ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền, ThS. Hoàng Thị Nguyệt
Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh – Đại học Thái Nguyên
Email: thuhien@tueba.edu.vn.
Tóm tắt
Bài viết này phân tích các xu hướng và kinh nghiệm quốc tế trong việc ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực kế toán tài chính. Kết quả nghiên cứu cho thấy, công nghệ số không chỉ nâng cao hiệu quả công việc, mà còn cải thiện độ chính xác, minh bạch và bảo mật trong quản lý tài chính. Bên cạnh đó, bài viết cũng đưa ra những bài học và khuyến nghị cho Việt Nam nhằm phát triển lĩnh vực kế toán tài chính trong kỷ nguyên số.
Từ khóa: xu hướng, ứng dụng, công nghệ số, kế toán tài chính, Việt Nam
Summary
This article analyzes international trends and experiences in applying digital technology to financial accounting. The research results show that digital technology not only improves work efficiency but also improves accuracy, transparency, and security in financial management. In addition, the article also provides lessons and recommendations for Vietnam to develop the field of financial accounting in the digital age.
Keywords: trends, applications, digital technology, financial accounting, Vietnam
GIỚI THIỆU
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, lĩnh vực kế toán tài chính đang trải qua những thay đổi sâu sắc. Công nghệ số không chỉ là một công cụ hỗ trợ mà đã trở thành yếu tố then chốt, quyết định đến hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN). Ứng dụng công nghệ số trong kế toán tài chính không chỉ giúp nâng cao năng suất làm việc, mà còn tăng cường tính chính xác, minh bạch và an toàn trong quản lý tài chính. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã tiên phong trong việc áp dụng công nghệ số vào lĩnh vực kế toán tài chính, từ việc tự động hóa quy trình đến sử dụng trí tuệ nhân tạo và blockchain. Những cải tiến này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí mà còn mở ra cơ hội mới cho việc phân tích và dự đoán tài chính, từ đó hỗ trợ các DN đưa ra những quyết định kịp thời và chính xác hơn.
Tại Việt Nam, việc Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã chính thức khởi động quá trình chuyển đổi số để hướng đến nền quản trị thông minh, nền kinh tế số, xã hội số. Điều đó tác động trực tiếp đến tất các các ngành, lĩnh vực, trong đó lĩnh vực kế toán (Đỗ Thị Hồng Hạnh, 2023). Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay vẫn đang trong quá trình chuyển mình để thích ứng với xu thế này. Mặc dù đã có những bước tiến đáng kể trong việc ứng dụng công nghệ số, nhưng vẫn còn nhiều thách thức và cơ hội để khai thác. Việc tìm hiểu các kinh nghiệm quốc tế về ứng dụng công nghệ số trong kế toán tài chính sẽ giúp Việt Nam có cái nhìn sâu sắc hơn về những giải pháp hiệu quả, đồng thời cung cấp những bài học quý giá cho sự phát triển bền vững của ngành kế toán tài chính trong kỷ nguyên số.
XU HƯỚNG QUỐC TẾ VỀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ TRONG KẾ TOÁN TÀI CHÍNH
Trong những năm gần đây, công nghệ số đã trở thành động lực chính cho sự phát triển và đổi mới trong lĩnh vực kế toán tài chính trên toàn cầu. Nhiều quốc gia và DN đã tích cực áp dụng các công nghệ tiên tiến để tăng cường hiệu quả, độ chính xác và bảo mật trong quản lý tài chính. Cụ thể như sau:
Tự động hóa quy trình kế toán
Tự động hóa đã trở thành một trong những xu hướng hàng đầu trong kế toán tài chính toàn cầu. Có rất nhiều công nghệ mới được ứng dụng trong công tác kế toán như công nghệ tự động hóa quy trình bằng Robot (RPA), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ nhận dạng ký tự quang học (OCR)… trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0 (Nguyễn Thị Nga và Nguyễn Trọng Nghĩa, 2023). Việc sử dụng các hệ thống tự động hóa như phần mềm kế toán và hệ thống quản lý tài chính (Financial Management Systems – FMS) cho phép các DN giảm thiểu thời gian và công sức trong việc xử lý dữ liệu kế toán. Các phần mềm này tự động thu thập, xử lý và ghi nhận thông tin tài chính, giúp các DN nhanh chóng tạo ra báo cáo tài chính chính xác. Tại các quốc gia phát triển như Mỹ các hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning) đã được áp dụng rộng rãi, giúp kết nối các bộ phận khác nhau trong DN, từ bán hàng, mua sắm đến quản lý tài chính (Ma Thi Huong, 2024). Điều này giúp cải thiện quy trình kế toán và giảm thiểu lỗi do con người, đồng thời giúp các DN quản lý tài chính một cách hiệu quả hơn.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (Machine Learning)
AI và Machine Learning đang ngày càng được áp dụng vào các quy trình kế toán để tự động hóa các nhiệm vụ phức tạp như phân tích dữ liệu, phát hiện gian lận và dự báo tài chính. Các công nghệ này giúp DN xử lý khối lượng lớn dữ liệu tài chính, từ đó đưa ra những phân tích chuyên sâu và dự đoán xu hướng tài chính chính xác. Tại Vương quốc Anh và Úc, các công ty lớn trong lĩnh vực tài chính đã ứng dụng AI để phát hiện các dấu hiệu bất thường trong giao dịch tài chính, giúp cải thiện khả năng giám sát và phòng ngừa rủi ro. Đồng thời, AI còn được sử dụng để tối ưu hóa quy trình lập báo cáo tài chính, giúp giảm thiểu sai sót và cung cấp các thông tin quan trọng nhanh chóng hơn.
