Hội thảo “Góp ý Đề cương Đề án Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn 2050”
Toàn cảnh Hội thảo Ảnh: Nguyễn Thu Trang

Sự cần thiết của việc xây dựng Đề án Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn 2050

Viện Chiến lược phát triển được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng Đề án Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trong thời gian qua, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức xây dựng dự thảo Đề cương Đề án.

Tham dự Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị các bộ, ngành: Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng các đơn vị có liên quan; các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, đại diện từ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực có một vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong ba đột phá chiến lược được xác định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và tiếp tục được khẳng định là một trong ba đột phá chiến lược của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Phát triển nguồn nhân lực sẽ tạo ra nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội, từ đó góp phần tăng năng suất lao động, duy trì tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Hội thảo “Góp ý Đề cương Đề án Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn 2050”
Bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển phát biểu khai mạc Hội thảo Ảnh: Nguyễn Thu Trang

Thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 09/5/2024 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW; trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ: Lao động – Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành có liên quan xây dựng Đề án Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

“Việc xây dựng Đề án Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn 2050 là rất cần thiết nhằm giải quyết những điểm nghẽn về nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và với sự phát triển nhanh chóng của khoa học – công nghệ và Cách mạng công nghiệp 4.0”, bà Nguyễn Lệ Thủy khẳng định.

Cần có cách tiếp cận tổng thể, hệ thống, toàn diện nhưng đặt trong bối cảnh mới

Ông Phạm Mạnh Thùy, Trưởng ban Chiến lược phát triển nhân lực và xã hội, Viện Chiến lược phát triển giới thiệu Đề cương Đề án, gồm 4 phần: (1) Một số vấn đề chung về nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực; (2) Thực trạng phát triển nguồn nhân lực Việt Nam; (3) Phương hướng phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và (4) Tổ chức thực hiện Chiến lược.

Hội thảo “Góp ý Đề cương Đề án Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn 2050”
Ông Phạm Mạnh Thùy, Trưởng ban Chiến lược phát triển nhân lực và xã hội, Viện Chiến lược phát triển, giới thiệu Đề cương Đề án Ảnh: Nguyễn Thu Trang

Bình luận Đề cương Đề án dưới góc độ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, ông Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, cho rằng có một số vấn đề cần lưu tâm, đó là cách tiếp cận Đề cương Đề án; vướng mắc trong quá trình triển khai những vấn đề mang tính liên ngành; sự gắn kết của phát triển nhân lực với khoa học – công nghệ… Theo đó, trong bản Chiến lược mới cần có cách tiếp cận tổng thể, hệ thống, toàn diện nhưng đặt trong bối cảnh mới.

Về nội dung Đề cương Đề án, cần làm rõ một số điểm. Trước hết là mục tiêu cụ thể của Chiến lược. Muốn hiệu quả, cần hạn chế mục tiêu cứng nhắc về định lượng, vì nó chỉ mang tính chất tham khảo. Cần làm rõ quan điểm, phải có tuyên ngôn về nguồn nhân lực, làm rõ cung – cầu, vai trò tham gia của các chủ thể trong xã hội… Đối với việc đánh giá thực trạng, trong phần tổng kết thực trạng, cần tìm ra thế mạnh, hạn chế, nhưng quan trọng hơn cả là rút ra bài học trong giai đoạn vừa qua, kể cả cách làm chiến lược cũng như cách triển khai.

“Trong nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, kinh nghiệm phát triển nhân lực thế giới quan trọng là xu thế dịch chuyển về năng lực, kỹ năng, nhân lực của thế giới, nhất là với xu thế tiến bộ khoa học – công nghệ dẫn đến sự thay đổi về cấu trúc ngành nghề. Kinh nghiệm phát triển nhân lực của các quốc gia, không phải kinh nghiệm nào cũng dùng được, vì nó liên quan tới thể chế chính trị, kinh tế của chúng ta. Những kinh nghiệm đó có thể hay với quốc gia này, nhưng không chắc đã hay với nước ta”, ông Nguyễn Văn Vịnh nhấn mạnh.

