Nguyễn Phương Tri
Chi nhánh Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Đào tạo chứng khoán tại TP. Hồ Chí Minh
Nguyễn Minh Hoàng
Trung tâm Nghiên cứu xã hội liên ngành, Trường Đại học Phenikaa
“Hết ngày, ngài hết sức tâm đắc với kế hoạch kiếm ăn hoàn hảo được soạn ra. Chỉ có điều, đêm đến rất khó ngủ vì đói”
Trích “Kế hoạch hoàn hảo”, Hoang dã, Khôn ngoan, Kỳ lạ (2024)
(Bài viết nằm trong chuỗi bài tìm hiểu và lý giải các hiện tượng tâm lý hành vi đầu tư tài chính thông qua lăng kính lý thuyết mindsponge).
Hiệu ứng Thiên lệch xác nhận (Confirmation Bias) là khuynh hướng tìm kiếm, diễn giải, và ghi nhớ thông tin theo cách ủng hộ niềm tin, giả định hoặc định kiến có sẵn của cá nhân. Điều này có thể làm giảm khả năng tiếp nhận hoặc xử lý thông tin mới một cách khách quan. Khi một người có thiên lệch xác nhận, họ có xu hướng tìm kiếm và ưu tiên những thông tin phù hợp với niềm tin của mình, đồng thời bỏ qua hoặc đánh giá thấp những thông tin mâu thuẫn với quan điểm của họ [1].
Nghiên cứu cho thấy, nhà đầu tư thường có xu hướng tìm kiếm thông tin ủng hộ quyết định đầu tư trước đó của mình. Ví dụ, khi nhà đầu tư đã quyết định mua một cổ phiếu, họ có xu hướng tìm kiếm những tin tức tích cực về công ty đó, bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo hoặc phân tích tiêu cực. Điều này làm cho nhà đầu tư dễ mắc phải lỗi đánh giá và ra quyết định không chính xác [2].
Sự thiên lệch xác nhận cũng được thể hiện khi các nhà đầu tư giữ lại những khoản đầu tư thua lỗ quá lâu do họ tin rằng, những thông tin tích cực sẽ xuất hiện và giá cổ phiếu sẽ tăng trở lại. Con người có xu hướng bám chặt vào luận điểm đầu tư của mình và không sẵn lòng xem xét hay chấp nhận bằng chứng rằng họ đang sai. Vì thế, họ thực hiện các vụ đầu cơ và giữ chúng ngay cả khi giá trị đầu tư đang có xu hướng giảm. Thiên lệch xác nhận có thể xuất phát từ việc con người thu thập thông tin có chọn lọc, chỉ lấy những thông tin cho phép họ tiếp tục tin vào những gì mình đã tin ban đầu [3].
Một số hệ quả không tốt của sự thiên lệch xác nhận trong đầu tư tài chính thường thấy là:
- Hiệu suất đầu tư kém hơn: Nhà đầu tư thường giữ lại các khoản đầu tư thua lỗ và bán các khoản đầu tư có lãi sớm, dẫn đến việc giảm tổng lợi nhuận.
- Tăng tần suất giao dịch: Do quá tự tin và chỉ chú ý đến thông tin phù hợp với dự đoán của mình, nhà đầu tư thường thực hiện quá nhiều giao dịch, dẫn đến chi phí giao dịch cao và giảm hiệu suất.
- Rủi ro cao hơn: Thiên lệch xác nhận khiến nhà đầu tư không nhận diện được các tín hiệu rủi ro tiềm ẩn, dễ rơi vào các bong bóng thị trường và khủng hoảng tài chính.
Hiệu ứng thiên lệch xác nhận trong đầu tư chứng khoán qua lăng kính lý của lý thuyết mindsponge
Lý thuyết mindsponge, được phát triển bởi TS. Vương Quân Hoàng [4], cung cấp một khung lý thuyết để giải thích cách con người tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin, đặc biệt trong bối cảnh tâm lý xã hội. Lý thuyết này được xây dựng dựa trên nguyên tắc lọc và chọn lọc thông tin vào tâm trí cá nhân, tương tự như cách bọt biển hấp thụ nước, giúp giải thích nhiều hiện tượng tâm lý, bao gồm cả hiện tượng thiên lệch xác nhận trong đầu tư chứng khoán.
Theo lý thuyết mindsponge, tâm trí con người có một hệ thống giá trị lõi (mindset), đóng vai trò là tiêu chuẩn cho các tâm lý hành vi, cũng như bộ lọc để đánh giá sự tương thích và giá trị của các thông tin mới. Khi nhà đầu tư tiếp nhận thông tin, họ có xu hướng đánh giá và chọn những thông tin phù hợp với các niềm tin và giá trị hiện có trong hệ thống giá trị lõi. Sự thiên lệch trong suy nghĩ này có lý do sinh học. Việc đánh giá, so sánh và cho các thông tin mới tương tác với các thông có sẵn trong tâm trí gây tốn năng lượng [4,5]. Vì thế, xu hướng bảo toàn lối nghĩ cũ dễ xảy ra vì nguyên nhân này.