Blockchain trong kế toán tài chính
Trong những năm gần đây, Blockchain – công nghệ số là một chủ đề “nóng” nhất hiện nay, gây được nhiều sự chú ý trên các diễn đàn trong và ngoài nước (Lê Thị Kim Thoa và Trần Anh Sơn, 2023). Blockchain, với tính năng minh bạch và không thể sửa đổi dữ liệu, đang dần được áp dụng vào kế toán tài chính nhằm nâng cao tính an toàn và chính xác trong quản lý giao dịch tài chính. Blockchain giúp tạo ra một sổ cái phân tán, nơi mọi giao dịch được ghi lại và xác nhận bởi các bên liên quan mà không cần đến trung gian thứ ba, từ đó giảm thiểu chi phí và tăng cường độ tin cậy của hệ thống tài chính.
Các công ty kiểm toán và tư vấn tài chính lớn, như: PwC và Deloitte đã tiên phong trong việc ứng dụng blockchain để hỗ trợ công tác kiểm toán, giúp theo dõi và xác nhận tính chính xác của các giao dịch tài chính. Điều này đặc biệt hữu ích trong việc đảm bảo tính toàn vẹn và minh bạch của dữ liệu kế toán, đặc biệt là trong các giao dịch xuyên biên giới.
Phân tích dữ liệu lớn (Big Data)
Big Data đang là một công cụ không thể thiếu trong kế toán tài chính hiện đại. Khả năng thu thập, phân tích và diễn giải khối lượng lớn dữ liệu giúp các DN nắm bắt được xu hướng tài chính, dự đoán nhu cầu thị trường và tối ưu hóa chiến lược tài chính của mình. Big Data không chỉ giúp cải thiện việc dự báo tài chính, mà còn cung cấp cái nhìn sâu sắc về hiệu suất tài chính của DN. Tại Singapore và Trung Quốc, việc áp dụng Big Data vào quản lý tài chính đã giúp các DN tối ưu hóa chi phí, tăng cường khả năng dự báo và phân tích rủi ro, từ đó đưa ra các quyết định tài chính chiến lược hơn. Big Data cũng hỗ trợ DN phát hiện các dấu hiệu gian lận và sai sót trong hệ thống kế toán, giúp tăng cường tính minh bạch và bảo mật.
Điện toán đám mây (Cloud Computing)
Điện toán đám mây đã cách mạng hóa cách thức các DN quản lý tài chính, cho phép lưu trữ và truy cập dữ liệu tài chính một cách nhanh chóng và an toàn từ mọi nơi. Các giải pháp điện toán đám mây trong kế toán giúp các DN giảm thiểu chi phí đầu tư vào hạ tầng công nghệ, đồng thời tăng cường khả năng chia sẻ dữ liệu và cộng tác giữa các bộ phận. Các quốc gia như: Nhật Bản và Hàn Quốc đã triển khai rộng rãi hệ thống kế toán trên nền tảng đám mây, giúp DN tiết kiệm chi phí vận hành và cải thiện tính linh hoạt trong quản lý tài chính (Lena Broeckaert, 2022). Ngoài ra, điện toán đám mây còn giúp đảm bảo tính bảo mật của dữ liệu tài chính thông qua các giải pháp mã hóa tiên tiến, từ đó bảo vệ DN khỏi các cuộc tấn công mạng.