“5 có”, “2 chú trọng” trong huy động nguồn lực

Ông Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra câu hỏi đầu tiên muốn nêu là việc xây dựng Đề án Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn 2050 thể hiện sự kết nối với Chiến lược phát triển nhân lực thời kỳ 2011-2020 ở mức độ nào? Ví dụ đối với các chiến lược phát triển ngành, thì có sự kết nối rất cao. Ông cho rằng, câu chuyện quan trọng hiện nay đó chính là việc huy động nguồn lực, thể hiện ở “5 có” và “2 chú trọng”. Theo đó, “5 có” bao gồm: (1) Tầm nhìn đối với chiến lược; (2) Tính toàn diện; (3) Tính chiến lược (ưu tiên); (4) Tính khoa học; (5) Tính khả thi. Và “2 chú trọng” bao gồm: (1) Khoảng cách đối với điểm nghẽn; (2) Bối cảnh.

Ở góc độ tầm nhìn, Việt Nam được đánh giá cao, dự báo đến năm 2050, nền kinh tế Việt Nam nằm trong top 20 thế giới, một phần vì nguồn lực và mặt khác do thuận lợi về dân số của Việt Nam. Tuy nhiên, việc đánh giá như vậy đặt trong bối cảnh thay đổi của khoa học – công nghệ, trí tuệ nhân tạo, cần phải được nhìn nhận một cách rõ ràng. Về tính toàn diện, đề cương Đề án hơi ôm đồm do đề cập đến nhiều ngành, lĩnh vực (như: an ninh quốc phòng, công an nhân dân…). Về tính chiến lược, nguồn nhân lực có hai vấn đề, trọng tâm và cốt lõi, đó là về mặt an sinh xã hội, nguồn nhân lực y tế, nguồn nhân lực giáo dục, cần được nhấn mạnh xuyên suốt trong bản Chiến lược này và làm rõ nét hơn. Liên quan đến tính khoa học của Đề cương Đề án, dữ liệu, nguồn thông tin có thể đánh giá được, đặc biệt là những vấn đề mang tính liên ngành, là thách thức rất lớn đối với Đề án. Do đó, cần có sự khu trú để giải quyết được nhằm đảm bảo tính khả thi.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã chia sẻ ý kiến đóng góp đối với Đề cương Đề án Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong đó có phạm vi tiếp cận nguồn nhân lực; cách tiếp cận cung – cầu; cải cách thể chế; tính mới trong phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn 2050; điểm nghẽn về nhận thức, quan điểm, kỹ năng, năng lực…

Phát biểu kết luận Hội thảo, bà Nguyễn Lệ Thủy đánh giá cao tất cả các góp ý tại Hội thảo và phía Viện Chiến lược phát triển sẽ có nghiên cứu để tiếp thu tối đa các ý kiến. “Có rất nhiều ý kiến xác đáng, có tính gợi mở, từ cách tiếp cận cho đến tầm nhìn, tất cả những nội dung quan trọng trong Chiến lược mới để làm như nào có tính mới. Như các đại biểu đều biết, Chiến lược này khó do liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và Chiến lược phát triển nguồn nhân lực này cần được xây dựng trên cơ sở tiếp cận hệ thống, tiếp cận toàn diện trong mối quan hệ với Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, cũng như chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực khác”, bà Nguyễn Lệ Thủy chia sẻ.

Cũng theo bà Thủy, quá trình xây dựng Chiến lược này cần sự huy động tham gia của tất cả các bộ, ngành; các cơ quan đơn vị, tổ chức liên quan, đặc biệt với vai trò của hai bộ là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình triển khai xây dựng… Hội thảo hôm nay có thể coi là hội thảo khởi động cho quá trình xây dựng Đề cương Đề án và sẽ có nhiều hội thảo tiếp theo để chúng ta có thể thảo luận về Đề án Chiến lược này./.