TS. Vũ Tuấn Anh, TS. Bùi Thị Lành
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Tóm tắt:
Bài viết nghiên cứu về phát triển năng lực cung ứng dịch vụ E-logistics tại Việt Nam, lấy ví dụ tại tỉnh Vĩnh Phúc. Trên cơ sở lý thuyết chung về E-logistics và xu hướng E-logistics tại Việt Nam, nhóm tác giả đánh giá năng lực cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp E-logistics trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Từ đó, nhóm tác giả đưa ra một số gợi ý tăng cường năng lực cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp E-logistics trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng, Việt Nam nói chung.
Từ khóa: E-logistic, năng lực cung ứng, doanh nghiệp logistics tại Vĩnh Phúc
Summary
The article studies the development of E-logistics service provision capacity in Vietnam, taking Vinh Phuc Province as an example. Based on the general theory of E-logistics and E-logistics trends in Vietnam, the authors evaluate the service provision capacity of E-logistics enterprises in Vinh Phuc Province. From there, the authors propose some suggestions to enhance the service provision capacity of E-logistics enterprises in Vinh Phuc Province in particular and Vietnam in general.
Keywords: E-logistics, provision capacity, logistics enterprises in Vinh Phuc
ĐẶT VẤN ĐỀ
E-logistic được hiểu chung nhất là sự ứng dụng công nghệ vào quá trình cung ứng dịch vụ logistics. Dưới sự hỗ trợ của công nghệ, các hoạt động logistics được thực hiện một cách hiệu quả hơn thông qua việc cắt giảm chi phí, đảm bảo thông tin thông suốt, đảm bảo thời gian giao hàng, giảm thiểu rủi ro hàng hóa hư hỏng, giảm thiểu chi phí tồn kho, gia tăng khả năng xử lý thông tin và khả năng giải quyết sự cố. Năng lực cung ứng của các doanh nghiệp logistics tại Vĩnh Phúc được đánh giá ở mức khá, tuy nhiên để giảm tỷ lệ thay đổi nhà cung cấp dịch vụ logistics của các doanh nghiệp sản xuất, thương mại trên địa bàn, một yêu cầu bức thiết đặt ra đối với các doanh nghiệp E-logistics Vĩnh Phúc là việc ứng dụng công nghệ trong quy trình cung ứng dịch vụ của mình, qua đó tăng cường kết nối với khách hàng, giảm chi phí, gia tăng sự hài lòng và tăng cường khả năng cạnh tranh.
E-LOGISTICS VÀ XU HƯỚNG E-LOGISTICS TẠI VIỆT NAM
E-logistics: Bối cảnh và khái niệm
Logistics là thuật ngữ được nhắc thường xuyên trong thời gian gần đây. Logistics được hiểu đơn giản là các hoạt động liên quan tới việc di chuyển nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác và từ nhà sản xuất/nhà phân phối/nhà bán lẻ đến người tiêu dùng cuối cùng. Các hoạt động này bao gồm: vận chuyển hàng hóa, dịch vụ kho bãi, xử lý vật liệu, đóng gói hàng hóa, kiểm soát hàng tồn kho, xử lý đơn hàng, tiếp thị, dự báo và các dịch vụ khách hàng.
Hoạt động logistics có thể được các doanh nghiệp sản xuất và thương mại tự thực hiện hoặc thuê ngoài các đơn vị cung ứng dịch vụ logistics. Theo báo cáo Logistics Việt Nam năm 2023, các doanh nghiệp sản xuất và thương mại có xu hướng thuê ngoài dịch vụ logistics ở nhiều hoạt động như dịch vụ vận chuyển hàng hóa, dịch vụ kho và lưu trữ, dịch vụ đại lý hải quan…
Trong điều tra năm 2024 của nhóm nghiên cứu tại các doanh nghiệp sản xuất và thương mại thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, tỷ trọng các doanh nghiệp tự thực hiện dịch vụ logistics đạt chưa tới 1%, có tới gần 39,3% các doanh nghiệp thuê ngoài hoàn toàn dịch vụ logistics và cao nhất là 59,8% các doanh nghiệp thực hiện thuê ngoài một phần.
