Tết Trung thu luôn là dịp lễ đặc biệt quan trọng đối với mỗi người Việt Nam. Đây không chỉ là ngày lễ hội của trẻ em với những chiếc đèn ông sao rực rỡ sắc màu, mà còn là dịp để mọi người trong gia đình cùng nhau quây quần, thưởng thức vị ngọt của bánh trung thu, ngắm vầng trăng tròn vành vạnh, gửi gắm những ước nguyện và tình cảm yêu thương.
Trước cả tháng trời, không khí Tết Trung thu tràn ngập các con phố, mọi người náo nức chuẩn bị, trang hoàng. Mâm cỗ Trung thu được bày biện cầu kỳ với đủ loại hoa quả, đặc biệt không thể thiếu những chiếc bánh nướng và bánh dẻo với đủ hình thù và hương vị. Những em nhỏ trong trang phục mới tinh tươm, tay cầm đèn lồng, hồn nhiên rong ruổi khắp các ngõ xóm.
Rằm tháng Tám là Tết Trung thu. Tết Trung thu năm nay thật khác, khác nhiều lắm. Trung thu năm nay không chỉ là Tết của con trẻ, là dịp đoàn viên của mỗi nhà mà còn trở thành khoảnh khắc cả nước hướng về những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ. Mỗi năm cứ đến ngày này, phố phường khắp mọi nơi đã rộn ràng những đèn ông sao, những mâm quả để bày cỗ trong dịp trông trăng. Những ánh đèn vàng đỏ lấp lánh khi phố lên đèn khiến trẻ con lẫn người già đều háo hức đón một cái Tết Trung thu đẹp đẽ.
Tết Trung thu trong tâm thức người dân Việt Nam
Tết Trung thu còn là dịp mọi người tưởng nhớ đến nguồn cội, biểu hiện sự tri ân đến tổ tiên và ông bà. Các tục truyền thống như treo đèn bày cỗ, cúng trăng, rước đèn hay hát trống quân, múa lân,… làm cho tâm hồn mỗi người thêm phần phong phú và sâu sắc.
Với mỗi người Việt, Tết Trung thu gợi nhắc những ký ức tuổi thơ ngọt ngào, những giai điệu rộn rã của múa lân, sư tử, rồng và hình ảnh chú Cuội cùng chị Hằng trên cung trăng. Dù thời gian có trôi qua, những truyền thống đẹp đẽ này vẫn được gìn giữ và truyền lại, khẳng định tình yêu và lòng tự hào về văn hóa dân tộc, làm cho Tết Trung thu vẫn luôn là một phần không thể thiếu trong tâm hồn của mỗi người Việt.
Phan Kế Bính cũng từng nhắc tới Tết Trung thu xưa của người Việt trong Việt Nam phong tục khá kỹ: “Ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng, dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả nhuộm các màu sắc sặc sỡ, xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái hàng phố thì thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm, con cá coi cũng đẹp”.
Ảnh: VinWonders Nam Hội An
Trung thu thời hiện đại, đơn giản hơn nhưng cũng không kém phần rực rỡ. Đồ chơi trẻ con trong Tết này không chỉ có đèn lồng, đèn ông sao, các thứ mặt nạ bồi bằng giấy mà còn háo hức theo bố mẹ lên phố ngắm Tết Trung thu. Tết Trung thu vui vẻ là vậy, nhưng ý nghĩa khởi nguyên ban đầu của Tết này còn liên quan đến mùa vụ – cái Tết của nhà nông.
Đối với một đất nước nông nghiệp như ở ta, việc cầu mưa thuận gió hòa cực kỳ quan trọng. Đó là lý do rồng được coi là linh vật ban phát hạnh phúc và no ấm. Người dân cũng dùng hình ảnh của rồng để tạo nên mưa thuận gió hòa. Điều này càng rõ rệt hơn với nơi khởi nguồn nền văn minh lúa nước như Việt Nam, người dân rất coi trọng những trận mưa làm cho đất đai màu mỡ. Chính vì vậy, rồng ở xứ này, là biểu tượng của mưa và sự phì nhiêu.
Trong cuốn Bách khoa thư làng Việt cổ truyền, tác giả Bùi Xuân Đính đã viết rằng: “Ở Việt Nam, theo tài liệu ghi lại, Tết Trung thu là ngày vua Lý tạ ơn thần Rồng đã mang mưa tới cho mùa màng bội thu, dân chúng được ấm no, hạnh phúc”. Thế nên, sắp đến Tết Trung thu, ai nấy đều rộn ràng.
