ThS. Nguyễn Thị Thanh

Khoa Kỹ thuật Cơ – Điện và Máy tính, Trường Đại học Văn Lang

69/68 Đặng Thùy Trâm, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh

Email: thanh.nguyen@vlu.edu.vn

Tóm tắt

Trong bối cảnh công nghệ phát triển vượt bậc, ChatGPT đã trở thành một công cụ hữu ích trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả giáo dục đại học (GDĐH). Bài viết khám phá thực tiễn ứng dụng ChatGPT tại các trường đại học ở Việt Nam hiện nay, cũng như chỉ ra các cơ hội và thách thức mà công cụ này mang lại. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ChatGPT trong dạy và học tại các trường đại học thời gian tới.

Từ khóa: ChatGPT, OpenAI, Artificial Intelligence (AI), Giáo dục đại học, Thách thức

Summary

In rapid technological development, ChatGPT has become a helpful tool in many fields, including higher education (HE). This article explores the practical application of ChatGPT at universities in Vietnam today and points out the opportunities and challenges that this tool brings. On that basis, the authors propose several solutions to improve the effectiveness of using ChatGPT in teaching and learning at universities in the coming time.

Keywords: ChatGPT, OpenAI, Artificial Intelligence (AI), Higher Education, Challenges

GIỚI THIỆU

Chat GPT xuất hiện vào cuối năm 2022 và nhanh chóng được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới vào đầu năm 2023. Đến nay ChatGPT đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, như: luật, y tế, kinh tế, phát triển phần mềm, truyền thông và giáo dục. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, ChatGPT hứa hẹn sẽ tiếp tục mang lại những trải nghiệm mới trong học tập và giảng dạy. Trong bối cảnh này, nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đã được thực hiện để khám phá tiềm năng và thách thức của việc sử dụng ChatGPT trên các lĩnh vực. Tại Việt Nam, mặc dù đã có một số nghiên cứu bước đầu về ứng dụng ChatGPT trong giáo dục, nhưng các thách thức cụ thể vẫn chưa được làm rõ đầy đủ và toàn diện. Do đó, việc nghiên cứu để nhận diện các khó khăn và thuận lợi trong ứng dụng công cụ mới mẻ này vào giáo dục đại học tại Việt Nam là rất cần thiết để có các hiệu quả tích hợp công nghệ AI và ChatGPT ứng dụng vào môi trường giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập tại Việt Nam.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

ChatGPT là một mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến tạo ra văn bản sử dụng các công nghệ, như: Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing – NLP); Học máy (Machine Learning – ML) và Học sâu (Deep Learning – DL). Công nghệ AI tạo sinh này sử dụng các tập dữ liệu huấn luyện khổng lồ về nhiều lĩnh vực khác nhau để cung cấp các phản hồi theo ngữ cảnh và tạo ra văn bản mạch lạc, phù hợp với ngữ cảnh và giống con người (Sudarshan Somanathan, 2024). Minh họa như Hình 1.

Hình 1: Minh họa ứng dụng trò chuyện với ChatGPT-4

Những thách thức trong ứng dụng ChatGPT vào giáo dục đại học tại Việt Nam hiện nay
Nguồn: Thực hiện bởi của tác giả

ChatGPT sử dụng phương pháp học lặp lại để cải thiện chất lượng phản hồi trong nhiều tình huống khác nhau. Do đó, ChatGPT có thể thực hiện nhiều chức năng khác nhau, như: trả lời câu hỏi, sáng tác, trò chuyện, thực hiện tính toán và có thể đọc một tài liệu dài 50 trang để viết tóm tắt thành 10 câu. ChatGPT được phát triển tại một phòng thí nghiệm nghiên cứu chuyên phát triển trí tuệ nhân tạo của OpenAI. Open AI được thành lập như một tổ chức phi lợi nhuận vào năm 2015 bởi Sam Altman, Elon Musk, Ilya Sutskever, Greg Brockman cùng với nhiều chuyên gia khác.

Phương pháp nghiên cứu

Bài báo sử dụng phương pháp tổng hợp, thu thập và phân tích thông tin, số liệu. Các thông tin và số liệu sử dụng cho nghiên cứu được tác giả thu thập và tổng hợp từ các kênh tin tức, bài đăng trên tạp chí và các bài báo đã xuất bản.