Có nhiều lý do lý giải việc các doanh nghiệp lựa chọn thuê ngoài các dịch vụ logistics thay vì tự thực hiện bởi nhiều lý do (Hình 1), trong đó 10,4% do chi phí thuê ngoài thấp hơn, chất lượng dịch vụ tốt hơn 13,4%, khách hàng chỉ định 8,6%, các lý do liên quan tới tính chuyên nghiệp – nhanh chóng, mạng lưới, và không có khả năng thực hiện chiếm tỷ trọng trên 15%.
Hình 1: Lý do DN lựa chọn việc thuê ngoài hoạt động logistics
Nguồn: Báo cáo Logistics Việt Nam 2023
Trước bối cảnh có nhiều thay đổi trong quá trình giao nhận hàng hóa trên toàn cầu, các doanh nghiệp thường ứng dụng các tiện ích trên hệ thống internet nhiều hơn, cho phép thực hiện các giao dịch điện tử giữa các thành viên trong chuỗi cung ứng. Nhu cầu hợp tác trên toàn cầu của các MNC (sự phối hợp trong quy trình giao hàng, sản xuất và phân phối), sự phát triển công nghệ và sự đổi mới sáng tạo, mức độ cạnh tranh ngày càng cao và vòng đời sản phẩm ngày càng ngày đã tạo ra áp lực thay đổi trong quản lý chuỗi cung ứng. Việc thực hiện các đơn hàng cần ngắn hơn, phạm vi cung ứng mở rộng trên toàn cầu, chuỗi cung ứng cũng cần linh hoạt hơn. Sử dụng trao đổi dữ liệu điện tử trên nền tảng Internet đã trở thành một công cụ hỗ trợ cơ bản. Điều này cũng đã mang đến cho khách hàng giá trị gia tăng vượt bậc đó là khả năng truy cập những thông tin liên quan tới quá trình vận chuyển hàng hóa.
Sự phổ biến rộng rãi của Internet và công nghệ kỹ thuật số đã tạo một cuộc cách mạng hóa trong quá trình luân chuyển của hàng hóa và thông tin, cũng định hình lại bối cảnh cạnh tranh trong ngành logistics. Quá trình toàn cầu hóa và tăng trưởng thương mại điện tử đã thúc đẩy vai trò của khả năng kết nối và khả năng hiển thị trong việc cho phép các doanh nghiệp duy trì sự linh hoạt và phản ứng nhanh với nhu cầu của khách hàng. Các doanh nghiệp logistics tham gia vào quá trình cung cấp dữ liệu về lịch trình hàng hóa để cho phép các doanh nghiệp sản xuất và phân phối quản lý tốt hơn chuỗi cung ứng rộng lớn và phức tạp. Đồng thời, các hãng vận tải, thường là những doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt trong chuỗi cung ứng của họ, cũng sẽ phải tận dụng những tiến bộ trong công nghệ thông tin để đảm bảo luồng thông tin được tích hợp liền mạch giữa các thành viên trong chuỗi của họ.
Trong bối cảnh này, thuật ngữ E-logistics (Electronic Logistics; internet-enabled logistics, e-business/e-commerce logistic) xuất hiện và sử dụng rộng rãi trong cả học thuật lẫn thực tế. E-logistics là một quy trình giao hàng hỗ trợ các đơn hàng thương mại điện tử (Joseph, Laura và Srinivas, 2004). Theo góc độ này, E-logistics dùng để ám chỉ các hoạt động nhằm hỗ trợ việc di chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng đến nơi tiêu dùng thông qua các giao dịch mua bán điện tử. So với logistics truyền thống, E-logistics cải thiện hoạt động đầu vào và đầu ra bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các quy trình tự động hóa để đáp ứng số lượng đơn hàng lớn, chính xác và trong khoảng thời gian ngắn. E-logistics là một chuỗi hoạt động logistics ứng dụng Internet được thiết kế để cung cấp các dịch vụ logistics: dịch vụ kho, hợp đồng thuê kho, quản lý vận chuyển, quản lý phân phối, gom hàng… cạnh tranh hơn (Gunasekaran and Ngai, 2003; Hesse, 2002).
Các vấn đề chung của các doanh nghiệp logistics thường gặp phải liên quan tới thông tin chậm trễ, không chính xác, dịch vụ cung ứng không đầyy đủ, phản ứng chậm, không hiệu quả, tỷ lệ hàng hóa hư hỏng cao. Vậy nên, thông tin cần phải được thông suốt và kịp thời giữa các bên khi hàng hóa luân chuyển. Ứng dụng công nghệ thông tin gồm sử dụng Internet, nền tàng Web và trao đổi dữ liệu điện tử EDI ngày một phổ biến. Như vậy, có thể hiểu một cách chung nhất, E-logistics ngụ ý đến việc sử dụng công nghệ vào quá trình cung ứng dịch vụ logistics (Daly và Cui, 2003; Gunasekaran, Ngai and Cheng, 2007).
