Từ khóa: chuyển giao, nghiên cứu khoa học, giảng viên, trường đại học

Summary

Currently, the results of scientific research activities have been contributing to economic development, increasing productivity, and improving resource use efficiency, helping to transform the economic structure of each country. Scientific research is always focused and invested in by educational institutions, in which lecturers play an important role. In recent years, although lecturers’ scientific research activities have achieved many commendable results and many research projects are highly applicable, the transfer of research results into real life has not received much attention. This article evaluates the current situation of scientific research activities and transfer of research results by lecturers in universities, thereby proposing solutions to resolve the relationship between scientific research and transfer of research results.

Keywords: transfer, scientific research, lecturers, universities

GIỚI THIỆU

Việc chuyển giao kết quả NCKH của giảng viên các trường đại học ở Việt Nam những năm vừa qua còn nhiều hạn chế. Mặc dù, hoạt động NCKH của giảng viên được xem là con đường hiệu quả nhất để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và phát triển năng lực sư phạm. Theo quy định, hoạt động NCKH và chuyển giao kết quả nghiên cứu của giảng viên là một trong hai tiêu chí để đánh giá chất lượng của các cơ sở giáo dục đào tạo trong việc nâng cao, đảm bảo chất lượng đào tạo. Trong quá trình phát triển của các cơ sở giáo dục, đào tạo và NCKH luôn là mối quan hệ hữu cơ, gắn bó mật thiết có tác dụng tương hỗ, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Trong những năm qua, hoạt động NCKH của các trường đại học có sự thay đổi và có một số thành tựu đáng kể, tuy nhiên, việc chuyển giao kết quả NCKH vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, cần thiết phải có một nghiên cứu nhằm cung cấp những vấn đề cơ bản về NCKH và chuyển giao kết quả NCKH của giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học hiện nay, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động này thời gian tới.

KHÁI QUÁT CHUNG VỀ NCKH VÀ CHUYỂN GIAO KẾT QUẢ NCKH

Một số khái niệm

Vũ Cao Đàm (2011) cho rằng: “NCKH là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn. Quan điểm này của Vũ Cao Đàm đã gắn việc nghiên cứu khoa học với việc khám phá, phát hiện để tìm ra một quy luật trong thực tiễn và có thể ứng dụng nó quay lại thực tiễn và mang lại giá trị cho bản thân và xã hội.

Luật Khoa học và Công nghệ (năm 2013) cũng khẳng định: “NCKH là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn”.

Trên cơ sở những quan điểm như vậy, chúng ta có thể hiểu, chuyển giao kết quả NCKH có nghĩa là chuyển giao các sáng chế, giải pháp hữu ích, báo cáo sản phẩm khoa học… vào trong thực tiễn của doanh nghiệp hoặc vào giảng dạy nhằm mang lại giá trị cho doanh nghiệp và cộng đồng.

Nội dung NCKH và chuyển giao kết quả NCKH

Chuyển giao kết quả nghiên cứu của giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: thứ nhất, chuyển giao kết quả nghiên cứu vào giảng dạy giúp nâng cao chất lượng bài giảng, nhờ đó nâng cao chất lượng giáo dục; thứ hai, chuyển giao kết quả nghiên cứu cho các doanh nghiệp, các nghiên cứu này thường là các NCKH ứng dụng.

Luật Giáo dục đại học có quy định về vai trò và trách nhiệm của giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học đối với hoạt động NCKH. Theo đó, các giảng viên ngoài việc giảng dạy thì phải thực hiện nhiệm vụ NCKH. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2022/NĐ-CP, ngày 30/12/2022 về hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) trong các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có nhấn mạnh một số nội dung, như: các trường hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh về sở hữu trí tuệ, quỹ phát triển KHCN, doanh nghiệp KHCN, hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp trong lĩnh vực KHCN.

Việc chuyển giao kết quả NCKH và hợp tác với doanh nghiệp về KHCN được quy định trong Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ. Trong đó có quy định về quyền lợi của tác giả khi chuyển giao quyền sử dụng sáng chế và lợi nhuận thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng. Đây là những vấn đề cơ bản, có tính chất pháp lý trong việc thực hiện các nội dung liên quan đến chuyển giao kết quả nghiên cứu nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước – Nhà nghiên cứu – Doanh nghiệp.

