TS. Vũ Hồng Phong

Trường Đại học Lao động – Xã hội

Email: phongvhulsa@gmail.com

Tóm tắt

Trong những năm qua, chính quyền tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm, chủ động và chỉ đạo sát sao vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, trước bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, nhu cầu tuyển dụng giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng, một bộ phận lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương không tìm được việc làm. Đây là thách thức rất lớn đối với chính quyền tỉnh Ninh Bình trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Trước vấn đề nêu trên, tác giả đề xuất mô hình đào tạo nghề cho người hoàn thành nghĩa vụ quân sự chưa tìm được việc làm nhằm xây dựng được mô hình đào tạo phù hợp cho lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự, góp phần giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp tại Ninh Bình trong thời gian tới.

Từ khóa: mô hình đào tạo nghề, người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thất nghiệp

Summary

Over the years, the Ninh Binh provincial government has always paid attention to, proactively, and closely directed the issue of vocational training, job creation, and unemployment reduction. However, in the context of enterprises facing many difficulties in production, reduced recruitment demand, and increased unemployment rate, many workers who have completed their military service and returned to their localities cannot find jobs. It is a huge challenge for the Ninh Binh provincial government in vocational training and job creation for workers who have completed their military service and returned to their localities. In response to the above problem, the author proposes a vocational training model for those who have completed their military service but have not found jobs to build a suitable training model for workers who have completed their military service, contributing to job creation and reducing the unemployment rate in Ninh Binh in the coming time.

Keywords: vocational training model, people who have completed their military service, unemployment

ĐẶT VẤN ĐỀ

Tại Ninh Bình, lãnh đạo Tỉnh luôn quan tâm, chủ động và chỉ đạo sát sao vấn đề giải quyết việc làm. Nhờ đó mà trong những năm gần đây, số lao động được giải quyết việc làm ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của thế giới và Việt Nam, suy thoái kinh tế thế giới, xung đột kinh tế – chính trị giữa các quốc gia đã tác động trực tiếp và gián tiếp tới đời sống, kinh tế – xã hội của tỉnh Ninh Bình khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, đơn giá, đơn hàng thấp, thiếu nguyên liệu sản xuất và không ký được đơn hàng. Lực lượng lao động, lao động tăng, nhưng đi kèm đó, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cũng tăng, trong đó gồm cả người lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Nhóm đối tượng này phần lớn ở độ tuổi trẻ, chưa được đào tạo nghề, chuyên môn, thiếu kỹ năng để có thể tìm việc. Do đó, vấn đề đặt ra đối với chính quyền địa phương đó là đào tạo nghề cho người hoàn thành nghĩa vụ quân sự để họ có kỹ năng cần thiết để tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm (tự sản xuất, kinh doanh). Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung nghiên cứu các vấn đề lý luận và trên cơ sở đó, đề xuất mô hình đào tạo nghề phù hợp cho lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT

Một số khái niệm

Trần Xuân Cầu, Mai Quốc Chánh (2008) cho rằng, khái niệm đào tạo được hiểu là quá trình trang bị kiến thức, kỹ năng, khả năng thuộc một nghề, một chuyên môn nhất định để người lao động thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình.

Đỗ Minh Cương và Mạc Văn Tiến (2004) đưa ra khái niệm đào tạo nghề “là quá trình hoạt động đào tạo có mục đích, có tổ chức và có kế hoạch trong hệ thống đào tạo kỹ thuật thực hành nhằm hình thành và phát triển kiến thức, kỹ năng, thái độ cho mỗi cá nhân người lao động ở các cấp trình độ để có thể hành nghề, làm công việc phức tạp với năng suất và hiệu quả cao, đồng thời có năng lực thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của kỹ thuật và công nghệ trong thực tế”.

Theo Quốc hội (2014): “Đào tạo nghề nghiệp là hoạt động dạy và học nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cần thiết cho người học để có thể tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi hoàn thành khóa học hoặc để nâng cao trình độ nghề nghiệp”.

Nhìn chung, đào tạo nghề là quá trình đào tạo nhằm cung cấp cho người lao động những kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để đảm nhận được việc được giao.

