Hồ Ngọc Ninh, Trương Ngọc Tín
Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Đỗ Duy Sâm, Đinh Thế Duy – Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình
* Tác giả liên hệ: hnninh@vnua.edu.vn
Tóm tắt
Thông qua kết quả khảo sát 100 cán bộ quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã về công tác dân tộc và công nghệ thông tin (CNTT); 30 tổ chức, đơn vị cung cấp và sử dụng dịch vụ CNTT và 360 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, nghiên cứu nhằm phân tích thực trạng ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Kết quả nghiên cứu cho thấy, công tác thúc đẩy ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong thời gian tới.
Từ khóa: ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển kinh tế – xã hội, dân tộc thiểu số, tỉnh Hòa Bình
Summary
Through surveying 100 state management officials at provincial, district, and commune levels on ethnic affairs and information technology; 30 organizations and units providing and using information technology services, and 360 ethnic minority households in Hoa Binh Province, the study aims to analyze the status of information technology application to support ethnic minorities in socio-economic development in Hoa Binh Province. The research results show that promoting information technology applications to support ethnic minorities in socio-economic development in Hoa Binh Province has achieved many positive results. However, there are still many issues that need to be resolved. From there, the authors propose several solutions to enhance the application of information technology to support ethnic minorities in socio-economic development in Hoa Binh Province in the coming time.
Keywords: information technology application, socio-economic development, ethnic minorities, Hoa Binh Province
GIỚI THIỆU
Công nghệ thông tin phát triển, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội. Đặc biệt ở vùng DTTS và miền núi, CNTT giúp đồng bào DTTS tiếp cận thông tin về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; nâng cao trình độ, kỹ năng sản xuất; tiếp cận giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng (Vũ Văn Ngân, 2024).
Hòa Bình là một trong 10 tỉnh của cả nước có tỷ lệ đồng bào DTTS cao, với dân số toàn tỉnh năm 2023 là khoảng 880.474 người, trong đó tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm hơn 74% dân số. Vùng DTTS tỉnh Hòa Bình trải dài khắp 145/151 xã, phường, thị trấn (UBND tỉnh Hòa Bình, 2023). Tuy nhiên, do điều kiện về phân bố dân cư, truyền thống văn hóa, đồng bào DTTS tỉnh Hòa Bình chủ yếu sinh sống ở các vùng núi cao, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa phát triển nên điều kiện phát triển kinh tế, tiếp cận CNTT và các dịch vụ xã hội cơ bản còn nhiều hạn chế. Vì vậy, việc quan tâm đến thúc đẩy ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn Tỉnh là rất cần thiết, từ đây tạo nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội chung của Tỉnh và của cả nước.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối với dữ liệu sơ cấp, nghiên cứu tiến hành phát phiếu khảo sát tới các đối tượng tại tỉnh Hòa Bình gồm: (i) 100 phiếu đối với cán bộ quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã về công tác dân tộc và CNTT; (ii) 30 phiếu đối với tổ chức, đơn vị cung cấp và sử dụng dịch vụ CNTT (hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, cửa hàng…; (iii) 360 phiếu đối với các hộ đồng bào DTTS. Số liệu khảo sát được thu thập bằng phỏng vấn trực tiếp theo bảng câu hỏi chuẩn bị sẵn và tọa đàm. Thời gian tiến hành khảo sát từ tháng 10-12/2023. Đối với dữ liệu thứ cấp, nghiên cứu sử dụng các văn bản, chính sách, các báo cáo của Chính phủ và tỉnh Hòa Bình về phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS và miền núi nói chung, của tỉnh Hòa Bình nói riêng.
Nghiên cứu sử dụng phương pháp thống kê mô tả và thống kê so sánh được sử dụng để tổng hợp và phân tích các vấn đề liên quan đến thực trạng và giải pháp tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Chủ trương, chính sách về ứng dụng CNTT hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS và miền núi
Thời gian qua, Đảng và nhà nước ta luôn quan tâm đến ứng dụng CNTT và chuyển đổi số cho thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Đối với vùng DTTS và miền núi, trong giai đoạn 2011-2020, Chính phủ đã ban hành 11 chương trình khoa học và công nghệ có liên quan, như: Chương trình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, miền núi, vùng DTTS giai đoạn 2016-2025 (Quyết định số 1747/QĐ-TTg, ngày 13/10/2015); Đề án Tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2019-2025 (theo Quyết định số 414/QĐ-TTg, ngày 12/4/2019); Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021)…
Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh Hòa Bình triển khai Kế hoạch số 197/KH-UBND, ngày 23/12/2019 về thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Hòa Bình” và các chính sách về chuyển đổi số cho toàn Tỉnh.
