Từ khóa: tín dụng xanh, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững
Summary
Green credit is an important component, contributing to a country’s green growth strategy. In Vietnam, green credit activities have been implemented in recent years and achieved many encouraging results in many fields. However, there are still many obstacles and challenges in the process of implementing this new growth model. The article summarizes the status of green credit development in Vietnam and proposes some solutions to contribute to promoting green credit development in the coming time.
Keywords: green credit, green growth, sustainable development
GIỚI THIỆU
Tài chính xanh nói chung, tín dụng xanh nói riêng là xu hướng trên toàn thế giới với sự tham gia của các tổ chức tài chính quốc tế, Chính phủ của các nước cũng như hệ thống tài chính của từng quốc gia, khu vực. Với cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 năm 2050, giảm phát thải khí methane vào năm 2030, nhu cầu đầu tư của Việt Nam vào các dự án giảm thiểu tác động đến môi trường sẽ ngày càng lớn. Do vậy, tín dụng xanh đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Tín dụng xanh chỉ những khoản tín dụng mà ngân hàng cấp phát cho các dự án sản xuất – kinh doanh không gây rủi ro hoặc nhằm mục đích bảo vệ môi trường. Với mục đích hướng tới các dự án tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch, các sản phẩm tín dụng xanh góp phần đem lại những lợi ích to lớn về phát triển nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững. Vì vậy, phát triển dòng tín dụng xanh là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
CHÍNH SÁCH THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN TÍN DỤNG XANH
Khung pháp lý về tín dụng xanh bắt đầu được xây dựng khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 (theo Quyết định số 403/QĐ-TTg, ngày 20/3/2014). Đến ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Nhằm cụ thể hóa các chính sách nói trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều văn bản quy định về tín dụng phù hợp mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải carbon, hướng tới tăng trưởng xanh như: Chỉ thị số 03/CT-NHNN, ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020; rà soát, bổ sung nội dung về tín dụng – ngân hàng xanh vào Chiến lược phát triển ngành ngân hàng…
Đặc biệt, nội dung của Chỉ thị số 03/CT-NHNN nêu rõ, hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững. Đối với các tổ chức tín dụng, Thống đốc NHNN yêu cầu chủ động triển khai xây dựng chương trình, chính sách tín dụng xanh, nhằm tăng dần tỷ trọng tín dụng xanh trong cơ cấu danh mục đầu tư tín dụng của ngân hàng; khuyến khích nghiên cứu xây dựng và triển khai các giải pháp quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Hằng quý, các tổ chức tín dụng phải báo cáo kết quả triển khai tăng trưởng tín dụng xanh.
Tiếp đó, ngày 07/8/2018, NHNN đã ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam và gần đây là Thông tư số 17/2022/TT-NHNN, ngày 23/12/2022 hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (có hiệu lực từ ngày 01/6/2023).
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2018-2019, NHNNđã phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) ban hành Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường – xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho 15 ngành kinh tế. Đây được xem là cẩm nang giúp các tổ chức tín dụng nhận diện và chủ động quản lý các rủi ro môi trường – xã hội có thể gây tác động xấu, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án được cấp tín dụng cũng như khả năng trả nợ của khách hàng, từ đó giúp các tổ chức tín dụng giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng. NHNN cũng tích cực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường – cơ quan được giao đầu mối xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục phân loại xanh quốc gia nhằm tạo cơ chế, hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi để triển khai các công cụ kinh tế hỗ trợ tăng trưởng xanh quốc gia, bao gồm hoạt động tài trợ xanh của các tổ chức tín dụng.
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN TÍN DỤNG XANH
Kết quả đạt được
Số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho thấy, giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Đến ngày 30/6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt gần 528,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong số 12 lĩnh vực xanh, NHNN đã hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 45%) và nông nghiệp xanh (31%). Các tổ chức tín dụng đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt khoảng 2.485 triệu tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế (Hồng Anh, 2023).
Một số ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam có tỷ trọng tín dụng xanh cao, như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), NHTM Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NHTM Cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank), NHTM Cổ phần Tiên Phong (TPBank), NHTM Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), NHTM Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), NHTM Cổ phần Nam Á (Nam A Bank), NHTM cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HD Bank) (Trần Thế Anh, 2022).
