Mai Quỳnh Phương
Trường Đại học Điện lực
Email: phuongmq@epu.edu.vn
Tóm tắt
Phát triển xuất nhập khẩu (XNK) bền vững là sự phát triển của hoạt động XNK đảm bảo sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng XNK và các mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định xã hội và cải thiện môi trường. Phát triển XNK bền vững của địa phương như tỉnh Thanh Hóa được xác định là sự phát triển của hoạt động XNK đảm bảo sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng XNK về quy mô và tốc độ với các mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định xã hội và cải thiện môi trường. Bài viết tập trung nghiên cứu thực trạng phát triển XNK của tỉnh Thanh Hóa theo các tiêu chí đánh giá về quy mô và tốc độ giai đoạn 2012-2022, làm cơ sở để đề xuất một số giải pháp phát triển XNK bền vững cho tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2030.
Từ khóa: xuất – nhập khẩu bền vững, quy mô và tốc độ, tỉnh Thanh Hóa
Summary
Sustainable import-export development is the development of import-export activities that ensure harmony between the import-export growth target and the economic development, social stability and environmental improvement targets. Sustainable import-export development of localities such as Thanh Hoa Province is defined as the development of import-export activities that ensure harmony between the import-export growth target in terms of scale and speed with the economic development, social stability and environmental improvement targets. The article focuses on studying the current status of import-export development in Thanh Hoa Province according to the assessment criteria of scale and speed in 2012 – 2022 as a basis for proposing some solutions for sustainable import-export development for Thanh Hoa Province toward 2030.
Keywords: sustainable import-export, scale and speed, Thanh Hoa Province
GIỚI THIỆU
Hoạt động XNK của tỉnh Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn hơn 10 năm vừa qua, hoàn thành phần lớn các mục tiêu đề ra, duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động XNK trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn được nhận định phát triển ở mức dưới tiềm năng và phát triển không bền vững, như: thâm hụt cán cân thương mại trong suốt giai đoạn 2017-2022 mức 1.915 USD/năm; tỷ trọng kim ngạch XNK giai đoạn này chỉ đạt 50%-70%, tính cả chu kỳ 2012-2022, thì tỷ trọng kim ngạch XNK giảm còn 1/3.
Trong bối cảnh và thực tiễn đó, để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội; phát triển XNK bền vững của tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn đến năm 2030, việc nghiên cứu để tìm kiếm những giải pháp giúp cho hoạt động XNK của tỉnh Thanh Hóa phát triển tương xứng với tiềm năng, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo được tính bền vững, là hết sức cần thiết.
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN XUẤT NHẬP KHẨU BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA VỀ QUY MÔ VÀ TỐC ĐỘ
Thực trạng phát triển XNK bền vững của tỉnh Thanh Hóa về quy mô và tốc độ được phân tích qua 5 tiêu chí: Kim ngạch xuất nhập khẩu; Tỷ trọng kim ngạch XNK; Kim ngạch XNK trên đầu người; Số lượng doanh nghiệp xuất nhập khẩu; Tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu so với tốc độ tăng GRDP. Kết quả như sau:
(i) Kim ngạch xuất nhập khẩu
Kim ngạch XNK của tỉnh được tính bằng tổng KNXK và KNNK qua từng năm. Số liệu về kim ngạch XNK của Thanh Hóa giai đoạn 2012-2022 được thể hiện ở Hình 1.
Hình 1: Kim ngạch xuất nhập khẩu của Thanh Hóa giai đoạn 2012-2022
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa và tính toán của tác giả (2024)
Hình 1 cho thấy, kim ngạch XNK của Thanh Hóa xu hướng tăng qua mỗi năm (trung bình 37,54%/năm), đặc biệt tăng nhanh vào cuối chu kỳ (41,16%/năm giai đoạn 2018-2022) và tăng đột biến vào năm 2015 (213,46%); đạt trị giá 14.497,55 triệu USD năm 2022; gấp 2,27 lần năm 2018 (6.374,81 triệu USD) và gấp 14,17 lần năm 2012 (1.023,10 triệu USD).