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG NCKH VÀ CHUYỂN GIAO KẾT QUẢ NCKH CỦA GIẢNG VIÊN TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Hoạt động NCKH của giảng viên

Để thực hiện NCKH thì giảng viên có vai trò vô cùng quan trọng và quyết định đến chất lượng của các dự án NCKH. Theo thống kê của Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), số lượng giảng viên làm việc toàn thời gian trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2022 là 86.048 người và năm 2023 là 88.387 người, trong đó giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên năm 2022 là 27.261 người và 28.233 người năm 2023 chiếm 31% số lượng giảng viên (Bảng 1). Chất lượng đội ngũ giảng viên có tác động rất lớn đến kết quả NCKH và chuyển giao kết quả nghiên cứu đó ra doanh nghiệp.

Bảng 1: Số lượng và trình độ giảng viên toàn thời gian trong các cơ sở giáo dục đại học

Đơn vị: Người

Trình độ chuyên môn

Năm 2022

Năm 2023

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Giáo sư, tiến sĩ

760

0,88

711

0,80

Phó giáo sư, tiến sĩ

5.331

6,20

5.292

5,99

Tiến sĩ

21.170

24,60

22.230

25,15

Thạc sĩ

51.302

59,62

52.392

59,28

Đại học

6.175

7,18

6.561

7,42

Khác

1.310

1,52

1.201

1,36

Tổng

86.048

100,00

88.387

100,00

Nguồn: Báo cáo của Vụ Giáo dục đại học – Bộ Giáo dục và Đào tạo (2023)

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng giảng viên thì NCKH cũng là một yêu cầu cấp thiết và mang tính bắt buộc đối với mỗi giảng viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục đại học đã có những quy định, hướng dẫn về công tác NCKH, chính vì vậy, kết quả NCKH và công bố quốc tế của các giảng viên trong các cơ sở giáo dục của Việt Nam không ngừng tăng qua các năm. Theo thống kê của Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2019 có 12.625 bài nghiên cứu công bố quốc tế, thì đến năm 2022 là 18.557 bài báo (Bảng 2), trong đó, phần lớn các công bố của giảng viên đến từ các cơ sở giáo dục đại học. Số lượng các công bố quốc tế tăng qua các năm đã phần nào khẳng định, chất lượng nghiên cứu của giảng viên dần được cải thiện và đang tiếp cận dần với quốc tế.

Bảng 2: Số lượng các công bố quốc tế của các giảng viên giai đoạn 2019-2022

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2021

Bài báo Scopus của các cơ sở giáo dục đại học

11.999

17.334

17.334

17.728

Bài báo Scopus của cả nước

12.625

18.130

18.402

18.557

Nguồn: Báo cáo của Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ Giáo dục và Đào tạo (2023)

Về công bố trong nước, theo cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN, năm 2022 có 15.075 bài báo khoa học được công bố từ khoa học cơ bản đến khoa học ứng dụng trong đó, khoa học xã hội lớn nhất với 7.857 bài báo, tiếp đến là y, dược với 3.226 bài báo, thấp nhất là khoa học tự nhiên với 819 bài báo (Hình).

Hình: Số lượng bài báo công bố trên các tạp chí trong nước giai đoạn 2018-2022

Giải pháp thúc đẩy chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp*
Nguồn: Báo cáo của Vụ Giáo dục đại học – Bộ Giáo dục và Đào tạo (2023)

Hầu hết các trường đại học đều hình thành các nhóm nghiên cứu, nhờ đó kết quả nghiên cứu của giảng viên tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Các kết quả NCKH trong các trường đại học đã có những đóng góp nhất định góp phần nâng cao chất lượng đối với công tác giảng dạy của giảng viên giúp quá trình đào tạo tiến gần hơn với những yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

Theo báo cáo của Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ Giáo dục và Đào tạo) (2023), về sở hữu trí tuệ, số lượng các đơn đăng ký sở hữu trí tuệ của Việt Nam những năm vừa qua còn thấp, giai đoạn 2013-2022, Việt Nam chỉ có 150 đơn/năm và tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9,1%/năm, trong đó tỷ trọng số lượng các đơn đăng ký sáng chế của các trường đại học 15,5%, viện nghiên cứu 10,3%, còn lại là doanh nghiệp và cá nhân. Đây là số lượng không cao nếu so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), năm 2021, Trung Quốc có 69.540 đơn đăng ký, Mỹ là 59.570 đơn, tiếp đến là Nhật Bản với 50.260 đơn, Hàn Quốc với 20.678 đơn và Đức là 17.322 đơn, ngay cả Singapore năm 2020 có 1.772 đơn đăng ký. Điều này phần nào thể hiện chất lượng các công trình NCKH của Việt Nam còn hạn chế, chưa theo sát với yêu cầu của doanh nghiệp, do đó cần tiếp tục nâng cao chất lượng của các công trình NCKH của giảng viên trong tương lai.

