Doanh nghiệp nhà nước tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh, then chốt
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về 3 dự án luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, liên quan tới thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt và quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Cuộc họp diễn ra sáng nay, ngày 20/8 đã thảo luận, cho ý kiến về dự án sửa đổi Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trong đó có nhiều vấn đề xã hội, dư luận quan tâm…
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị rà soát kỹ phạm vi điều chỉnh của 3 dự án luật, bảo đảm không tạo khoảng trống pháp lý trong quá trình thực hiện so với các quy định tại luật hiện hành. Nguồn: VGP |
Cùng với cho ý kiến về các nội dung cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thêm một số quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn trong quá trình xây dựng các dự án luật.
Về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu việc đề xuất sửa đổi tập trung vào những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; kế thừa những quy định còn phù hợp, có tác động tích cực trong luật hiện hành; cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình, thì tiếp tục thực hiện, luật hóa; quản lý được nhưng phải thông thoáng và rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng cấp và thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; cắt giảm thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin cho, giảm các khâu trung gian.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại cuộc họp. Nguồn: VGP |
Cùng với đó, thiết kế cơ chế, chính sách để giải phóng nguồn lực tại doanh nghiệp; nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp; các doanh nghiệp nhà nước tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh, then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng; có quy định đặc thù với các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; giao quyền, giao trách nhiệm nhiều hơn cho người đại diện phần vốn nhà nước. Các cơ quan nhà nước tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước (xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, thể chế, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, tiêu chí, công cụ để giám sát kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật)…
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người nộp thuế với cán bộ thuế
Về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là luật thuế tác động tới nhiều ngành hàng, doanh nghiệp, người dân. Thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ để định hướng tiêu dùng, hạn chế tiêu dùng với một số mặt hàng nhưng cần phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.
Theo Người đứng đầu Chính phủ, cần có chính sách để hạn chế tiêu dùng các loại hàng hóa có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe con người, môi trường, nguồn tài nguyên, các hàng hóa xa xỉ, phục vụ nhu cầu cao cấp… Tuy nhiên, phải hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân, nhà nước không thất thu thuế; hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội và mục tiêu hạn chế được mặt tiêu cực từ việc tiêu thụ các mặt hàng này, bảo vệ sức khỏe người dân… Đồng thời, có chính sách thuế ưu đãi với các mặt hàng cần khuyến khích, như trong kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức…
Thủ tướng lưu ý, cần ưu đãi thuế cho một số đối tượng phù hợp như: doanh nghiệp làm nhà ở xã hội; khuyến khích đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số. Nguồn: VGP |
“Điều hành tránh giật cục, có lộ trình áp dụng phù hợp để các chủ thể liên quan có sự chuẩn bị; cắt giảm thủ tục, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thuế, giảm phiền hà cho người nộp thuế, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người nộp thuế với cán bộ thuế; việc điều chỉnh thuế phải đi đôi với đẩy mạnh chống buôn lậu, trốn thuế; cơ quan soạn thảo giải trình thuyết phục về các chính sách được đề xuất.”, Thủ tướng yêu cầu.
Về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Thủ tướng chỉ rõ các quan điểm: Mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; chống thất thu thuế, nhất là trong các lĩnh vực như: thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống, bán lẻ…; đẩy mạnh hóa đơn điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong quản lý, thu thuế. Đồng thời, nghiên cứu một số nội dung để phân cấp cho Chính phủ quy định, nhằm bảo đảm điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn; tháo gỡ những vướng mắc về hoàn thuế, thu thuế…; giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp để nộp thuế dễ dàng, giảm đi lại, mất thời gian.
Cùng với việc bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, cần ưu đãi thuế cho một số đối tượng phù hợp như: doanh nghiệp làm nhà ở xã hội; khuyến khích đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức; những nội dung đã ổn định như về chính sách ưu đãi đầu tư, thì tiếp tục làm tốt hơn, không gây xáo trộn không cần thiết.
Rà soát thêm các quy định tại các luật khác có liên quan bảo đảm rõ ràng, không dẫn đến chồng chéo
Trong quá trình hoàn thiện 3 dự án luật trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị rà soát kỹ phạm vi điều chỉnh của các dự án luật, bảo đảm không tạo khoảng trống pháp lý trong quá trình thực hiện so với các quy định tại luật hiện hành; rà soát thêm các quy định tại các luật khác có liên quan bảo đảm rõ ràng, không dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn hoặc có cách hiểu khác nhau trong quá trình áp dụng luật.
“Khi xây dựng luật cần có công cụ để có thể xử lý linh hoạt, kịp thời các vấn đề phát sinh, mới nổi, phù hợp tình hình thực tế chuyển biến nhanh.”, Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo.
Giao các Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng các luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính tổng hợp đầy đủ ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan, tiếp thu các ý kiến góp ý xác đáng, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để trình Chính phủ tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, trình Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm tiến độ, chất lượng./.