Trần Lâm, một chàng trai đến từ Vũ Châu, sinh năm 1995, hiện đang sống ở Thượng Hải (Trung Quốc). Anh có khả năng sáng tạo ra những món đồ nội thất trông có vẻ kỳ quái mà thú vị từ những vật liệu tái chế như quần áo cũ, chip máy tính, thùng dầu phế liệu và thậm chí là rác.
Trước đây, Lâm từng là một nhân viên văn phòng làm việc cật lực từ sáng tới tối. Sau khi từ bỏ công việc vào năm 2018 và trải qua một thời gian khó khăn về tài chính, để có thể tiếp tục cuộc sống ở Thượng Hải, Lâm đã chuyển đến một khu vực ngoại ô với mức thuê nhà rẻ nhất. Anh đã chuyển một trang trại cũ thành ngôi nhà và xưởng làm việc của mình, tìm kiếm một phong cách sống mới: Trở thành một blogger trên mạng và biến sự sáng tạo thành nghề nghiệp của mình.
Ngày nay, ngày càng có nhiều người trẻ lựa chọn theo đuổi sự nghiệp tự do. Nhưng phía sau vẻ hào nhoáng bề ngoài, họ đang đối mặt với những khó khăn gì? Khi sản xuất nội dung, họ sẽ gặp phải những thách thức nào? Một chuyến thăm xưởng làm việc nằm ở ngoại ô của Lâm sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về niềm vui và nỗi buồn trong việc tạo nên những món đồ nội thất độc lạ và làm sáng tạo nội dung.
Bạn có thể tưởng tượng được việc xếp ba khối rubik khổng lồ lên nhau, ta sẽ có một tác phẩm nghệ thuật có thể xoay chuyển và thay đổi màu sắc theo ý muốn, xua tan đi những phiền muộn trong cuộc sống không? Đây là điều mà Lâm đã làm được. Dưới đây là tâm sự của Lâm về những món đồ nội thất mà anh chàng đã tái chế được.
01 – Làm đồ nội thất: Thêm niềm vui vào cuộc sống tẻ nhạt
Từ một chiếc thùng dầu đã qua sử dụng được tìm thấy ở bãi rác, sau khi lượn lờ qua các cửa hàng máy tính cũ và điểm thu gom rác thải, tôi đã thu nhặt đủ các phụ kiện và biến nó thành một chiếc ghế sofa thùng dầu độc đáo.
Khi nhìn thấy bốn chiếc cọc tiêu giao thông bị vứt lăn lóc bên đường, tôi đã không ngần ngại đem chúng về nhà, đặt thêm một tấm kính lên trên, chế tạo thành một chiếc bàn trà đơn giản.
Chiếc đèn sàn hình hoa được làm từ 300 mảnh quần áo tái chế, tôi còn mời cả những người dân làng lân cận tham gia vào quá trình sản xuất. Trước kia, tôi làm việc tại một studio thiết kế nội thất với những dự án chủ yếu mang tông màu đen trắng xám, nhưng trong thâm tâm, tôi luôn khao khát màu sắc, và tôi quyết định đây là lúc để phá vỡ xiềng xích bằng cách thôi việc.
Sau khi nghỉ việc, tài chính của tôi trở nên eo hẹp, không đủ khả năng mua những món đồ nội thất đắt đỏ hay thú vị từ các thương hiệu nổi tiếng; đồng thời tôi cũng nhận thấy sự thiếu hụt của thị trường đối với những lựa chọn phù hợp với giới trẻ, và từ đó tôi bắt đầu tự tay làm ra những món đồ nội thất thú vị mang dấu ấn của riêng tôi.
Liệu những vật liệu đơn giản, giá rẻ có thể trở thành một món đồ nội thất bắt mắt nhờ vào chút sáng tạo? Tôi là người mê đồ chơi, nhớ lại một lần, sau một sự kiện nào đó, tôi nhận được nhiều mảnh ghép lego rời rạc, chúng nằm chất đống không dùng đến. Tôi liền nảy ra ý tưởng: Tại sao không kết hợp chúng với đồ nội thất theo một cách mới?
Từ người hàng xóm, tôi mua lại một chiếc ghế sofa da cũ, có phần lỗi mốt, nhưng sau khi cải tiến, nó như được thổi hồn mới. Mỗi khi có cuộc gọi điện thoại, tôi thường vô thức ngồi lên chiếc ghế sofa lego, lắp ghép những mảnh lego, thấy thực sự thoải mái.