Tình hình chung về xuất khẩu, nhập khẩu của tỉnh trong toàn giai đoạn cũng như ở từng năm có sự tăng trưởng đột biến như năm 2015 hay năm 2021-2022 giai đoạn sau Covid-19 thì kim ngạch XNK tỉnh Thanh Hóa tăng thể hiện một dấu hiệu tích cực trong phát triển về quy mô XNK. Nguyên nhân của sự tăng trưởng về quy mô này ở năm 2015 là do các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng may mặc, giày dép tại Thanh Hóa đã phát huy hết công suất và tăng thêm các dây chuyền sản xuất mới. Chính vì thế, nhóm hàng may mặc đã xuất khẩu được hơn 76 triệu sản phẩm, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước; giày dép các loại xuất khẩu hơn 40 triệu đôi, tăng 40,5%. Mà đây lại là những hàng hóa chiếm tới 75% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Bên cạnh đó, một số mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Thanh Hóa cũng tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước như: Dăm gỗ tăng 92,9%; tinh bột sắn tăng 16,7%; ba lô du lịch tăng 36,8%; hải sản đông lạnh tăng 15,5%… Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu của Thanh Hóa đang có sự chuyển biến về chất, hàng hóa xuất khẩu tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn và các doanh nghiệp FDI; các doanh nghiệp quy mô nhỏ, khai thác nguyên liệu thô, tài nguyên tự nhiên để xuất khẩu đều bị suy giảm mà thay vào đó là những doanh nghiệp lớn được đầu tư bài bản từ các FDI hoặc phát triển từ những doanh nghiệp tư nhân lâu đời, góp phần tích cực vào sự gia tăng trong tổng kim ngạch XNK của Tỉnh .
(ii) Tỷ trọng kim ngạch XNK
Tỷ trọng kim ngạch XNK được tính bằng tổng giá trị kim ngạch XNK của tỉnh Thanh Hóa so với tổng giá trị kim ngạch XNK của cả nước qua các năm.
Hình 2: Tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu Thanh Hóa giai đoạn 2012-2022
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa và tính toán của tác giả (2024)
Khác với kim ngạch XNK, tỷ trọng kim ngạch XNK của Thanh Hóa so với tổng giá trị kim ngạch XNK cả nước giai đoạn 2012-2022 (Hình 2) lại cho thấy sự tăng giảm không đều đặn qua các năm và chỉ bứt phá tăng mạnh vào năm cuối của chu kỳ (năm 2022 đạt mức cao nhất là 3,90% bằng 2,93 lần năm 2018 và 8,67 lần năm 2012), cụ thể:
– Giai đoạn tăng tỷ trọng kim ngạch XNK của Thanh Hóa trong tổng kim ngạch cả nước chia thành 03 thời kỳ là là những năm 2012-2014 (tăng 0,09%); 2017-2019 (tăng 0,31%); và 2020-2022 (tăng 0,11%/năm). Thời ký tăng mạnh nhất là những năm trước đại dịch Covid-19 khi vốn đầu tư nước ngoài đã vào Việt Nam ổn định sau giai đoạn bắt đầu đầu tư 2015-2016.
– Giai đoạn giữ ổn định là những năm 2016-2017 (đều bằng 0,71%), còn lại là chứng kiến xu hướng giảm. Năm 2016 giảm mạnh 0,51% từ mức 1,22% của năm 2015 do mức giảm của kim ngạch XNK Thanh Hóa sau năm đạt đỉnh cao 2015; còn năm 2020 giảm nhẹ 0,05% do kim ngạch XNK của tỉnh tăng chậm so với mức tăng của kim ngạch XNK cả nước trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19.