Xu hướng E-logistics tại Việt Nam
Ngành logistics chuyển dịch sang ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số ngày càng nhiều, đang là xu hướng tất yếu trên thế giới cũng như Việt Nam. Sự phát triển của thị trường logistics tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua ứng dụng công nghệ.
Ở góc độ vĩ mô, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển lĩnh vực logistics và ứng dụng số hóa trong logistics ở Việt Nam. “Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại hình dịch vụ mới, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, pháp lý, y tế, giáo dục – đào tạo, viễn thông và công nghệ thông tin, logistics và vận tải phân phối” là nội dung của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua. Và, tại Quyết định số 769/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030 đã xác định, logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên hàng đầu chuyển đổi số trước.
Ở góc độ vi mô, nhiều áp lực đã thúc đẩy các doanh nghiệp logistics quan tâm tới việc ứng dụng công nghệ để cải tiến hoạt động, nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Hình 2: Các phần mềm được các DN dịch vụ logistics tại Việt Nam sử dụng hiện nay
Nguồn: Báo cáo Logistics Việt Nam 2023
Theo khảo sát của Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) (dẫn trong báo cáo Logistics Việt Nam 2023), các phần mềm được doanh nghiệp logistics sử dụng khá đa dạng. Thông dụng nhất là công cụ Microsoft Excel và Google sheet với 97,8% doanh nghiệp sử dụng cho các công việc hàng ngày. Hệ thống khai báo hải quan tự động VNACC chiếm tỷ lệ cao tiếp theo với 94,8%, theo sau đó là hệ thống quản lý giao nhận FMS và hệ thống quản lý quan hệ khách hàng CRM lần lượt là 34,3% và 32,1%. Các hệ thống quản lý vận tải TMS, hệ thống quản lý kho bãi WMS, quản lý đơn hàng OMS là những hệ thống có nhiều tiềm năng phát triển, và hiện đã được các doanh nghiệp ứng dụng với tỷ lệ còn khiêm tốn. Tỷ lệ thấp nhất nằm ở hệ thống quản lý cảng, do số lượng các doanh nghiệp vận hành cảng ít nên chỉ đạt 1,3%. Những số liệu này hoàn toàn phù hợp với kết quả điều tra về mức độ trưởng thành số của các doanh nghiệp logistics. Hầu hết các doanh nghiệp logistics đang còn ở giai đoạn đầu của quá trình số hóa. Ở giai đoạn đầu – cấp độ 1 (tin học hóa) chiếm tới 73,5%, giai đoạn 2 (kết nối) cũng có tỷ lệ lớn với 17%.
Như vậy, có tới 90,5% các doanh nghiệp mới chỉ ở giai đoạn ứng dụng đơn giản, chỉ tập trung vào việc sử dụng máy tính để thực hiện các việc cơ bản với các phần mềm ban đầu, như: MS Office Exel, Word… và lưu trữ tài liệu dưới dạng file mềm. Số lượng các doanh nghiệp thực hiện ứng dụng công nghệ đạt từ cấp độ 3 trở lên còn rất ít, chủ yếu tập trung ở nhóm các doanh nghiệp có quy mô lớn, như: Tân Cảng Sài Gòn, Gemadept, các công ty cảng thuộc hệ thống tổng công ty hàng hải Việt Nam, Viettel Post, Vietnam Post và nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, như: DHL, Fedex.
ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CUNG ỨNG DỊCH VỤ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP E-LOGISTICS TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
Năng lực cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp E-logistics có thể được hiểu đơn giản là khả năng tích hợp, triển khai và phối hợp các nguồn lực vô hình và hữu hình của doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu về dịch vụ E-logistics của khách hàng qua đó đạt được mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Để xem xét năng lực cung ứng dịch vụ E-logistics, theo Gligor và cộng sự (2012), cần đánh giá 4 yếu tố cấu thành, gồm: Năng lực nhận biết và đáp ứng nhu cầu của khách hàng; Năng lực tác nghiệp; Năng lực quản lý thông tin; Năng lực tích hợp và kết nối (Hình 3).