Trong lúc dọn dẹp nhà cửa, tôi phát hiện ra rất nhiều tạp chí bỏ đi, và tôi nghĩ tới việc sử dụng chúng để tạo ra một bàn trà sách. Tôi dùng 50 cuốn tạp chí, cuộn chúng lại, cố định bằng dây cao su và cuối cùng đặt một tấm kính tròn lên trên, vô cùng chắc chắn và bắt mắt.
Đôi khi thực tế quá buồn chán, nên tôi muốn tạo ra những món đồ nội thất không cần suy nghĩ nhiều. Bàn trà hình quả trứng chiên, tôi dùng đất sét để tạo hình, sau đó phủ màu và cuối cùng phủ lên một lớp nhựa, mang đến một chút nghịch ngợm vui vẻ cho sự đơn điệu của cuộc sống.
Một lần, khi đi ngang qua một bãi phế liệu, tôi thấy có nhiều thùng dầu không dùng đến và quyết định mang một số về nhà, thấy rằng chúng rất thích hợp để tái chế thành ghế sofa. Tôi đến khu chợ phế liệu gần đó, thu gom một đống đồ sắt vụn, rồi gắn chúng vào mặt bên của chiếc sofa.
Vật liệu công nghiệp có vẻ đẹp cơ khí riêng, sau khi kết hợp các mạch chip với thùng dầu, chúng được biến hóa, trở thành chiếc ghế sofa đơn thời thượng. Khi còn ở khu trung tâm, tôi vẫn gặp gỡ bạn bè, chơi mạt chược, nhưng khi chuyển ra ngoại ô, vòng tròn xã hội của tôi bắt đầu thu hẹp lại. Khi lục lọi tìm kiếm, tôi thấy một hộp mạt chược và quyết định biến chúng thành một chiếc bàn phụ nhỏ nhắn và thú vị.
Trước kia tôi thích làm đồ họa trên máy tính, nhưng giờ đây tôi nhận ra rằng vẽ tay mới thực sự là cách nhanh chóng để thể hiện ngôn ngữ thiết kế của mình. Nếu tôi có ý tưởng mới, tôi sẽ lấy tờ giấy A4 và phác thảo nhanh ý tưởng của mình, sau đó mới đến máy tính để mô phỏng, xác định kích thước, vật liệu và kỹ thuật, rồi cuối cùng là thực hiện nó.
Ngày xưa, khi tôi đăng một sản phẩm nội thất lên mạng, rất nhiều người hỏi về hướng dẫn, gói nguyên liệu, tôi nghĩ mình nên làm việc này một cách hoàn chỉnh hơn. Mỗi lần tôi tái chế một món đồ, tôi đều chia sẻ nguồn gốc vật liệu, thậm chí là bản vẽ của mình và khuyến khích mọi người tự tay thực hiện.
Nhiều người đã sao chép và tạo ra những sản phẩm giống y chang, đăng tải chúng lên nền tảng xã hội của tôi và tag tên tôi, điều đó khiến tôi cảm thấy vô cùng tự hào. Chúng tôi đều là những người yêu thích sự mới mẻ, không hài lòng với việc mua những món đồ sẵn có hoặc tìm kiếm trên mạng, muốn thông qua những sáng tạo nhỏ để làm cho ngôi nhà của mình trở nên độc đáo hơn.
DIY một món đồ nội thất, tạo ra một thứ nhỏ nhặt, từ đó tạo nên một không gian lớn, và từ không gian đó, bạn tạo nên cuộc sống của mình. Khi con người đắm chìm vào việc sáng tạo, bạn sẽ yêu thích nó ngay thôi.
02 – Sáng tạo từ phế liệu là một bước đi đến bảo vệ môi trường
Khi tôi bắt đầu làm các tác phẩm tái chế, tôi chưa bao giờ nghĩ mình là một phần của phong trào bảo vệ môi trường.
Mọi chuyện thay đổi khi càng ngày càng nhiều bạn bè tới tìm tôi và nói rằng những việc tôi đang làm thực sự liên quan đến bảo vệ môi trường và bền vững, bởi vì tôi đang sử dụng những vật liệu bỏ đi, cũ kỹ để tạo ra những thứ mới mẻ. Từ đó, tôi dần dần bước vào lĩnh vực này.
