Đó là nhận định của nhiều doanh nghiệp kinh doanh, chế biến cà phê trước việc mặt hàng này đứng ở mức cao liên tục trong thời gian qua. Hiện tại, Việt Nam, nhà cung cấp cà phê Robusta số 1 thế giới đang bước vào vụ thu hoạch nhưng giá vẫn ở mức cao, nhiều phiên ở sắc xanh.
Rạng sáng 10-10 (giờ Việt Nam), giá cà phê Robusta chốt phiên giao dịch trên sàn London (Anh) tăng ở cả 4 kỳ hạn giao dịch từ 9 – 36 USD/tấn.
Kỳ hạn giao trong tháng 11, có giá cao nhất lên tới 4.865 USD/tấn và kỳ hạn có giá thấp nhất là 4.422 USD/tấn, giao vào tháng 5-2025.
Giá cà phê hôm nay ở thị trường trong nước đầu ngày có mức bình quân 113.500 đồng/kg, tăng 100 đồng so với ngày hôm trước.
Ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, nói rằng ở vụ cà phê này, nông dân thực sự hưởng lợi vì được giá cao nhưng với doanh nghiệp phải hết sức thận trọng và áp dụng nguyên tắc “mua cao, bán cao”. Giá cà phê rất cao thì nhu cầu có thể giảm 20-30% vì người tiêu dùng phải cân nhắc khi sử dụng.
“Nếu cà phê Robusta giữ giá 5.000 USD/tấn trong một năm thì ly cà phê có thể xếp vào món xa xỉ. Ở Mỹ, cà phê có thể lên đến 20 USD/ly còn ở Việt Nam có thể 5 USD/ly. Tất nhiên tôi nói ở đây là cà phê thật” – ông Thông nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu, cũng nói rằng hiện tại cà phê Việt Nam cũng đã ở mức tiệm cận với hàng xa xỉ.
“Thực tế, Starbucks đã đưa cà phê trở thành thức uống xa xỉ, nhiều người nói rằng họ bán thương hiệu nhưng trong thương hiệu thì chất lượng sản phẩm là hàng đầu. Tôi nghĩ rằng, cà phê sạch của Việt Nam xứng đáng trở thành hàng xa xỉ” – ông Luận bày tỏ.
Về việc người tiêu dùng có thể mua cà phê rang xay hoặc cà phê hòa tan để dùng tại nhà cho tiết kiệm, ông Luận nói rằng đây là phản ứng tự vệ ban đầu của người tiêu dùng khi một mặt hàng tăng giá. Dù vậy, việc thưởng thức ly cà phê được pha chế chuyên nghiệp bên ngoài mới chiếm tỉ lệ cao và xu thế chính hiện nay.