“Giao lộ sáng tạo”
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 do UBND thành phố Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo; Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và Tạp chí Kiến trúc thực hiện; có sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), cùng sự phối hợp của Thành đoàn Hà Nội, UBND Quận Hoàn Kiếm và các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, và các đơn vị liên quan…
Theo đó, với chủ đề “Giao lộ sáng tạo”, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2024 mang đến những điều rất đặc biệt. Điểm nhấn của Lễ hội lần này là lần đầu tiên, các tour tham quan được “kích hoạt” với những công trình lớn như Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ phủ), Nhà hát Lớn, Đại học Tổng hợp.
Miền di sản của Thủ đô được “đánh thức” qua 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà Nội với hàng trăm hoạt động sáng tạo sôi nổi thuộc các lĩnh vực kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo,… Phát huy chủ đề “Giao lộ sáng tạo” trong Lễ hội năm nay, không chỉ thí điểm tuyến trải nghiệm về những di sản trong ký ức đến hiện tại của Thủ đô mà còn đánh thức những tiềm năng sáng tạo của thành phố, góp phần cộng hưởng, kết nối và thu hút các nguồn lực sáng tạo; lan tỏa tinh thần sáng tạo của các thế hệ người dân Hà Nội.
Khu vực chính diễn ra Lễ hội là Quảng trường Cách mạng tháng Tám, kết nối Trục Bắc – Nam (phố Lý Thái Tổ – Lê Thánh Tông) và Trục Đông – Tây (dốc Bác Cổ – phố Tràng Tiền), gồm các công trình kiến trúc nổi bật như Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ phủ), Nhà Hát lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Tổng hợp… và 5 vườn hoa Lý Thái Tổ, Cổ Tân, vườn hoa Diên Hồng… trên tuyến.
Tuyến trải nghiệm của Lễ hội sẽ là dịp đưa các công trình kiến trúc nổi bật, gắn liền với lịch sử Hà Nội đến gần hơn với đời sống người dân. Một số các công trình lần đầu tiên mở cửa đón khách tham quan như Công trình Nhà khách Chính phủ và một số các tour tham quan được “kích hoạt” như tham quan Nhà Hát Lớn, Đại học Tổng hợp, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia,…
Gần 100 hoạt động kích hoạt “bữa tiệc sáng tạo” của thành phố
Bên cạnh tuyến Lễ hội chính đầy rực rỡ, tuyến Cộng hưởng đưa ra một diện mạo mới cho những không gian sáng tạo quen thuộc trên toàn thành phố Hà Nội, với tổng gần 100 hoạt động sôi nổi từ các công trình biểu tượng đến những không gian trải nghiệm nghệ thuật, từ triển lãm đến các tọa đàm hội thảo quốc tế và cả trong nước.
Toàn thành phố Hà Nội đều được phủ tinh thần sáng tạo, từ các di sản văn hóa đến những làng nghề truyền thống, mọi nẻo đường đều hòa mình vào dòng chảy của sự mới mẻ và tươi trẻ.
Các hoạt động sáng tạo được tổ chức tại đây không chỉ là cuộc gặp gỡ giữa truyền thống và hiện đại, mà còn là cuộc đối thoại sâu sắc giữa ký ức cộng đồng với những ý tưởng sáng tạo, khẳng định vai trò của thế hệ trẻ trong việc kế thừa và phát huy những giá trị dân tộc, đồng thời thúc đẩy Thủ đô phát triển thực sự xứng tầm là trung tâm sáng tạo của cả nước.
Lễ hội gửi đi thông điệp kêu gọi các tổ chức, cá nhân, cơ quan, cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố cùng cộng hưởng sáng tạo, trưng bày tại chỗ các “sáng kiến sáng tạo” của mình. Hứa hẹn, người dân và du khách Thủ đô sẽ được sống trong không khí của một “bữa tiệc sáng tạo” độc đáo, thú vị đầy màu sắc.