Thực trạng ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
Triển khai các chủ trương, chính sách về thúc đẩy ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, tỉnh Hòa đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp tích cực đầu tư vào phát triển hạ tầng CNTT trên địa bàn Tỉnh. Đến nay, mạng lưới viễn thông và Internet được mở rộng đến mọi vùng miền, kể cả vùng sâu, vùng xa, góp phần quan trọng trong công tác lãnh đao, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền, phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Hạ tầng internet băng thông rộng cáp quang được triển khai đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn. Mạng di động 2G/3G/4G được phủ sóng đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và hầu hết các thôn, bản, cụm dân cư. CNTT phát triển giúp người dân vùng DTTS tỉnh Hòa Bình dễ dàng tiếp cận với các nguồn thông tin đa dạng, từ đó nâng cao nhận thức, kết nối với các dịch vụ, thị trường và các nền tảng trực tuyến trên mọi lĩnh vực.
Hiện nay, sinh kế của người dân vùng DTTS tỉnh Hòa Bình vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (đan lát, thổ cẩm,…), buôn bán nhỏ và dịch vụ du lịch; trong khi đó các ngành công nghiệp và dịch vụ khác chưa phát triển. Để thúc đẩy ứng dụng CNTT trong phát triển kinh tế vùng DTTS, nhiều phần mềm chuyên dụng được các sở, ngành triển khai, như: hệ thống cảnh báo thiên tai, phần mềm quản lý dịch bệnh, quản lý tài nguyên đất… trong ngành nông nghiệp; trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh cung cấp cho người dân các thông tin về canh tác, giá cả nông sản và các chính sách hỗ trợ; Hệ thống du lịch thông minh được triển khai với nhiều ứng dụng tiên lợi trên điện thoại di động như: cổng thông tin du lịch, bản đồ du lịch, chỉ đường, đặt phòng và đồ ăn, gọi xe… Từ đó, người dân đã từng bước tiếp cận và ứng dụng CNTT để tìm kiếm thông tin về đầu vào và giá cả thị trường, mua bán vật tư, học tập kỹ năng sản xuất… cho sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; Ứng dụng để quảng bá hình ảnh, sản phẩm và đặt dịch vụ trực tuyến (lưu trú, ăn uống, giải trí, mua bán) tại các cơ sở dịch vụ du lịch và buôn bán nhỏ.
Theo UBND tỉnh Hòa Bình (2022), các sàn thương mại điện tử, như: Postmart.vn và Voso.vn được tỉnh Hòa Bình triển khai, đặc biệt công nghệ tem truy xuất nguồn gốc được ứng dụng rộng rãi, giúp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp hiệu quả. Đến tháng 12/2022, tỉnh Hòa Bình đã có 4.195 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, đứng thứ 4 miền Bắc và thứ 5 toàn quốc. Tuy nhiên, thương mại điện tử vẫn còn là khái niệm khá mới mẻ đối với nhiều hộ dân tại vùng DTTS khi chỉ có hơn 30% hộ khảo sát áp dụng; trong đó chủ yếu là hoạt động quảng bá sản phẩm qua trên mạng xã hội (Facebook, Zaolo), còn các hoạt động khác vẫn còn hạn chế.
Ngoài ra, thanh toán điện tử cũng được đẩy mạnh trong mọi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh để minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục mua bán. Tuy nhiên, chỉ có hơn 52% số hộ DTTS từng thực hiện. Nguyên nhân là do, nhiều hộ DTTS chưa mở tài khoản ngân hàng, vì điều kiện kinh tế còn khó khăn và một số vẫn còn e ngại thanh toán điện tử do lo lắng về nguy cơ lừa đảo (Bảng 1).
