Với Lê Sương Mai, hành trình này chưa bao giờ trải thảm đỏ. Mỗi một bước chân đi qua đều là sự cống hiến của rất nhiều chất xám, mồ hôi và công sức không của riêng chị, mà của cả tập thể luôn trân trọng và đam mê cây chè Việt Nam. Nhưng càng khó khăn, càng vất vả, chị lại càng khao khát để thay đổi và lan tỏa niềm đam mê này.
“Trà sư” không phải một công việc phổ biến, được nhiều người biết tới tại Việt Nam. Ở thời điểm bắt đầu, cơ duyên nào đã dẫn chị tới con đường này?
Từ thuở ấu thơ, hương trà đã ngấm vào tâm hồn tôi như một lẽ tự nhiên. Lớn lên trong một gia đình đông anh chị em, những buổi sáng thức giấc, tôi thường được giao “nhiệm vụ” rửa ấm chén cho bố, một cựu chiến binh Phòng không – Không quân. Dù công việc kỳ cọ bằng tro, trấu có phần khó khăn với một cô bé 5 tuổi, nhưng chính những khoảnh khắc ấy đã gieo vào lòng tôi một dấu ấn đậm sâu. Bên ấm trà thơm lừng, tôi lắng nghe những câu chuyện hào hùng của bố về thời chiến, về những miền đất xa xôi ông từng đặt chân đến. Những lời kể ấy ngân vang trong tâm hồn tôi, khơi dậy trong tôi lòng tự hào dân tộc và khát khao khám phá.
Đến khi đặt chân đến xứ sở hoa anh đào, tôi lại một lần nữa được đắm mình trong văn hóa trà đạo, cũng như nghiên cứu sâu hơn về lợi ích đối với sức khỏe con người. Những nghi thức tinh tế, những chén trà thơm ngon mà đầy dinh dưỡng đã khiến tôi càng thêm yêu và trân trọng loại thức uống này.
Trà không chỉ là một thức uống, mà còn là sợi dây kết nối tôi với gia đình, với quá khứ, với tương lai và với chính bổn tâm mình. Mỗi ngụm trà tôi thưởng thức đều mang đến một cảm giác bình yên, thư thái, giúp tôi tạm quên đi những bộn bề của cuộc sống. Giờ đây, khi đã trưởng thành, tôi vẫn duy trì thói quen uống trà cùng bố. Những buổi trò chuyện bên ấm trà đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của hai bố con. Đó là những khoảnh khắc quý giá, giúp chúng tôi hiểu và gắn bó với nhau hơn.
Từ chén trà cùng bố ngày thơ bé đó, chị đã nuôi dưỡng và hoạch định tương lai sau này thế nào?
Mọi việc phát triển hơn khi tôi đi du học ở Nhật. Những ngày đầu đặt chân đến đất nước mặt trời mọc, tôi may mắn được theo học tại trường Jumonji, Saitama. Tại đây, trước khi bắt đầu với những kiến thức chuyên môn, tôi được đắm mình vào thế giới nghệ thuật truyền thống Nhật Bản với trà đạo, hoa đạo và kiếm đạo. Việc trải nghiệm sâu sắc những tinh hoa văn hóa này không chỉ giúp tôi hiểu rõ hơn về con người và đất nước Nhật Bản mà còn là nền tảng vững chắc để tôi khám phá thế giới trà một cách toàn diện.
Sau khi đã có nền tảng vững chắc về văn hóa, tôi bắt đầu được định hướng tập trung vào chuyên ngành của mình là môn Dinh dưỡng, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu về trà. Tôi nhận ra rằng, trà không đơn thuần là một thức uống, mà còn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, đóng vai trò quan trọng trong y học và sức khỏe.
Khi thực hiện luận văn tốt nghiệp, tôi đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về trà Việt Nam. Từ những vùng trà nổi tiếng đến những giá trị dinh dưỡng tiềm ẩn, tôi đều tìm hiểu kỹ lưỡng. Tôi mong muốn góp phần đưa những giá trị truyền thống của trà Việt đến gần hơn với mọi người, đồng thời kết hợp chúng với những kiến thức hiện đại để tạo ra những sản phẩm trà chất lượng cao.
Sau khi từ Nhật trở về, con đường kinh doanh của chị bắt đầu như thế nào?
