Hội thảo tham vấn “Mô hình phân tích các chính sách giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại Việt Nam”
Bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển phát biểu khai mạc Hội thảo

ng phó với biến đổi khí hậu: Ưu tiên trong các quyết sách phát triển của Việt Nam

Sự kiện nhằm cung cấp thông tin về các chính sách giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại Việt Nam; các hoạt động liên quan đến mô hình phân tích chính sách giảm nhẹ và các kịch bản phân tích chính sách giảm nhẹ, cũng như cách thức tăng cường sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình mô hình hóa và phân tích kết quả mô hình…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển chia sẻ, biến đổi khí hậu đã trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, đã và đang tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội và an ninh toàn cầu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của các quốc gia, trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Do đó, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn được Chính phủ Việt Nam coi là ưu tiên trong các quyết sách phát triển quốc gia, đồng thời chủ động và tích cực thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; cam kết giảm 30% lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với mức phát thải năm 2020; tuyên bố chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm giảm phát thải, đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, nổi bật là “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, trong đó đưa ra mục tiêu trung hòa carbon, giảm phát thải khí nhà kính trên GDP; “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050” với mục tiêu Chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.

Để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược và thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế, bà Thủy nhấn mạnh: “Việt Nam cần có những giải pháp và chính sách phù hợp, trong đó, việc sử dụng mô hình phân tích các chính sách giảm nhẹ biến đổi khí hậu đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình ra quyết định, cung cấp thông tin giúp các nhà hoạch định chính sách đánh giá chính xác các phương án, biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, chi phí và tiềm năng giảm phát thải của quốc gia”.

Tại Hội thảo, đại diện Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), đã đưa ra những phân tích cụ thể về Cam kết của Việt Nam tại UNFCC COP26; nội dung liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020; các chính sách về giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, NDC cập nhật 2022.

“Việt Nam đã tham gia tuyên bố JETP và Tuyên bố này được kỳ vọng là một trong những động lực để Việt Nam theo đuổi mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, cũng như đảm bảo các cam kết liên quan đến nhiên liệu hóa thạch, đến việc thay đổi các mục tiêu”, đại diện Cục Biến đổi khí hậu chia sẻ.

Việt Nam trong nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu

Tại Hội thảo, ông Rui Ludovino, đại diện EU tại Việt Nam đã đưa ra những đánh giá tổng quan về hợp tác Liên minh châu Âu – Việt Nam thời gian qua, cũng như tiềm năng hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt là trong lĩnh vực giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Hội thảo tham vấn “Mô hình phân tích các chính sách giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại Việt Nam”
Toàn cảnh Hội thảo

Bà Stephanie Solf, Cơ quan Đánh giá Môi trường Hà Lan, quản lý dự án Committed đã đưa ra những khái quát chung về dự án Committed, về các mục tiêu của dự án, trong đó nhấn mạnh mục đích nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu, tăng cường hỗ trợ nghiên cứu về mô hình hóa phát thải khí nhà kính thông qua việc xây dựng năng lực mô hình hóa phát thải khí nhà kính và trao đổi kinh nghiệm giữa các chuyên gia mô hình của châu Âu và châu Á, cùng sự phối hợp chặt chẽ với chính phủ các nước.

Chia sẻ với các đại biểu tham dự, bà Trần Thanh Tú, giảng viên Trường Đại học Quốc tế, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã có bài trình bày về một số kết quả của mô hình phân tích chính sách giảm nhẹ biến đổi khí hậu đang được nhóm nghiên cứu áp dụng thử nghiệm tại Việt Nam; những khó khăn, thách thức trong quá trình ứng dụng mô hình, cũng như định hướng và lộ trình áp dụng mô hình trong thời gian tới.

Về quá trình xây dựng mục tiêu khí hậu 2040 cho Liên minh châu Âu, bà Vicky Pollard, Tổng cục Hành động khí hậu – Ủy ban châu Âu, đã đưa ra những phân tích cụ thể. Theo đó, đến năm 2040 sẽ thay đổi cơ cấu năng lượng của châu Âu, với việc loại bỏ dần năng lượng sử dụng nhiên liệu than và giảm 80% việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thay thế bằng năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc Liên minh châu Âu có những kinh nghiệm gì để giúp đỡ Việt Nam và đòi hỏi nguồn tài chính ra sao, bà cho biết: “Dự án Committed cùng với các dự án khác, đều mời các nhóm trên thế giới tham gia. Chúng tôi cam kết làm điều đó. Tại Việt Nam, chúng tôi làm về năng lượng và khí hậu. Các cơ hội làm việc với các chuyên gia châu Âu là cái hướng tới để hỗ trợ Việt Nam, để có thể học tập từ cái chúng tôi có. Kinh phí là vấn đề rất quan trọng. Chúng tôi sẽ xem xét lộ trình rõ ràng để có hướng đầu tư…”.

Xét về góc độ ảnh hưởng của chính sách giảm nhẹ biến đổi khí hậu đến kinh tế – xã hội tại Việt Nam, TS. Maro Baka, Công ty Mô hình hóa Kinh tế – năng lượng – môi trường nhấn mạnh quá trình chuyển đổi phát thải thấp có tác động lớn tới quá trình triển kinh tế – xã hội trên nhiều mặt, cụ thể là đối với tăng trưởng GDP, việc làm, bất bình đẳng, xóa đói giảm nghèo, năng lực cạnh tranh, ô nhiễm không khí, sự không đồng đều giữa các vùng về tổn hại do biến đổi khí hậu gây ra…

Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến chia sẻ về cách thức tăng cường sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình mô hình hóa và phân tích kết quả mô hình phân tích các chính sách giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại Việt Nam, đồng thời, cùng nhau thảo luận những giải pháp nhằm thúc đẩy các nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại Việt Nam trong thời gian tới.

“Để dự án Committed phát huy hiệu quả, cần có sự kết nối với các cơ quan chính phủ, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường, cụ thể là Cục Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chúng ta còn nhiều việc phải làm để ứng phó, giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”, bà Nguyễn Lệ Thủy nhấn mạnh.

Một số hình ảnh của các diễn giả tại Hội thảo

Hội thảo tham vấn “Mô hình phân tích các chính sách giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại Việt Nam”
Hội thảo tham vấn “Mô hình phân tích các chính sách giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại Việt Nam”
Hội thảo tham vấn “Mô hình phân tích các chính sách giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại Việt Nam”
Hội thảo tham vấn “Mô hình phân tích các chính sách giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại Việt Nam”
Hội thảo tham vấn “Mô hình phân tích các chính sách giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại Việt Nam”
Các diễn giả, đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Dự án Committed với sự tham gia của các đối tác đến từ châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan và Việt Nam là một trong những nỗ lực nhằm giảm biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua việc hỗ trợ các nhà nghiên cứu, các chuyên gia châu Á xây dựng các mô hình phân tích các chính sách giảm phát thải của quốc gia và ngành/lĩnh vực.