Hình 3: Các yếu tố cấu thành năng lực cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp E-logistics
Nguồn: Gligor và cộng sự, 2012
Năng lực nhận biết và đáp ứng nhu cầu khách hàng là năng lục tập trung vào khách hàng, nhận biết nhu cầu của khách hàng và cung cấp các dịch vụ E-logistics nhằm thỏa mãn nhu cầu đó. Năng lực tác nghiệp là năng lực cung cấp các dịch vụ cụ thể mà khách hàng yêu cầu. Năng lực này được cụ thể hóa qua khả năng vận chuyển, cung cấp không gian kho, đảm bảo thời gian giao hàng, đảm bảo an toàn hàng hóa, đáp ứng linh hoạt với các yêu cầu khẩn cấp từ khách hàng… Năng lực quản lý thông tin đáp ứng nhu cầu vận hành và thông tin chiến lược của chuỗi cung ứng để cân bằng cung – cầu cũng như tạo ra điều kiện trao đổi giữa các thành viên trong chuỗi. Năng lực tích hợp logistics là kết quả của sự kết nối và hợp lý hóa các năng lực logistics khác nhau thông qua các thành viên của chuỗi cung ứng.
Khi đánh giá về năng lực cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp E-logistics tại tỉnh Vĩnh Phúc, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát trên 2 nhóm doanh nghiệp trong khoảng thời gian từ tháng 5/2024 đến tháng 6/2024. Nhóm 1 gồm 28 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ E-logistics và nhóm 2 gồm 122 doanh nghiệp sản xuất thương mại, kết quả được thể hiện trong Hình 4.
Hình 4: Tổng hợp đánh giá các yếu tố cấu thành năng lực cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp E-logistics trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Nguồn: Kết quả điều tra của nhóm nghiên cứu
Các thang đo đo lường từng năng lực được sử dụng trên thang đo likert 5 mức độ (Yếu, kém, trung bình, khá và tốt). Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp đều nhận định về mức độ của từng thành tố ở mức khá trở lên. Các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ E-logistics và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ E-logistics của Vĩnh Phúc đều đánh giá cao nhất ở Năng lực tác nghiệp. Mức độ thấp nằm trong Năng lực quản lý thông tin cũng như Năng lực tích hợp và kết nối. Trong các chỉ tiêu đánh giá các năng lực cung cấp, các chỉ tiêu về xử lý các phàn nàn/khiếu nại của khách hàng, tiết kiệm thời gian tra cứu thông tin, khả năng kết nối tốt các nguồn lực nội bộ có mức điểm là thấp nhất.
Mặc dù Năng lực cung ứng dịch vụ E-logistics được đánh giá ở mức cao, nhưng một thực tế là tỷ lệ các doanh nghiệp thay đổi nhà cung cấp dịch vụ logistics ở Vĩnh Phúc đang ở mức khá cao, đạt gần 80%. Do sự hấp dẫn của ngành logistics, số lượng doanh nghiêp gia nhập lớn, cường độ cạnh tranh cao. Bởi vậy, khi điều tra nguyên nhân các doanh nghiệp thay đổi nhà cung cấp logistics, thì có trên 70% các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics đưa ra lý do vì có nhiều nhà cung cấp dịch vụ tốt hơn. Tiếp đến là các lý do liên quan tới doanh nghiệp không thỏa mãn với dịch vụ được cung cấp với tỷ lệ trên 17%. Những lý do liên quan tới giá cũng được các doanh nghiệp quan tâm chia sẻ. Để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, những tiêu chí liên quan đến kinh nghiệm, thương hiệu của bên cung cấp, hay mức độ lâu dài của mối quan hệ giữa nhà cung cấp và doanh nghiệp sử dụng được xếp sau các tiêu chí liên quan tới chất lượng dịch vụ tốt, dịch vụ chăm sóc khách hàng và giá cả.