Nhưng nói thật lòng, việc sáng tạo nghệ thuật thực sự khá khắc nghiệt, trong quá trình sản xuất, có phần nào đó không thực sự thân thiện với môi trường. Điều tôi có thể làm được là mở ra một cửa sổ, thông qua những tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc để mọi người cảm nhận được vấn đề môi trường ngày càng trầm trọng. Chiếc đèn trang trí này, tạo ra từ 300 bộ quần áo bỏ đi, một số được thu gom từ chiến dịch của chúng tôi, phần khác được các cụ già trong làng mang đến.
Tôi đã biến những bộ quần áo cũ này thành một bông hoa khổng lồ. Khi chúng ta loại bỏ quần áo cũ, qua quá trình sáng tạo, chúng được trả về một trạng thái tượng trưng cho tự nhiên. Tôi cũng liên tục học hỏi những kỹ thuật mới, chẳng hạn như nhuộm, buộc, đan,…
Ban đầu, hầu hết công việc đều do tôi một mình hoàn thành, nhưng dần dần, nó đã thu hút sự chú ý của những người xung quanh. Khi tôi làm việc, studio luôn mở, người dân quanh làng gần đó thường đứng ngắm nhìn, tò mò bước vào xem chúng tôi đang làm gì. Sau đó, tôi cũng mời họ tham gia cùng tạo nên những tác phẩm. Những viên gạch nhỏ trong chiếc đèn này, giống như những viên kẹo ngọt, thực chất là rác thải nhựa tôi nhặt được trên bãi biển, tôi đã cắt chúng ra, xử lý thành mảnh vụn, kết hợp với nhựa epoxy, và sử dụng hàn điện để tạo khung sườn, cuối cùng hoàn thành chiếc đèn đầy màu sắc.
Không chỉ là 500 mảnh rác thải đại dương tĩnh lặng, nó còn giống như là sự bất mãn và phản kháng từ đại dương.
Công trình mới nhất của tôi vẫn liên quan đến đại dương, chúng tôi đã tổ chức một sự kiện ở làng Hậu Hải, Tam Á. Trong những năm gần đây, làng Hậu Hải ngày càng nổi tiếng, rất nhiều người trẻ đến đây để lướt sóng và nghỉ dưỡng, nhưng ô nhiễm môi trường cũng ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Tôi tạo ra hình ảnh một người đàn ông trong suốt màu xanh biển, tượng trưng cho đại dương, ngồi ở một đầu của chiếc bàn dài 3.5 mét, còn ở đầu bên kia, tôi để trống cho một người ngồi. Trong những chiếc đĩa trên bàn là chiếc bánh rán tượng trưng, được tôi làm từ rác thải đại dương. Nếu một ngày đại dương biến thành một con người, và anh ấy muốn mời chúng ta – loài người – đến dự một bữa tiệc, nhưng trong đại dương lại đầy rẫy rác thải nhựa, liệu anh ấy có còn nguyên liệu thực phẩm để mời chúng ta không, hay chỉ còn rác thải mà thôi?
Đây là một “con chim xanh xuống thăm vườn ô liu”, được tôi tạo thành từ 6000 nắp chai nhựa, tôi hy vọng qua vẻ đẹp chất chồng của rác thải nhựa, mọi người sẽ lắng nghe những thông điệp mà tác phẩm muốn truyền đạt.
Những mảnh rác thải nhựa này, một phần tôi nhặt được trên bãi biển, một phần thu gom từ rừng. Ô nhiễm nhựa là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ngày càng có nhiều loài sinh vật trên thế giới biến mất, tôi mong rằng những sinh vật từng hạnh phúc trong tự nhiên một ngày nào đó lại có thể sải cánh và bay lượn trở lại.
03 – Tôi không muốn rời Thượng Hải và phải sống trong nhà thuê giá rẻ
Khi còn nhỏ, bố mẹ tôi đã ly hôn. Trong ký ức, tôi thường xuyên ở một mình trong phòng. Khi lên đại học, tôi học chuyên ngành Mỹ thuật Môi trường, và vào tuổi 18, tôi như trải qua lần tỉnh ngộ đầu tiên trong đời. Trước kia, tôi sống rất nhạy cảm và cẩn trọng, nhưng sau đó, tôi đã dần dần nắm lấy quyền kiểm soát cuộc đời mình.