Chuyển giao kết quả NCKH của giảng viên trong các trường đại học

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trong phiên chất vấn của Quốc hội vào ngày 07/6/2023, vấn đề chuyển giao kết quả NCKH của các cơ sở giáo dục tại Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định, một số cơ sở giáo dục đào tạo như: Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế… đã có văn bản và quy chế liên quan đến chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và tài sản trí tuệ tầm nhìn đến năm 2025. Nhờ đó, trong giai đoạn 2011-2020, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh có doanh thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ khoảng 1.300 tỷ đồng và Đại học Bách khoa Hà Nội với doanh số khoảng 25 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, Đại học Bách khoa Hà Nội đã thành lập được hệ thống doanh nghiệp (BKHolding) theo mô hình công ty mẹ con nhằm hợp tác với doanh nghiệp khác để hỗ trợ các nhà khoa học nghiên cứu và chuyển giao kết quả sau nghiên cứu vào thực tiễn (Sơn Hà, 2023). Một số có số nghiên cứu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp cũng có kết quả chuyển giao cao, như: Trường Đại học công nghiệp Dệt may Hà Nội đã thành lập xí nghiệp may mặc trong Trường, để nhận các đơn hàng xuất khẩu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu của các giảng viên, mang lại nguồn thu lớn cho Nhà trường.

Các công trình nghiên cứu của giảng viên theo đơn đặt hàng của địa phương, tỉnh, thành phố đều là những công trình có tính cấp thiết của địa phương và gắn với yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương và được ứng dụng ngay vào thực tế của địa phương.

Bên cạnh đó, việc chuyển giao kết quả NCKH còn gặp nhiều khó khăn; các cơ sở giáo dục đại học chưa có đơn vị kết nối giữa trường với các doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu, định hướng nghiên cứu và phản hồi những yêu cầu của doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến NCKH và chuyển giao. Hiện nay, chỉ có khoảng 5%-10% số đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh (Hà Linh, 2023); số còn lại chủ yếu là các báo cáo nghiên cứu hoặc các công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước. Một số cơ sở giáo dục đại học có tâm lý phụ thuộc vào các cơ quan điều phối của Nhà nước, chưa thực sự chủ động tiếp cận tìm kiếm nhu cầu thị trường KHCN để hợp tác, nghiên cứu với các doanh nghiệp.

Một vấn đề khác là những quy định pháp lý về việc chuyển giao kết quả giữa Nhà trường và doanh nghiệp chưa thực sự rõ ràng, đặc biệt là các quy định về quản lý tài sản hình thành từ NCKH. Cơ chế khoán chi khi thực hiện nhiệm vụ NCKH theo Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC, ngày 30/12/2015 chưa phù hợp với thực tế gây khó khăn cho các nhà khoa học trong việc hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu thanh toán nhiệm vụ khoa học (Hà Linh, 2023).

Số lượng giảng viên chưa đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục đại học (Bảng 1) năm 2023 là 6.561 người, điều này dẫn đến phần nào chất lượng của đội ngũ giảng viên còn hạn chế cũng ảnh hưởng đến việc NCKH và chuyển giao kết quả nghiên cứu do chưa đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp.

Đánh giá chung

Qua tìm hiểu thực trạng hoạt động NCKH và chuyển giao kết quả nghiên cứu của giảng viên các trường đại học trong thời gian vừa qua, có thể rút ra một số nhận định sau:

Thứ nhất, việc chuyển giao kết quả NCKH của các trường đại học vào sản xuất, kinh doanh còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân do thiếu những cơ chế chính sách phù hợp cho hoạt động NCKH, chưa có nhiều các nghiên cứu cụ thể thiết thực gắn với yêu cầu hoạt động của doanh nghiệp.

Thứ hai, Nhà nước chưa giành nhiều kinh phí cho hoạt động đầu tư NCKH, nhất là nghiên cứu ứng dụng, điều đó đã ảnh hưởng đến chất lượng các đề tài và chuyển giao kết quả nghiên cứu.

Thức ba, chất lượng của các đề tài còn chưa phù hợp với yêu cầu của quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Có đề tài hầu như không thể đưa vào quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, do thiếu tính thực tiễn và không phù hợp với công nghệ của doanh nghiệp. Có những đề tài nghiên cứu khi đưa vào thực tiễn không mang lại lợi ích kinh tế hoặc mang lại lợi ích kinh tế rất thấp so với kinh phí đầu tư nghiên cứu.

Thứ , các cơ chế hỗ trợ giảng viên thực hiện NCKH chưa hiệu quả, thiếu sự liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp để tạo đầu ra cho nghiên cứu.

