của Nhà nước về chi ngân sách còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CHI NSNN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ

Trên cơ sở phân tích thực trạng, tác giả đề xuất một giải pháp tăng cường quản lý chi NSNN trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trong thời gian tới như sau:

Một là, quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả các khoản chi từ NSNN; bám sát các văn bản chỉ đạo, điều hành chi của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tỉnh ủy, HĐND Tỉnh. Quản lý chi NSNN bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, các nhiệm vụ chi chậm triển khai; chỉ bổ sung ngân sách ngoài dự toán đối với các trường hợp thật sự cần thiết và phải được sự đồng ý của thường trực cấp ủy, HĐND cùng cấp; Điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm trong phạm vi dự toán được giao; đảm bảo cân đối theo thực tế số thu và tồn quỹ ngân sách hiện có. Tích cực chủ động xây dựng phương án điều hành ngân sách đảm bảo cân đối các nhiệm vụ đã được bố trí trong dự toán trong trường hợp dự toán thu không đảm bảo. Sử dụng dự phòng, dự trữ và các nguồn lực hợp pháp để xử lý các nhiệm vụ chi cho những trường hợp bất khả kháng, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh phát sinh.

Hai là, thực hiện phân bổ chi ngân sách tập trung, tránh dàn trải, lãng phí; việc phân bổ, quản lý chi đầu tư phát triển từ ngân sách phải tuân thủ Luật Đầu tư công. Tăng cường các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công; quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn được phân bổ, nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án; kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân sang các dự án khác để thanh toán khối lượng hoàn thành; hạn chế tối đa việc chuyển nguồn, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới; Từng bước cơ cấu lại chi NSNN theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, gắn với đẩy mạnh thực hiện tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập.

Ba là, nâng cao hiệu quả công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước và có chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp chủ đầu tư vi phạm theo pháp luật hiện hành. Tiếp tục xác định việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án và giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Kịp thời, chủ động tháo gỡ ngay các vướng mắc, khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung ứng vật tư, vật liệu, tổ chức thi công và giải ngân của từng dự án. Đồng thời, kịp thời rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án đầu tư chậm tiến độ; kiên quyết thu hồi để điều chuyển, tập trung vốn cho các dự án trọng điểm, có khả năng hoàn thành.

Bốn là, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả và đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, ̣nâng cao hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập; tăng quyền tự chủ và thúc đẩy xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập. Ban hành các định mức kinh tế, kỹ thuật, làm cơ sở cho việc xác định giá dịch vụ công theo lộ trình; nâng cao chất lượng, số lượng dịch vụ công.

Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trong quản lý chi NSNN; tiếp tục thực hiện tốt Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính – NSNN; tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực. Xử lý nghiêm các vi phạm trong đấu thầu, mua sắm tài sản công, quản lý, sử dụng tài sản, NSNN.

Sáu là, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm, tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong công tác quản lý thu, chi và sử dụng NSNN tại cơ quan, đơn vị./.

ThS. Lê Quang Hưng – Trường Đại học Hùng Vương

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 34, tháng 12/2023


Tài liệu tham khảo

1. Chính phủ (2016), Nghị định số 163/2016/NĐCP, ngày 21/12/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật NSNN.

2. Hà Thị Phương Thảo (2022), Đảm bảo chi NSNN tiết kiệm, hiệu quả trong bối cảnh mới, Tạp chí Tài chính, kỳ 1, tháng 9/2022.

3. Hoàng Xuân Nam, Lê Bảo Khánh (2021), Một số khuyến nghị về cải cách quản lý chi NSNN tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính, kỳ 2, tháng 10/2021.

4. Ngô Doãn Vịnh, Nguyễn Ngô Việt Hoàng (2021), Thu – chi NSNN ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Hùng Vương, 22(1).

5. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2015), Luật Ngân sách nhà nước, số 83/2015/QH13, ngày 25/6/2015.

6. UBND tỉnh Phú Thọ (2019-2022), Báo cáo tình hình thu – chi ngân sách trên địa bàn tỉnh các năm, từ năm 2019 đến năm 2022.

7. UBND tỉnh Phú Thọ (2023), Báo cáo kết quả thực hiện nửa nhiệm kỳ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.