Có lẽ đó là định mệnh, sau khi trở về Việt Nam, tôi tình cờ gặp gỡ và nên duyên với chồng mình. Anh là một người con của Thái Nguyên, mảnh đất nổi tiếng với những đồi chè xanh mướt. Gia đình anh đã gắn bó với trà từ nhiều đời, truyền thống ấy đã ngấm sâu vào con người anh.
Khi lần đầu đặt chân lên những đồi chè xanh ngát, tôi như lạc vào một thế giới hoàn toàn mới. Hương thơm dịu nhẹ của lá trà quyện lấy làn gió mát lành, cùng với khung cảnh nên thơ của những người công nhân đang hái chè, đã khiến trái tim tôi rung động. Tôi bị cuốn hút bởi quá trình làm trà tỉ mỉ, từ khâu trồng trọt đến chế biến, từng công đoạn đều chứa đựng tâm huyết và sự tinh tế của người làm trà.
Tiếc là khi đó thành quả kinh doanh chưa quá thuận lợi, còn gặp rất nhiều khó khăn và biến cố, thường xuyên phải rót thêm vốn để gồng lỗ. Mà vốn liếng không đủ để “gồng” mãi được. Bên cạnh đó, nếu không được chăm sóc đúng cách, những đồi chè xanh mướt sẽ dần trở nên bạc màu, chất lượng trà cũng vì thế mà giảm sút. Tôi nhận ra rằng, để bảo vệ những giá trị truyền thống của gia đình và nâng cao chất lượng sản phẩm, tôi cần phải có những thay đổi.
Với sự ủng hộ nhiệt tình của chồng và gia đình, tôi đã quyết định tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất. Áp dụng những kiến thức đã học được từ Nhật Bản, tôi bắt đầu chia sẻ với các bác công nhân về những kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc đến quy trình chế biến tân tiến của thế giới, từ đó tạo ra những sản phẩm trà chất lượng cao, mang đậm hương vị truyền thống.
Đương nhiên, hành trình này sẽ không trải đầy hoa hồng. Nhưng khi đã đến với trà bằng chữ duyên, nó giống như một sự sắp đặt rõ ràng, được số phận vẽ sẵn đường cho mình đi. Quan trọng là mình cảm thấy rất hạnh phúc khi được làm công việc này nên dù khó khăn cách mấy, mình đều sẽ vượt qua.
Ở thời điểm bắt đầu tham gia công tác quản lý, điều gì là khó khăn nhất với chị?
Thời điểm bắt đầu, xuất thân là người thủ đô, tôi chưa hiểu làm ruộng, làm lúa là gì, càng chưa trồng một cái cây thực sự bao giờ. Trong khi đó, những người công nhân vốn đã làm việc ở đồi trà hàng chục năm, sở hữu kinh nghiệm ươm trồng còn nhiều hơn cả tuổi đời của mình. Vậy bài toán đặt ra là làm sao để họ tin phục, đồng ý làm theo mình?
Quả thực, khi tôi đề xuất nhiều kế hoạch thay đổi, các bác phản đối ngay lập tức. Thứ nhất, họ không có niềm tin ở một cô gái quá trẻ. Thứ hai, họ muốn tiếp tục tuân theo phương thức truyền thống mà họ đã làm suốt nửa đời người. Đó là những kinh nghiệm quý giá mà họ đúc rút ra từ thực tiễn chứ không phải lý thuyết suông nằm trong sách vở. Khi ấy, tôi từng rất tủi thân, lại càng hoang mang mà không biết làm thế nào.
Chìa khóa nào giúp chị “gỡ rối” cho tình trạng bất lực ấy?
Sau nhiều ngày trăn trở, cuối cùng tôi nhận ra chìa khóa quan trọng nhất đó là sự chia sẻ và thấu hiểu. Tôi quyết định tìm đến tận nhà để thuyết phục từng người một. Căn nhà đầu tiên mà tôi gõ cửa là của bác lớn tuổi nhất, cũng là người có kinh nghiệm nhiều nhất.
Khi đó, tôi chia sẻ với bác một cách thẳng thắn, chỉ ra những vấn đề mà công việc kinh doanh đang gặp phải. Thứ nhất, chi phí mua phân bón quá lớn mà lại không có phương pháp tận dụng phân hữu cơ. Thứ hai, sử dụng phân hoá học càng lâu đất càng bạc màu, chất lượng giảm. Thứ ba, rất nhiều trà bị thương lái trả lại do chất lượng không ổn định. Đôi khi, họ còn lén giữ lại trà tốt, tráo trà kém chất lượng vào lô hàng đem trả. Như vậy, mình vừa không kiếm được tiền, vừa mất đi sản phẩm tốt. Nếu mình lại đem bán lượng hàng kém chất lượng đó thì sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới danh tiếng của thương hiệu về lâu dài. Vì vậy mình phải vừa định vị được chất lượng của mình vừa quản lý được sản phẩm của mình để không thể lẫn với các sản phẩm khác.