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH ỨNG DỤNG SỐ TẠI VIỆT NAM

Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh về công nghệ thông tin. Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, tính đến đầu năm 2024, có 78,44 triệu người sử dụng internet tại Việt Nam, chiếm tỷ lệ 79,1% dân số tiếp cận internet, có 72,70 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương với 73,3% tổng dân số (Hình 2).

Hình 2: Tình hình sử dụng và tiếp nhận công nghệ số tại Việt Nam tính đến tháng 1/2024

Những thách thức trong ứng dụng ChatGPT vào giáo dục đại học tại Việt Nam hiện nay
Nguồn: VECOM, 2024

Đặc biệt, sự xuất hiện của công nghệ AI đã dẫn tới những thay đổi mạnh mẽ trong các lĩnh vực giải trí, truyền thông và giáo dục. Từ các ứng dụng, như: Zalo, Facebook, Youtube, Tiktok… mỗi khi ra mắt đã trở thành những cuộc “bùng nổ” về công nghệ, thì ChatGPT, một mô hình xử lý ngôn ngữ tiên tiến của OpenAI nổi lên vào đầu năm 2023 đã trở thành một chủ đề nóng trên toàn cầu và tại Việt Nam trong các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Theo SimilarWeb, ước tính có gần 1,8 tỷ lượt truy cập website ChatGPT trong tháng 4/2023, tăng mạnh đến 180% so với tháng 02/2023 và gấp 7 lần số lượng người truy cập hồi tháng 12 năm trước (Thảo Nguyên, 2023). Đến nay, ChatGPT đã trở thành công cụ hữu ích, được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trong giáo dục đại học, ChatGPT đã hỗ trợ cho cả sinh viên và giáo viên trong việc học tập, giảng dạy và nghiên cứu.

ỨNG DỤNG CHATGPT TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Để sử dụng ChatGPT một cách hiệu quả, các trường đại học ở Việt Nam đã tích cực tổ chức hàng loạt các hội thảo, tọa đàm, giao lưu nhằm đem đến cái nhìn tổng thể và đa chiều về công nghệ ChatGP, cũng như nâng cao kỹ năng sử dụng công cụ này. Một số sự kiện điển hình, như: khóa học dành cho sinh viên “Ứng dụng ChatGPT trong nghiên cứu khoa học, học tập và định hướng việc làm” của Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn tổ chức, hội thảo về ChatGPT trong lĩnh vực tài chính “Alternative Data and AI in Finance: Is ChatGPT Overhyped?” của khoa Tài Chính, Đại học UEH tổ chức, tọa đàm thảo luận về sự kết hợp giữa hai công cụ AI với chủ đề “Cheat Prompt AI And ChatGPT” của Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế tổ chức… và nhiều sự kiện về ChatGPT của các trường đại học tại Việt Nam diễn ra từ năm 2023 đến nay, đã giúp sinh viên và giảng viên hiểu rõ hơn về ứng dụng của ChatGPT trong nhiều lĩnh vực khác nhau, cung cấp những góc nhìn mới trong công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Các hội thảo còn hướng dẫn những kỹ thuật đặt câu hỏi sao cho phù hợp khi sử dụng ChatGPT nói riêng và các mô hình Chatbot nói chung, cách kết hợp ChatGPT với các công nghệ khác để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.

ChatGPT có thể làm được mọi công việc của người dạy và người học ở mọi cấp học, đặc biệt hỗ trợ hiệu quả ở cấp độ đại học. Sự phát triển của ChatGPT đã mở ra nhiều cơ hội mới cho giáo dục đại học tại Việt Nam. Giảng viên và sinh viên có thể sử dụng ChatGPT như một công cụ để đổi mới và phát triển giáo dục, khuyến khích tư duy sáng tạo và ứng dụng thực tiễn, giúp sinh viên và giảng viên tận dụng tối đa tiềm năng của trí tuệ nhân tạo trong học tập và nghiên cứu.