Tết Trung thu đặc biệt với cơn bão không thể nào quên
Vậy mà, cơn bão số 3 đến, mọi háo hức chẳng còn.
Có những đứa trẻ vừa chào đời được vài tháng, cũng có những người vừa qua tuổi đôi mươi, và cả những người vừa chớm bước sang cái dốc bên kia của đời, không ai có thể ngờ rằng, ngay trước thềm đêm hội trăng rằm thân thương, một cơn bão lớn lại ập đến, càn quét qua miền Bắc của chúng ta.
Theo báo cáo của các địa phương, cập nhật đến 17h ngày 16/9 đã có 291 người tử vong, 38 người mất tích và 1.922 người bị thương do bão số 3 và mưa lũ sau bão, hơn 236.000 căn nhà hư hỏng, 83.401 căn nhà bị ngập… Đau xót nhất có thể kể đến vụ sạt lở ập xuống thôn Làng Nủ (Lào Cai), vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ)…
Ảnh: VTC News, Nhật Anh.
Trước những mất mát to lớn của người dân vùng lũ, những háo hức Trung thu nhường chỗ cho những trăn trở và sự sẻ chia. Người ta dường như đã quên đi Trung thu. Thay vào đó, nghĩ nhiều hơn tới 2 tiếng: Đồng bào. Khắp nơi, từ trên MXH đến ngoài đời, từ cơ quan công sở tới trường học, nhiều nơi đồng loạt thông báo hủy các chương trình Trung thu đã lên kế hoạch từ trước bão. Đó là sự thấu cảm, là tinh thần đoàn kết vốn có trong mỗi người Việt Nam.
Ngày 11/9, UBND tỉnh Tuyên Quang có văn bản số 4098 về việc dừng tổ chức Liên hoan Trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên năm 2024. Các hoạt động trong khuôn khổ Liên hoan và Lễ hội như chương trình “Điện ảnh với Xứ Tuyên”, Hội chợ Thương mại – Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2024, Chương trình “Trưng bày, giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt” và Lễ hội bia Hà Nội năm 2024… cũng tạm dừng.
Ban Tổ chức Lễ hội Trà Đường Hoa huyện Hải Hà (Quảng Ninh) chính thức thông báo sẽ lùi thời gian tổ chức Lễ hội này sang tháng 10 (thời gian cụ thể thông báo sau), thay vì như dự kiến ban đầu vào ngày 14 – 15/9. Do ảnh hưởng của bão lũ, Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam dừng tổ chức Lễ hội Trung thu năm 2024 tại Khu Thủy đình, Phố cổ Hoa Lư, Ninh Bình.
Nhằm chia sẻ với những đau thương, mất mát, khó khăn của đồng bào miền Bắc do bão lũ, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tạm hoãn tất cả các chương trình lễ hội, sự kiện trong khuôn khổ “Festival mùa thu Huế 2024” và kêu gọi ủng hộ nhân dân các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Theo đó, Hội Đèn lồng Quốc tế Huế 2024, Lễ hội Rước đèn lồng đường phố, Lễ hội áo dài “Linh Phụng”, chương trình nghệ thuật “Mùa thu cho em” do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dự kiến tổ chức từ ngày 16 – 19/9 sẽ tạm hoãn.
Sáng 14/9, thông tin từ Văn phòng UBND TP Thanh Hóa cho hay, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa vừa ký ban hành công văn chỉ đạo về việc dừng tất cả các hoạt động tổ chức vui Tết Trung thu năm 2024 trên địa bàn.
…
Vẫn biết “việc ai người ấy làm”, nhưng hướng mắt về vùng lũ, dù nắng đã lên, dù nước đã rút, vẫn còn đâu đó những thân xác chôn vùi dưới bùn đất, có ai mà không xót thương, không đồng cảm với nỗi niềm mất mát ấy?
Ảnh: Tuổi Trẻ
Thế mới thấy, sự ác liệt và khủng khiếp của bão số 3 đã cướp đi bao sự đoàn viên của các gia đình trước thềm Tết Trung thu: Con mất cha, bà mất ông, vợ mất chồng, cả nhà mất nhau,… Nhiều người làm lụng vất vả cả đời, chỉ một cơn bão quét qua mất đi tất cả.