Năm 2018, khi mới là sinh viên năm cuối, tôi đã chạy đến Thượng Hải để thực tập, hy vọng có thể nhanh chóng hòa nhập vào xã hội. Công việc lúc đó rất căng thẳng, có lúc bận rộn đến nỗi 3, 4 giờ sáng mới tan làm, sau giờ làm việc vẫn có thể mua được bánh bao tươi ngon nhất. Sáng hôm sau lại phải dậy lúc 10 giờ để đi đến studio, không hề có thời gian cho cuộc sống riêng. Ban đầu tôi ở ngay trung tâm thành phố, với mức lương chỉ 6000 tệ một tháng (khoảng 21 triệu đồng), tiền thuê nhà đã mất 3000 tệ (khoảng 10.5 triệu đồng), hàng ngày còn theo đồng nghiệp đặt những suất ăn ngoài quán ngon lành, thực chất cuộc sống của tôi lúc đó đang nợ nần chồng chất.
Giai đoạn nghỉ việc, tuy không một xu dính túi, nhưng tôi vẫn không muốn rời Thượng Hải. Tôi cầm điện thoại, tìm kiếm ở khu vực ngoại ô Thượng Hải có giá thuê nhà rẻ hơn, và rất nhanh chóng tôi đã đặt được căn nhà đầu tiên. Tại đây, tôi bắt đầu sự nghiệp mới.
Căn studio mới ban đầu là một trang trại ở ngoại ô, đã từng là nơi chủ nhà nuôi lợn, gà, vịt, sau đó chuyển thành xưởng bảo dưỡng xe hơi, công ty chuyển phát nhanh, và khi tôi đến, tôi đã biến nó thành một không gian nửa là nhà ở, nửa là studio triển lãm nghệ thuật. Đó là một căn hộ hình chữ nhật, phòng khách chủ yếu dùng để làm việc, cũng trưng bày một số tác phẩm nhỏ và bộ sưu tập của tôi, tôi cảm thấy thoải mái hơn khi ở trong không gian này.
Không gian thứ hai, tôi muốn biến nó thành một phòng triển lãm nghệ thuật cá nhân, dần dần biến đổi theo hướng lý tưởng của mình. Mỗi món đồ ở đây đều rất quý giá, được đặt ở vị trí cố định với ánh sáng đẹp. Tương lai, tôi muốn tạo một không gian mở, mời bạn bè đến tham quan.
Xưởng thủ công chất đầy những món đồ sắt vụn tôi đã sưu tầm. Năm năm qua, tôi vẫn mặc chiếc quần lem luốc có vài lỗ thủng chạy nhảy trong xưởng làm việc, dùng cưa điện, hàn điện thoải mái không vướng bận gì cả.
Với lượng công việc ngày càng tăng, chúng tôi bắt đầu thực hiện nhiều dự án thú vị hơn, và khi một mình không thể xoay xở, tôi đã kêu gọi những người phụ nữ thất nghiệp xung quanh và ông bà hàng xóm, đến cùng thử nghiệm những điều mới mẻ và thú vị.
Tất nhiên, sống ở trung tâm thành phố cũng vui, mỗi ngày đi làm, tôi đều ăn diện một chút. Nhưng khi chuyển đến ngoại ô, bạn sẽ phát hiện ra thực sự không ai quan tâm đến bạn, cuộc sống trở lại trạng thái đơn giản và mộc mạc nhất.
Trước kia, khi ở trung tâm thành phố, tôi thường cùng bạn bè đến xem các triển lãm. Chuyển đến đây, phong cảnh tự nhiên rất đẹp, chính studio của tôi cũng giống như một phòng triển lãm, vì vậy nhiều bạn bè đã từ trung tâm đến thăm tôi.
Giờ đây, mỗi ngày thức dậy đối với tôi là một ngày sáng tạo mới, thỉnh thoảng đi vào trung tâm thành phố, tôi cảm thấy như đang tiếp nhận cảm hứng mới, và khi trở về, tôi lại càng yêu nơi này hơn.
