Đo lường định lượng tác động kinh tế của các phương án tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng bia
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) số 27/2008/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2009, nhưng sau đó đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung, đến nay đã đạt được nhiều kết quả, góp phần điều tiết vĩ mô nền kinh tế và tăng thu ngân sách Nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, mỗi lần sửa đổi các đối tượng chịu tác động, trong đó có ngành bia chịu nhiều tác động nhất từ những lần điều chỉnh đó. Mức thuế suất hiện nay đối với mặt hàng bia là 65%.
Hội thảo Công bố “Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia” |
Ngày 8/6/2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại K họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Các phương án tăng thuế mà Bộ Tài chính (BTC) đề xuất sẽ có tác động rất lớn tới doanh nghiệp ngành bia, vì vậy, ngành đã tính toán các tác động và đề xuất một phương án phù hợp hơn, trong đó vị trí, vai trò của ngành bia được quan tâm hơn, đồng thời đảm bảo các mục tiêu nuôi dưỡng nguồn thu, tránh gây sốc thị trường, hài hòa giữa các lợi ích Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Tại nhiều Hội thảo, cuộc họp về thuế TTĐB, các cơ quan nhà nước, các hiệp hội, chuyên gia, doanh nghiệp cũng đã đề cập đến việc thiếu đánh giá mang tính định lượng toàn diện của ngành bia đối với đề xuất tăng thuế TTĐB trong thời gian tới, bao gồm các tác động tới đối tượng trực tiếp, gián tiếp, các ngành liên quan, phụ trợ, tác động tới người tiêu dùng, kinh tế, xã hội, ngân sách, lao động, môi trường đầu tư, kinh doanh, du lịch dịch vụ, sức khỏe.
Trong bối cảnh đó, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương – Bộ Công Thương, Viện Nghiên cứu Đồ uống Việt Nam phối hợp với nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổng cục Thống kê (TCTK) thực hiện nghiên cứu đánh giá tác động của việc điều chỉnh tăng thuế TTĐB đối với ngành bia Việt Nam.
Đại diện nhóm nghiên cứu, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh – Trưởng nhóm nghiên cứu CIEM và TCTK cho biết, Nhóm nghiên cứu đã sử dụng số liệu chính thống, đáng tin cậy, trên cơ sở kết hợp các phương pháp nghiên cứu khác nhau. Về đo lường định lượng tác động kinh tế của các phương án tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng bia, báo cáo thực hiện với ngành sản xuất bia. Theo đó, nhóm nghiên cứu phân nhóm bảng I-O gồm 22 ngành, trong đó có ngành bia. Các tác động được đo lường bao gồm: Tác động tới giá trị sản xuất, giá trị tăng thêm (VA) của ngành bia và tác động tới toàn bộ nền kinh tế trên các khía cạnh: (i) Tổng giá trị tăng thêm (GVA); (ii) GDP; (iii) Nguồn thu NSNN từ thuế gián thu và thuế trực thu; (iv) Thu nhập của người lao động.
Bức tranh tổng quan ngành bia
Theo Báo cáo nghiên cứu, ngành bia có, vị trí, vai trò rất lớn trong việc tạo nguồn thu cho ngân sách thông qua các khoản thuế trực tiếp từ sản xuất bia và các khoản khác qua những hoạt động liên quan như: dịch vụ phân phối bán lẻ, bao gồm cả dịch vụ xuất nhập khẩu. Theo số liệu thống kê của VBA, trong những năm gần đây, ngành bia và đồ uống nói chung đóng góp lớn vào thu NSNN, với trung bình khoảng gần 60 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Giá trị sản xuất của ngành đồ uống chiếm khoảng 5,6-6% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, trong đó sản xuất và kinh doanh bia có những đóng góp quan trọng bên cạnh những giá trị về văn hóa, lịch sử.
