Nguyễn Phương Tri

Chi nhánh Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Đào tạo chứng khoán tại TP. Hồ Chí Minh

Nguyễn Minh Hoàng

Trung tâm Nghiên cứu xã hội liên ngành, Trường Đại học Phenikaa

“Nghề bắt cá gia truyền đã đạt cực đỉnh tài hoa, được thiên hạ tôn là “bói”

Trích “Gia truyền”, tuyển tập truyện Bói cá (2022)

(Bài viết nằm trong chuỗi bài tìm hiểu và lý giải các hiện tượng tâm lý hành vi đầu tư tài chính thông qua lăng kính lý thuyết mindsponge).

Ảo giác về khả năng kiểm soát (illusion of control)

Nghiên cứu nổi tiếng của Ellen Langer vào năm 1975 có tên là “The Illusion of Control” (“Ảo giác về Khả năng Kiểm soát”). Trong nghiên cứu này, Langer đã khám phá cách mà con người tin rằng, họ có khả năng kiểm soát các sự kiện ngẫu nhiên. Bà đã tiến hành một loạt thí nghiệm để chứng minh rằng, mọi người thường có xu hướng đánh giá quá cao sự kiểm soát của mình trong các tình huống thuần túy ngẫu nhiên, chẳng hạn như tung xúc xắc hoặc chơi xổ số [1].

Nghiên cứu này đã trở thành nền tảng quan trọng trong lĩnh vực tâm lý học nhận thức và tài chính hành vi, giúp giải thích tại sao nhà đầu tư thường có cảm giác “ảo tưởng kiểm soát” khi ra quyết định trong thị trường tài chính.

Hiệu ứng ảo giác kiểm soát trong đầu tư chứng khoán là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến các nhà đầu tư mắc phải những sai lầm không đáng có. Nhà đầu tư, dưới ảnh hưởng của ảo tưởng kiểm soát, tin rằng họ có thể dự đoán và kiểm soát các biến động của thị trường chứng khoán nhiều hơn thực tế, ngay cả khi thị trường tài chính phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố ngẫu nhiên và không thể đoán trước. Theo nghiên cứu của Vuong và Phuc [2], số nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam có hiệu ứng ảo giác kiểm soát chiếm 41.3% trong mẫu khảo sát.

Ảo giác về khả năng kiểm soát (illusion of control) trong đầu tư chứng khoán qua góc nhìn xử lý thông tin
Ảnh minh họa

Một số biểu hiện thường thấy của hiệu ứng này trong đầu tư chứng khoán gồm có:

  • Tự tin quá mức vào khả năng dự đoán: Nhà đầu tư có thể cho rằng, mình có khả năng dự đoán chính xác xu hướng của thị trường dựa trên các phân tích cá nhân, trong khi thực tế, nhiều biến động thị trường là ngẫu nhiên và không thể dự đoán được.
  • Tăng cường giao dịch: Ảo tưởng kiểm soát khiến nhà đầu tư tin rằng, họ có thể chọn đúng thời điểm để mua và bán cổ phiếu, dẫn đến việc giao dịch quá mức. Điều này làm tăng chi phí giao dịch và rủi ro, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất đầu tư tổng thể.
  • Đánh giá sai về rủi ro: Do tin rằng họ có thể kiểm soát được thị trường, nhà đầu tư có thể đánh giá thấp các rủi ro và đầu tư vào các khoản đầu tư có độ rủi ro cao hơn, mà không có biện pháp phòng ngừa thích hợp [3].

Góc nhìn xử lý thông tin về illusion of control

Lý thuyết mindsponge, được phát triển bởi TS. Vương Quân Hoàng, cung cấp một khung lý thuyết giúp giải thích quá trình con người tiếp nhận và xử lý thông tin [4]. Thông qua quá trình tương tác và xử lý thông tin hấp thu được từ môi trường bên ngoài tâm trí, con người sẽ hình thành những nhận thức chủ quan về khả năng tác động và bị tác động giữa các yếu tố nhận biết được [5,6]. Các nhận thức chủ quan này sẽ hình thành không gian nhận thức chủ quan về sự ảnh hưởng (subjective sphere of influence) [7]. Sự tương tác trong không gian nhận thức chủ quan này có tác động đến quá trình tâm lý, nhận thức, và hành vi của nhà đầu tư. Tuy nhiên, sự tương tác trong không gian nhận thức chủ quan này chỉ giúp phản ánh thực tế của thị trường mà nhà đầu tư nhận thức được, chứ không hoàn toàn là những gì đang diễn ra trên thị trường trong thực tế. Sự không trùng khớp giữa không gian nhận thức chủ quan này và thực tế dẫn đến những ảo giác về sự tương tác của các yếu tố xung quanh nhà đầu tư, trong đó có ảo giác về khả năng kiểm soát (illusion of control). Vì thế, lý thuyết này có thể được sử dụng để giải thích hiệu ảo giác kiểm soát trong đầu tư chứng khoán và đưa ra các khuyến nghị phù hợp.