Tôi cũng chỉ cho bác thấy rằng, nguồn vốn cá nhân của tất cả chúng tôi sẽ không thể dồi dào, sung túc để liên tục bù đắp cho các khoản thua lỗ được. Hết vốn chỉ là vấn đề thời gian. Vì thế, mong các bác để cho mình thử. Tối đa 2 năm, nhất định mọi người sẽ nhìn thấy kết quả khác biệt. Trong thời gian đó, tôi cam kết sẽ trả lương cho các bác chứ không cần các bác phải tự lo lắng, sắp xếp tiền bạc như trước nữa. Tôi chỉ hướng dẫn các bác làm cỏ, làm đồng như thế nào và chăm sóc cây bằng phân hữu cơ, thuốc hữu cơ ra sao.
Mọi người có bị thuyết phục bởi những điều đó hay không?
Đương nhiên, bác không dễ dàng đồng ý. Nhưng sau lần đầu tiên, bác chưa gật đầu thì tôi tiếp tục đến lần thứ 2, thứ 3, rồi kéo cả chồng tôi tới “giúp sức”. Thấy được sự quyết tâm này, cuối cùng bác cũng đồng ý thử làm theo cách mới. Sau đó, chính bác ấy đã đồng hành thuyết phục mọi người cùng vợ chồng tôi.
Cứ như vậy, chúng tôi bắt đầu cuộc cách mạng xanh trên những ngọn đồi chè. Thay vì sử dụng phân hóa học, chúng tôi quyết định quay về với thiên nhiên, sử dụng phân gà để bồi dưỡng đất. Quá trình này đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc. Vợ chồng tôi đã bán không ít bất động sản, dồn phần lớn tiền tiết kiệm suốt bấy lâu nay để tiếp tục cho bằng được. Nhưng chúng tôi tin rằng, chỉ có như vậy mới tạo ra được những sản phẩm trà thật sự tinh khiết và chất lượng.
May mắn là sau 6 tháng, mọi thứ bắt đầu nhìn thấy kết quả. Những búp trà căng mọng, xanh tươi, mang hương vị đặc trưng của vùng đất Thái Nguyên đã dần chinh phục được những khách hàng khó tính nhất, các lái buôn nghe tin tìm đến ngày càng đông.
Vào thời điểm 2015, chúng tôi đã có những sản phẩm trà Đinh, trà Ngọc Đinh (hay còn được biết đến với tên gọi “Thái Nguyên đệ nhất danh trà”) được bán với giá 6,5 triệu đồng mỗi kg. Sau này, có những loại được bán tới 18-56 triệu, thậm chí hơn 300 triệu đồng/kg. Những sản phẩm này sẽ rất hiếm, mỗi năm chỉ làm được đúng 1 kg thôi, nhưng mình vẫn làm y nguyên như vậy để chất lượng ngày càng đi lên, cũng chứng minh rằng thương hiệu của mình có thể sản xuất những mặt hàng chất lượng như vậy.
Vào những thời điểm khó khăn nhất, chị có từng thấy mệt mỏi hay nản lòng?
Từ những ngày đầu, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc dừng lại. Những cái Tết đi đi về về giữa Thái Nguyên với Hà Nội, những đêm thức trắng để làm việc trong nhà máy, hay những lúc đối mặt với doanh số bằng 0, đều chẳng thể làm tôi chùn bước. Ký ức về những ngày tháng ấy vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. Hình ảnh bản thân tự bê vác những thùng trà nặng trĩu, lăn lê đi khắp ngõ ngách, đường phố Hà Nội… Có những lúc, mồ hôi nhễ nhại, đôi chân mỏi rã, thậm chí có cả cú sốc vì bị một người bạn thân thiết lừa mất 300 triệu đồng. Nhưng tất cả đều là những trải nghiệm quý báu, chúng tôi đã kiên trì bám trụ để học được rất nhiều từ những thất bại và thành công.