Từ các khái niệm đào tạo và đào tạo nghề, có thể phát triển thành khái niệm đào tạo nghề cho lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự là quá trình đào tạo cho lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự chưa tìm được việc làm nhằm trang bị cho đối tượng này những kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp sử dụng, hoặc đảm bảo người lao động có thể tự tạo việc làm sau khi đào tạo nghề.

Mô hình đào tạo nghề là tập hợp các mối quan hệ logic, tác động qua lại của các yếu tố cấu thành nên hoạt động đào tạo nghề. Mô hình đào tạo cho người lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự chưa tìm được việc làm là mô hình đào tạo đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động (bao gồm cả trong nước và nước ngoài) và khả năng tự tạo việc làm (khởi nghiệp/tự mở cơ sở sản xuất, kinh doanh để làm việc và thuê lao động làm việc). Đó là mô hình liên kết giữa CSGDNN và doanh nghiệp (doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động) trong khuôn khổ quy định và chính sách hỗ trợ, khuyến khích của nhà nước/địa phương nhằm đảm bảo việc đào tạo kỹ năng cho người lao động đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp sử dụng hoặc đảm bảo người lao động có thể tự tạo việc làm sau khi đào tạo nghề.

Yêu cầu đối với mô hình đào tạo nghề cho người hoàn thành nghĩa vụ quân sự chưa tìm được việc làm

Mô hình đào tạo nghề cần thể hiện rõ mối quan hệ, trách nhiệm của các chủ thể trong đào tạo nghề nghiệp gồm: cơ quan quản lý nhà nước, CSGDNN và doanh nghiệp. Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc định hướng, điều tiết thị trường lao động, xây dựng chiến lược, đề án để các địa phương tổ chức thực hiện phù hợp với mục tiêu của nhà nước.

Để đảm bảo tính hiệu quả, nội dung mô hình đào tạo nghề cho lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự cần đảm bảo được các yêu cầu sau:

– Phù hợp với đối tượng đào tạo: Tại Việt Nam, thất nghiệp có thể phân loại ra nhiều tiêu chí. Chẳng hạn, theo độ tuổi có thất nghiệp thanh niên, thất nghiệp trung niên…; theo lý do thất nghiệp có thể là do bị sa thải, do mất đất nông nghiệp, do không tìm được việc làm….; theo địa lý có thể có thất nghiệp nông thôn, thất nghiệp thành thị. Mỗi đối tượng thất nghiệp có những đặc điểm riêng biệt trong tâm sinh lý, sức khỏe và trình độ nghề. Vì vậy, mô hình đào tạo nghề cần được xây dựng một cách khoa học, phù hợp với đặc điểm của mỗi đối tượng.

– Phù hợp với văn hóa của địa phương: Mỗi vùng miền, địa phương sẽ có những quy định, phong tục tập quán riêng. Vì vậy, mô hình đào tạo cần có sự linh hoạt khi đào tạo cho lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở các địa phương (huyện, xã) khác nhau.

– Phù hợp với mục tiêu đào tạo: Đào tạo nghề cho lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự có đặc trưng riêng biệt là người lao động sau khi được đào tạo sẽ tìm việc làm tại các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tìm cơ hội đi xuất khẩu lao động hoặc tự tạo việc làm thông qua khởi nghiệp (mở cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ). Vì vậy, mô hình đào tạo cần thể hiện rõ sự phù hợp về nội dung đào tạo với nhu cầu và mục tiêu sử dụng nhân lực của doanh nghiệp trong nước, của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, phù hợp với tiềm năng thế mạnh của địa phương hay những ngành nghề mà địa phương có thế mạnh để có thể khởi nghiệp, tự tạo việc làm thành công.

Cơ sở đề xuất mô hình

Cơ sở thực tiễn

Ở Việt Nam, hàng năm đều thực hiện tuyển thanh niên lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Qua các thời kỳ, các thanh niên luôn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình. Hội nghị lần thứ 7 ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X trong Nghị quyết đã khẳng định: Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh của dân tộc, là lực lượng chủ yếu của nhiều lĩnh vực, đảm nhiệm những công việc đòi hỏi hy sinh, gian khổ, sức khỏe và sáng tạo”. Đứng trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên Việt Nam, trong đó có những người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự được học, làm việc và cống hiến.

