Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sáng nay (ngày 12/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, để cho ý kiến đối với 10 dự án Luật đã được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội và xem xét một số nội dung thuộc thẩm quyền.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đây là phiên họp chuyên đề pháp luật lần thứ 5 được tổ chức kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV cho tới nay |
Nhấn mạnh nhiệm vụ công tác lập pháp của Quốc hội ngày càng lớn, số lượng các luật ngày càng tăng, nhiều vấn đề khó, phức tạp, ông Trần Thanh Mẫn cho biết, việc tổ chức phiên họp chuyên đề lần này rất quan trọng, nhằm cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 10/11 dự thảo luật đã được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, bao gồm: (1) Luật Địa chất và khoáng sản; (2) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; (3) Luật Công đoàn (sửa đổi); (4) Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); (5) Luật Công chứng (sửa đổi); (6) Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); (7) Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; (8) Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; (9) Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); (10) Luật Tư pháp người chưa thành niên. Riêng Luật Phòng không nhân dân sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 36.
“10 dự án Luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp lần này thuộc nhiều lĩnh vực được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp như các dự án: Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ…”, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội đã có hơn 200 lượt ý kiến phát biểu, tranh luận tại Hội trường và hơn 900 lượt ý kiến phát biểu tại Tổ góp ý vào các dự án luật trên. Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đây là những ý kiến rất trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội. Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu tối đa ý kiến và có tiếp thu, giải trình các dự án Luật.
Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cần tiếp tục nghiên cứu thật kỹ, báo cáo rõ vấn đề nào đã tiếp thu, vấn đề nào chưa tiếp thu, lý do vì sao có những vấn đề còn chưa thống nhất giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo.
“Dù một ý kiến nhỏ của đại biểu nhưng cũng cần phải được lắng nghe, phải có giải trình, tiếp thu cặn kẽ; thực hiện đúng quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.” ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, các đại biểu tham dự phiên họp phát biểu rõ quan điểm chính kiến một cách khách quan, không né tránh những vấn đề có nội dung nhạy cảm, dễ xảy ra trục lợi chính sách |
Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.
Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, ngay sau Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan chủ trì soạn thảo), Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan, các chuyên gia nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; tham khảo và học tập kinh nghiệm quốc tế; tổ chức làm việc với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đoàn Đại biểu Quốc hội và UBND tỉnh Bình Phước, Đắk Nông để góp ý cho dự thảo Luật.
Thường trực Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã thống nhất với Cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật. Theo đó, quá trình xây dựng dự án Luật, Cơ quan chủ trì soạn thảo cùng Cơ quan chủ trì thẩm tra đã tiến hành rà soát 46 Luật có liên quan, trong đó có các Luật: Đầu tư, Doanh nghiệp, Thương mại, Quy hoạch, Xây dựng… Kết quả rà soát cho thấy, không có sự chồng chéo về phạm vi quản lý và không ảnh hưởng đến việc quy hoạch, hoạch định chính sách phát triển ngành công nghiệp chế biến khoáng sản…/.