Cùng với những đóng góp lớn vào nền kinh tế, ngành cũng đã tạo ra tạo ra việc làm cho hàng chục nghìn lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp trong chuỗi cung ứng bia từ sản xuất, cung ứng nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất, chế biến đến lưu thông, phân phối, đóng gói, bao bì, vận chuyển, bảo quản, bán buôn, bán lẻ tới người tiêu dùng và phục vụ cho xuất khẩu… Ngành cũng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài và các công nghệ tiên tiến hiện đại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành luôn ưu tiên và quan tâm dành một phần ngân sách đáng kể để tham gia tích cực trong các hoạt động phát triển bền vững theo tiêu chí Môi trường- Xã hội và Quản trị minh bạch (ESG), thông qua các chiến dịch sản xuất xanh, nâng cao nhận thức xã hội, hỗ trợ vấn đề an sinh, bảo vệ môi trường và báo cáo minh bạch, theo xu hướng của thế giới và cam kết của Việt Nam, tích cực tham gia vào công tác thiện nguyện, xã hội…
Tác động tổng thể của việc tăng thuế TTĐB từ 3 phương án
Để đánh giá về các tác động tăng thuế, theo bà Thảo, Nhóm nghiên cứu đã thực hiện với 3 phương án gồm Phương án 1 và Phương án 2 của Bộ Tài Chính (BTC-PA1, PA2), và Phương án 3 theo đề xuất của nhóm nghiên cứu và VBA (VBA-PA3). Kết quả nghiên cứu cho thấy, cả 3 phương án đều có ảnh hưởng làm suy giảm giá trị tăng thêm của ngành bia. Kết quả đánh giá tác động đối với toàn ngành trong trường hợp giả định mức tăng trưởng VA ngành bia tương đương với mức tăng trưởng GDP theo kịch bản 6,5% cụ thể như tại Bảng.
Bảng: Kết quả phân tích định lượng đánh giá tác động của 3 phương án tăng thuế
Nguồn: Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng bia |
Kết quả đo lường định lượng hóa tác động kinh tế của các phương án tăng thuế cho thấy, Phương án 1 dẫn tới thiệt hại chung của nền kinh tế là 10.909 tỷ đồng; Phương án 2 làm thiệt hại 14.605 tỷ đồng; Phương án 3 làm giảm 7.053 tỷ đồng.
Cũng theo kết quả nghiên cứu tại Báo cáo, cùng với tác động toàn diện tới ngành bia, việc giảm thuế TTĐB còn ảnh hưởng tới 22 ngành trong quan hệ liên kết ngành và tới các nhân tố của giá trị tăng thêm, trong đó có tác động tới tổng giá trị tăng thêm (GVA) của nền kinh tế. Cụ thể, Báo cáo cho thấy, việc tăng thuế TTĐB đối với bia sẽ làm sụt giảm sản xuất của ngành bia, kéo theo sụt giảm lan tỏa đến sản xuất của 21 ngành khác trong nền kinh tế, dẫn tới tổng giá trị tăng thêm (GVA) của toàn nền kinh tế giảm.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh – Trưởng nhóm nghiên cứu CIEM và TCTK chia sẻ kết quả nghiên cứu |
Bên cạnh đó, kết quả tính toán của nhóm nghiên cứu tại Báo cáo đánh giá tác động cũng chỉ ra rằng, phương án có mức độ tăng thu NSNN từ thuế gián thu cao, thì mức độ giảm thu NSNN từ thuế trực thu lớn và ngược lại. Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, lý do là vì chu kỳ sản xuất của ngành bia là chu kỳ ngắn hạn, nên nguồn thu từ thuế gián thu tăng chỉ đạt được trong ngắn hạn. Ở các chu kỳ sản xuất sau (trong trung và dài hạn), sản xuất của ngành bia và 21 ngành trong quan hệ liên ngành thu hẹp, dẫn tới nguồn thu NSNN giảm. Vì vậy, mục tiêu tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng bia để tăng NSNN sẽ không đạt được về trung và dài hạn. Tuy nhiên, Phương án 3 có thể giúp doanh nghiệp phục hồi, tiếp tục duy trì hoạt động; từ đó điều chỉnh chiến lược và kế hoạch sản xuất, kinh doanh để thích ứng với lộ trình tăng thuế.