Một trong những điểm sáng đáng chú ý là chính sách tín dụng xanh của Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua việc thực hiện Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác bảo vệ môi trường, cải thiện môi sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân vùng nông thôn. Với Chương trình này, các hộ nghèo khu vực nông thôn được vay tối đa 6 triệu đồng (mức cũ 4 triệu đồng) với lãi suất ưu đãi để xây dựng một công trình nước sạch hoặc vệ sinh, tối đa 12 triệu đồng cho cả hai công trình, thời hạn vay 5 năm kể từ ngày giải ngân.
Với những thành tựu trên, Việt Nam được xếp vào nhóm thứ hai các quốc gia có sự tiến bộ đáng kể trong tiến trình phát triển bền vững tại Báo cáo Đánh giá tiến bộ quốc gia giai đoạn 2020-2021 của Mạng lưới tài chính và ngân hàng bền vững.
Một số khó khăn, hạn chế
Tuy nhiên, tỷ trọng tín dụng xanh vẫn còn rất khiêm tốn, dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm 4,32% tổng dư nợ toàn nền kinh tế do đây là lĩnh vực mới. Các khoản vay tín dụng xanh chủ yếu được tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm khoảng 46%), lĩnh vực quản lý nước bền vững (chiếm khoảng 13%), gần đây có xu hướng dịch chuyển sang một số lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (Trần Thế Anh, 2022). Nhiều lĩnh vực quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, như: quản lý chất thải, giao thông và xây dựng bền vững… còn rất hạn chế.
Nguyên nhân là do, các quy định, định nghĩa cụ thể về các danh mục, ngành lĩnh vực xanh vẫn chưa được thống nhất để có thể áp dụng chung trên cả nước. Điều này gây khó khăn cho các NHTM trong việc lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.
Bên cạnh đó, luật pháp Việt Nam chưa có các quy định đầy đủ liên quan trực tiếp đến việc các ngân hàng cần phải cân nhắc tới những rủi ro về môi trường và xã hội đối với những khoản vay tín dụng. Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật chỉ tập trung vào trách nhiệm của những đơn vị trực tiếp gây ô nhiễm, dẫn đến tâm lý chủ quan của các cán bộ tín dụng. Đồng thời, lĩnh vực xanh hiện vẫn thiếu khuôn khổ pháp lý, các tiêu chí đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường để hỗ trợ xây dựng chính sách, sản phẩm phát triển tín dụng xanh; các phương án kinh doanh cũng cần phải đáp ứng được các điều kiện khắt khe về bảo vệ môi trường, các thủ tục vay vốn phức tạp. Chính vì những yêu cầu này, khách hàng sẽ ít có nhu cầu sử dụng sản phẩm tín dụng xanh của ngân hàng nếu không có hỗ trợ lãi suất hay những cơ chế ưu đãi khác.
Nhận thức và năng lực của các tổ chức tín dụng trong phát triển các sản phẩm tín dụng xanh mới ở bước đầu và còn hạn chế. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp phát hành trái phiếu chưa được đào tạo chuyên sâu, bài bản trong thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường cũng như báo cáo thông tin trong hoạt động cấp tín dụng, phát hành trái phiếu theo thông lệ quốc tế. Nhiều tổ chức tín dụng chưa có một đơn vị phòng, ban chuyên trách về thẩm định dự án, đánh giá rủi ro môi trường, xã hội cũng như theo dõi và đánh giá hiệu quả hoạt động của dòng tiền huy động được từ nguồn tín dụng xanh trong suốt vòng đời dự án. Trên thị trường Việt Nam cũng chưa có các đơn vị cung cấp dịch vụ xác nhận tín dụng xanh. Ngoài ra, các thách thức đến từ thị trường, như: vấn đề quy mô tối thiểu, trong đó nhiều dự án quy mô nhỏ không có khả năng đáp ứng các yêu cầu ngân hàng, tổ chức tài chính lớn trên thế giới.
Một số ngân hàng còn chưa xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội, chưa có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro với mảng này…
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
Để phát triển tín dụng xanh, theo tác giả, một số giải pháp cần được triển khai thực hiện đồng bộ và có hệ thống, cụ thể như sau:
Về phía Nhà nước, NHNN
Thứ nhất, Nhà nước cần đóng vai trò dẫn dắt thực hiện phát triển tín dụng xanh. Đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, thúc đẩy phát triển thị trường tín dụng xanh và các sản phẩm tín dụng xanh. Đồng thời, ưu tiên đầu tư và chi tiêu của Chính phủ trong những lĩnh vực xanh và ban hành chính sách phù hợp nhằm thu hút các nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư vào kinh tế xanh như ưu đãi về thuế, phí…
Thứ hai, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn tín dụng xanh thống nhất áp dụng trên toàn thị trường. Theo đó, cần thiết ban hành Danh mục phân loại xanh quốc gia làm cơ sở để huy động nhiều hơn nữa nguồn tài chính xanh. Trên cơ sở một danh mục phân loại xanh quốc gia với các tiêu chí môi trường rõ ràng, thì tỷ trọng đóng góp của ngành ngân hàng sẽ cao hơn nhiều. Ngoài ra, tăng cường hoạt động của các tổ chức định giá, xếp hạng tín nhiệm xanh, công khai và minh bạch các chỉ số xếp hạng xanh.
