‘Ngộp thở’ du lịch đảo Phú Quý

ORIG. TEAM

Lượng khách tăng nhanh

Từ khi đường cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Dầu Giây – Phan Thiết được đưa vào hoạt động, nhiều du khách đã lựa chọn du lịch đảo Phú Quý . Từ cuối tháng 4 đến nay, các tàu cao tốc từ Phan Thiết đi đảo Phú Quý xuất bến, trung bình mỗi tàu chở khoảng 300 hành khách.

Vào ngày thường, khoảng 6-7 lượt tàu từ đất liền ra đảo và ngược lại, còn ngày cuối tuần số chuyến tàu tăng mạnh, dịp lễ có 15-16 lượt tàu đi ra đảo và ngược lại. Trung bình mỗi ngày đảo Phú Quý đón khoảng 1.000 khách.

Điều này kéo theo khách sạn, homestay đua nhau mọc lên. Năm 2019, Phú Quý có 9 homestay thì hiện đã lên 120 cơ sở, khoảng 60 khách sạn. Một số homestay được cơi nới, tăng diện tích, tăng số tầng hoặc xây thêm phòng. Nhiều quán cà phê mọc lên sát đường biển, gây mất mỹ quan đô thị. Các loại hình vui chơi như chèo sup, lặn, ngắm san hô… ngay cạnh khu vực nuôi trồng thủy hải sản, nhà hàng trên bè nổi. Du khách tăng nhanh tạo áp lực lớn về nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, xử lý rác thải…

'Ngộp thở' du lịch đảo Phú Quý - Ảnh 1.

Một điểm chèo sup trên đảo Phú Quý.

Lãnh đạo UBND huyện Phú Quý cho biết, vào ngày 26/10/2018, UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định phê duyệt quy hoạch Khu du lịch Phú Quý (huyện Phú Quý) đến năm 2030, trong đó kế hoạch đến năm 2025 đón khoảng 45.000 lượt khách, đến năm 2030 đón 74.000 lượt khách.

Tuy nhiên, trên thực tế khách du lịch đến Phú Quý trong những năm qua tăng khá nhanh. Cụ thể, năm 2021 đón hơn 40.150 lượt khách, năm 2022 đạt 95.300 lượt khách, năm 2023 đón gần 160.000 lượt khách. Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm nay Phú Quý đón gần 97.000 lượt khách.

Trao đổi với PV Tiền Phong , lãnh đạo UBND huyện Phú Quý cho biết, khách du lịch đến Phú Quý năm 2023 so với quy hoạch khách du lịch đến năm 2025 đã tăng 114.000 lượt khách, gấp 3,5 lần chỉ tiêu. Còn so với quy hoạch đến năm 2030 thì tăng 85.000 lượt khách, gấp 2,1 lần chỉ tiêu.

Bảo vệ Phú Quý ra sao?

Theo lãnh đạo huyện Phú Quý, để vừa giữ được vẻ đẹp hoang sơ của đảo Phú Quý, vừa phục vụ và thu hút khách du lịch, trong thời gian tới, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục chỉ đạo UBND huyện Phú Quý phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức sơ kết, đánh giá việc phê duyệt quy hoạch Khu du lịch Phú Quý năm 2030.

'Ngộp thở' du lịch đảo Phú Quý - Ảnh 2.

Đảo Phú Quý có vẻ đẹp hoang sơ, thu hút nhiều du khách.

Huyện đảo này đề xuất tỉnh Bình Thuận có giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đẩy nhanh hoàn chỉnh, phê duyệt quy hoạch chung đô thị huyện Phú Quý đến năm 2030 gắn với việc thực hiện quy hoạch chi tiết các phân khu du lịch Phú Quý theo để kêu gọi các nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp, có trách nhiệm đến đầu tư tại huyện.

“Chúng tôi cũng tăng cường công tác quản lý chặt chẽ các điểm du lịch, các bãi bồi, ven biển, hạn chế thấp nhất việc xây dựng, lấn chiếm, chú ý tôn tạo các bãi tắm công cộng, giữ nét đơn sơ, gần gũi với thiên nhiên; tập trung phát triển du lịch thể thao biển gắn với bảo tồn biển, nhất là các rạn san hô vốn có”, lãnh đạo huyện Phú Quý nói.

Ngoài ra, UBND huyện Phú Quý cũng nâng cấp, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, tạo nên nét đặc trưng riêng của huyện đảo. Các hoạt động kinh doanh du lịch phải tuân thủ việc niêm yết giá, bán đúng giá đảm bảo chất lượng; duy trì văn hóa đặc trưng bản chất của người Phú Quý, thân thiện, hiếu khách, nghĩa tình,…

Phú Quý cũng phấn đấu xây dựng huyện đảo không có rác thải nhựa; du khách không mang rác thải nhựa lên đảo; tuyên truyền vận động người dân và khách du lịch sử dụng tiết kiệm nước ngọt; đầu tư xây dựng các hồ chứa nước mưa, trong đó ưu tiên đầu tư các hồ chứa nước ở khu vực gần biển để tránh tình trạng nước mưa chảy ra biển.

Nguồn: Kinh tế và Dự báo

Share This Article
Leave a comment