Về tổng thể, tỷ trọng kim ngạch XNK của tỉnh vẫn cho thấy sự phát triển về quy mô khi mức đóng góp trung bình vẫn tăng trong toàn giai đoạn. Tuy nhiên, để bền vững thì mức độ tăng này cần có sự ổn định hơn về mức độ và giá trị.
(iii) Kim ngạch XNK trên đầu người
Kim ngạch XNK trên đầu người của tỉnh được thống kê và so sánh cùng kim ngạch XNK trên đầu người cả nước như Hình 3.
Hình 3: Kim ngạch xuất nhập khẩu/đầu người của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2010-2022
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa và tính toán của tác giả (2024)
Tương tự như chỉ số kim ngạch XNK, thì kim ngạch XNK/đầu người của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2012-2022 cũng có xu hướng tăng và tăng nhanh vào nửa sau của giai đoạn. Tính cả chu kỳ 11 năm thì chỉ số này tăng lên tới 13,13 lần đạt 14,498 vào năm 2022. Chỉ có một năm chỉ số này bị giảm cũng là năm 2016 khi tổng giá trị kim ngạch XNK của tỉnh giảm mạnh so với năm 2015 trước đó.
Trong tương quan so sánh giữa 02 chỉ số kim ngạch XNK/đầu người của tỉnh Thanh Hóa và của cả nước có thể thấy mức độ tăng của chỉ số này tại Thanh Hóa đạt mức độ nhanh hơn nhiều so với cả nước. Nếu như ở năm 2012 kim ngạch XNK/đầu người của tỉnh chỉ bằng 11,6% cả nước thì tới giữa giai đoạn (năm 2018) đã lên tới 34,67% và đến cuối giai đoạn (năm 2022) đã đạt mức 52,21%. Đây là một mức độ tăng trưởng rất nhanh trong tổng thể, chứng tỏ sự phát triển mạnh mẽ về về quy mô XNK của Tỉnh.
(iv) Số lượng doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Số lượng DN XNK của tỉnh Thanh Hóa sẽ được phân tích dựa trên 02 tiêu chí là so với tổng số DN đang hoạt động trong tỉnh và phân loại DN theo thành phần kinh tế như sau Hình 4.
Hình 4: Số lượng doanh nghiệp xuất nhập khẩu so với tổng số doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2012-2022
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa (2024)
Năm 2022, toàn Tỉnh có trên 276 DN XNK (trong đó có 95% là doanh nghiệp và 5% là Hợp tác xã). Số lượng này tăng 1,42 lần so với đầu kỳ năm 2012 (194 doanh nghiệp) nhưng lại bị giảm đi còn 0,91 lần so với giữa chu kỳ năm 2018 (303 doanh nghiệp). Đây là một con số khá khiêm tốn cho một lĩnh vực đóng góp bình quân tới 50% GRDP của tỉnh.
Tỷ lệ doanh nghiệp XNK so với tổng số doanh nghiệp của tỉnh qua các năm đang không thể hiển một xu hướng ổn định khi chứng kiến sự giảm tăng giảm khác hẳn với xu hướng tăng của tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong toàn Tỉnh. Cụ thể:
– Năm đầu tiên của chu kỳ (năm 2013), trong khi số lượng doanh nghiệp XNK tăng thêm 13 doanh nghiệp thì tỷ lệ doanh nghiệp XNK so với tổng số doanh nghiệp hoạt động trên toàn Tỉnh lại giảm từ 4,08% xuống 3,98%.
– Hai năm tiếp sau (2014-2015) tỷ lệ này quay đầu tăng mạnh trở lại, đạt mức 4,26% và 4,34% cao hơn so với mức xuất phát của năm 2012 dù số lượng tuyệt đối doanh nghiệp XNK không tăng nhiều (thêm 20 doanh nghiệp năm 2014 và thêm 25 doanh nghiệp năm 2015).
