Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội thảo Ảnh: NIC |
Việt Nam từng bước đồng hành cùng các đối tác, doanh nghiệp bước vào bản đồ bán dẫn và AI thế giới
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới trong lĩnh vực AI và bán dẫn như: Meta, NVIDIA, AMD, Qualcomm, Intel…, cùng sự tham gia đông đảo của tất cả các thành phần trong hệ sinh thái như: viện nghiên cứu, trường đại học, quỹ đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội, chuyên gia trong, ngoài nước và sinh viên đến từ nhiều trường đại học.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Việt Nam đang ở thời điểm hết sức quan trọng khi chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới. Đó là kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Việt Nam tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam đang trong giai đoạn vượt khó khăn, thách thức để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030. Trong đó, Đại hội XIII đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
“Chỉ còn 6 năm nữa là đến cột mốc năm 2030 và 21 năm là đến mốc năm 2045, mục tiêu đề ra ở mức cao, thách thức lớn và thực tiễn cho thấy không dễ thực hiện. Do đó, Việt Nam chỉ có thể dựa vào khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, dựa vào văn hóa và sức mạnh của con người Việt Nam để vươn lên”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể để thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển toàn diện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học – công nghệ; khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư chọn lọc, hướng đến các dự án công nghệ cao trong lĩnh vực bán dẫn, AI.
Việt Nam đã và đang thúc đẩy hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI với các quốc gia, nền kinh tế phát triển thế giới. Thông qua việc mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác bán dẫn, AI uy tín trên thế giới, Việt Nam đã và đang thực hiện phương châm “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”, từng bước đồng hành cùng các đối tác, doanh nghiệp để cùng bước vào bản đồ bán dẫn và AI thế giới. Theo đó, Chính phủ Mỹ đã lựa chọn Việt Nam là một trong 6 quốc gia trên thế giới để tham gia Quỹ Đổi mới sáng tạo và An ninh công nghệ (ITSI). Đây là sáng kiến thuộc Đạo Luật Khoa học và Chips, cũng như đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và AI.
Tháng 9 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao NIC phối hợp cùng Bộ Ngoại giao Mỹ, Đại học bang Arizona khởi động và triển khai chương trình tại Việt Nam, với mục tiêu đào tạo hơn 4.000 kỹ sư đóng gói, kiểm thử vi mạch từ nay đến hết năm 2025. Đồng thời, Việt Nam cũng đang tích cực tăng cường hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu…, để cùng đào tạo tạo nguồn nhân lực, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI.
Đặc biệt, ngày 21/9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 và mới phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” với mục tiêu đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. “Đây là cơ sở hết sức quan trọng, trong đó đề án đào tạo nhân lực là “đột phá của đột phá”, “then chốt của then chốt”, cần sự chung tay của các trường, viện, và các bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng nhấn mạnh,
“Hội thảo ngày hôm nay là một minh chứng cho sự phối hợp chặt chẽ và cam kết của Việt Nam, với sự đồng hành của các tập đoàn công nghệ, tổ chức hàng đầu thế giới trong việc thúc đẩy, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo; trong đó có ngành AI và bán dẫn. Sự hợp tác chặt chẽ này sẽ mang lại lợi ích cao nhất cho các bên tham gia”, Bộ trưởng tin tưởng.
Để Việt Nam thực sự bứt phá trong lĩnh vực AI và bán dẫn
Hiện nay, công nghệ AI và bán dẫn đang thay đổi cả thế giới và Việt Nam không thể nằm ngoài “cuộc chơi” này. Cụ thể, công nghệ AI đang tạo ra những giải pháp mới cho nhiều lĩnh vực, từ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nông nghiệp đến sản xuất… và ngành bán dẫn là nền tảng cho sự phát triển của AI. Việt Nam cũng nhận thức rõ về vai trò quan trọng của hai lĩnh vực này và đang chủ động xây dựng một hệ sinh thái phát triển bền vững.
Tại Hội thào, bà Becky Fraser, Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ Chính phủ, Tập đoàn Qualcomm chia sẻ, Quacom là một trong những đối tác rất quan trọng tại thị trường chuyển đổi số của Việt Nam. Các chính sách của Chính phủ Việt Nam đã tập trung vào phát triển tăng cường và AI đã tận dụng được tiềm năng phát triển. Quacom rất tự hào đã có có những quan hệ rất quan trọng đối với các bộ, ban, ngành, cũng như các nhà mạng của Việt Nam. Đổi mới sáng tạo của Quacom đã tập trung chuyển giao công nghệ và sẽ tiếp tục tăng trưởng; đặc biệt là các công nghệ mà liên quan tới AI tại các thiết bị mà Quacom đã làm việc tại Việt Nam.
Bà Becky Fraser, Phó Chủ tịch phụ trách cuan hệ chính phủ, Tập đoàn Qualcomm chia sẻ tại Hội thảo |
Theo chia sẻ của TS. Ettikan Karuppiah, Giám đốc/Chuyên gia công nghệ khu vực châu Á -Thái Bình Dương, Tập đoàn NVIDIA, thế hệ tiếp theo của Gen AI sẽ là một cuộc cách mạng. NVIDIA đang cố gắng kết nối các nhà sáng tạo (như: Google, Facebook, các startup…) cùng tham gia vào tiến trình này. Theo đó, nhiều phát minh mới đã xuất hiện nhờ AI tạo sinh, trong đó, các công ty Việt Nam cũng tạo ra nhiều sản phẩm AI có giá trị thương mại.
Tại hội thảo, các đại biểu có chung đánh giá, Việt Nam đang hội tụ những yếu tố thuận lợi cho sự phát triển AI và bán dẫn. Cụ thể, Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ đầy nhiệt huyết, có năng lực tiếp cận khoa học – công nghệ và các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) được đánh giá cao. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tích cực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành AI và bán dẫn. Hơn nữa, Việt Nam có thị trường tiềm năng với các nhu cầu ứng dụng AI và bán dẫn rất lớn trong các lĩnh vực, như: sản xuất, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nông nghiệp và du lịch.
Các ý kiến đánh giá cao các chính sách hỗ trợ tích cực của Chính phủ, song cũng cho rằng, Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức để có thể thực sự bứt phá trong lĩnh vực AI và bán dẫn. Cơ bản nhất là sự thiếu hụt kỹ sư chuyên nghiệp. Hiện nay, số lượng kỹ sư AI và bán dẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng nhanh chóng của thị trường. Do đó, Việt Nam cần có những chính sách thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Một điểm nghẽn nữa cần được tháo gỡ, đó là các chương trình đào tạo chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng công nghệ. Vì vậy, các cấp quản lý cần có những chương trình đào tạo mới, hiệu quả hơn và đưa chuẩn vào các cấp học ngay từ đầu. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi lực lượng giảng viên có kinh nghiệm thực tế.
Với quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam, các đại biểu cho rằng, đây là thời điểm “vàng” để phát triển AI và bán dẫn. Theo đó, Việt Nam có thể trở thành một trung tâm sáng tạo cho khu vực và thế giới. Tuy nhiên, Chính phủ cần xây dựng những giải pháp hiệu quả hơn để vượt qua những thách thức và sự hợp tác giữa Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng sẽ là “chìa khóa” cho sự thành công của hành trình bứt phá này./.