Chiều 23/10, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp cùng Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI) tổ chức gặp gỡ báo chí thông tin về Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 – SEMIExpo Viet Nam 2024 với chủ đề “Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”.

SEMIExpo Viet Nam 2024: Nơi quy tụ nhiều “ông lớn” trong ngành bán dẫn

Là triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, SEMIExpo Viet Nam 2024 dự kiến thu hút khoảng 5.000 đại biểu tham dự, với quy mô 100 gian hàng của các tập đoàn công nghệ bán dẫn lớn trên thế giới và Việt Nam, như: Global Foundries, Amkor, AMD, Lam Research, Coherent, Cadence, KLA, Synopsys, Intel, Marvell, Onsemi Qorvo, FPT…

Điều đó cho thấy, SEMIExpo Viet Nam 2024 là diễn đàn quan trọng để các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới đến và cùng nhau thảo luận về phương thức hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và sản xuất ngành bán dẫn toàn cầu, qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Chia sẻ với báo chí tại buổi họp báo, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết: “Sự ra đời của Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 – SemiExpo Viet Nam 2924 là bước đi chủ động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, nhằm thực hiện nhiệm vụ tại Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Chương trình Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó tập trung thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm huy động nguồn lực cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, kết nối đầu tư kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm phát triển hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ, thu hút đầu tư từ những tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn”.

Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn - SEMIExpo Viet Nam 2024
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, phát biểu tại sự kiên

Tham dự SEMIExpo Viet Nam 2024, các tổ chức, doanh nghiệp có cơ hội quảng bá môi trường kinh doanh, cơ hội đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam; kết nối đầu tư kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn; cập nhật các xu hướng công nghệ tiên tiến trên thế giới trong ngành công nghiệp bán dẫn, ứng dụng AI trong thiết kế vi mạch; tham gia đối thoại với Ban chỉ đạo Quốc gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái và lực lượng lao động cho ngành bán dẫn.

Bên cạnh đó, sự kiện cũng sẽ kết nối, cung cấp thông tin học bổng cho sinh viên, học sinh theo học ngành bán dẫn; phát triển nhân tài, nguồn nhân lực cho ngành.

Theo ông Vũ Quốc Huy, triển lãm hứa hẹn là một sự kiện nổi bật, đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam trong hành trình xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn phát triển bền vững tại Việt Nam. Qua đó, Việt Nam không chỉ khẳng định vị thế của mình trên bản đồ công nghiệp toàn cầu mà còn mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp, sinh viên và các nhà đầu tư; kỳ vọng mang lại các giá trị thiết thực cho các đối tác, các thành phần tham dự, thúc đẩy cơ hội hợp tác, chia sẻ kiến thức, đồng thời tạo ra một môi trường kết nối chặt chẽ giữa các chủ thể trong hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn.

Bà Linda Tan, Chủ tịch SEMI Đông Nam Á nhận định, triển lãm SEMIExpo Vietnam 2024 là sự kiện quan trọng đối với Việt Nam – một quốc gia mới nổi trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. “Sự kiện này đóng vai trò là nền tảng cho sự hợp tác, đổi mới và quan hệ đối tác chiến lược và SEMI hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy giai đoạn tăng trưởng tiếp theo cho ngành bán dẫn ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á rộng lớn hơn”, bà Linda Tan cho biết.

Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn - SEMIExpo Viet Nam 2024
Bà Linda Tan, Chủ tịch SEMI Đông Nam Á, chia sẻ tại sự kiện

Nguồn nhân lực: “Chìa khóa” phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

Ngành công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử có nhiệm vụ tạo ra vi mạch và linh kiện điện tử dùng để sản xuất ra các sản phẩm phức tạp. Trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ sau đại dịch Covid-19 và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, cũng như để tận dụng nguồn nhân nhân lực dồi dào, các công ty bắt đầu chuyển hướng đến các nước có thế mạnh trong khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.

Theo SEMI, trong bối cảnh ngành bán dẫn toàn cầu tiếp tục phát triển, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầy hứa hẹn trong ngành bán dẫn, với triển vọng tăng trưởng tươi sáng. Thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến ​​sẽ đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023-2028.

