Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2024) và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, sự kiện “Phụ nữ làm chủ cuộc đời – She Leads Her Life” do Tổ chức Friedrich Naumann Foundation for Freedom Việt Nam (FNF) tổ chức, đã được diễn ra tại Hội trường lớn của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội).
Tại sự kiện, bà Dương Thị Ngọc Linh – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam – Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển khẳng định: “Trong những năm gần đây, sự thay đổi không ngừng của xã hội mang đến rất nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho phụ nữ Việt Nam. Những chuẩn mực và định kiến giới về vai trò của phụ nữ trong công việc và gia đình đã tồn tại hàng thế kỷ, đôi khi là rào cản vô hình cản trở chị em tiến xa hơn trong hành trình tự khẳng định mình.
Tuy vậy, điều đáng mừng là, cùng với sự phát triển kinh tế và văn hóa, phụ nữ Việt Nam ngày nay đã không ngừng phá bỏ những ranh giới ấy, khẳng định vai trò không chỉ còn là người vợ, người mẹ, người nội trợ giữ lửa trong gia đình mà còn là những nhà lãnh đạo, nhà khoa học, doanh nhân và nghệ sĩ tài ba”.
Chương trình có sự góp mặt của 4 vị khách mời đặc biệt, là những phụ nữ xuất sắc, vượt qua rào cản định kiến để thành công trong lĩnh vực của mình.
Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Người phụ nữ trẻ đứng sau bộ phim tài liệu độc lập “Những đứa trẻ trong sương”, bộ phim giành đến 34 giải thưởng và đề cử tại các Liên hoan phim trên thế giới. Đặc biệt, phim còn lọt vào Shortlist – danh sách rút gọn (top 15) giải Oscars – hạng mục “Phim tài liệu xuất sắc nhất”. Đây là điều mà chưa tác phẩm Việt nào làm được.
Kể về hành trình học tập và theo đuổi đam mê của mình, Hà Lệ Diễm chia sẻ, cô xuất thân trong một gia đình dân tộc Tày ở vùng núi phía Bắc, từ khi còn là một đứa trẻ 5 – 6 tuổi đã phải ra khỏi nhà từ khi trời còn chưa sáng, vượt những chặng đường đèo hiểm trở để đến trường đi học, đối với một cô bé suy dinh dưỡng khi ấy, chuyện đi học thật sự là một nỗi sợ.
“Hồi nhỏ, tôi cứ nghĩ những ngọn núi ở nơi mình sinh ra đã là cao nhất thế giới rồi, nhưng khi lớn lên, quá trình làm phim cho tôi cơ hội được đi đến nhiều nơi hơn, tôi mới nhận ra còn rất nhiều những đỉnh núi khác cao và xa hơn rất nhiều đang đợi tôi ở phía trước. Mỗi cuộc hành trình lại mở ra rất nhiều những thách thức tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng nếu không quyết tâm, thì không bao giờ tôi có thể làm phim được nữa” – Lệ Diễm chia sẻ.
Lệ Diễm cũng khẳng định, không có một công thức chung để đi tới thành công. Con đường mỗi người không thể áp dụng cho tất cả. Nhưng chỉ cần tìm được niềm đam mê của bản thân, và nỗ lực kiên trì bước tiếp thì khó khăn mấy cũng có thể vượt qua.
Nữ phi công Nguyễn Mai Tuyết Dung: Một trong những nữ phi công đầu tiên của Vietnam Airlines, và hiện cô đang là cơ phó của Vietjet Air. Xuất phát điểm là một giáo viên dạy tiếng Anh, chuyển hướng làm phi công, trước khi đạt được những thành tựu như hiện tại, Tuyết Dung cũng từng vượt qua rất nhiều định kiến về giới trong ngành nghề của cô.
Tuyết Dung chia sẻ: “Khó khăn khi theo đuổi nghề không phải tới từ việc học tập, rèn luyện thể lực mà đến từ những định kiến xã hội. Việc nghe đi nghe lại những câu nói như: ‘Phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng’, ‘Ninja Lead lên buồng lái Airbus’… thực sự tồi tệ, tới mức một ngày nào đó, bạn tin rằng đó là sự thật”.
Trong quá trình theo học ở nước ngoài tại trường đào tạo phi công, hơn 100 học viên mà chỉ có 2 người là nữ, trong đó có Tuyết Dung. “Đa số người khác mắc lỗi sai thì không sao, nhưng tôi và bạn nữ còn lại nếu mắc lỗi, tất cả sẽ tập trung sự chú ý vào chúng tôi. Họ nói nhiều về cái sai của nữ giới hơn là nam giới. Cách duy nhất để vượt qua là bản thân phải cố gắng để không mắc thêm lỗi sai, để chặn đứng những lời bàn tán ấy. Tập trung nâng niu giấc mơ mình có, để luyện tập, học hỏi và tìm hiểu chính mình, từ đó thấy mình ở vị thế mới” – Tuyết Dung khẳng định.