– Toàn bộ giai đoạn 06 năm kế tiếp từ 2015 đến 2021 chứng kiến một xu hướng giảm mạnh khi tỷ lệ doanh nghiệp XNK so với tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh ở cuối giai đoạn này chỉ còn 1,8% (trong khi tổng số doanh nghiệp đã tăng lên 241 doanh nghiệp, thêm 44 doanh nghiệp so với năm 2015). Đối chiếu với những báo cáo, số liệu về tình hình kinh tế, xã hội của Tỉnh cho thấy, đây là giai đoạn “thanh lọc” những doanh nghiệp XNK có quy mô nhỏ, hoạt động không hiệu quả đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 từ 2019-2021. Do vậy, ở một góc độ nào đó, đây cũng là dấu hiệu tích cực thể hiện sự phát triển về chất cho XNK của tỉnh, góp phần cho sự phát triển bền vững.
– Ở cuối giai đoạn nghiên cứu, năm 2022, tỷ lệ này đã tăng trở lại lên mức 2,08% thể hiện một dấu hiệu phục hồi sau đại dịch và tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ sau này.
Hình 5: Phân loại doanh nghiệp xuất nhập khẩu Thanh Hóa theo thành phần kinh tế trong giai đoạn 2012-2022
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa (2024)
Theo thành phần kinh tế, doanh nghiệp XNK tư nhân chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số với tỷ lệ 76,54%; đạt 207 doanh nghiệp năm 2022, tăng 1,43 lần so với năm 2012. Tiếp theo là doanh nghiệp FDI chiếm 22,97%, đạt 68 doanh nghiệp năm 2022, tăng 1,42 lần so với năm 2012. Cuối cùng là doanh nghiệp XNK nhà nước có tỷ lệ thấp nhất đạt 0,5% với số lượng chỉ còn 01 doanh nghiệp vào năm 2022 và con số 1 hoặc 2 doanh nghiệp cũng được duy trì từ đầu chu kỳ tới cuối chu kỳ nghiên cứu.
Tham chiếu lại số liệu về kim ngạch xuất khẩu (KNXK) và kim ngạch nhập khẩu (KNNK) theo thành phần kinh tế, có thể thấy được sự chênh lệch rất lớn khi tỷ lệ đóng góp vào tổng giá trị kim ngạch XNK lại chủ yếu đến từ nhóm doanh nghiệp FDI với 83,78% KNXK và 91,88% KNNK. Mức độ 16,05% đóng góp vào KNXK và 7,83% KNNK của tỉnh từ khối doanh nghiệp tư nhân chưa thực sự tương xứng với tỷ lệ về số lượng doanh nghiệp của nhóm này. Điều này cho thấy, doanh nghiệp XNK tư nhân (chủ yếu sẽ là doanh nghiệp XNK trong nước) mới có lượng mà chưa có chất, và đây cũng là một yếu tố thể hiện tính chưa bền vững trong phát triển XNK của tỉnh Thanh Hóa trên góc độ kinh tế.
(v) Tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu so với tốc độ tăng GRDP
Tính toán tốc độ tăng trưởng XNK so với tốc độ tăng GRDP của tỉnh được trình bày ở Hình 6.
Hình 6: Tốc độ tăng trưởng XNK so với tốc độ tăng GRDP của Thanh Hóa giai đoạn 2010-2022
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa và tính toán của tác giả (2024)
Biểu đồ tốc độ tăng trưởng giữa XNK và GRDP của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2012-2022 đã cho thấy mức độ hợp lý và ổn định chưa cao về tốc độ tăng trưởng XNK. Tốc độ tăng trưởng XNK tăng giảm không đều qua các năm, nhiều năm còn bị giảm sâu như năm 2016 (giảm 26,19% so với đỉnh 34,9% trước đó vào năm 2014) hay như năm 2020 (giảm 36,57% so với đỉnh 38,43% năm 2018), đặc biệt là năm 2022 tốc độ tăng chỉ còn đạt 0,22% so với tỷ lệ 48,31% năm 2021 trước đó.