Khi đồng bào gặp nạn là lúc cả nước xích lại gần nhau: Trung thu là hi vọng đoàn viên cho mọi gia đình!
Giữa những đau thương và mất mát khắc sâu vô hạn vào mỗi trái tim ấy, hai chữ “đồng bào” và ba chữ “Việt Nam tôi” lại trở nên lấp lánh, tỏa sáng bằng tình yêu thương và sự đồng cảm sâu sắc. Cả nước đều đồng lòng hướng về vùng lũ – nơi đồng bào của chúng ta đang phải gánh chịu cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên.
Đằng sau những giọt nước mắt nức nở, sau những nỗi đau nghẹn ngào không thốt thành lời là tinh thần đoàn kết, là sự nỗ lực không biết mệt mỏi của cả một dân tộc. Nhà nước, các tổ chức từ thiện, cá nhân hảo tâm, và cả cộng đồng đã không ngần ngại chung sức, chung lòng, góp phần vào công cuộc cứu trợ miền bão lũ.
Mọi tấm lòng hảo tâm đều đồng loạt hướng về những người dân bất hạnh, mang theo niềm hy vọng và sức mạnh tinh thần để họ có thể vượt qua khó khăn, tái thiết cuộc sống và mạnh mẽ trở lại. Sự đồng lòng này là biểu hiện cho tinh thần đại đoàn kết, cho thấy rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người Việt Nam luôn sẵn sàng đứng lên, hỗ trợ lẫn nhau và cùng nhau tiến về phía trước.
Tổng hợp một vài hình ảnh cứu giúp, hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng của bão số 3 và lũ lụt. Nguồn: Tổng hợp.
Ngay khi cơn bão số 3 gây ra những ảnh hưởng, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều công điện chỉ đạo, trực tiếp chỉ đạo tại những điểm nóng. Cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang huy động hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ cứu nạn, cứu hộ, giúp dân sơ tán, khắc phục hậu quả, cứu trợ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng của bão cần xác định “cứu dân là ưu tiên cao nhất”, “sức mạnh lực lượng vũ trang là nòng cốt” để triển khai đồng bộ, quyết liệt mọi biện pháp từ phòng ngừa đến cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và toàn xã hội phát huy truyền thống yêu nước, “tương thân tương ái”, quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần đối với các gia đình, người dân bị nạn, bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra; tổ chức thăm hỏi, động viên, thực hiện kịp thời chính sách đối với các gia đình bị thiệt hại.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong thời gian rất ngắn, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các địa phương trong cả nước đã có nghĩa cử cao đẹp, kêu gọi vận động và đăng ký ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Tính đến 17 giờ ngày 13/9/2024, các tổ chức, cá nhân đã chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương là 775,5 tỷ đồng.
Thủ tướng dự kiến hỗ trợ Quảng Ninh và Hải Phòng mỗi nơi 100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để khắc phục hậu quả bão Yagi. Tuy nhiên, Hải Phòng, Quảng Ninh nhường 200 tỷ đồng cho địa phương khác khắc phục hậu quả bão. Nhiều tỉnh thành kêu gọi ủng hộ hỗ trợ miền Bắc khắc phục hậu quả bão số 3 như Bà Rịa – Vũng Tàu 51 tỷ đồng, TP.HCM 120 tỷ đồng, Cần Thơ 5 tỷ đồng cùng 30 tấn gạo, 45 tấn hàng hóa,…
Ngày 12/9/2024, Tập đoàn Vingroup và các công ty trong hệ sinh thái công bố tài trợ 250 tỷ đồng cho đồng bào đang chịu thiệt hại do siêu bão Yagi và mưa lũ kéo dài.
Rất nhiều cá nhân, tập thể đã và đang quyên góp nhu yếu phẩm, quần áo, đồ dùng, ủng hộ tiền mặt… Nhiều đoàn xe hướng về các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Tinh thần tương thân, tương ái, tình đồng chí, nghĩa đồng bào hơn lúc nào hết lại được thắp sáng trong những lúc hoạn nạn.
Người dân khắp cả nước ủng hộ cứu trợ người dân vùng lũ. Ảnh: Tổng hợp MXH.
