Tình trạng lộ dữ liệu cá nhân vẫn diễn ra phổ biến

Chiều ngày 8/11, Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống, Bộ Công an, Viện Quản trị Chính sách chủ trì Hội thảo Khoa học “Chiến lược Dữ liệu Quốc gia – Góp ý xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân”. Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – Asean đồng chủ trì phối hợp cùng các đơn vị Vietnam Startup Ecosystem và Tạp chí Kinh tế và Dự báo đồng hành Hội thảo. Chương trình hội thảo thuộc chuỗi hoạt động của Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống, Đề án 06/CP, Viện Quản trị Chính sách và Bộ Công an trong triển khai Chiến lược Dữ liệu Quốc gia.

Hoàn thiện pháp lý về luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng chiến lược dữ liệu quốc gia

Bà Đỗ Thị Phương Lan, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo – đơn vị đồng hành Hội thảo – chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện các đơn vị chủ trì, diễn giả và khách mời

Phát biểu khai mạc, chuyên gia Lê Nguyễn Thiên Nga, Nghiên cứu trưởng vận động chính sách Chiến lược Dữ liệu Quốc gia, chủ trì Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống khẳng định, Hội thảo là hoạt động cụ thể để lấy ý kiến từ cộng đồng quốc tế và tập đoàn doanh nghiệp trong nước thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số. Trên con đường đạt tới mục tiêu này, Việt Nam phải đối mặt với điểm nghẽn chuyển đổi số quốc gia, mà cụ thể là thách thức và rủi ro dữ liệu.

Hoàn thiện Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm đẩy nhanh tiến trình xây dựng chiến lược dữ liệu quốc gia

Chuyên gia Lê Nguyễn Thiên Nga, Nghiên cứu trưởng vận động chính sách Chiến lược Dữ liệu Quốc gia phát biểu tại hội thảo

Thiếu tá Đào Đức Triệu, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Cục A05) – Bộ Công an, đại diện Ban soạn thảo Dự thảo Luật bảo vệ Dữ liệu cá nhân cho biết, với dân số trên 99 triệu người, Việt Nam có 168,5 triệu thuê bao di động với 78,44 triệu người sử dụng internet và 72,7 triệu người sử dụng mạng xã hội tính đến tháng 1/2024. Tỷ lệ thâm nhập internet của Việt Nam đứng ở mức 79,1% tổng dân số vào đầu năm 2024.

Sự phát triển của mạng xã hội và internet mang đến cơ hội tìm kiếm và chia sẻ thông tin gần như vô tận

Trong tổng thể Chiến lược Dữ liệu Quốc gia – Xây dựng Luật Dữ liệu, trên nền tảng dữ liệu dân cư, căn cước công dân và định danh xác thực điện tử (trong đó dữ liệu dân cư là bộ dữ liệu lõi, gốc) nằm trong tổng thể mô hình tam giác để tạo lập dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, một bộ dữ liệu khác là dữ liệu định danh về cá nhân, định danh về cơ quan tổ chức và định danh về địa điểm. Ba bộ dữ liệu này sẽ tạo lập nên các dữ liệu chuyên ngành khác, bổ trợ cho nhau trong quá trình chuyển đổi số. Trong đó, bộ dữ liệu về định danh cá nhân đang được xem là cơ sở chủ chốt trong tạo lập dữ liệu toàn dân.

cho tất cả mọi người. Hiện nay mọi lĩnh vực của xã hội đều đang được ứng dụng công nghệ một cách sâu rộng và tạo ra những giá trị to lớn cho xã hội. Khi khối lượng và sự đa dạng của dữ liệu được thu thập, lưu trữ và phân tích đã tăng vọt trong những năm gần đây, chúng ta có thể nhận thấy những vấn đề về bảo mật ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt là việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Thực tế cho thấy, tình trạng lộ dữ liệu cá nhân vẫn diễn ra phổ biến trên không gian mạng. Người sử dụng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân, đăng tải công khai hoặc lộ trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng, dẫn tới bị chiếm đoạt và đăng tải công khai.

Vì vậy, việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là vô cùng quan trọng, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tạo hành lang pháp lý cho công tác này. Đồng thời nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân cho các tổ chức, cá nhân trong nước tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực; đẩy mạnh sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Hoàn thiện Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm đẩy nhanh tiến trình xây dựng chiến lược dữ liệu quốc gia

Toàn cảnh hội thảo

Trước đó, ngày 17/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đánh dấu bước tiến lớn đầu tiên trong nỗ lực xây dựng hành lang pháp lý nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam một cách hiệu quả, giảm thiểu tối đa những nguy cơ và hệ quả của các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, cùng chung tay với cộng đồng quốc tế trong việc xử lý các nguy cơ, thách thức đến từ không gian mạng.

Điều 9 của Nghị định số 13/2023/NĐ-CP quy định rõ 11 quyền của chủ thể dữ liệu trong hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân gồm: Quyền được biết; Quyền đồng ý; Quyền truy cập; Quyền rút lại sự đồng ý; Quyền xóa dữ liệu; Quyền hạn chế xử lý dữ liệu; Quyền cung cấp dữ liệu; Quyền phản đối xử lý dữ liệu; Quyền khiếu nại, tố cáo; Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; Quyền tự bảo vệ.