Nếu so với tỷ lệ tiêu chuẩn ở những nước tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng XNK hợp lý là mức cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 2-2,5 lần thì ở những năm 2013-2015, năm 2017 và năm 2021 chỉ số này của Thanh Hóa đã đạt chuẩn trên 2, đặc biệt là năm 2015 chỉ số này đạt cao nhất tới mức 8,71 lần. Những năm còn thì đều chưa đạt, trong đó 02 năm trước và sau năm 2021 (đại dịch Covid-19) thì tốc độ này đạt thấp nhất (0,3 lần và 0,1 lần).
KẾT LUẬN RÚT RA
Qua nghiên cứu thực trạng phát triển XNK bền vững của tỉnh Thanh Hóa theo các tiêu chí về quy mô và tốc độ, tác giả rút ra một số kết luận như sau:
Kết quả đạt được
Kim ngạch XNK tăng đều qua các năm (trung bình 37,54%/năm), đóng góp chủ yếu từ xuất khẩu trong nửa giai đoạn đầu và từ nhập khẩu ở nửa giai đoạn sau.
Tỷ trọng kim ngạch XNK tỉnh Thanh Hóa so với kim ngạch XNK chung của cả nước cũng cho thấy sự tăng lên ở cuối chu kỳ so với đầu chu kỳ (tăng 4,4 lần).
Kim ngạch XNK trên đầu người của tỉnh thể hiện xu hướng tăng (13,13 lần so với đầu chu kỳ) và tăng nhanh hơn so với kim ngạch XNK trên đầu người của cả nước (cả nước chỉ tăng 2,92 lần trong toàn chu kỳ).
Hạn chế và nguyên nhân
Tuy nhiên, XNK của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2012-2022 vẫn còn nhiều hạn chế theo tiêu chí đánh giá về quy mô và tốc độ thể hiện sự chưa bền vững như:
– Kim ngạch XNK tăng nhanh qua các năm nhưng trong những năm cuối chu kỳ lại tăng do nhập khẩu là một dấu hiệu không hẳn tích cực nếu hàng hóa nhập khẩu không phụ phát triển sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, kim ngạch XNK được đóng góp chủ yếu từ thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài FDI chứ chưa có nhiều đóng góp từ DN trong nước cũng là một yếu tố chưa thực sự bền vững.
– Tỷ trọng kim ngạch XNK tỉnh Thanh Hóa so với kim ngạch XNK chung của cả nước ở mức chưa cao và tăng chưa đều qua các năm.
– Số lượng DN XNK không nhiều (so với tổng số DN đang hoạt động của tỉnh) và có xu hướng giảm đi trong những năm gần đây so với giai đoạn trước đó. DN tư nhân chiếm đa số, quy mô DN nhỏ, tỷ trọng đóng góp vào XNK thấp hơn hẳn so với quy mô và tỷ trọng của khối FDI.
– Tốc độ tăng trưởng XNK so với tốc độ tăng GRDP toàn Tỉnh chưa ổn định, lúc tăng mạnh (năm 2021), lúc giảm sâu (năm 2016, 2020, 2022), chỉ một số một số năm đã đạt được tỷ lệ tăng hợp lý.
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN XUẤT NHẬP KHẨU BỀN VỮNG CỦA TỈNH THANH HÓA GIAI ĐOẠN 2030
Qua phân tích thực trạng, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển XNK bền vững của tỉnh Thanh Hóa về quy mô và tốc độ giai đoạn 2030, cụ thể như sau:
Thứ nhất, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng tích cực
Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu từ thô sang tinh, theo hướng giảm tỷ trọng của nhóm sản phẩm thô và sơ chế, tăng nhanh tỷ trọng của nhóm sản phẩm chế biến, chế tạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Tích cực chuyển dịch cơ cấu mặt hàng và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu để phù hợp hơn với thị trường quốc tế, từng bước nâng cao chất lượng tăng trưởng xuất khẩu.