Ngày ấy, các bé của chúng tôi cũng phải chịu nhiều thiệt thòi. Hình ảnh đứa trẻ ngồi chơi một mình trên tấm bìa các-tông cạnh bàn làm việc của bố mẹ khiến lòng tôi đau nhói. Nhưng chính tình yêu thương vô bờ bến dành cho con cái đã trở thành động lực to lớn, thôi thúc tôi cố gắng hơn nữa. Tôi luôn tâm niệm rằng, mình phải cố gắng xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho các con.
Quả thật, nhìn lại hành trình đã qua sẽ có không ít vất vả, nhưng ở thời điểm hiện tại, tôi thấy “biết ơn” và “viên mãn” vì lúc ấy mình chưa bao giờ có ý định từ bỏ. Từ những lúc khó khăn nhất, tôi vẫn có cơm ăn, áo mặc, để đến ngày hôm nay, chúng tôi có thể lo được cho gia đình, cho đội ngũ nhân viên, có cả khả năng làm từ thiện và cống hiến cho cộng đồng, xã hội. Ấy là những “quả ngọt” trọn vẹn nhất cho sự kiên trì, bền bỉ đã qua.
Sau khi công việc kinh doanh trà ở Thái Nguyên đi vào ổn định, điều gì đã thôi thúc chị xây dựng và phát triển phòng trà Sương Mai?
Hiện tại, nhờ có chồng tôi đảm nhận hầu hết công việc vận hành sản xuất – kinh doanh của đồi trà và nhà máy, tôi đã có thể dành thời gian để quay lại với thân phận “trà sư” của mình. Đó cũng là thời điểm tôi bắt đầu xây dựng và phát triển phòng trà Sương Mai, cũng như tổ chức các buổi Thiền trà, các sự kiện lan tỏa văn hóa và nghệ thuật trà tới với đông đảo mọi người.
Những buổi thiền trà tại Sương Mai không chỉ đơn thuần là thưởng thức một loại thức uống, mà còn là một hành trình hướng vào bên trong, khám phá bản thân. Tôi vẫn nhớ có một cặp vợ chồng đã đến đây trong tâm trạng mệt mỏi và chán chường. Cuộc sống hôn nhân của họ đang đứng trước bờ vực đổ vỡ. Tôi đã mời họ cùng nhau tham gia một buổi thiền trà. Trong không gian tĩnh lặng, với hương trà thơm dịu, họ đã có cơ hội để nhìn lại chính mình và đối phương. Những nếp nhăn, sự vất vả in hằn trên gương mặt ấy cũng là minh chứng cho những hy sinh thầm lặng của đôi bên dành cho gia đình. Chỉ đơn giản là một tách trà, một cử chỉ quan tâm, nhưng đã giúp họ thấu hiểu và xích lại gần nhau hơn. Và rồi, từng ngụm trà như một lời nhắn nhủ, giúp họ hàn gắn những vết rạn nứt trong tâm hồn.
Rồi có bạn đã mời mẹ đến và xin lỗi mẹ, có bạn mời bố đến vì bao lâu rồi không lắng nghe bố 1 lần… Nhiều lắm những hình ảnh cảm động vô cùng.
Đó sẽ là khoảnh khắc để thư thả thưởng thức tách trà cùng những tâm tư, tình cảm của chính bản thân và những người xung quanh. Ông bà được nói chuyện với con cháu, những đứa trẻ rời khỏi điện thoại, bố mẹ gấp lại máy tính, bạn bè tạm dừng công việc. Chỉ khi có sự chia sẻ và thấu hiểu lẫn nhau, gia đình mới trở nên vững bền và êm ấm, bạn bè mới sát lại gần nhau.
Những giá trị vô hình ấy không thể đong đếm bằng vật chất, nhưng lại đem đến cho tôi cảm giác hạnh phúc vô bờ. Đây cũng là lý do mà tôi có rất nhiều buổi thiền trà được tổ chức không thu phí. Bất cứ ai đến với buổi Thiền trà ấy đều có thể nhận được những nguồn năng lượng tích cực cho riêng mình.
Theo chị, thưởng trà có nhất định phải gắn với những quy tắc lễ nghi hay chuẩn mực nào đó? Uống trà bình thường liệu có đạt được những giá trị tích cực mà chị đã nói hay không?