Hỗ trợ sinh viên ứng dụng trong học tập

Sinh viên có thể dùng ChatGPT để giải đáp các thắc mắc như một trợ giảng ảo, tương tác với sinh viên trong các bài giảng, bài tập, trả lời các câu hỏi về tài liệu học tập và các vấn đề liên quan khác. Từ những câu hỏi về các khái niệm cơ bản cho đến các yêu cầu giải quyết các bài tập phức tạp hơn. Cụ thể, sinh viên sử dụng ChatGPT để phục vụ cho các mục đích sau: (1) Tra cứu thông tin, tài liệu liên quan đến các chủ đề học tập và nghiên cứu; (2) Giải thích các thuật ngữ chuyên ngành; (3) Giải bài tập; (4) Hỗ trợ lập trình (coding); (5) Sửa lỗi lập trình (fix bug); (6) Tham khảo đề thi thử; (7) Luyện tập các câu hỏi trắc nghiệm; (8) Hỗ trợ viết báo cáo đồ án môn học và khóa luận; (8) Soạn thảo email; (9) Soạn thảo hồ sơ xin việc – CV; (10) Dịch thuật; (11) Học ngoại ngữ; (12) Phục vụ giải trí, như: chuyện trò, viết thư, làm thơ, sáng tác nhạc, viết truyện ngắn…

Để nắm bắt thực tiễn ứng dụng ChatGPT của sinh viên trong học tập, nhóm nghiên cứu Đặng Văn Em và cộng sự (2024) đã thực hiện một khảo sát về việc nhận thức và đánh giá ChatGPT của sinh viên thực hiện tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh với 5 câu hỏi: (1) Bạn sẽ sử dụng ChatGPT như một công cụ học tập và nghiên cứu hàng ngày?; (2) Bạn sẽ sử dụng ChatGPT như một công cụ học tập và nghiên cứu chỉ khi cần thiết?; (3) Bạn có nghĩ rằng ChatGPT có thể hữu ích trong việc trả lời các câu hỏi và cung cấp thông tin không?; (4) Bạn có tin tưởng khả năng cung cấp thông tin chính xác và đáng tin cậy của ChatGPT không?; (5) Bạn có thấy hiệu quả của ChatGPT trong học tập và nghiên cứu của bạn? Kết quả được sinh viên đánh giá ở mức đáp ứng tốt, trong đó, nội dung “(2) Sinh viên sẽ sử dụng ChatGPT như một công cụ học tập và nghiên cứu chỉ khi cần thiết” được đánh giá ở mức độ đáp ứng cao nhất (Điểm trung bình = 3,75) và nội dung “(4) Sinh viên có tin tưởng khả năng cung cấp thông tin chính xác và đáng tin cậy của ChatGPT không?” được đánh giá ở mức thấp nhất (Điểm trung bình = 3,21). Điều này cho thấy rằng, sinh viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chỉ sử dụng ChatGPT khi cần thiết, không thường xuyên, sinh viên vẫn chưa tin tưởng vào khả năng cung cấp thông tin chính xác và đáng tin cậy của ChatGPT.

Theo ông Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ CMC, ở thời điểm hiện tại, chỉ nên coi ChatGPT như một tài nguyên tham khảo với mục đích học tập hoặc tìm kiếm thông tin, chứ không nên coi đây là một nguồn tin tuyệt đối để đưa ra các quyết định quan trọng. Lý do là vì, bản chất ChatGPT không phải là một cơ sở dữ liệu tri thức và không có khả năng suy diễn. Đơn thuần ChatGPT chỉ đoán từ tiếp theo dựa trên số lượng các liên kết giữa các từ đã có sẵn trong cơ sở dữ liệu được đem đi huấn luyện cho nó mà thôi (CMC University, 2023).

Hình 3: Sinh viên học lập trình với ChatGPT phiên bản 4o

Những thách thức trong ứng dụng ChatGPT vào giáo dục đại học tại Việt Nam hiện nay
Nguồn: Tổng hợp của tác giả

Hỗ trợ giảng viên trong công tác giảng dạy

Giảng viên đại học có thể tận dụng ChatGPT như một công cụ đắc lực trong việc tạo slide bài giảng bằng cách xác định các nội dung trọng tâm, khai thác sâu các nội dung cần thiết theo ý đồ sư phạm của giảng viên. Công cụ này còn giúp kết nối các nội dung trong bài giảng với các môn học khác có liên quan, hỗ trợ giảng dạy theo phương pháp tích hợp liên môn một cách hiệu quả.