Xây dựng cơ cấu thị trường phát triển theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa trên cơ sở cân bằng lợi ích giữa các quốc gia. Tận dụng mọi khả năng để tăng KNXK trên tất cả các thị trường đã có, song song với việc đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường có sức mua lớn nhưng hiện còn chiếm tỷ trọng thấp, mở ra các thị trường mới, tăng cường tiếp cận các thị trường cung ứng công nghệ nguồn.
Khuyến khích và thúc đẩy xuất khẩu trên cơ sở khai thác hợp lý tiềm năng của tỉnh và đất nước, nhất là trí tuệ con người và sức lao động, các đơn vị liên doanh với nước ngoài, đồng thời không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên và không làm phương hại đến những lợi thế của tỉnh và đất nước; Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng khả năng cho và nhận chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI, chuyển hướng nhập siêu sang các nước phát triển, du nhập công nghệ nguồn, công nghệ cao để nâng cao năng lực sản xuất nội địa.
Coi thị trường và đặc biệt là thị trường thế giới là định hướng quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu và tổ chức lại sản xuất. Trên cơ sở đó, thông qua đẩy mạnh xuất khẩu để tạo nguồn vốn nhập khẩu, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và thúc đẩy sản xuất phát triển, khắc phục tình trạng đói nghèo, tụt hậu và chậm phát triển.
Cần chú trọng đến chính sách xây dựng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Thanh Hóa dựa vào công nghệ và chất lượng lao động, nhằm tăng nhanh kim ngạch, GTGT trong xuất khẩu; Tạo điều kiện giữ vững, ổn định thị trường xuất khẩu và nhập khẩu.
Về phía các DN XNK của Tỉnh Thanh Hóa, cần chuyền từ chiến lược liên tục tăng từ số lượng xuất khẩu sang chiến lược xuất khẩu sản phẩm có chất lượng và giá trị cao hơn:
– Cần xác định được phân khúc thị trường để từ đó đầu tư vào sản xuất, chế biến nâng cao chất lượng các mặt hàng xuất khẩu có tiêu chuẩn phù hợp, đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường mục tiêu mà tỉnh hướng đến. Bên cạnh đó, chuyển từ tập trung đầu tư vào công đoạn sản xuất sang đầu tư cho cả những khâu tạo GTGT trong chuỗi giá trị sau thu hoạch. Chuyển từ quy mô sản xuất từ hộ sản xuất sang phát triển kinh tế hợp tác, chuyên môn hóa cao.
– Cần xây dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng xuất khẩu đặc biệt là thế mạnh về nông, lâm, thủy sản của Thanh Hóa. Điều quan trọng phải bảo đảm chất lượng của hàng xuất khẩu đúng theo yêu cầu của người tiêu dùng và cả thị trường. Việc hình thành các DN sản xuất, kinh doanh quy mô lớn sẽ là cơ sở ban đầu để hình thành các thương hiệu mạnh của các DN trên thị trường thế giới, tạo cơ sở nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng hóa của Tỉnh.
Thứ hai, nâng cao giá trị gia tăng hàng xuất khẩu
Để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu của tỉnh Thanh Hóa khi tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu cần tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:
– Từng bước điều chỉnh, chuyển định hướng chiến lược từ phát triển sản xuất và xuất khẩu hàng hóa theo bề rộng và tốc độ cao hiện nay sang phát triển theo hướng coi trọng hơn chất lượng và hiệu quả.
– Định hướng và có chính sách khuyến khích doanh nghiệp xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị đối với hàng hóa có năng lực cạnh tranh cao ở các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu của tỉnh làm tiền đề và điều kiện cho việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; cập nhật thông tin thị trường, giúp các doanh nghiệp, các tác nhân trong chuỗi nông sản, thủy sản của tỉnh (nông dân, doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu) cập nhật, nắm được thông tin thị trường.