Bảng 1: Thực trạng ứng dụng CNTT vào các hoạt động kinh tế tại các hộ DTTS tỉnh Hòa Bình
Nguồn: Tổng hợp số liệu điều tra (2023) |
Trong ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai các dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa liên thông. Theo UBND tỉnh Hòa Bình (2023), hiện nay, Tỉnh đang cung cấp hơn 1.500 dịch vụ công trực tuyến và kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia qua máy chủ bảo mật. Tỉnh cũng thực hiện tích hợp các hệ thống thông tin để giải quyết thủ tục hành chính cho nhiều lĩnh vực, như: giao thông, tư pháp, tài chính, đất đai…. Hệ thống này còn cho phép tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính, tạo nhiều thuận lợi cho người dân, giảm các thủ tục phiền hà và chi phí tốn kém.
Bên cạnh đó, CNTT cũng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực xã hội khác, như: giáo dục, y tế, văn hóa… Đến nay, 100% cơ sở đào tạo đã được kết nối internet và trang bị máy tính, đặc biệt 100% các trường từ trung học cơ sở trở lên có môn Tin học; Các phần mềm giáo dục như SMAS và VnEdu đã được áp dụng rộng rãi trong quản lý giáo dục, cung cấp tài liệu và dạy học trực tuyến. 100% cơ sở y tế hiện có hệ thống internet và nhiều phần mềm quản lý khám chữa bệnh, quản lý hồ sơ, theo dõi sức khỏe; Hệ thống Telehealth cho phép kết nối trực tiếp với tuyến trên trong quá trình hội chẩn các ca bệnh khó. Hệ thống du lịch thông minh được triển khai với nhiều ứng dụng tiên lợi trên điện thoại di động (chỉ đường, đặt phòng, gọi xe…) giúp quản bá hiệu quả ngành du lịch và tăng trải nghiệm cho du khách. Ngoài ra, CNTT còn giúp lưu giữ và giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng DTTS tỉnh Hòa Bình (Bảng 2).
Bảng 2: Thực trạng ứng dụng CNTT vào các hoạt động xã hội tại các hộ DTTS tỉnh Hòa Bình
Nguồn: Tổng hợp số liệu điều tra (2023) |
Một số tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Theo đó, cơ sở hạ tầng CNTT trên địa bàn Tỉnh còn chưa phát triển đồng bộ, vẫn thiếu và yếu ở các xã miền núi (còn nhiều điểm lõm sóng hoặc sóng yếu làm hạn chế khả năng tiếp cận ứng dụng CNTT); Hạ tầng và nền tảng số chưa hướng đến những công nghệ mới, tiên tiến, như: hệ thống mạng 5G, công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn, internet vạn vật…; Cơ sở dữ liệu của các ngành, các cấp còn rời rạc dẫn đến khó khăn trong kết nối và chia sẻ liên thông; Các ứng dụng dịch vụ thông minh trên nền tảng di động liên quan đến các lĩnh vực đời sống, sinh hoạt, văn hóa, các điều kiện thiết yếu của đồng bào DTTS chưa nhiều và chưa kịp thời đáp ứng so với nhu cầu của người dân.
Bên cạnh đó, nhận thức về ứng dụng CNTT của người dân vùng DTTS chưa cao, điều kiện kinh tế còn khó khăn và trình độ dân trí thấp cũng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận với máy tính và internet. Chất lượng nguồn nhân lực CNTT tỉnh Hòa Bình còn thiếu về số lượng (chủ yếu là kiêm nhiệm) và yếu về chuyên môn, nên chưa đáp ứng với những thay đổi nhanh của nền Cách mạng công nghiệp 4.0; Nhận thức và hành động của một số cán bộ, công chức chưa cao, thiếu quyết tâm nên công tác chỉ đạo, điều hành còn chưa mạnh mẽ và hiệu quả; Tổ công nghệ số cộng đồng tuy đã thành lập nhưng chưa được tổ chức tập huấn, chưa có chương trình kịch bản hoạt động, chưa có công cụ, thiết bị để thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, xếp hạng về CNTT của tỉnh Hòa Bình còn thấp so với các tỉnh, thành phố khác. Kinh phí đầu tư cho CNTT của Tỉnh vẫn còn ít và nhỏ lẻ, phân tấn, chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư hiện đại và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Để phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục những khó khăn, thách thức, tạo bứt phá trong ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong giai đoạn tới, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng CNTT. Trong đó, tập trung rà soát lại hệ thống chính sách để sửa đổi, hoàn thiện và bổ sung các chính sách cụ về: thu hút đầu tư cho hạ tầng CNTT, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ thiết bị CNTT và nâng cao năng lực tiếp cận CNTT cho đồng bào DTTS. Tăng cường thu hút các chuyên gia về CNTT, các doanh nghiệp CNTT đầu tư vào tỉnh Hòa Bình.
