Lễ Thất tịch là một lễ hội dân gian của người Trung Quốc rơi vào ngày 7/7 Âm lịch. Ngày 7/7 xuất hiện đầu tiên trong một cuốn sách cổ tên “Thôi tứ nhân” của Thôi Thì – một học giả thời Đông Hán. Ngày Thất tịch còn tên gọi khác như Khất xảo tiết (lễ hội thể hiện tài năng), Thất thư đản (sinh nhật cô em thứ bảy), Xảo tịch (đêm kỹ năng).
Lễ Thất tịch ban đầu có nguồn gốc từ tục thờ sao cổ xưa, sau đó bắt nguồn từ câu chuyện tình yêu giữa chàng trai chăn trâu và cô gái thợ dệt. Ngày Thất tịch diễn ra vào 7/7 Âm lịch là một lễ hội bắt nguồn từ việc người xưa tôn thờ các con số và thời gian. Người xưa cho rằng, ngày 1 tháng Giêng, 2/2, 3/3, 5/5, 6/6, 7/7 và 9/9 Âm lịch được coi là những ngày tốt lành.
Ngày 20/5/2006, lễ Thất tịch được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên. Năm 2008, phong tục Tết Tề Kiều ở Tây Hà, Cam Túc được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đợt thứ 2. Năm 2011, phong tục lễ Thất tịch của Trung Quốc ở Thiên Hà, Quảng Đông, Ôn Lĩnh, Chiết Giang được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đợt thứ 3. Năm 2014, phong tục Lễ hội Thất tịch Vân Tây được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đợt thứ 4.
Trong đêm lãng mạn này, các cô gái đặt trái cây và quả theo mùa lên bàn trước vầng trăng sáng, tôn thờ bầu trời và cầu xin nữ thần trên bầu trời ban cho họ trái tim thông minh và đôi bàn tay khéo léo để họ có thể trở nên thành thạo trong việc may vá, thậm chí cầu xin một sự kết hợp hoàn hảo giữa tình yêu và hôn nhân. Trước đây, hôn nhân là sự kiện cả đời của phụ nữ, quyết định họ có hạnh phúc hay không. Vì vậy, vô số trai gái sẽ dành buổi tối này, trong màn đêm tĩnh lặng, cầu nguyện với các vì sao để được hạnh phúc.
Dưới đây là một số phong tục người Trung Quốc thường làm trong ngày Thất tịch.
Dựng cầu hương
Ở Nghi Hưng, Giang Tô, có phong tục tổ chức tiệc Tương Kiều Thất tịch. Mỗi dịp Thất tịch, người ta thường đến đây “xây” cây cầu hương. Cây cầu này dài 4 đến 5m, rộng khoảng nửa mét được làm bằng nhiều loại nhang dày và dài (que nhang bọc trong giấy). Vào đêm Thất tịch, người ta cúng sao Song Tử, cầu may mắn rồi đốt cầu hương, tượng trưng cho việc sao Song Tử đã vượt qua cầu hương và nhận được hạnh phúc. Cây cầu hương này có nguồn gốc từ cây cầu Ô Thước trong truyện cổ tích Ngưu Lang Chức Nữ.
Bắt sương
Ở các vùng nông thôn Chiết Giang, phong tục dùng chậu để hứng sương rất phổ biến. Người ta nói rằng sương trong ngày 7/7 Âm lịch là nước mắt của Ngưu Lang và Chức Nữ khi gặp nhau. Nếu bôi lên mắt và tay, nó có thể làm cho mắt sáng hơn và khéo léo hơn.
Phơi sách
Cổ nhân xưa thường phơi sách trong ngày Thất tịch. Cũng giống như những ngày có linh khí tốt như hái thảo dược vào ngày 5/5 Âm lịch, ngày 7/7 Âm lịch xưa kia cũng được các học giả mang sách ra phơi để tránh mối mọt.