Việt Nam hiện đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn và đã thể hiện rõ khát vọng trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Để tận dụng hiệu quả cơ hội này, Chính phủ đã Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban chỉ đạo và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Trưởng Ban thường trực.

Đồng thời, Chính phủ đã ban hành “Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050” tại Quyết định số 1018/QĐ-TTg, ngày 21/9/2024; và “Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” tại Quyết định số 1017/QĐ-TTg, ngày 21/9/2024.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã rất tích cực hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới để cùng nhau hợp tác, đầu tư phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp tiềm năng này.

Trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề nguồn nhân lực ngành bán dẫn, ông Vũ Quốc Huy cho biết: “Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo điều phối, chỉ đạo, hướng dẫn các trường đại học trong việc đào tạo để cấp văn bằng để làm sao đến năm 2030, đào tạo đúng theo mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn. Ngoài ra, đối với việc đào tạo trực tiếp và ngắn hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động trước khi triển khai đề án, chương trình phát triển nguồn nhân lực được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.

Hiện nay, NIC đã phối hợp với rất nhiều đối tác, như: Qorvo, FPT, ARM… để cung cấp, tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, chuyển tiếp cho đội ngũ giảng viên, cũng như đội ngũ kỹ sư trong ngành thiết kế để trong thời gian ngắn hạn có thể trang bị kiến thức phù hợp cho ngành công nghiệp bán dẫn. “Hiện chúng tôi cũng đã tổ chức được rất nhiều lớp học và số lượng đào tạo trong 1 năm gần đây có thể lên đến hàng nghìn giáo viên và sinh viên đã được đào tạo thông qua các lớp trực tiếp và ngắn hạn. Các khóa chuyển tiếp và ngắn hạn đã được các cơ sở đào tạo khác triển khai. Có 2 hướng để triển khai: một là, từ hệ thống đào tạo chính quy; hai là, từ các chương trình đào tạo ngắn hạn trực tiếp”, ông Vũ Quốc Huy cho biết.

Ông Christoph Prommersberger, Phó Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam chúc mừng Việt Nam vì đã có những nỗ lực và thành công thời gian qua trong việc đào tạo và nâng cao nhân lực ngành bán dẫn. “Chúng tôi rất vui vì đã đóng góp một phần nhỏ, như vừa rồi chúng tôi cũng đã hỗ trợ một số sinh viên, học viên cao học Việt Nam có thể tham gia khóa học chuyên ngành bán dẫn, trong đó có bài giảng của các giáo sư, cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp bán dẫn của Hà Lan và các buổi tham quan với các doanh nghiệp bán dẫn Hà Lan”, ông Christoph nói.

Về vấn đề nguồn nhân lực, bà Linda Tan cho biết, một trong những trọng tâm của SEMI là phát triển nguồn nhân lực và tài năng. “Chúng tôi cam kết phát triển thế hệ chuyên gia có kỹ năng thông qua các chương trình toàn diện, từ việc nâng cao nhận thức về STEM đến việc nâng cao đào tạo lại kỹ năng cho nhân lực phục vụ ngành”, bà Linda Tan nói và cho biết, SEMI sẽ tiếp tục hỗ trợ những tham vọng của Việt Nam mở rộng dấu ấn trong lĩnh vực bán dẫn thông qua các chương trình toàn cầu của SEMI./.

Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 – SEMIExpo Viet Nam 2024 với chủ đề “Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu” sẽ diễn ra vào ngày 7-8/11/2024.

Trong khuôn khổ 2 ngày diễn ra sự kiện sẽ có các hoạt động hội nghị, triển lãm, hội thảo, chương trình kết nối doanh nghiệp và các phiên kết nối ngành.

– Lễ khai mạc “Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024” và Diễn đàn “Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”.

– Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024.

– Hội thảo “Thị trường thiết bị bán dẫn toàn cầu: Cơ hội nào cho ngành sản xuất Việt Nam”.

– Diễn đàn “Phát triển lĩnh vực thiết kế và đóng gói, kiểm thử vi mạch tại Đông Nam Á”.

– Diễn đàn “Hợp tác toàn cầu trong phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn”.

– Chương trình tập huấn cho sinh viên Việt Nam.

– SEMIGolf.