Điều này dẫn đến việc nhà đầu tư bỏ qua hoặc đánh giá thấp những thông tin mâu thuẫn với các niềm tin và giá trị lõi, làm tăng khả năng thiên lệch xác nhận. Cụ thể:
- Quá trình lọc thông tin: Nhà đầu tư sử dụng hệ thống giá trị và niềm tin sẵn có để đánh giá thông tin. Nếu một nhà đầu tư đã tin rằng một cổ phiếu sẽ mang lại lợi nhuận cao, họ sẽ dễ tiếp nhận và ưu tiên các thông tin tích cực về cổ phiếu đó, và ngược lại, sẽ bỏ qua các tín hiệu tiêu cực như báo cáo tài chính kém hoặc dự báo thị trường xấu.
- Sự bảo vệ giá trị cốt lõi: Lý thuyết mindsponge giả định rằng, mỗi cá nhân có xu hướng bảo vệ các giá trị cốt lõi của mình để giữ sự nhất quán trong tâm trí. Do đó, nhà đầu tư, thay vì điều chỉnh niềm tin dựa trên thông tin mới, sẽ tìm cách duy trì niềm tin ban đầu, bảo vệ các giá trị cốt lõi bằng cách đánh giá thấp và loại bỏ các thông tin mâu thuẫn, dẫn đến sự thiên lệch xác nhận.
- Hiệu ứng khuếch đại: Một khi đã có thiên kiến xác nhận, nhà đầu tư có xu hướng tiếp tục củng cố niềm tin đó bằng cách tìm kiếm các nguồn thông tin đồng thuận, chẳng hạn như chỉ đọc những phân tích tài chính ủng hộ quan điểm của họ. Hiện tượng này diễn ra như một cách mà hệ thống giá trị tiếp tục khuếch đại niềm tin cũ qua việc hấp thụ thêm thông tin cùng chiều.
Giải pháp đề xuất
Để giảm thiểu thiên lệch xác nhận, nhà đầu tư cần học cách mở rộng hệ thống giá trị và đón nhận các quan điểm mới. Điều này có thể thực hiện bằng cách:
- Khuyến khích tư duy đa chiều: Nhà đầu tư cần tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin khác nhau, bao gồm cả những thông tin trái chiều với quan điểm hiện tại của họ. Họ nên thường xuyên tham khảo các phân tích từ các nhà đầu tư có lập trường khác biệt và cố gắng hiểu lý do tại sao họ lại có quan điểm đó.
- Xây dựng thói quen phản biện: Nhà đầu tư có thể thực hành đặt câu hỏi về những niềm tin của mình, tự xem xét liệu có bằng chứng trái ngược nào mà họ đang bỏ qua hay không. Điều này giúp cải thiện khả năng đánh giá thông tin một cách toàn diện hơn.
Ngoài ra, lý thuyết mindsponge gợi ý rằng, nhà đầu tư thường tìm kiếm các nguồn thông tin tương đồng với hệ thống giá trị của cá nhân. Do đó, để giảm thiểu thiên kiến xác nhận, nhà đầu tư có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia hoặc cộng sự có tư duy và phong cách đầu tư khác biệt, cũng như đa dạng hóa các cổ phiếu đầu tư.
- Thành lập nhóm tư vấn với góc nhìn đa dạng: Khi phân tích cổ phiếu hoặc thị trường, việc tham khảo ý kiến từ nhiều chuyên gia với quan điểm đầu tư khác nhau sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện hơn và tránh rơi vào thiên lệch xác nhận.
- Tham gia các diễn đàn thảo luận mở: Nhà đầu tư có thể tham gia các diễn đàn hoặc cộng đồng đầu tư trực tuyến để thảo luận các vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau, lắng nghe ý kiến trái chiều để điều chỉnh lại quan điểm cá nhân.
- Đa dạng hóa cổ phiếu đầu tư: Nhà đầu tư cần chú ý phân tán rủi ro bằng việc bổ sung các cổ phiếu cùng ngành, có thông số vận hành đa dạng. Ngay cả khi hai cổ phiếu vận hành y hệt nhau tại thời điểm lựa chọn, thì việc tồn tại cả hai vẫn an toàn hơn chỉ một cổ phiếu ưa thích (thường có nguyên nhân cảm tính).