Thờ Thất tỉ
Hội Tần nương vào ngày 7/7 thường được gọi là “thờ Thất tỉ” ở Quảng Đông và Phúc Kiến. Người Quảng Đông rất chú trọng Thất tịch, đèn sáng cho đến trước bình minh. Vào lễ Thất tịch, các cô gái chuẩn bị trước các loại đồ chơi lạ mắt. Họ dùng cỏ, giấy màu, hạt vừng, hạt gạo,… để làm các loại hoa, trái cây, đồ dùng, mô hình,… Ngâm lúa, đậu xanh cho nảy mầm, sau đó dùng để cúng thần. Hoặc họ làm bàn hương đầy hoa, trái cây, quần áo hoa nhỏ làm bằng giấy, nhu yếu phẩm hàng ngày, đồ thêu,… toàn những thứ rực rỡ. Sau ngày Thất tịch, các cô gái tặng nhau những món đồ thủ công và đồ chơi nhỏ do chính họ làm để thể hiện tình bạn.
Ở Phúc Kiến, trong ngày Thất tịch, các cô gái được yêu cầu nếm thử trái cây để cầu nguyện cho một vụ mùa bội thu trong năm tới. Lễ vật bao gồm trà, rượu, trái cây tươi, ngũ cốc (nhãn, táo đỏ, quả phỉ, lạc, hạt dưa), hoa và một lư hương. Thông thường sau khi nhịn ăn tắm rửa, mọi người lần lượt đến thắp hương cúng bái trước bàn thờ và thầm cầu nguyện cho những điều mình mong muốn. Phụ nữ không chỉ cầu xin sự may mắn mà còn cầu xin con cái, trường thọ, sắc đẹp và tình yêu. Sau đó, mọi người ăn trái cây, uống trà và trò chuyện, chơi trò chơi.
Hồng đậu sam thủ xuyến
Hồng đậu sam thủ xuyến chính là vòng hạt hồng đậu. Những người yêu nhau, trong ngày Thất tịch thường lấy hạt hồng đậu xâu thành vòng để tặng người yêu. Hồng đậu là đậu của vùng Giang – Hoài hình trái tim, cứng như gỗ nghiến, màu đỏ tươi thuần khiết không bao giờ phai nhạt, nên tượng trưng cho tình yêu son sắt, bền lâu.
Thi xâu kim
Xâu kim cũng là một kỹ năng tranh tài được thể hiện trong ngày Thất tịch. Phụ nữ thi nhau xâu kim, họ buộc những sợi chỉ nhiều màu sắc và xâu chuỗi kim bảy lỗ càng nhanh càng tốt. Người nào thua phải tặng quà đã chuẩn bị trước cho người thắng.
Kỹ năng may vá là một trong những tài năng thể hiện đủ Tứ đức của người phụ nữ thời xưa ở Trung Quốc, và đương nhiên, những phụ nữ ở tầng lớp thượng lưu vẫn giữ được kỹ năng này.
Theo trang thông tin của Chính quyền nhân dân thành phố Hợp Sơn (Trung Quốc), hoạt động cầu may ở Tế Nam, Sơn Đông rất đơn giản. Họ chỉ trưng bày trái cây và dưa để cầu xin sự thông minh.
Phong tục ăn xảo quả, bánh chẻo cũng rất thú vị: Bảy cô gái làm bánh bao, rồi gói một đồng xu, một cây kim và một quả táo đỏ thành ba chiếc bánh bao, sau hoạt động cúng bái, họ tụ tập nhau ăn bánh bao. Người ta nói rằng ai ăn tiền sẽ được phúc, ai ăn kim sẽ tài giỏi, còn ai ăn táo đỏ sẽ có nhân duyên tốt đẹp.
Tổ chức sinh nhật cho trâu
Trẻ em sẽ hái những bông hoa dại và treo chúng lên sừng những con trâu vào Thất tịch hay còn gọi là “Chúc mừng sinh nhật con trâu” hoặc “Ngưu thanh sinh”.