Thứ hai, đẩy mạnh đầu tư cho ứng dụng và phát triển CNTT ở vùng DTTS. Trong đó, cần định hướng mở rộng, đa dạng hóa và khuyến khích đầu tư của các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân cho CNTT, đặc biệt là ở vùng DTTS. Tập trung hỗ trợ đầu tư cho một số dự án trọng điểm có tính đột phá và tạo nền móng cho phát triển và ứng dụng CNTT. Đồng thời, lồng ghép và sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn lực đầu tư.
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực cho CNTT là yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với việc ứng dụng CNTT ở vùng DTTS. Tỉnh cần tiến hành xây dựng đề án khảo sát, phân loại, đánh giá nguồn nhân lực CNTT hiện có, từ đó tăng cường công tác tuyển dụng, đào tạo, tập huấn các kiến thức về CNTT cho đội ngũ cán bộ, công chức công tác tại vùng DTTS. Để tăng cường ứng dụng CNTT cho người dân ở vùng DTTS, thì cần tăng cường công tác giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao dân trí, cải thiện trình độ tiếp cận khoa học và công nghệ, mở rộng hiểu biết về CNTT của người dân vùng DTTS thông qua các mô hình, như: tổ chuyển đổi số cộng đồng, tập trung vào nhóm thanh niên làm tiên phong và lan tỏa trong cộng đồng.
Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về lợi ích của CNTT trong hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội ở vùng DTTS. Theo đó, cần nâng cao nhận thức của các tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ quản lý nhà nước về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của CNTT cho vùng DTTS. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đồng bào về các vấn đề liên quan đến CNTT và ứng dụng vào trong đời sống, sản xuất. Trong đó, nội dung tuyên truyền phải rõ ràng, dễ hiểu, không nên quá dài, có thể dùng khẩu ngữ, lối nói giao tiếp hàng ngày, mang sắc thái dân tộc, phù hợp cách tiếp nhận thông tin của đồng bào DTTS. Phương thức tuyên truyền cần đa dạng, có thể qua hệ thống phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, loa phát thanh, báo giấy…), qua mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube…), hoặc trực tiếp từ cán bộ cơ sở và người uy tín trong cộng đồng.
Thứ năm, tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế nhằm phát triển và đổi mới sáng tạo trong ứng dụng CNTT hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS ở tỉnh Hòa Bình. Cần mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác là các tập đoàn, công ty, tổ chức và các chuyên gia hàng đầu về CNTT; Thường xuyên tổ chức các đoàn công tác đi thăm quan học tập kinh nghiệm của các địa phương trong nước có điều kiện phù hợp với tỉnh Hòa Bình; Giới thiệu tiềm năng, nhu cầu về phát triển và ứng dụng CNTT trong hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 1747/QĐ-TTg, ngày 13/10/2015 ban hành Chương trình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, miền núi, vùng DTTS giai đoạn 2016-2025.
2. Thủ tướng Chính phủ (2019), Quyết định số 414/QĐ-TTg, ngày 12/04/2019 ban hành Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019-2025.
3. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025.
4. UBND tỉnh Hòa Bình (2019), Kế hoạch số 197/KH-UBND, ngày 23/12/2019 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2019-2025” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
5. UBND tỉnh Hòa Bình (2023), Kế hoạch số 226/KH-UBND, ngày 20/11/2023 về chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình năm 2024.
6. UBND tỉnh Hòa Bình (2022), Quyết định số 785/QĐ-UBND, ngày 22/04/2023 ban hành Đề án “Chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030.
7. Vũ Văn Ngân (2024), Đẩy mạnh ứng dụng CNTT hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS và miền núi hiện nay, Tạp chí nghiên cứu Dân tộc, số T.13S.1 (2024), DOI: https://doi.org/10.54163/ncdt/267.
Ngày nhận bài: 26/9/2024; Ngày phản biện: 09/10/2024; Ngày duyệt đăng: 25/10/2024 |