Về tác động đối với người lao động, Báo cáo chỉ ra rằng, người lao động cũng chịu ảnh hưởng đáng kể khi tăng thuế TTĐB đối với bia, theo đó, cả 3 phương án đều làm giảm thu nhập của người lao động trong nền kinh tế.
So sánh tương quan mức độ sụt giảm GVA của nền kinh tế và mức tăng thu NSNN, Báo cáo cho thấy ở cả 3 phương án, ngành bia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong 22 ngành. Khi tăng thuế TTĐB với bia thì thuế gián thu được bổ sung thêm. Tuy nhiên, do ngành bia giảm đã lan tỏa mạnh đến sản xuất của các ngành khác, khiến các ngành khác giảm theo, nên GVA của toàn nền kinh tế giảm nhiều hơn đáng kể mức tăng về thuế gián thu. Mặt khác, khi sản xuất giảm dẫn tới khấu hao tài sản cố định giảm, kéo theo lợi nhuận của doanh nghiệp giảm. Điều này dẫn tới nguồn thu NSNN từ thuế trực thu giảm. Vì thế, nguồn thu NSNN (gồm thuế gián thu và thuế trực thu) trong cả 3 phương án đều không bù đắp được mức độ sụt giảm về VA của ngành bia, càng không bù đắp được mức độ sụt giảm tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế.
Như vậy, theo Nhóm nghiên cứu, tổng hợp chung các tác động của 3 phương án tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng bia tới nền kinh tế tại nghiên cứu đánh giá tác động cho thấy, PA2 tác động nặng nề hơn cả tới ngành bia và cả nền kinh tế. Phương án 3 ảnh hưởng tới nền kinh tế ở mức thấp nhất; đồng thời đảm bảo hài hòa hơn trong thực hiện các mục tiêu về điều tiết tiêu dùng, ổn định sản xuất, bảo vệ người lao động và thu ngân sách. Xét về hiệu quả kinh tế, Phương án 3 ảnh hưởng tới nền kinh tế ở mức thấp nhất do tác động tiêu cực tới nền kinh tế ở mức nhẹ hơn so với PA1 và PA2; đảm bảo mức độ ổn định tương đối về chính sách để doanh nghiệp thích ứng và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời hạn chế được những rủi ro ảnh hưởng tới cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động, kéo theo là các vấn đề an sinh xã hội.
Đề xuất lựa chọn phương án 3
“Với các minh chứng dựa trên dữ liệu chính thống và phương pháp khoa học, phân tích các thông tin cập nhật của ngành, nhóm nghiên cứu nhận thấy, về tác động kinh tế, cả 3 phương án tăng thuế đều ảnh hưởng tới sản xuất của ngành bia, từ đó làm giảm sản xuất của 21 ngành làm đầu vào cho ngành bia trong nền kinh tế. Khi tăng thuế TTĐB đối với bia, thì nguồn thu NSNN từ thuế sản phẩm (thuế gián thu) trong cả 3 phương án đều tăng. Nhưng nguồn thu NSNN từ thuế gián thu chỉ tăng trong ngắn hạn. Mặt khác, việc tăng thuế ảnh hưởng tiếp đến cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động. Hệ quả là làm suy giảm GDP của nền kinh tế”, đại diện nhóm nghiên cứu phân tích.
Vì vậy, trên cơ sở căn cứ vào bối cảnh chung của nền kinh tế, tổng thể toàn chuỗi cùng ứng và thực trạng của doanh nghiệp ngành bia là ngành dễ bị tổn thương trước các cú sốc, bao gồm cả những thay đổi về chính sách, nhóm nghiên cứu đề xuất cân nhắc lựa chọn Phương án 3, vì phương án này hài hòa hơn về các mục tiêu, tác động tiêu cực tới nền kinh tế ở mức giảm nhẹ hơn, đảm bảo mức độ ổn định tương đối về chính sách, hạn chế được những rủi ro ảnh hưởng tới cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động, an sinh xã hội.