Những người hoàn thành nghĩa vụ quân sự hay còn gọi là bộ đội xuất ngũ là lực lượng lao động trẻ, có những đặc điểm sau:

– Có ưu thế về sức khỏe.

– Có ý thức tiết kiệm, có tinh thần vượt khó, quyết tâm vươn lên làm giàu, chịu khó, chịu được sức ép về hoạt động xã hội và công việc trong lao động.

– Có tư duy mới, dám nghĩ, dám làm.

– Có tính kỷ luật cao nhờ được rèn luyện trong môi trường quân ngũ.

Tuy nhiên, lực lượng lao động này còn hạn chế về trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn. Theo kết quả khảo sát của Lê Xuân Cử (2023), có khoảng 30% số bộ đội xuất ngũ mới tốt nghiệp trung học cơ sở và tiểu học.Về trình độ chuyên môn, có tới 58,2% người chưa qua đào tạo nghề, số qua đào tạo nghề thì chủ yếu ở trình độ sơ cấp và trung cấp. Đây là những hạn chế, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tìm việc sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Mặt khác, chính quyền địa phương chưa xây dựng đươc mô hình đào tạo nghề phù hợp đối với lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự, dẫn đến không thu hút được người hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào việc học nghề để nâng cao kiến thức, kỹ năng để có thể tìm việc hoặc tự tạo việc làm.

Do đó, cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước cũng như chính quyền địa phương trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề phù hợp, phát huy được những điểm mạnh và khắc phục những hạn chế của người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thực hiện đào tạo gắn với sử dụng để giải quyết việc làm cho người lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

Cơ sở pháp lý

Để có thể đề xuất mô hình, tác giả đã nghiên cứu các văn bản pháp lý của Nhà nước và tỉnh Ninh Bình liên quan đến chính sách hỗ trợ đào tạo đối với người hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Đầu tiên phải kể đến Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, trong đó có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện.

Thực hiện Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH, ngày 28/12/2016 hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội.

Nhìn chung, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, hỗ trợ đào tạo đối với quân nhân xuất ngũ. Về đào tạo nghề, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng được hỗ trợ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp. Mặt khác, bộ đội sau xuất ngũ cũng được vay vốn để tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng theo quy định của chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; được cấp thẻ tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp có trị giá tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo nghề và có giá trị sử dụng trong 1 năm kể từ ngày cấp theo quy định.

Trên cơ sở các chính sách hỗ trợ đào tạo của Nhà nước, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình đã triển khai thực hiện chính sách theo đúng quy định. Cụ thể, tại Ninh Bình, thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự có nhu cầu tìm việc làm trong nước, sẽ được miễn phí tư vấn, định hướng nghề nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng làm việc; giới thiệu việc làm theo quy định tại Thông tư số 103/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính. Đối với thanh niên có nguyện vọng đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng sẽ được hỗ trợ cho vay tín chấp tối đa là 100% chi phí hợp pháp. Ngoài ra, trường hợp quân nhân xuất ngũ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân người có công cách mạng còn được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề; đào tạo ngoại ngữ; bồi dưỡng kiến thức cần thiết; tiền ăn trong thời gian đào tạo; hỗ trợ chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài gồm: lệ phí làm hộ chiếu, lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp, lệ phí làm thị thực (visa), chi phí khám sức khỏe theo quy định hiện hành.

ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG HOÀN THÀNH NGHĨA VỤ QUÂN SỰ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

Mục đích của mô hình

Tác giả đề xuất mô hình nhằm phối hợp giữa nhà nước/chính quyền địa phương với CSGDNN (CSGDNN) và doanh nghiệp nhằm tuyển sinh, đào tạo và sử dụng lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự, góp phần giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Trong đó, Nhà nước và chính quyền địa phương có vai trò hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ tìm việc làm và tự tạo việc làm, liên kết với các CSGDNN thực hiện tuyển sinh, đào tạo và sử dụng sau đào tạo. Ngoài ra, nhà nước/chính quyền địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ cho các CSGDNN và đặc biệt là có các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Về phía các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, cần có trách nhiệm đào tạo và sử dụng người hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Đối với các doanh nghiệp XKLĐ, thì cần thực hiện tốt vai trò tìm đơn hàng tại các nước có nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động nước ngoài và kết nối với chính quyền, CSGDNN để tuyển người, đào tạo và đưa lao động đi XKLĐ, trong đó ưu tiên người hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Về phía các CSGDNN, cần phối hợp tốt với doanh nghiệp XKLĐ để tuyển người và thực hiện đào tạo theo nội dung chương trình được đặt hàng và đáp ứng đúng yêu cầu của các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động từ Việt Nam.