Việc sử dụng ChatGPT để biên soạn đề cương môn học, thiết kế các bài kiểm tra và đánh giá, tạo câu hỏi trắc nghiệm, câu hỏi tự luận, bài tập thực hành cũng như lập phiếu khảo sát sinh viên… giúp giảng viên tiết kiệm thời gian, giảm bớt áp lực công việc, đảm bảo sự đa dạng trong việc đánh giá kiến thức của sinh viên. ChatGPT có thể soạn thảo các bản nháp đầu tiên cho các công việc liên quan. Sau đó, giảng viên chỉ cần hoàn thiện những bản nháp này. Bên cạnh đó, sử dụng ChatGPT, bài giảng, bài tập, câu hỏi… có thể được soạn theo nhiều dạng khác nhau, từ ngắn gọn đến chi tiết, với các hình thức văn bản khác nhau phù hợp với mục tiêu học tập và phương pháp giảng dạy của giảng viên.

Hỗ trợ nghiên cứu khoa học

Trong nghiên cứu khoa học, ChatGPT hiện nay đóng một vai trò quan trọng, được sử dụng như một trợ lý ảo, hỗ trợ giảng viên và sinh viên nghiên cứu với nhiều ưu điểm do có khả năng xử lý lượng lớn dữ liệu văn bản và trích xuất thông tin, từ đó, giúp tiết kiệm thời gian hơn so với việc tìm kiếm thủ công. Hơn thế nữa, ChatGPT có thể khái quát tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan của các tác giả trong và ngoài nước. Nhờ đó, người nghiên cứu có thể dễ dàng tổng hợp tài liệu, so sánh các phương pháp, kết quả nghiên cứu của các tác giả khác nhau, từ đó, đưa ra các phân tích cụ thể hơn cho các bài nghiên cứu. Dựa trên tổng quan các nghiên cứu hiện có, ChatGPT có thể đề xuất các hướng nghiên cứu mới giúp cho việc định hướng nghiên cứu một cách hiệu quả hơn.

MỘT SỐ THÁCH THỨC

Là một trong những chủ đề nóng nhất hiện nay, ChatGPT không chỉ mở ra cơ hội cho nhiều lĩnh vực với những tiềm năng và lợi ích vượt trội, việc triển khai và ứng dụng công cụ này cũng đối mặt với không ít thách thức lớn, cụ thể như sau:

ChatGPT ảnh hưởng đến người học

Là một mô hình xử lý ngôn ngữ tự nhiên có khả năng hiểu và tạo ra văn bản dựa trên ngữ cảnh của các câu hỏi và yêu cầu từ người dùng, ChatGPT có khả năng duy trì ngữ cảnh của cuộc trò chuyện qua nhiều lượt tương tác. Nhờ đó, nó có thể đưa ra các câu trả lời mới mẻ và sáng tạo nhưng không sao chép trực tiếp từ các nguồn tài liệu có sẵn. Cách đặt câu hỏi khác nhau, thì câu trả lời cũng khác nhau về nội dung, cũng như cách diễn đạt. Do đó, mỗi sinh viên có thể nhờ ChatGPT làm hộ các bài làm hoàn toàn khác nhau, mà giáo viên không thể phát hiện được sự trùng lắp trong bài làm của sinh viên.

Một cuộc khảo sát gần đây với 1.000 sinh viên đại học do tạp chí Intelligent thực hiện cho thấy, gần 60% sinh viên đã sử dụng chatbot trên hơn một nửa số bài tập của họ và 30% trong số họ đã sử dụng ChatGPT để hỗ trợ các bài viết luận. Sinh viên có thể trở nên quá phụ thuộc vào công nghệ để tìm câu trả lời thay vì tự mình tìm hiểu và nghiên cứu (Trần Đình Tuấn, 2023). Điều này có thể làm giảm khả năng tự học và hạn chế tư duy sáng tạo của sinh viên. Sự tiện lợi của ChatGPT cũng có thể dẫn đến việc lạm dụng trong học tập, ảnh hưởng đến tính trung thực và đạo đức học đường.