04 – Bạn phải học hỏi rất nhiều thứ để bắt kịp xu hướng
Tôi có rất nhiều bạn vẫn đang làm trong ngành thiết kế nội thất, hàng ngày phải cần mẫn ngồi một chỗ, điều khiển chuột máy tính, miệt mài vẽ ra những bản vẽ và chạy khắp công trường bụi bặm. Đối với tôi, vào lúc này, không thể tưởng tượng nổi việc quay lại làm công ăn lương, nó thật buồn chán và có phần bất hạnh.
Ngoài công việc sáng tạo hàng ngày, tôi còn là một blogger mạng xã hội. Mọi người thường ghen tị, tại sao hàng ngày bạn đều có thể đăng tải nhiều bức ảnh đẹp như vậy? Liệu bạn có phải không cần làm việc, và cứ thảnh thơi hàng ngày không?
Thực ra, tôi cho rằng công việc tôi đang làm, độ khó của nó, có thể những người chưa từng trải qua sẽ không thể tưởng tượng nổi, bởi vì bạn cần phải liên tục tạo ra nội dung, không ngừng đổi mới bản thân. Một khi bạn dừng lại, bạn sẽ bị đào thải. Việc tạo ra nội dung chính là thách thức lớn nhất mà tôi gặp phải. Dù là dự án nghệ thuật lớn hay chỉ là việc tái tạo đồ nội thất nhỏ, tất cả đều phải dựa vào sự tích lũy, sáng tạo và khả năng thực thi của chính tôi.
Có một thời gian, tôi cảm thấy một sự kháng cự lớn, tôi lại phải bắt đầu nghĩ ra cái mới? Nguồn cảm hứng trước đây của tôi đã cạn? Liệu tôi đã không còn gì để đóng góp nữa không? Thế thì tôi thà đi làm văn phòng cho xong.
Tôi thậm chí cảm thấy làm việc giờ đây còn mệt mỏi hơn cả đi làm công sở, “25 giờ” mỗi ngày đều dành cho công việc. Trước khi ngủ tôi vẫn cứ nghĩ về ý tưởng, đến lúc mơ cũng bị công việc ngày mai làm cho giật mình tỉnh giấc. Còn có một sự tiêu hao năng lượng không hề nhẹ, bởi vì từ chụp ảnh, viết lách, đến sáng tạo, mỗi bước đều cần tôi tự mình hoàn thành, ngay cả khi nghỉ ngơi tôi cũng không dám lơ là, bạn phải bắt buộc học hỏi nhiều điều, mới có thể theo kịp xu hướng hiện tại.
Dù cho công việc có khó khăn, nhưng giờ đây tôi thật sự cảm thấy tự do, một điều mà trước đây tôi chưa từng trải qua. Làm freelancer đã kích thích tiềm năng to lớn bên trong tôi, và trong những năm qua, tôi nhận thấy mình đã phát triển nhanh chóng. Xung quanh tôi cũng có rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là em trai tôi, khi nhìn thấy một blogger thời trang hàng ngày mặc những bộ quần áo bóng loáng mới toanh, nó khao khát có được một cuộc sống như thế và cũng muốn tự tạo ra nội dung cho chính mình. Nhưng tôi sẽ nói với em tôi, đừng bao giờ nghĩ rằng những thứ đó đều dễ dàng, trừ khi bản thân thực sự có tài năng.
Việc tạo ra nội dung cho mọi người, có nghĩa là bạn cần phải liên tục làm mới nhận thức của bản thân hàng ngày. Đây là công việc rất khó, bạn cần không ngừng vượt qua vùng an toàn của mình. Tôi thấy đây là điều mà nhiều người sinh sau năm 2000, đặc biệt như em trai và em gái tôi, rất dễ mắc phải. Theo tôi, thế hệ genZ hiện nay, họ đặc biệt coi trọng việc tự thể hiện cá tính bản thân. Nhưng cùng lúc đó, trong trái tim họ cũng có một phần dành cho xã hội, đặc biệt sau khi trải qua đại dịch, họ càng quan tâm hơn đến những gì đang diễn ra trên thế giới.
Tôi chưa bao giờ cảm thấy cuộc sống nào tốt hơn, nhưng mỗi người, đều cần tìm ra phong cách sống phù hợp cho bản thân. Và sự sáng tạo, là con đường để khám phá chính mình. Bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt, như lần đầu tiên bạn tự thiết kế ngôi nhà của mình, tạo ra một góc nào đó, từ từ chăm sóc nó.