Theo nhóm nghiên cứu, một trong những mục tiêu luôn được Quốc hội thảo luận và chú trọng các giải pháp để thực hiện là tăng trưởng GDP của nền kinh tế. Vì thế, khi tăng thuế nói chung và tăng thuế TTĐB đối với bia nói riêng cần đánh giá kỹ lưỡng để lựa chọn phương án ít ảnh hưởng tiêu cực nhất tới mục tiêu tăng trưởng. Các đề xuất chính sách cần giảm thiểu tác động tiêu cực tới người lao động và tới an sinh xã hội. Theo tính toán, cả 3 phương án đều làm giảm thu nhập của người lao động trong nền kinh tế. Tuy nhiên, Phương án 3 ít gây tổn thương tới người lao động so với Phương án 1 và Phương án 2. “Như vậy, việc tăng thuế theo Phương án 3 vẫn đảm bảo được tăng thu NSNN, nhưng gây tác động it tiêu cực hơn tới các ngành trong nền kinh tế. Và điều quan trọng là phương án này cũng đảm bảo tính cân bằng với các mục tiêu xã hội, đảm bảo mức độ bền vững về thu nhập và an sinh của người lao động”, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, việc lựa chọn Phương án 3 với thời điểm áp dụng muộn hơn (từ 2027) và với lộ trình 2 năm, mỗi năm tăng 5% để đến năm 2031 đạt 80% sẽ giúp doanh nghiệp có đủ thời gian để dự liệu, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh; nhờ vậy chủ động thích ứng với thị trường và tránh được sự suy giảm nghiêm trọng mà phương án tăng thuế sốc có thể làm tổn hại tới sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, phương án 3 cũng giúp hạn chế người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm chất lượng thấp hơn với giá rẻ hoặc lựa chọn sản phẩm bia trong khu vực phi chính thức, không được kiểm soát về chất lượng sản phẩm; hạn chế khả năng doanh nghiệp điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng mở rộng phân khúc sản phẩm chất lượng thấp hơn để phản ứng với mức giá tăng; giảm cơ hội phát triển các sản phẩm không đăng ký, không được kiểm soát về chất lượng.
Xét về góc độ văn hóa, theo nhóm nghiên cứu ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, người tiêu dùng lựa chọn sử dụng bia như một nét văn hóa, giải khát. Nhiều quốc gia trên thế giới phát triển các sản phẩm bia để thúc đẩy du lịch. Do vậy, việc lựa chọn tăng thuế theo phương án 3 có thể vừa đảm bảo điều tiết tiêu dùng, tăng nguồn thu, nhưng vẫn góp phần đóng góp vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như phát triển ngành du lịch và nông nghiệp.
Cần kết hợp các giải pháp bảo đảm tổng hòa lợi ich
Trao đổi tại phiên tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh tăng thuế sẽ có tác động lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, của người dân tới cả nền kinh tế. Do vậy, cần có đánh giá tác động thật kỹ lưỡng, dựa trên các cơ sở khoa học, tình hình thực tế về kinh tế và an sinh xã hội, chiến lược phát triển kinh doanh của doanh nghiệp đã đầu tư ở Việt Nam, đảm bảo hài hòa các mục tiêu. Theo các chuyên gia, việc tăng thuế là cần thiết để đảm bảo thực hiện đạt các mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân và đảm bảo nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, cần kết hợp các giải pháp hữu hiệu để đảm bảo đạt được các mục tiêu đặt ra và hài hòa được các mục tiêu tăng trưởng, sản xuất và phát triển kinh tế trong tổng hòa lợi ích chung.