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ TRONG LĨNH VỰC KẾ TOÁN TÀI CHÍNH TẠI VIỆT NAM
Thực tế tại Việt Nam hiện nay cho thấy, chuyển đổi số và các hoạt động ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực kế toán nói chung đã đạt được những kết quả nhất định. Về sự hiểu biết của người làm kế toán đối với các công nghệ áp dụng trong kế toán, nghiên cứu của Nguyễn Phước Bảo Ấn và cộng sự (2021) về định hướng phát triển chuyển đổi số cho thấy, phần lớn người làm kế toán có biết đến phần mềm kế toán (mức độ 4/5). Các ứng dụng trên nền tảng Blockchain, hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning – phần mềm hoạch định nguồn lực DN) có được biết đến nhưng ở mức độ thấp hơn (mức độ 3/5), tức là có một bộ phận không nhỏ người làm kế toán chưa biết đến các công nghệ này. Các công nghệ ERP đám mây, công cụ tự động hóa quy trình bằng máy tính, phần mềm IDV, công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính thì phần lớn người làm kế toán chưa biết đến. Nghiên cứu trên cũng cho thấy, tỷ lệ các đơn vị sử dụng ứng dụng và vận hành thành thạo phần mềm kế toán chiếm khoảng 58%; trong đó, đối với các phần mềm E-Invoice, Misa meInvoice chiếm tỷ lệ 26,8% và chỉ khoảng 10,5% đối với hệ thống ERP và phần mềm kế toán đám mây…
Nhìn chung, các công nghệ được ứng dụng nhiều trong công việc kế toán ở Việt Nam, đến nay chủ yếu bao gồm: phần mềm kế toán; chữ ký số và ứng dụng nộp báo cáo trực tuyến; hóa đơn điện tử; thanh toán trực tuyến và lưu trữ số liệu kế toán trực tuyến. Về ứng dụng thực tế, để tiếp cận với chuyển đổi số nói chung, nhiều DN kế toán, kiểm toán đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghề nghiệp. Hiện nay, nhiều ứng dụng công nghệ số đã được nhiều DN áp dụng vào trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán, như: phần mềm hóa đơn điện tử, phần mềm kế toán điện tử, phần mềm bán hàng điện tử, phần mềm văn phòng điện tử… Bên cạnh đó, các DN đã dành nguồn lực để đầu tư về mặt công nghệ và về mặt đào tạo nguồn nhân lực nhằm phục vụ tốt nhất cho hoạt động nghề nghiệp và cung cấp dịch vụ.
Trong hoạt động quản lý nhà nước, chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán được Bộ Tài chính quan tâm đẩy mạnh thông qua việc tạo ra khuôn khổ pháp lý khuyến khích DN ứng dụng công nghệ số. Trong đó, Chiến lược phát triển lĩnh vực kế toán kiểm toán – kiểm toán đến năm 2030 tiếp tục khẳng định định hướng, mục tiêu về chuyển đổi số: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với quá trình chuyển đổi số trong việc xây dựng khung khổ pháp lý và tổ chức triển khai thực hiện tại các đơn vị; xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến kế toán – kiểm toán phục vụ hoạt động của các đơn vị và hoạt động quản lý, giám sát kế toán – kiểm toán”.
Tuy vậy, hiện nay, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực kế toán cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Theo đó, quá trình chuyển đổi số nhanh và mạnh mẽ dẫn đến các quy định về kế toán trong Luật Kế toán hiện hành chưa theo kịp thực tế, đã có nhiều vướng mắc xảy ra trong việc thực hiện ký chứng từ, luân chuyển xử lý chứng từ, lưu trữ tài liệu kế toán… Bên cạnh đó, chất lượng hạ tầng công nghệ thông tin của các DN kế toán nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Việc áp dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác kế toán mặc dù đã có nhiều tiến bộ, song vẫn còn tương đối hạn chế và chưa đi vào chiều sâu, chưa phục vụ được những hoạt động tác nghiệp cụ thể có tính phức tạp và đặc thù chuyên môn cao. Ngoài ra là các thách thức liên quan đến rủi ro mất thông tin, dữ liệu thông qua việc kết nối internet cũng là một vấn đề quan trọng đối với các công ty kế toán. Bên cạnh đó là sự thiếu hụt lao động kế toán có trình độ công nghệ thông tin.
Trong khi đó, cơ sở vật chất của hầu hết các cơ sở đào tạo kế toán ở Việt Nam còn nghèo nàn, thiếu phòng thực hành, thiếu hệ thống thư viện hiện đại. Một số cơ sở đào tạo đã có hệ thống thư viện, nhưng còn hạn chế về không gian đọc, các tiện ích, đầu sách và cơ sở dữ liệu phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy, học tập.