Bên cạnh đó, một vấn đề đáng lo ngại đặt ra là liệu những kiến thức mà ChatGPT trả lời có đảm bảo độ tin cậy hay không. ChatGPT được huấn luyện trên một lượng lớn dữ liệu văn bản từ nhiều nguồn khác nhau trên internet, trong đó, có cả các nguồn thông tin chưa được kiểm chứng. Mặc dù điều này giúp mô hình có một vốn từ vựng phong phú và hiểu biết rộng, nhưng nó cũng có thể bao gồm thông tin không chính xác hoặc đã lỗi thời. Theo công bố của OpenAI là tổ chức sáng lập ra công cụ này, ChatGPT-4-turbo là phiên bản mới nhất hiện nay, có ngưỡng kiến ​​thức được cập nhật đến tháng 4/2023 (OpenAI). Điều này có nghĩa là các thay đổi hoặc sự kiện mới sau thời điểm này có thể không được mô hình biết đến hoặc phản ánh thiếu chính xác trong các câu trả lời của nó. Các nội dung mà ChatGPT tạo ra được nhờ vào lượng tri thức và dữ liệu khổng lồ mà nó sở hữu. Không ai có thể thể kiểm chứng được độ xác thực của những thông tin mà ChatGPT tạo ra. Bởi nó chỉ phỏng đoán các chữ xuất hiện tiếp theo trong một câu thuộc một văn bản bất kỳ.

Liệu vai trò của người dạy có bị thay thế?

Theo PGS.TS Tạ Hải Tùng, chúng ta không nên kỳ vọng hay lo lắng ChatGPT sẽ có thể thay thế con người, bởi ứng dụng này chỉ có thể tổng hợp thông tin, nhưng lại không có tư duy phản biện. Do đó, đây sẽ chỉ là công cụ giúp ngành giáo dục tốt hơn mỗi ngày (Nguyễn Trang, 2023). Với công cụ ChatGPT, sinh viên có thể không cần nghe giảng mà vẫn giải quyết được các yêu cầu của giáo viên rất nhanh chóng ngay tại lớp, cũng như bài tập về nhà. Như vậy, giáo viên đang đối mặt với thách thức phải thay đổi phương pháp giảng dạy để thích ứng với sự phát triển của công nghệ như ChatGPT. Thay vì chỉ tập trung vào việc truyền tải quá nhiều kiến thức, giáo viên cần tập trung rèn luyện cho sinh viên những kỹ năng, mà công nghệ khó có thể thay thế được, như: kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề…

Giáo viên là người truyền cảm hứng và tạo hứng thú cho người học. Chỉ có những người có kinh nghiệm giảng dạy, thì mới truyền tải kiến thức một cách hiệu quả, đưa ra những kiến thức gợi mở, những đột phá trong lĩnh vực chuyên sâu, kích thích trí tưởng tượng và tư duy khoa học của sinh viên. Điều này một lần nữa cho thấy, vai trò của giáo viên trong giảng dạy, đặc biệt là các vấn đề đòi hỏi tư duy, suy luận, kết hợp nhiều kiến thức chuyên môn là rất cần thiết và không thể thay thế. Vì vậy, nhiệm vụ của người thầy ở các giai đoạn khác nhau của lịch sử cần có những thay đổi để phù hợp. Nếu giáo viên vẫn tiếp tục giảng dạy theo cách dạy truyền thống, thì ChatGPT có thể nhanh chóng thay thế. Đây là một thách thức lớn đối với giáo viên, đòi hỏi họ phải đổi mới và đa dạng phương pháp giảng dạy.

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP

ChatGPT đã mang lại nhiều cơ hội mới cho giáo dục, nhưng cũng đặt ra những thách thức cần được giải quyết. Để tối ưu hóa việc sử dụng ChatGPT trong giáo dục, người học không nên quá lạm dụng việc sử dụng công cụ này, người dạy cần kết hợp hài hòa giữa công nghệ mới và phương pháp giảng dạy truyền thống. Cả người học và người dạy chỉ nên sử dụng ChatGPT như một công cụ hỗ trợ để tổng hợp thông tin và gợi ý, không nên hoàn toàn dựa vào nó cho các quyết định quan trọng.