Nội dung mô hình đào tạo nghề cho lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự

Để tạo việc làm thông qua đào tạo nghề cho lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự, cần có sự tham gia của cả Nhà nước/chính quyền địa phương, các CSGDNN, các doanh nghiệp/cơ sở sản xuất, kinh doanh và bản thân lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Mô hình đào tạo nghề cho lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự được thể hiện ở Hình 1.

Hình 1: Mô hình đào tạo nghề cho lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự

Đề xuất mô hình đào tạo nghề cho lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Nguồn: Tác giả đề xuất

Theo đó, trước hết, Nhà nước/chính quyền đia phương ban hành chế độ, chính sách đào tạo nghề (bao gồm cả các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự để họ hưởng kinh phí và tự tìm khóa đào tạo phù hợp, cũng như chính sách hỗ trợ cho các CSGDNN và doanh nghiệp/cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia đào tạo nghề cho lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự và sử dụng sau đào tạo).

Trên cơ sở chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, các CSGDNN có thể trực tiếp hoặc phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo cho người lao động theo nguồn kinh phí được Nhà nước/địa phương hỗ trợ. Các chương trình đào tạo cần được thông qua và kiểm soát bởi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình.

Các doanh nghiệp/cơ sở sản xuất, kinh doanh có thể trực tiếp thực hiện tuyển lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự để đào tạo và sử dụng sau đào tạo. Nguồn kinh phí một phần của doanh nghiệp và một phần theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Do thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nên các doanh nghiệp phải có cam kết sử dụng sau đào tạo.

Người lao động tiếp cận trực tiếp chính sách hỗ trợ để thụ hưởng kinh phí và tìm khóa học phù hợp để có kiến thức, kỹ năng cần thiết để tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm. Ngoài ra, người lao động có thể tham gia các khóa đào tạo do các CSGDNN, doanh nghiệp tổ chức và người lao động được học miễn phí và có hỗ trợ tuyển dụng sau đào tạo.

Vai trò của các bên trong mô hình

Tham gia vào mô hình, có sự phối hợp của 3 bên, gồm: Nhà nước/chính quyền địa phương, các doanh nghiệp (bao gồm cả các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Ninh Bình và các doanh nghiệp XKLĐ) và các CSGDNN. Vai trò của các bên trong mô hình được thể hiện ở Hình 2.

Hình 2: Vai trò của các bên trong đào tạo nghề cho lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự

Đề xuất mô hình đào tạo nghề cho lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Nguồn: Tác giả đề xuất

Vai trò của Nhà nước và chính quyền địa phương

Trong mô hình này, Nhà nước đóng vai trò ban hành các chính sách hỗ trợ các bên tham gia đào tạo và học nghề, sử dụng lao động sau đào tạo. Cụ thể, nhà nước cần ban hành các chính sách phù hợp với từng nhóm đối tượng để khả năng tiếp cận chính sách, thụ hưởng chính sách và triển khai đào tạo nghề và tham gia học nghề được hiệu quả nhất.

Vai trò của các CSGDNN

Trên cơ sở quy định và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các CSGDNN chủ động khảo sát nhu cầu đào tạo, tổ chức tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo và liên kết với các doanh nghiệp/cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện đào tạo và sử dụng sau đào tạo.