Áp dụng các phương pháp kiểm tra thông tin một cách khách quan sẽ giúp nhà đầu tư tránh việc bỏ qua các thông tin trái ngược với niềm tin cốt lõi:
- Sử dụng dữ liệu và phân tích định lượng: Nhà đầu tư có thể dựa vào các chỉ số tài chính, mô hình định giá và phân tích dữ liệu thay vì chỉ tin vào các thông tin chủ quan hoặc cảm tính. Phân tích định lượng sẽ giúp loại bỏ yếu tố thiên lệch và đưa ra các quyết định dựa trên bằng chứng cụ thể.
- Thử nghiệm với các giả thuyết đối lập: Nhà đầu tư có thể thực hành việc đặt ra các kịch bản trái ngược để kiểm tra tính đúng đắn của niềm tin hiện tại. Ví dụ, nếu họ tin rằng một cổ phiếu sẽ tăng giá, họ có thể tự đặt câu hỏi “Điều gì xảy ra nếu công ty này gặp khó khăn trong quý tới?” và tìm kiếm bằng chứng để trả lời.
- Xây dựng thói quen tính toán các thông số: Việc thực hành tự tay tính toán các thông số tài chính mỗi khi có thông tin mới xuất hiện rất quan trọng. Việc tự tính này tạo nên thói quen nghiêm túc, tự va đập thông tin để hình thành các suy xét mới, biến công việc đối sánh, cân nhắc các thay đổi nhỏ thành niềm vui đầu tư lành mạnh.
Theo lý thuyết mindsponge, việc đánh giá thông tin là một quá trình động và giá trị của cổ phiếu có thể thay đổi theo thời gian do sự tương tác của nhiều yếu tố nằm ngoài khả năng quan sát và đánh giá của nhà đầu tư [5]. Nhà đầu tư có thể thiết lập các cột mốc kiểm tra lại quyết định của mình dựa trên dữ liệu thực tế:
- Đặt lịch đánh giá lại: Sau mỗi khoảng thời gian nhất định (ví dụ: mỗi quý), nhà đầu tư nên xem xét lại các khoản đầu tư của mình dựa trên dữ liệu và điều kiện thị trường mới nhất, và sẵn sàng điều chỉnh nếu có dấu hiệu cho thấy những giả định ban đầu không còn chính xác.
- Áp dụng chiến lược cắt lỗ tự động: Để tránh giữ cổ phiếu thua lỗ quá lâu, nhà đầu tư có thể áp dụng các chiến lược như đặt lệnh cắt lỗ tự động, giúp giảm thiểu cảm xúc khi thị trường biến động và giữ nguyên kỷ luật đầu tư.
Cảm xúc cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình đánh giá và lọc thông tin. Do đó, nhà đầu tư cần học cách kiểm soát cảm xúc và nâng cao khả năng tư duy phản biện.
- Học hỏi từ kinh nghiệm: Nhà đầu tư có thể theo dõi và ghi lại các quyết định đầu tư trước đó, phân tích kết quả và nhận diện những điểm mà thiên kiến xác nhận đã ảnh hưởng đến quyết định. Điều này giúp họ tránh lặp lại các sai lầm trong tương lai.
- Tham gia các khóa học về tài chính hành vi: Những khóa học về tài chính hành vi sẽ giúp nhà đầu tư nhận thức rõ hơn về các thiên lệch tâm lý, bao gồm cả thiên lệch xác nhận, từ đó xây dựng được các chiến lược quản lý rủi ro hiệu quả hơn.
Tóm lại, thông quan góc nhìn xử lý thông tin ta có thể thấy được việc giảm thiểu sự thiên lệch xác nhận trong đầu tư chứng khoán đòi hỏi nhà đầu tư phải có tư duy mở, tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và sử dụng các công cụ khách quan để đánh giá các quyết định đầu tư của mình. Điều này không chỉ giúp cải thiện khả năng ra quyết định, mà còn tăng cơ hội thành công trong đầu tư.
Tài liệu tham khảo
[1] Shunmugasundaram V, Sinha A. (2024). The impact of behavioral biases on investment decisions: a serial mediation analysis. Journal of Economics, Finance and Administrative. https://doi.org/10.1108/JEFAS-08-2023-0243
[2] Vuong DHQ, Phuc DQ. (2012). An empirical study of individual investors’ behavioral biases in the Vietnamese stock market. Science and Technology Development Journal, 15, 5-13. https://vjol.info.vn/index.php/JSTD/article/view/8675
[3] Cheng CX. (2019). Confirmation bias in investments. International Journal of Economics and Finance, 11(2), 50-55. https://doi.org/10.5539/ijef.v11n2p50
[4] Vuong QH. (2023). Mindsponge Theory. Walter de Gruyter GmbH. https://www.amazon.com/dp/B0C3WHZ2B3
[5] Vuong QH, Nguyen MH. (2024). Further on informational quanta, interactions, and entropy under the granular view of value formation. https://dx.doi.org/10.2139/ssrn.4922461
[6] Vuong QH. (2024). Wild Wise Weird. https://www.amazon.com/dp/B0BG2NNHY6