Học cách để thích ứng và sống chung với công nghệ

Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định về việc cấm sinh viên sử dụng ChatGPT để phục vụ cho việc học tập, như: viết bài tiểu luận, lập trình… Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá mức vào công cụ này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, như: tạo ra thói quen ỷ lại, lười phân tích, làm giảm đi khả năng sáng tạo, tạo thói quen xấu trong tư duy.

Cuộc cách mạng công nghệ và sự ra đời của các sản phẩm AI như ChatGPT không nhằm làm ngưng trệ chất xám của con người, mà chính là để phục vụ và nâng cao cuộc sống. Con người luôn là trung tâm, là “người điều khiển” công nghệ và nhiệm vụ của chúng ta là học cách thích ứng và sống chung với công nghệ, sử dụng và phát huy nó một cách tối ưu. Để thích ứng tốt, sinh viên thế hệ “ChatGPT” cần học cách sử dụng các công cụ AI một cách thành thạo để hỗ trợ cho công việc và học tập. Đồng thời, cập nhật liên tục các xu hướng công nghệ mới và cách mà chúng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc. Sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ trong quá trình giải quyết vấn đề, nhưng vẫn giữ vai trò chủ động và sáng tạo của con người.

Tăng độ tin cậy của thông tin

Như đã đề cập ở trên, không phải bất kỳ thông tin nào ChatGPT cung cấp đều chính xác. Do đó, sinh viên cần phải biết chọn lọc thông tin và xác thực từ nhiều nguồn khác nhau trước khi đưa vào sử dụng. Một là, kiểm tra kết quả ngay nếu có thể, ví dụ về đoạn code do ChatGPT viết, thì các lập trình viên có thể cho thực thi đoạn code này để kiểm tra tính chính xác của nó. Hai là, luôn kiểm tra chéo các thông tin quan trọng từ ChatGPT với các nguồn tài liệu đáng tin cậy khác, như: sách, bài báo khoa học hoặc trang web uy tín. Ba là, không tương tác chỉ một lần mà hỏi lại một câu hỏi nhiều lần theo nhiều cách khác nhau nhằm xem xét tính nhất quán trong các câu trả lời của ChatGPT. Những phần nào chưa rõ, thì hãy tiếp tục trao đổi để khám phá vấn đề, chứ không nên hỏi một lần và sử dụng kết quả ngay. Bốn là, thu hẹp và tăng cường yêu cầu của bạn, chẳng hạn như thay vì yêu cầu ChatGPT hoàn thành một dự án lớn, thì hãy phân tích dự án lớn thành các phần nhỏ hơn, sau đó yêu cầu ChatGPT hoàn thành từng phần nhỏ, thì nó sẽ thực hiện tốt hơn. Năm là, người sử dụng ChatGPT nên trau dồi kiến thức chuyên môn sâu hơn để nâng cao khả năng đánh giá độ tin cậy của thông tin mà ChatGPT trả về. So với việc ngồi chọn lọc thông tin từ hàng loạt kết quả tìm kiếm trên Google, ChatGPT giúp rút ngắn thời gian tổng hợp tài liệu rất nhiều. Tuy nhiên, nếu một người không đủ kiến thức về lĩnh vực họ đang quan tâm, sẽ dẫn đến cách đặt câu hỏi thiếu hiệu quả, hoặc không có khả năng đánh giá độ chính xác của câu trả lời.

Đổi mới phương pháp dạy và học

Đây là giải pháp rất cấp bách trong việc thay đổi cách học truyền thống và áp dụng công nghệ AI vào quá trình giáo dục. Việc chỉ đơn giản sử dụng ChatGPT để thay thế cho quá trình học truyền thống không phải là cách tiếp cận hiệu quả. Người thầy cần định hướng cụ thể, hướng dẫn sinh viên sử dụng ChatGPT vào bài học như thế nào. Chẳng hạn, hướng dẫn sinh viên nên đặt câu hỏi gì cho bài học nào, nhằm đạt mục tiêu gì, hoặc đưa ra các bài tập cụ thể để sinh viên dùng ChatGPT như một công cụ bổ trợ. Không nên chỉ đơn thuần kêu gọi sinh viên sử dụng ChatGPT thiếu định hướng. Để tránh tình trạng sinh viên nhờ ChatGPT “học hộ, thi hộ”, giáo viên phải thay đổi cách kiểm tra đánh giá. Đối với dạng bài tập về nhà, cần ra ở dạng nâng cao hơn, đòi hỏi khả năng hiểu sâu, suy luận, phân tích, sáng tạo nhiều hơn mới giải quyết được. Tăng cường hình thức kiểm tra vấn đáp để đánh giá sự hiểu bài của sinh viên thông qua sản phẩm sinh viên đã hoàn thành.