Người xưa có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Với tách trà cũng vậy. Bước vào một buổi trà lễ, đương nhiên sẽ đi kèm với những lễ nghi và chuẩn mực mà bạn cần phải biết. Nhưng với những buổi thưởng trà bình thường, tôi vẫn luôn truyền tải với mọi người rằng: “Những gì tự nhiên là những gì giá trị nhất.” Các bạn của tôi vẫn thường đến đây vừa uống trà, vừa cười nói, ăn mặc giản dị, thư thái thản nhiên.
Mọi người cũng vậy, họ có thể ngồi uống trà ở bất cứ đâu. Từ văn phòng sang trọng đến góc làm việc giản dị, từ bàn ăn ấm cúng đến không gian rộng lớn của phòng khách, trà luôn là người bạn đồng hành. Ngay cả khi đang di chuyển trên xe, một tách trà nóng cũng đủ để xua tan mệt mỏi và mang đến những giây phút thư giãn. Điều quan trọng là tâm thái của người thưởng thức. Một tách trà mộc mạc trong chiếc bát sứ giản dị cũng có thể mang lại niềm vui không thua kém gì một ấm trà tinh xảo.
Văn hóa trà không chỉ dừng lại ở việc thưởng thức, mà còn có thể trở thành cầu nối tuyệt vời để xây dựng một môi trường làm việc đoàn kết và hiệu quả trong các doanh nghiệp. Thay vì những cuộc họp hành cứng nhắc, người lãnh đạo có thể lựa chọn một không gian ấm cúng bên tách trà để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân viên. Hình ảnh vị Chủ tịch tự tay pha trà cho nhân viên, từ bác bảo vệ đến cô lao công, là minh chứng rõ nét cho một văn hóa doanh nghiệp nhân văn, nơi mọi người được tôn trọng và lắng nghe. Khi tách trà trở thành phương tiện để kết nối, các rào cản giữa cấp trên và cấp dưới sẽ dần tan biến, tạo nên một môi trường làm việc hài hòa và hiệu quả. Đó chính là sức mạnh kỳ diệu của văn hóa trà, khi nó không chỉ nuôi dưỡng tâm hồn mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết và phát triển.
Từ một búp trà nhỏ bé, chúng ta cũng nghiệm ra nhiều điều. Khoảng 30-35 ngày là thời gian để 1 búp trà sinh trưởng. Nhưng vẫn là búp trà ấy, khi được “qua lửa” và ủ sao vò sấy, nó trở thành “tinh phẩm” có thể để được 1 năm, chục năm, thậm chí cả trăm năm. Con người chúng ta cũng vậy, cần trải qua những thăng trầm của cuộc sống, những thử thách tưởng chừng như làm ta gục ngã. Nhưng chính những khó khăn ấy lại tôi luyện nên một bản lĩnh vững vàng, một tâm hồn giàu nghị lực.
Chị dự định sẽ giữ gìn và lan tỏa nét đẹp của cây trà Việt Nam như thế nào trong tương lai?
Từ những kiến thức về dinh dưỡng đã học tại Nhật, tôi đã nghiên cứu và phát triển những dòng sản phẩm khác bằng tinh chất trà, chẳng hạn như son, dầu tắm, sữa tắm, dầu gội đầu, dầu xả… Qua đó, tôi cũng muốn chứng minh rằng trà của Việt Nam có thể áp dụng vào rất nhiều lĩnh vực của đời sống, có rất nhiều tác dụng trong việc chăm sóc sức khỏe con người.
Bây giờ tôi cũng đang có một khu nghỉ tại Thái Nguyên để mọi người trải nghiệm thế nào là một không gian trà tự nhiên. Họ sẽ đến đồi chè tham quan, tự tay hái những búp trà tươi non, được đến nhà máy để chế biến và đóng gói những hộp trà của riêng mình. Trong quá trình đấy, họ ngắm suối, ngắm đồi, lên núi thưởng trà và ăn những thức đồng quê.
Hình ảnh thiết kế của khu nghỉ dưỡng do nhân vật cung cấp.
Trong không gian kiến trúc đều là nhà cũ Bắc Bộ, họ sẽ được rời xa bê tông cốt thép thường mang tới cảm giác cứng nhắc và bí bách để sống với thiên nhiên một cách trọn vẹn nhất.
Từ đó, họ sẽ thêm yêu cây trà Việt Nam, đồng thời thấu hiểu ý nghĩa trân quý của nghề nông – những bậc thầy về dinh dưỡng và phong thủy đích thực.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Ảnh: NVCC