  • Tiếp nhận thông tin có chọn lọc: Theo lý thuyết mindsponge, nhà đầu tư hoạt động như một “miếng bọt biển”, hấp thụ thông tin từ môi trường bên ngoài, nhưng đồng thời sử dụng hệ thống giá trị nội tại để lọc thông tin. Với ảo giác kiểm soát, nhà đầu tư có xu hướng tiếp nhận và giữ lại những thông tin quen thuộc và tương thích với các giá trị nội tại, cũng như làm cho họ bỏ qua các dấu hiệu ngẫu nhiên hoặc không thể kiểm soát được trong thị trường chứng khoán. Điều này tạo điều kiện cho sự khởi sinh của cảm giác kiểm soát của họ đối với thị trường.
  • Bám víu vào hệ thống niềm tin cũ: Khi niềm tin đã được thiết lập trong tâm trí, nhà đầu tư sẽ khó từ bỏ chúng. Sự tồn tại của các niềm tin này sẽ tạo cho họ cảm giác rằng họ có thể kiểm soát hoặc dự đoán chính xác thị trường, ngay cả khi có những bằng chứng trái ngược. Đây là cơ chế dẫn đến việc giao dịch quá mức hoặc giữ lại các khoản đầu tư thua lỗ, những ví dụ điển hình của ảo giác kiểm soát.
  • Từ chối các thông tin mới: Thông tin mới mâu thuẫn với hệ thống niềm tin hiện tại sẽ dễ bị lọc ra và loại bỏ. Nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi ảo tưởng kiểm soát thường có xu hướng bỏ qua các dữ liệu thị trường khách quan hoặc không lắng nghe các khuyến cáo từ chuyên gia trái ngược với niềm tin ban đầu, vì lắng nghe chúng sẽ làm giảm đi niềm tin của họ, cũng như khả năng kiểm soát của mình.

Khuyến nghị theo lý thuyết mindsponge

Từ góc nhìn xử lý thông tin, các nhà đầu tư có thể thực hiện một số giải pháp sau để tránh rơi vào trạng thái ảo giác kiểm soát:

  • Mở rộng hệ thống giá trị và nhận thức: Để tránh rơi vào bẫy của ảo giác kiểm soát, nhà đầu tư cần học cách mở rộng hệ thống giá trị và niềm tin của mình bằng cách tiếp nhận đa dạng nguồn thông tin hơn. Điều này bao gồm việc tìm hiểu sâu hơn về các yếu tố không thể kiểm soát trong thị trường tài chính, như biến động toàn cầu, chính sách kinh tế và các yếu tố rủi ro không thể dự đoán.
  • Xây dựng cơ chế lọc thông tin đa chiều: Mindsponge gợi ý rằng nhà đầu tư cần phát triển cơ chế lọc thông tin đa chiều hơn. Thay vì chỉ giữ lại những thông tin củng cố niềm tin kiểm soát, họ nên phân tích kỹ lưỡng các dữ liệu thị trường và dự báo từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là những thông tin trái chiều.
  • Tạo ra một hệ thống quyết định dựa trên dữ liệu thực tế: Nhà đầu tư cần xây dựng một hệ thống ra quyết định dựa trên các yếu tố khách quan, thay vì dựa vào các niềm tin và nhận định chủ quan, các yếu tố dễ tạo ra ảo giác về khả năng kiểm soát. Việc ra quyết định dựa trên số liệu cụ thể và khoa học, chẳng hạn như phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản giúp phản ánh thực tế thị trường, sẽ giúp giảm thiểu sự không trùng khớp giữa tư duy chủ quan và thực tế khách quan, từ đó giảm rủi ro sai lầm do ảo giác kiểm soát gây ra.

Lý thuyết mindsponge cung cấp một cách tiếp cận hữu ích để hiểu rõ hơn về ảo giác kiểm soát trong đầu tư chứng khoán. Bằng cách áp dụng khung lý thuyết này, nhà đầu tư có thể nhận ra và hạn chế ảnh hưởng của ảo tưởng kiểm soát, từ đó cải thiện hiệu suất đầu tư.

Tài liệu tham khảo

[1] Langer EJ. (1975). The illusion of control. Journal of Personality and Social Psychology, 32(2), 311-328. https://doi.org/10.1037/0022-3514.32.2.311

[2] Vuong DHQ, Phuc DQ. (2012). An empirical study of individual investors’ behavioral biases in the Vietnamese stock market. Science and Technology Development Journal, 15, 5-13. https://vjol.info.vn/index.php/JSTD/article/view/8675

[3] Markus G, Martin W. (2007). Overconfidence and trading volume. The Geneva Risk and Insurance Review, 32, 1-36. https://doi.org/10.1007/s10713-007-0003-3

[4] Vuong QH. (2023). Mindsponge Theory. Walter de Gruyter GmbH. https://www.amazon.com/dp/B0C3WHZ2B3

[5] Vuong QH, Nguyen MH. (2024). Further on informational quanta, interactions, and entropy under the granular view of value formation. https://dx.doi.org/10.2139/ssrn.4922461

[6] Nguyen MH, et al. (2023). Ecomindsponge: A novel perspective on human psychology and behavior in the ecosystem. Urban Science, 7(1), 31. https://doi.org/10.3390/urbansci7010031

[7] Hoàng, NM. (2023). Chuyển động, khoảng lặng và sự xuất hiện của ý thức: tác động qua lại với môi trường. https://kinhtevadubao.vn/chuyen-dong-khoang-lang-va-su-xuat-hien-cua-y-thuc-tac-dong-qua-lai-voi-moi-truong-27203.html

[8] Vuong QH. (2024). Wild Wise Weird. https://www.amazon.com/dp/B0BG2NNHY6