Ở Hàng Châu, Ninh Ba, Ôn Châu và những nơi khác, vào ngày này, bột mì được dùng để tạo thành nhiều hình dạng nhỏ khác nhau, chiên trong dầu và gọi là “xảo quả”. Củ sen trắng, củ ấu cũng được bày trong sân vào đêm Thất tịch. Các cô gái xỏ kim dưới ánh trăng để cầu xin sự khéo léo. Nhiều người còn bắt một con nhện và bỏ vào hộp, nếu ngày hôm sau mở hộp ra, mạng nhện được giăng thì coi như lời cầu xin được đáp ứng.
Để bày tỏ mong muốn của mọi người rằng Ngưu Lang và Chức Nữ có thể sống một cuộc sống gia đình tươi đẹp và hạnh phúc mỗi ngày, ở Kim Hoa, Chiết Giang, mỗi gia đình sẽ dùng một con gà trống để cúng bái vào ngày 7 tháng 7. Bởi người ta tin rằng, gà trống thường gáy báo hiệu bình minh, nếu đêm đó nếu không có gà trống thì “trời không sáng”, vợ chồng Ngưu Lang Chức Nữ sẽ không bao giờ rời xa nhau được.
Ở miền Tây Quảng Tây, người ta kể rằng vào sáng ngày 7 tháng 7 Âm lịch, một nàng tiên sẽ xuống trần gian để tắm. Uống nước tắm của nàng có thể xua đuổi tà ma, chữa khỏi bệnh tật và kéo dài tuổi thọ. Khi gà gáy vào ngày này, người dân đổ xô ra sông lấy nước, cho vào chum mới để dùng dần.
Ở Tứ Xuyên, Quý Châu và Quảng Đông, các cô gái trẻ thường nhuộm móng tay, thích dùng nhựa cây pha với nước để gội đầu nhằm tăng tác dụng trẻ trung, xinh đẹp. Đối với những phụ nữ chưa chồng, phong tục này còn tượng trưng cho việc tìm được một tấm chồng vừa ý càng sớm càng tốt.
Đồ cúng ngày Thất tịch ở Quảng Đông, Hồng Kông, Macao (ảnh trái) và ở điện Khai Long, Đài Nam (ảnh phải).
Ăn các món ăn may mắn
Trong ngày Thất tịch, người Trung Quốc không ăn chè đậu đỏ như giới trẻ ở Việt Nam. Trong ngày này, họ thường ăn các món ăn may mắn như bánh xảo quả, tỉa dưa hấu, ăn mì, ăn giá đỗ (giá được ngâm từ 7 ngày trước, đến 7/7 Âm lịch mang ra sử dụng),…
Nhìn chung ở mỗi vùng của Trung Quốc, người ta lại có những tục lệ đón Thất tịch khác nhau theo văn hóa bản địa. Dù khác nhau đến mấy, họ đều tựu trung ý nghĩa về việc cầu xin sự may mắn, bình an và hạnh phúc: Người trẻ xin sự khéo léo, các cặp vợ chồng có thể “cùng nhau già đi” đến hết cuộc đời mà không phải chia xa.
Dù xỏ kim, bắt sương, phơi sách hay ăn giá đỗ, tất cả đều phản ánh sự khao khát của con người về một cuộc sống tốt đẹp hơn và tình yêu đích thực. Với sự phát triển của thời đại, Lễ Thất tịch đã dần hòa nhập với văn hóa hiện đại, như ăn mừng bằng cách tặng quà, hẹn hò ăn tối,… Tuy nhiên, dù có thay đổi thế nào thì Thất tịch ở Trung Quốc vẫn luôn là một lễ hội được truyền qua hàng ngàn năm, tượng trưng cho sự theo đuổi tình yêu, gia đình và cuộc sống hạnh phúc của con người.