Tóm lại, sinh viên có thể dùng ChatGPT như một kênh để tổng hợp kiến thức cơ bản và tham khảo tốt. Không nên tạo ra những bức tường lửa để ngăn cản sinh viên sử dụng ChatGPT. Cần phải chuyển đổi và thích ứng theo xu thế phát triển của công nghệ, để vừa khai thác thế mạnh của công nghệ, vừa thích ứng và làm chủ công nghệ./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. CMC University (2023), ChatGPT và cách ứng dụng hiệu quả đối với sinh viên, truy cập từ https://cmc-u.edu.vn/chatgpt-va-cach-ung-dung-hieu-qua-doi-voi-sinh-vien-truong-dai-hoc-cmc/

2. David Baidoo-Anu, Leticia Owusu Ansah (2023), Education in the Era of Generative Artificial Intelligence (AI): Understanding the Potential Benefits of ChatGPT in Promoting Teaching and Learning, retrieved from https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=4337484.

3. David Mhlanga (2023), Open AI in Education, the Responsible and Ethical Use of ChatGPT Towards Lifelong Learning, retrieved from https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=4354422.

4. Đặng Văn Em, Nguyễn Đình Loan Phương, Nguyễn Thị Hảo (2024), Thực trạng ứng dụng ChatGPT trong việc học tập, nghiên cứu của sinh viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, truy cập từ https://tcgd.tapchigiaoduc.edu.vn/index.php/tapchi/article/view/1212.

5. Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam – VECOM (2024), Những con số về Digital tại Việt Nam 2024 mà bạn phải biết, truy cập từ https://vecom.vn/nhung-con-so-ve-digital-tai-viet-nam-2024-ma-ban-phai-biet

6. Nguyễn Trang (2023), Cấm sinh viên dùng ChatGPT để viết bài luận là quá bảo thủ, truy cập từ https://vov.vn/xa-hoi/cam-sinh-vien-dung-chatgpt-de-viet-bai-luan-la-qua-bao-thu-post1001525.vov.

7. OpenAI, GPT-4 Turbo in the OpenAI API, retrieved from https://help.openai.com/en/articles/8555510-gpt-4-turbo-in-the-openai-api.

8. Phan Trọng Tiến, Nguyễn Đức Vượng (2023), Ứng dụng ChatGPT trong giảng dạy, nghiên cứu và quản lý ở bậc đại học, truy cập từ https://doi.org/10.51453/2354-1431/2023/974.

9. Sudarshan Somanathan (2024), ChatGPT Statistics That Decode The Technological Marvel’s Evolution, retrieved from https://clickup.com/blog/chatgpt-statistics/#0-what-is-chatgpt-.

10. Thái Thị Cẩm Trang (2023), Thái độ và kỳ vọng của sinh viên sư phạm tiếng Anh đối với ChatGPT: nghiên cứu tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, truy cập từ https://tcgd.tapchigiaoduc.edu.vn/index.php/tapchi/article/view/767.

11. Thảo Nguyên (2023), ChatGPT và 5 con số đáng chú ý, truy cập từ https://www.brandsvietnam.com/congdong/topic/332262-ChatGPT-va-5-con-so-dang-chu-y.

12. Trần Đình Tuấn (2023), Tác động của mạng xã hội, ChatGPT đến học sinh, sinh viên và giải pháp thích ứng của giáo dục, truy cập từ https://tapchigiaochuc.com.vn/tac-dong-cua-mang-xa-hoi-chatgpt-den-hoc-sinh-sinh-vien-va-giai-phap-thich-ung-cua-giao-duc.html.

Ngày nhận bài: 20/6/2024; Ngày phản biện: 31/7/2024; Ngày duyệt đăng: 5/8/2025