Đặc biệt, nhận thức và sự quan tâm của DN và kế toán viên đối với chuyển đổi số trong Cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn còn hạn chế. Theo kết quả khảo sát của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) về ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tài chính tại Việt Nam, chỉ có 51% đối tượng khảo sát quan tâm cao và đặc biệt quan tâm đến Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong khi đó, 49% còn lại tỏ thái độ không quan tâm đến vấn đề này (Đỗ Thị Hồng Hạnh, Phạm Trọng Nghĩa, 2023).
MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, việc áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực kế toán tài chính đã trở thành một yêu cầu tất yếu. Nhiều quốc gia trên thế giới đã gặt hái những thành công đáng kể nhờ việc triển khai công nghệ số vào quy trình kế toán, giúp tối ưu hóa hoạt động tài chính và nâng cao tính minh bạch, bảo mật. Đối với Việt Nam, đây là thời điểm để học hỏi từ những kinh nghiệm quốc tế, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong lĩnh vực tài chính. Dựa trên kinh nghiệm quốc tế và thực tế tại Việt Nam, cần thực hiện một số giải pháp sau để ứng dụng công nghệ số hiệu quả trong kế toán tài chính:
Thứ nhất, cần hiểu rõ vai trò của công nghệ trong kế toán tài chính
Một trong những bài học quan trọng mà Việt Nam có thể học được từ các nước phát triển là tầm quan trọng của việc nhận thức rõ vai trò của công nghệ số trong ngành kế toán tài chính. Ứng dụng công nghệ không chỉ giúp giảm tải khối lượng công việc cho nhân viên kế toán mà còn giúp cải thiện độ chính xác trong việc tính toán và lưu trữ số liệu. Hơn nữa, công nghệ số còn tạo điều kiện cho việc phân tích dữ liệu tài chính một cách sâu rộng và chi tiết hơn, cung cấp thông tin nhanh chóng và chính xác để hỗ trợ quyết định kinh doanh. Các quốc gia như Mỹ, Anh hay Đức đã sử dụng phần mềm kế toán hiện đại để tự động hóa quy trình kế toán, từ nhập liệu, kiểm tra số liệu cho đến lập báo cáo tài chính. Những hệ thống phần mềm như SAP, Oracle Financials đã giúp các DN tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời nâng cao năng lực quản lý tài chính. Ở Việt Nam, việc triển khai rộng rãi các phần mềm kế toán hiện đại như MISA, Fast Accounting cần được đẩy mạnh hơn nữa, kết hợp với việc đào tạo và nâng cao kỹ năng của nhân viên kế toán để tối ưu hóa các lợi ích từ công nghệ.
Thứ hai, chú trọng đầu tư vào hạ tầng công nghệ và bảo mật
Bài học thứ hai mà Việt Nam cần rút ra từ các quốc gia phát triển là tầm quan trọng của việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ và bảo mật thông tin. Kế toán tài chính liên quan trực tiếp đến các dữ liệu nhạy cảm và quan trọng của DN, do đó, hệ thống phải đảm bảo tính an toàn cao. Các quốc gia như Singapore và Hàn Quốc đã rất thành công trong việc đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin mạnh mẽ và thiết lập các tiêu chuẩn bảo mật cao nhằm bảo vệ dữ liệu tài chính. Trong quá trình số hóa kế toán, Việt Nam cần đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng hệ thống máy chủ mạnh, có khả năng lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn. Đồng thời, cần triển khai các biện pháp bảo mật hiện đại như mã hóa dữ liệu, bảo mật nhiều lớp, và kiểm tra an ninh định kỳ để ngăn chặn nguy cơ mất mát hoặc xâm phạm dữ liệu.
Thứ ba, tạo môi trường pháp lý thuận lợi
Một bài học quan trọng khác là việc xây dựng một hệ thống pháp lý rõ ràng và thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số trong kế toán tài chính. Ở nhiều quốc gia, chính phủ đã ban hành các chính sách và quy định hỗ trợ DN trong việc triển khai công nghệ mới vào hoạt động tài chính. Ví dụ, EU đã có các quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng phần mềm kế toán và bảo mật dữ liệu tài chính thông qua GDPR (General Data Protection Regulation). Tại Việt Nam, mặc dù đã có những chính sách hỗ trợ chuyển đổi số, nhưng cần bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN áp dụng công nghệ trong kế toán tài chính. Chính phủ cần có những hướng dẫn cụ thể và chặt chẽ về việc sử dụng phần mềm kế toán, quy định về lưu trữ và bảo vệ dữ liệu tài chính, đồng thời thúc đẩy phát triển các dịch vụ kế toán số.