– Khuyến khích doanh nghiệp của tỉnh Thanh Hóa phát triển các chuỗi giá trị riêng biệt đối với một số ngành hàng theo hướng có thể đi tắt, đón đầu mà không nhất thiết phải đi tuần tự theo các nấc thang của chuỗi giá trị gia tăng; đầu tư công nghệ để nâng cao giá trị gia tăng hàng xuất khẩu; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia vào những khâu ngoài sản xuất, tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng nước ngoài.
– Các doanh nghiệp chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trên cơ sở lựa chọn đúng các khâu cần ưu tiên nhằm khai thác lợi thế so sánh, phát triển nhanh và bền vững. Vì thế, để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu thì cần có những chính sách tăng chất lượng nguyên vật liệu đầu vào trong chuỗi giá trị. Mặt khác, phải ứng dụng chế độ canh tác phù hợp với trình độ và điều kiện của các hộ nông dân, thay thế dần phân bón vô cơ bằng phân bón hữu cơ nhằm cải tạo lại đất, tăng năng suất cây; thay thế thuốc bảo vệ thực vật gây độc hại cho người sản xuất và môi trường bằng thuốc bảo vệ thực vật vi sinh thân thiện với môi trường; sử dụng và cải tiến các loại công cụ lao động, như: máy làm đất, làm cỏ…, sao cho phù hợp với điều kiện địa hình, giống cây, loại sản phẩm chế biến và khả năng của người nông dân.
– Ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến. Các doanh nghiệp của tỉnh Thanh Hóa cần có biện pháp nâng cao nhận thức, áp dụng công nghệ kỹ thuật trong chế biến và sản suất nhằm nâng cao chất lượng, năng suất và nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu. Để có thể đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến, qua đó tạo điều kiện nâng cao giá trị gia tăng cho ngành hàng, các công ty chế biến và xuất khẩu của tỉnh Thanh Hóa buộc phải nâng cấp, đổi mới các thiết bị công nghệ và lựa chọn công nghệ để tạo ra các sản phẩm phù hợp với đòi hỏi của thị trường.
– Đẩy mạnh các hoạt động liên doanh, liên kết để tăng cường sức mạnh khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhanh chóng khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, manh mún và thiếu sự liên kết giữa các tác nhân khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; Sắp xếp lại các cơ sở sản xuất, chế biến điều theo hướng thành lập các cơ sở sản xuất, chế biến lớn có thiết bị, công nghệ hiện đại để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, giảm dần các cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ lẻ, năng suất, chất lượng thấp, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
– Tăng cường năng lực quản trị chuỗi giá trị nhằm nâng cao khả năng lãnh đạo chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu, khai thác chỉ dẫn địa lý đối với hàng hóa xuất khẩu./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa (2024), Niên giám Thống kê tỉnh Thanh Hóa 2023, Nxb Thống kê.
2. Dương Thị Tình (2015), Phát triển thương mại bền vững trên địa bàn Tỉnh Thái Nguyên, Luận án tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
3. Lê Danh Vĩnh, Hồ Trung Thanh (2012), Quan điểm và định hướng phát triển XNK nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam thời kỳ 2011-2020, Kỷ yếu Chính sách thương mại nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam thời kỳ 2011-2020, Nxb Công thương – Bộ Công Thương, 17-28.
4. Lê Danh Vĩnh và các tác giả (2014), Luận cứ khoa học cho xây dựng chính sách xuất nhập khẩu bền vững của Việt Nam thời kỳ 2011-2020, Đề tài khoa học cấp Nhà nước của Viện nghiên cứu thương mại.
Ngày nhận bài: 10/8/2024; Ngày phản biện: 15/8/2024; Ngày duyệt đăng: 23/8/2024 |