Hình 3: Vai trò của các CSGDNN trong mô hình đào tạo nghề

Đề xuất mô hình đào tạo nghề cho lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Nguồn: Tác giả đề xuất

Theo Hình 3, các CSGDNN tham gia đào tạo nghề cho lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự cần thực hiện các bước sau:

Bước 1: Khảo sát nhu cầu đào tạo, tuyên truyền chính sách hỗ trợ đào tạo và tư vấn đào tạo cho lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

Bước 2: Xây dựng chương trình đào tạo, thực hiện tuyển sinh đào tạo các nghề phù hợp với nguyện vọng của người lao động, nhu cầu của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và nhu cầu tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Các nghề cần tập trung đào tạo là các nghề phổ biến như: làm xây dựng, cơ khí, sửa xe máy, mua xe và tự lái xe chở khách, hay các nghề thủ công truyền thống để tự tạo việc làm hoặc nghề mà các các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương đang có nhu cầu tuyển.

Bước 3: Hợp tác với các cơ sở sản xuất, kinh doanh để xác định nhu sử dụng lao động, hợp tác đào tạo và giới thiệu việc làm cho người học sau khi học xong.

Ở bước này, các CSGDNN cần tìm các doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh phù hợp để liên kết đào tạo theo hình thức đào tạo kép: vừa đào tạo tại CSGDNN, vừa đào tạo thực hành tại cơ sở sản xuất, kinh doanh để kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, gắn đào tạo với sử dụng. Với nhóm lao động có nhu cầu học nghề để tự tạo việc làm như: sửa chữa xe máy, cơ khí, lái xe, thời gian đào tạo ngắn, thì việc đào tạo thực hiện theo hình thức “cầm tay chỉ việc” (thực hành ngay tại nơi làm việc) là rất cần thiết, giúp người lao động có thể nắm bắt nhanh hơn và có thể làm việc được ngay sau khóa đào tạo.

Vai trò của doanh nghiệp

Đối với các doanh nghiệp/cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn

– Cần coi việc tham gia đào tạo cho lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự và tuyển dụng, sử dụng sau đào tạo là trách nhiệm xã hội của cơ sở sản xuất, kinh doanh để từ đó chủ động tham gia đào tạo và tiếp nhận lao động sau đào tạo.

– Cung cấp thông tin, nhu cầu lao động các nghề cho các CSGDNN và người lao động để CSGDNN xác định được nhu cầu đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, gắn đào tạo với sử dụng.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động

– Hoạt động đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người lao động đi xuất khẩu lao động.

– Khai thác nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp các nước để tuyển sinh, đào tạo và đưa được nhiều lao động đi xuất khẩu lao động. Đồng thời, tìm hiểu văn hóa, nhu cầu của người sử dụng lao động các nước đối với lao động để kết hợp với các CSGDNN nhằm đào tạo lao động đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động, tăng uy tín của lao động Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng.

KẾT LUẬN

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế cùng với quá trình thay đổi công nghệ, nhu cầu lao động giảm dẫn đến thất nghiệp gia tăng trong những năm qua. Bên cạnh đó, số lượng thanh niên bước vào tuổi lao động lớn, bao bao gồm cả thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương sinh sống và làm việc. Trước thực trạng thất nghiệp gia tăng, việc nghiên cứu xây dựng mô hình đào tạo nghề cho lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự, chưa tìm được việc làm là rất cần thiết và có tính ứng dụng thực tiễn cao. Với lý do trên, tác giả đã nghiên cứu và đề xuất mô hình đào tạo nghề cho lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, trên cơ sở thực tiễn và chủ trương, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đối với người hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Việc xây dựng và áp dụng triển khai mô hình này có ý nghĩa thực tiễn trong đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp nói chung và cho cho lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự nói riêng, góp phần giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới./

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2016), Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội.

2. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2017), Thông tư 29/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017 về quy định về liên kết tổ chức chương trình đào tạo “quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.

3. Đỗ Minh Cương và Mạc Văn Tiến (2004), Phát triển lao động kỹ thuật ở Việt Nam – lý luận và thực tiễn, Nxb Thống kê.

4. Lê Xuân Cử (2023), Đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, Đề tài khoa học công nghệ tỉnh Ninh Bình.

5. Quốc hội (2014), Luật Giáo dục nghề nghiệp, số 74/2014/QH13, ngày 27/11/2014.

6. Trần Xuân Cầu và Mai Quốc Khánh (2008), Giáo trình kinh tế nguồn nhân lực, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân.

Ngày nhận bài: 22/8/2024; Ngày phản biện: 12/10/2024; Ngày duyệt đăng: 30/10/2024