Thứ tư, đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn
Nhân lực là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của quá trình ứng dụng công nghệ số trong kế toán tài chính. Một bài học từ các quốc gia phát triển là việc chú trọng đào tạo nhân lực chuyên môn, đặc biệt là về công nghệ thông tin và quản lý tài chính. Các DN lớn tại Mỹ hay Anh đều đầu tư mạnh mẽ vào việc đào tạo nhân viên về kỹ năng sử dụng các phần mềm kế toán, phân tích dữ liệu lớn, và các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và blockchain. Tại Việt Nam, các chương trình đào tạo về công nghệ trong kế toán tài chính cần được đẩy mạnh hơn. Cần hợp tác với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để nâng cao năng lực cho nhân viên kế toán, giúp họ không chỉ sử dụng thành thạo phần mềm mà còn có khả năng tư duy phân tích, ứng dụng dữ liệu tài chính vào việc đưa ra các quyết định chiến lược.
Thứ năm, học hỏi từ các mô hình thành công
Một bài học kinh nghiệm quan trọng là cần học hỏi từ các mô hình thành công đã được áp dụng ở các quốc gia phát triển. Ví dụ, ở Trung Quốc, hệ thống kế toán tài chính của các DN lớn đã được số hóa toàn diện, từ khâu thu thập dữ liệu đến việc phân tích, dự đoán tài chính. Điều này đã giúp Trung Quốc tiết kiệm rất nhiều nguồn lực và tăng cường hiệu quả quản lý tài chính DN. Việt Nam có thể nghiên cứu và học hỏi từ các mô hình này, từ đó tìm ra những giải pháp phù hợp với thực tiễn trong nước. Điều này bao gồm việc áp dụng các giải pháp tài chính dựa trên công nghệ blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), và máy học (machine learning) để tự động hóa quy trình và tăng cường tính minh bạch trong quản lý tài chính.
Thứ sáu, thúc đẩy sự hợp tác giữa các DN và cơ quan quản lý nhà nước
Trong quá trình ứng dụng công nghệ số vào kế toán tài chính, một yếu tố không thể bỏ qua là sự hợp tác giữa các DN và cơ quan quản lý nhà nước. Ở nhiều nước phát triển, chính phủ đã tạo ra các diễn đàn, chương trình hỗ trợ và kết nối giữa DN và các cơ quan quản lý để đảm bảo rằng quá trình số hóa tài chính diễn ra thuận lợi và theo đúng quy định pháp luật. Việt Nam cũng cần thúc đẩy mô hình hợp tác này thông qua việc tạo điều kiện cho DN tiếp cận các chương trình hỗ trợ công nghệ, đồng thời khuyến khích DN phối hợp với các cơ quan quản lý để thực hiện các dự án thử nghiệm và chuyển đổi số./.
Tài liệu tham khảo
1. Đỗ Thị Hồng Hạnh, Phạm Trọng Nghĩa (2023), Chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính, kỳ 2, tháng 7/2023.
2. Lena Broeckaert (2022), Digital Transformation in Japan, Assessing business opportunities for EU SMEs, EU-Japan Center for Industrial Cooperation, February 2022.
3. Lê Thị Kim Thoa, Trần Anh Sơn (2023), Tác động của Blockchain đến hệ thống thông tin kế toán, khả năng ứng dụng trong DN Việt Nam, Tạp chí Công Thương, số 25, tháng 11/2022.
4. Ma Thi Huong (2024), Applying digital technology in financial accounting: International experience and lessons for Vietnam, International Journal of Engineering Technology Research & Management, 8(5), May 2024.
5. Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Trọng Nghĩa (2023), Ứng dụng công nghệ tự động hóa quy trình nghiệp vụ kế toán bằng robot tại các DN, Tạp chí Tài chính, kỳ 1, tháng 5/2023.
6. Nguyễn Phước Bảo Ấn, Trần Anh Hoa, Phạm Trà Lam (2021), Định hướng phát triển chuyển đổi số, Book Chapter, 1157-1200.
7. Phạm Thị Hậu (2023), Chuyển đổi số trong lĩnh vực Kế toán – Kiểm toán tại Việt Nam, truy cập từ https://tapchitaichinh.vn/chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-ke-toan-kiem-toan-tai-viet-nam.html.
8. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 633/QĐ-TTg, ngày 23/5/2022 về việc phê duyệt Chiến lược Kế toán – kiểm toán đến năm 2030.
Ngày nhận bài: 16/9/2024; Ngày phản biện: 19/9/2024; Ngày duyệt đăng: 30/9/2024 |