MỘT SỐ GỢI Ý TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CUNG ỨNG DỊCH VỤ CỦA DOANH NGHIỆP E-LOGISTICS
Như vậy, qua khảo sát tại các doanh nghiệp E-logistics Vĩnh Phúc, có thể thấy những bất cập trong hoạt động cung ứng dịch vụ E-logistics của các doanh nghiệp gặp phải liên quan tới vấn đề chất lượng dịch vụ, công tác chăm sóc khách hàng, giá cả. Việc ứng dụng công nghệ cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những giải pháp cấp bách hiện thời để tăng cường năng lực cung ứng dịch vụ E-logistics. Vì thế, một số gợi ý hoàn thiện được đưa ra như sau:
Trước tiên, cần phải nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp cung ứng về vai trò của công nghệ. Công nghệ giúp cải thiện cả 4 yếu tố, từ đó các doanh nghiệp có thể nâng cao được khả năng cạnh tranh, tăng cơ hội thâm nhập sâu vào các chuỗi cung ứng, và đặc biệt là cải thiện được chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ở góc độ vĩ mô, việc tổ chức các hội thảo, các khóa đào tạo chia sẻ về công nghệ ứng dụng trong hoạt động logistics là cần thiết để nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp.
Tiếp đến là cần ứng dụng công nghệ. Sử dụng các phần vận tải sẽ hỗ trợ thực hiện quy trình dịch vụ từ khâu đặt hàng, giao hàng đến quản lý các phương tiện từ đó giúp tối ưu hóa hoạt động vận chuyển, giảm chi phí vận chuyển nhờ gia tăng lượng hàng và thiết kế lộ trình hợp lý. Sử dụng các phần mềm kho hàng, tăng mức độ tự động hóa trong quản lý kho, tối ưu hóa không gian kho hàng, giảm thời gian kiểm đếm, cung cấp thông tin chính xác về hàng tồn kho, đồng thời cũng đảm bảo hàng hóa không bị thay đổi, biến chất, mất mát hay hư hỏng. Ứng dụng công nghệ internet, web giúp tăng cường khả năng hiện diện và giao tiếp với khách hàng. Các tiện ích, như: tương tác phản hồi khách hàng, công cụ theo dõi đơn hàng, theo dõi lịch trình tàu, theo dõi chứng từ…, cần được bổ sung trên hệ thống web của công ty, thay vì chỉ coi đây là nơi cung cấp các thông tin cứng về doanh nghiệp, như: giới thiệu doanh nghiệp, dịch vụ cung cấp và một số thông tin cơ bản.
Ngoài ra, nhân lực là yếu tố quyết định để giúp doanh nghiệp logitics nhanh chóng bắt kịp xu hướng chuyển dổi số, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường. Các việc cần tiến hành trong thời gian sắp tới có thể tiến hành, như: xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo nhân lực ngành logistics theo chuẩn quốc tế, gắn chặt đào tạo với thực tiễn. Quá trình đào tạo không chỉ tại giảng đường, cần phát triển liên kết giữa doanh nghiệp với các trường đại học trọng việc xây dựng chương trình đào tạo, hỗ trợ sinh viên thực nghiệm tại đơn vị. Trong quá trình đào tạo nhân lực logistics cần bổ sung kiến thức về ứng dụng công nghệ, như: khai báo hải quan điện tử, công nghệ trong ứng dụng quản lý kho, quản lý nguyên vật liệu, chăm sóc khách hàng./.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Công Thương (2023), Báo cáo Logistics Việt Nam 2023 – chuyển đổi số trong logistics, Nxb Công Thương.
- Daly, S P and Cui, L X (2003), E-logistics in China: basic problems, manageable concerns and intractable solutions, Industrial Marketing Management, 32(3), 235–242.
- Gligor, D.M; Holcomb, M.C (2012), Understanding the role of logistics capabilities in achieving supply chain agility: a systematic literature review, Supply Chain Managemnet: An International Journal, 17(4), 438 – 453.
- Gunasekaran, A., and Ngai, E.W.T. (2003), The successful management of a small logistics company, International Journal of Physical Distribution & Logistics Management, 33, Nos. 9/10, 825-837.
- Gunasekaran, A, Ngai, E W T and Cheng, T C E (2007), Developing an E-logistics system: a case study, International Journal of Logistics Research and Applications, 10 (4), pp 333–49.
- Hesse, M. (2002), Shipping news: the implications of electronic commerce for logistics and freight transport, Resources, Conservation and Recycling, 36, 211-240.
- Joseph, S, Laura, M M and Srinivas, T (2004), E-logistics and the natural environment, Supply Chain Management: An International Journal, 9(4), 303–312.
Ngày nhận bài: 20/8/2024; Ngày phản biện: 20/9/2024; Ngày duyệt đăng: 30/9/2024 |