Ba miền Bắc, Trung, Nam như chim liền cánh, như cây liền cành, chỗ nào bị thương mà cơ thể không đau xót? Chính những lúc ấy, rất nhiều những nghĩa cử cao đẹp đáng trân trọng, những câu chuyện cảm động về tình người được lan tỏa, khẳng định sự yêu thương và tương trợ lẫn nhau của đồng bào ruột thịt.
Chia sẻ từ báo Tuổi Trẻ, sáng 10/9, GS.TS Lê Ngọc Thạch – giảng viên thỉnh giảng Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) cầm cuốn sổ tiết kiệm 1 tỉ đồng đến tòa soạn báo gửi “chút yêu thương” cho đồng bào miền Bắc đang chịu thiệt hại bởi bão lũ. Giáo sư 76 tuổi tâm sự : “Tôi ngồi nhà xem tình hình mưa bão mấy ngày qua chịu không nổi. Thấy xót xa cho bà con ngoài đó quá. Ngay khi thấy báo phát động chương trình ủng hộ, tôi lập tức muốn hưởng ứng, không đắn đo gì hết. Từ hồi xưa tới giờ tôi cũng theo dõi nhiều trận bão lớn nhưng chưa bao giờ thấy có trận nào gây tan hoang như cơn bão số 3”.
Hình ảnh được ghi lại khi các mầm non lớp 4a1 trường Tiểu học Hà Nội nắn nót từng con chữ gửi lời chúc đi kèm cái bánh mì đến các bạn, các cô chú, ông bà vùng lũ. Ảnh: Thaidang.
Tập thể nhiều nghệ sĩ Việt cũng chung tay hướng về đồng bào miền Bắc chịu thiệt hại lũ lụt, như ca sĩ Hà Anh Tuấn 1 tỷ đồng, Tiktoker Phạm Thoại 1 tỷ đồng cùng nhu yếu phẩm, gia đình Shark Bình – Phương Oanh 500 triệu đồng, nhóm nhạc Lunas 150 triệu đồng,… Ảnh: POPS TV Vietnam.
Nhiều chính phủ các nước quốc tế cũng chia sẻ với sự mất mát của nhân dân Việt Nam sau ảnh hưởng của bão lũ. Mỹ sẽ viện trợ 1 triệu USD, Australia sẽ viện trợ 3 triệu AUD cho Việt Nam để cứu trợ khẩn cấp sau bão số 3 Yagi. Chính phủ Australia công bố sẽ cung cấp cho Việt Nam khoản viện trợ ban đầu trị giá 3 triệu AUD, bao gồm nỗ lực hỗ trợ nhân đạo, vật tư cứu trợ khẩn cấp và các dịch vụ thiết yếu khác nhằm ứng phó với các thiệt hại do siêu bão Yagi gây ra. Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định cung cấp viện trợ nhân đạo trị giá 2 triệu USD. Chính phủ Thụy Sĩ cũng sẽ dành 1 triệu franc Thụy Sĩ (tương đương 1,2 triệu USD) cho công tác này… Chủ tịch Tập đoàn Adani Gautam Adani của Ấn Độ quyết định ủng hộ Việt Nam 1 triệu USD để khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Những ngày nắng bắt đầu trở lại miền Bắc, nước ở thượng nguồn cũng bắt đầu rút, người dân bắt đầu khắc phục hậu quả do lũ lụt ảnh hưởng. Dẫu biết vẫn còn rất nhiều gian khó nhưng từng chút một, bà con vùng tâm lũ vẫn luôn có đồng bào cả nước sát cánh và san sẻ. Giống như tinh thần mà Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra vào ngày 10/9 vừa qua: “Mưa bão dù ác liệt đến đâu rồi cũng sẽ qua đi, chỉ có tình đồng chí, nghĩa đồng bào mãi còn ở lại cùng với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam”.
Ảnh: Getty Images
Dù không có những lễ hội hoa lệ, không rộn rã ánh đèn ông sao hay màn phá cỗ trông trăng truyền thống, Tết Trung thu năm nay vẫn lung linh và ấm áp bởi tình người, bởi tinh thần đoàn kết của cả dân tộc. Ngày Tết Trung thu, tình yêu thương và sự chia sẻ trở thành chủ đề cao cả, ngày mà hai chữ “đồng bào” và ba chữ “Việt Nam tôi” cùng nhau sát cánh vượt qua khó khăn, chung sức vượt qua thách thức, hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.