Thứ ba, NHNN cần có giải pháp cụ thể trong kế hoạch tín dụng xanh thông qua việc xây dựng những chiến lược mang tính dài hạn, các chính sách hỗ trợ để tín dụng xanh phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới. NHNN cũng nên phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng bộ tiêu chuẩn đầy đủ về môi trường cho các ngành nghề, lĩnh vực để các ngân hàng có căn cứ thẩm định, đánh giá tác động về môi trường, xã hội theo các quy định trong thẩm định rủi ro. Ngoài ra, NHNN có thể thông qua các công cụ của mình để khuyến khích các NHTM cùng tham gia hỗ trợ phát triển tín dụng xanh, như: giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc có những ưu đãi đối với các ngân hàng có tỷ trọng tổng dư nợ tín dụng xanh cao; điều chỉnh tỷ lệ quy đổi của khoản dư nợ tín dụng xanh xuống mức thấp hơn khoản tín dụng khác khi tính toán tài sản có rủi ro; tăng tỷ lệ nợ xấu cho phép của ngân hàng phát triển tín dụng xanh nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại dành vốn cho vay các dự án, phương án xanh của khách hàng; sản phẩm tín dụng cần được thẩm định đầy đủ về rủi ro môi trường, xã hội…
Thứ tư, cần thiết có một quy định có tính chất pháp lý đóng vai trò rất quan trọng để xác định những trách nhiệm liên đới của các NHTM trước sự cố môi trường. Từ đó, các NHTM sẽ phải cẩn trọng hơn trước những quyết định cho vay của mình để tín dụng vừa có thể đến tay nhà đầu tư, vừa đảm bảo được những điều kiện ràng buộc với pháp luật về các tiêu chí xanh, thân thiện với môi trường sống.
Thứ năm, Chính phủ cần nghiên cứu về bảo lãnh cho các dự án đầu tư xanh; hoàn thiện những quy định hiện hành theo hướng khuyến khích các ngân hàng triển khai tín dụng xanh, đồng thời phối hợp với các nhà tài trợ để học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Các đóng góp, thành tựu về tín dụng xanh cần được ghi nhận và tuyên dương để các ngân hàng có thêm động lực thực hiện.
Về phía các NHTM
Một là, cần kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu thẩm định tín dụng, để có thể hạn chế những rủi ro về mặt môi trường và xã hội, thông qua việc quyết định đồng ý hoặc từ chối cho vay vốn đối với những dự án có những dấu hiệu xấu.
Hai là, chú trọng việc nâng cao, bồi dưỡng trình độ cán bộ, phát triển năng lực đội ngũ quản lý thông qua các chương trình đào tạo, các hội thảo có sự tham gia của các nước đã có kinh nghiệm về tín dụng xanh trên thế giới.
Ba là, công tác truyền thông cũng nên được đẩy mạnh để các thông tin, chính sách về tín dụng xanh đến gần với các cán bộ và doanh nghiệp có nhu cầu được cập nhật./.
Tài liệu tham khảo
1. Chính phủ (2022), Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, ngày 10/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
2. Hồng Anh (2023), Thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh, truy cập từ https://nhandan.vn/thuc-day-tin-dung-xanh-ngan-hang-xanh-post780348.html.
3. NHNN (2018), Quyết định số 1604/QĐ-NHNN, ngày 07/8/2018 phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam.
4. NHNN (2022), Thông tư số 17/2022/TT-NHNN, ngày 23/12/2022 hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
5. NHNN (2015), Chỉ thị số 03/CT-NHNN, ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
6. Trần Thế Anh (2022), Thực trạng triển khai tín dụng xanh đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển tín dụng xanh trong thời gian tới, truy cập từ http://tapchimoitruong.vn/dien-dan–trao-doi-21/thuc-trang-trien-khai-tin-dung-xanh-de-xuat-mot-so-giai-phap-thuc-day-phat-trien-tin-dung-xanh-trong-thoi-gian-toi-27268.
ThS. Dương Thị Hoa Phượng
Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Điện Biên
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024)