Nữ doanh nhân Bùi Thị Kim Ngân: Là nhà sáng lập thương hiệu “Tái chế quần jeans”, cô dành giải Quán quân cuộc thi Chương trình “Khi phụ nữ làm chủ” do VTV tổ chức vào năm 2023.
Kim Ngân từng bị ám ảnh về một câu nói:“Con gái học nhiều để làm gì?”, đó là khi bố cô mất, một mình mẹ cô phải bươn chải để nuôi nấng 3 cô con gái. “Thật sự may mắn khi cả 3 chị em của Ngân đều được học đại học. Rất lâu sau khi cả 3 chị em ra trường, mẹ mới trả được hết nợ. Khi em út còn học năm cuối, gia đình Ngân vẫn nằm trong danh sách hộ cận nghèo của xã” – Kim Ngân tâm sự.
Trong hành trình khởi nghiệp đầy gian nan của mình, Kim Ngân từng gặp rất nhiều vấn đề vè sức khỏe, cô từng bị xuất huyết ổ bụng, xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, đối diện với nguy cơ bị trầm cảm… “Trong lúc bi thảm nhất, tôi lần mò cắt may, biến chiếc yếm cũ thành túi cho em gái đi học. Món đồ tưởng như bỏ đi ấy bỗng trở nên mới mẻ, có ý nghĩa và giá trị. Tôi chợt nhìn lại bản thân, thấy bóng dáng mình trong món đồ ấy. Tôi nhận ra mình phải sống thực sự, không phải tồn tại nữa” – Kim Ngân chia sẻ. Và thế là thương hiệu “Tái chế quần jeans” của cô đã ra đời.
Kim Ngân cũng tâm sự, cô phải đi một vòng phải đi một vòng rất xa, thậm chí cả những lúc phải nằm lì trên giường bệnh, mới tới được mục tiêu. Nhưng chỉ cần cố gắng, mọi nỗ lực sẽ không trở nên uổng phí.
Tiến sĩ Phan Thị Lan: Nhà nghiên cứu khoa học đã đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực khoa học, là minh chứng cho sự tiến bộ và đóng góp lớn lao của phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu.
Tháng 6/2024, trong khuôn khổ triển lãm Quốc tế về sáng chế của phụ nữ (KIWIE – 2024) diễn ra tại Hàn Quốc, Tiến sĩ Phan Thị Lan của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc đã xuất sắc nhận 2 giải thưởng là Giải lớn thứ hai Semi-Grand Prize và 01 Huy chương Vàng cho các nghiên cứu áp dụng trong lĩnh vực An toàn công nghiệp; Giám sát môi trường; điện tử tiêu dùng; công nghiệp ô tô, điều khiển Robot, thực tế ảo và thực tế tăng cường.
Không chia sẻ quá nhiều về hành trình của mình, nhưng Tiến sĩ Phan Thị Lan đã có những lời khuyên giúp các bạn trẻ có hướng đi đúng đắn nhất trên con đường khẳng định bản thân. “Cách duy nhất là thẳng thắn đối diện, bởi dù có trốn tránh thì, ta vẫn sẽ gặp phải những khó khăn khác trên con đường chúng ta đi. Hãy dùng khả năng của mình để giải quyết khó khăn, lấy kết quả của mình để chứng minh thực lực. Thậm chí, có những người chấp nhận đi vào cửa tử như bạn Kim Ngân chẳng hạn, họ vẫn vững vàng đứng lên để tiếp tục tiến thẳng về phái trước” – Tiến sĩ Phan Thị Lan khẳng định.
Thông qua những chia sẻ của 4 vị khách mời đặc biệt, sự kiện “Phụ nữ làm chủ cuộc đời” khuyến khích phụ nữ Việt Nam dũng cảm đứng lên khẳng định quyền làm chủ cuộc sống của mình, thoát khỏi những định kiến xã hội vốn gò bó vai trò của họ trong suốt nhiều thế hệ. Phụ nữ không chỉ làm chủ trong công việc, mà còn làm chủ cả về tư duy và hành động, tự tin tạo nên những thay đổi tích cực cho chính họ và xã hội.
Đây là một bước đi thiết thực trong quá trình thúc đẩy bình đẳng giới và mở rộng cơ hội cho phụ nữ trẻ – những người sẽ là lãnh đạo, là người quyết định hướng đi của xã hội trong tương lai.