Hoàn thiện pháp lý về luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng chiến lược dữ liệu quốc gia

Thiếu tá Đào Đức Triệu cho biết, Điều 9 của Nghị định số 13/2023/NĐ-CP đã quy định rõ 11 quyền của chủ thể dữ liệu trong hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân

Sau hơn một năm thực hiện Nghị định trên, năm 2023 và đầu năm 2024, Bộ Công an đã phát hiện nhiều cá nhân, tổ chức liên quan bán dữ liệu cá nhân. Một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam đã bị phát hiện, đấu tranh, xử lý.

Cần sớm hoàn thiện Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Sự, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho rằng, việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đem lại nhiều lợi ích, như xây dựng lòng tin của khách hàng, cải thiện uy tín thương hiệu, cải thiện quy trình kinh doanh, gia tăng trải nghiệm khách hàng và dịch vụ khách hàng, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và doanh nghiệp…

Mặc dù vậy, việc xây dựng Luật này cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức liên quan đến chi phí và nguồn lực, rủi ro về pháp lý và thương hiệu…

Hoàn thiện pháp lý về luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng chiến lược dữ liệu quốc gia
Theo ông Nguyễn Văn Sự, việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân phải đối mặt với những thách thức

Vì vậy, ông Nguyễn Văn Sự đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp lý về luật bảo vệ dữ liệu cá nhân góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng chiến lược dữ liệu quốc gia. Theo đó, cần tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế được tham gia ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật. Thiết kế Luật vừa đảm bảo tính đột phá về thu thập, lưu trữ, bảo vệ dữ liệu cá nhân, vừa phù hợp với thực trạng kinh tế, xã hội tại Việt Nam và xây dựng lộ trình áp dụng phù hợp.

Bên cạnh đó, chú trọng công tác truyền thông, quán triệt sâu rộng toàn xã hội sau khi ban hành để Luật sớm đi vào cuộc sống.

“Cần có sự song hành, đồng hành, chia sẻ, giúp đỡ của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ dư liệu với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp lớn, trong giai đoạn 05-10 năm đầu tiên thực hiện Luật”, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam kiến nghị./.

CÂU CHUYỆN THỰC TẾ VỀ DỮ LIỆU CÁ NHÂN

Từ khi thành lập vào năm 2007, Hoạt động thiện nguyện Tìm kiếm và Đoàn tụ người thân Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL) đã tìm ra và đoàn tụ gần 3.000 trường hợp thất lạc, với thời gian ly tán 10 đến 87 năm; đã tiếp nhận và lập hồ sơ hơn 80.000 đơn thư đăng ký tìm kiếm. Kết quả này một phần có được là nhờ lãnh đạo và cán bộ chiến sỹ Công an 63 tỉnh thành trên cả nước đã tình nhiệt tình hỗ trợ qua công tác tra cứu thông tin giúp tìm ra manh mối cho hàng trăm trường hợp cần tìm.

Theo Điều 10 Thông tư số 07/2016/TT-BCA, NCHCCCL gửi công văn tra cứu thông tin về những hiện thất lạc cần tìm mà có một số thông tin. Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ tra cứu từ Công an các tỉnh thành. Tuy nhiên, hiện nay, việc tra cứu giúp NCHCCCL đang gặp khó khăn do có các thay đổi về thủ tục được quy định bởi các nghị định sau này, cụ thể là Nghị định 13/2023/NĐ-CP, ngày 17/04/2023 và Nghị định 70/2024/NĐ-CP, ngày 25/6/2024. Cán bộ chiến sỹ Công an nhận được công văn đề nghị tra cứu cũng khó lòng hỗ trợ được NCHCCCL. Việc NCHCCCL tìm kiếm người bị thất lạc trong nhiều hoàn cảnh – những người hầu như không có thông tin xác định, cần sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng, đặc biệt là trong việc tra cứu. NCHCCCL có được sự ủy nhiệm từ những người đăng ký nhờ tìm thân nhân, tuy nhiên, chúng tôi không thể đáp ứng được yêu cầu có được “sự đồng ý của chủ thể thông tin”, bởi vẫn đang trong quá trình tìm kiếm họ. Chúng tôi cũng vô cùng khó để đáp ứng yêu cầu có “quyết định mất tích từ toà án”.

Chính vì vậy, NCHCCCL kính mong các đơn vị xem xét và tạo điều kiện cho việc phối hợp nhằm đoàn tụ thân nhân cho những người Việt Nam bị thất lạc gia đình và người thân. Chúng tôi xin đề xuất tiếp tục được hỗ trợ tra cứu theo Điều 10 Thông tư 07/2016/TT-BCA. NCHCCCL luôn tri ân sự hợp tác từ Công an 63 tỉnh, thành. Điều chúng tôi mong muốn là thể hiện hình ảnh Công an Nhân dân hết lòng lo cho dân, trong chính các cuộc đoàn viên lay động tình cảm của cộng đồng, xã hội. Trân trọng biết ơn!

Nhà báo Nguyễn Phạm Thu Uyên