Thứ năm, các giảng viên chưa xác định rõ vai trò của NCKH đối với việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Chính vì vậy, nhiều giảng viên chưa thực sự chủ động trong NCKH, kinh phí đề tài NCKH còn thấp cũng làm giảm động lực của giảng viên.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Để đẩy mạnh việc chuyển giao NCKH của giảng viên trong các trường đại học vào thực tiễn tại các doanh nghiệp, cũng như sử dụng hiệu quả kết quả nghiên cứu này nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, theo tác giả, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, về chính sách hỗ trợ, Nhà nước cần xây dựng chính sách cụ thể cho từng loại hình nghiên cứu cụ thể như nghiên cứu hàn lâm, nghiên cứu ứng dụng; từng lĩnh vực nghiên cứu như khoa học tự nhiên, xã hội, khoa học kỹ thuật nhằm đảm bảo kinh phí phù hợp cho các lĩnh vực nghiên cứu. Đặc biệt là quy định liên quan đến việc xử lý tài sản là kết quả NCKH giữa Nhà nước, Nhà trường và nhà nghiên cứu gây khó khăn trong việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

Hai là, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích hình thành nhiều quỹ chuyên về NCKH, giống như Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted) để phát huy, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, hiệp hội tham gia đóng góp kinh phí, đặt hàng và phản biện xã hội đối với các đề tài nghiên cứu.

Ba là, đấu thầu trong NCKH, Nhà nước và các bộ, ban/ngành, địa phương khi được phân bổ kinh phí cho NCKH, cần thực hiện việc đấu thầu đề xuất NCKH tránh phân bổ theo nhiệm vụ cho một số trường đại học. Việc lựa chọn đề tài NCKH để đấu thầu cần bám sát với yêu cầu của địa phương, ngành và gắn với việc chuyển giao địa chỉ cụ thể kết quả nghiên cứu khi nghiệm thu đánh giá, nhằm tránh các kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu bỏ phí không được đưa vào thực tiễn.

Bốn là, về chất lượng nghiên cứu, cần nâng cao chất lượng kết quả nghiên cứu của giảng viên gắn với thực tiễn, tránh đầu tư quá nhiều cho nghiên cứu cơ bản, các nghiên cứu không gắn với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và địa phương.

Năm là, về phía các trường đại học, cần có những chính sách hỗ trợ các giảng viên trong vấn đề NCKH như khen thưởng, trọng dụng, tôn vinh những giảng viên có đóng góp nhiều cho NCKH và chuyển giao công nghệ. Kết hợp với chính sách thu hút cán bộ làm NCKH giỏi trong và ngoài nước về làm việc và chia sẻ bồi dưỡng giảng viên trẻ đam mê nhiệt huyết trong NCKH, nhưng thiếu kinh nghiệm chuyên môn, kinh nghiệm nghiên cứu.

Sáu là, các giảng viên cần xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc nâng cao chất lượng NCKH cũng như chuyển giao kết quả NCKH này vào thực tiễn, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và giá trị mang lại cho xã hội./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Khoa học và Công nghệ – Bộ Tài chính (2015), Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC, ngày 30/12/2015 quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

2. Hà Linh (2023), Quy định về chuyển giao kết quả NCKH chưa phù hợp, truy cập từ https://nhandan.vn/quy-dinh-ve-chuyen-giao-ket-qua-nghien-cuu-khoa-hoc-chua-phu-hopost755906.html.

3. Quốc hội (2013), Luật Khoa học và Công nghệ, số 29/2013/QH13, ngày 18/6/2013.

4. Sơn Hà (2023), Sáng nay Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ trả lời chất vấn, truy cập từ https://vnexpress.net/sang-nay-bo-truong-khoa-hoc-va-cong-nghe-tra-loi-chat-van-4613937.html.

5. Trần Khánh Đức (2011), Phương pháp luận NCKH giáo dục, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

6. Trần Nam Tú (2020), Quản lý chuyển giao kết quả NCKH vào đào tạo tại các trường đại học khối nông lâm trong bối cảnh hiện nay, Luận án tiến sĩ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

7. Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ Giáo dục và Đào tạo) (2023), Báo cáo hoạt động KHCN trong các cơ sở giáo dục đại học năm học 2022-2023 và một số định hướng cho năm học 2023-2024.

8. Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) (2023), Báo cáo tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 khối giáo dục đại học.

9. Vũ Cao Đàm (2011), Phương pháp luận NCKH, Nxb Giáo dục Việt Nam.

TS. Nguyễn Quốc Phóng

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 02, tháng 01/2024)


* Lời cảm ơn: Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên trong đề tài mã số UTEHY.L.2023.43.