Các chuyên gia trao đổi ý kiến tại phiên Tọa đàm |
Khẳng định đồng tình quan điểm của Quốc hội, Chính phủ cần phải điều chỉnh tăng thuế để thực hiện các mục tiêu bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, đóng góp nguồn thu cho ngân sách và hạn chế mặt hàng có ảnh hưởng, tuy nhiên, cần phải tính toàn hài hòa cân bằng lợi ích tổng thể. Đánh giá cao báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động được thực hiện rất kỹ càng, song bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho biết, hiện nay, dự thảo Chính phủ, Bộ Tài chính trình Quốc hội vẫn là 2 phương án, chưa có PA3. Cá nhân tôi thấy rằng, PA2 quá cao và sốc, PA1 tăng 5% là tương đối hợp đối hợp lý, tuy nhiên lộ trình tăng thế nào 2 năm 1 lần hay 1 năm 1 lần cần lưu ý đến. Thời điểm áp dụng thế nào thì cần cân nhắc.
Bên cạnh đó, bà Cúc cũng nhắc lại rằng, cần phải làm rõ các căn cứ cho thấy người tiêu dùng uống đến mức nào, sản phẩm nào gây hại cho sức khỏe để có cơ sở khoa học đưa ra mức điều chỉnh phù hợp mới đạt mục tiêu kỳ vọng người tiêu dùng sẽ thay đổi hành vi tiêu dùng, từ đó, giảm tiêu dùng. “Biện pháp hành chính như Nghị định số 100 đã làm giảm tiêu thụ bia đáng kể. Do đó, cần kết hợp các biện pháp khác nữa để đảm bảo hài hòa các mục tiêu và lợi ích”, bà Cúc nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm này, ông Phạm Tuấn Khải – nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ cho rằng, báo cáo đã đưa ra được đánh giá toàn diện tổng thể tác động của các phương án với số liệu tin cậy. “Kết quả nghiên cứu này nên được gửi tới các nhà hoạch định chính sách để tham khảo với những thông tin hữu ích. Với số liệu đánh giá tin cậy, toàn diện với cả 3 phương án, tôi cho rằng các đại biểu Quốc hội khi tham khảo những thông tin này sẽ thận trọng và có cái nhìn tổng thể hơn vì có thể dự báo những tác động ảnh hưởng trong tương lại trên các khía cạnh”, ông Khải khuyến nghị. Cùng theo vị chuyên gia, có thể cân nhắc thời điểm thực hiện, theo đó thống nhất phê chuẩn về mặt chủ trương và lộ trình thực giao cho Chính phủ theo thời điểm.
Ông Phạm Tuấn Khải – nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ |
Cách xây dựng pháp luật nên từ thực tiễn, yêu cầu cuộc sống đặt ra, tùy từng thời điểm nhất định phù hợp với bối cảnh cũng là hướng giải pháp mà bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng Xây dựng Pháp luật, Ban Pháp chế VCCI tiếp cận. Theo bà, trước mắt có thể đề xuất chỉ quy định khung rồi sau đó giao cho Chính phủ để linh hoạt điều chỉnh từng giai đoạn cụ thể.
Cho rằng việc xem xét trên cơ sở 2 phương án đã được Chính phủ trình Quốc hội mang tính khả thi hơn là đề xuất thêm 1 phương án khác, PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, điều quan trọng nhất cần được các đại biểu Quôc hội cân nhắc là với một chính sách nào thì đảm bảo đạt được các mục tiêu đặt ra trên cơ sở cân nhắc hài hòa các lợi ích và đánh giá các tác động, từ đó có cách thức, phương án và lộ trình thực hiện phù hợp. Ông Long cũng lưu ý tình hình hiện nay các doanh nghiệp rất khó khăn, phải hứng chịu tác động kép, nên cân nhắc thời điểm tăng thuế và giải pháp tổng thể chứ không chỉ trông chờ vào giải pháp tăng thu. Ngành bia tạo ra nguồn thu ngân sách rất lớn, nên rất cần đánh giá thấu đáo các hệ lụy ảnh hưởng và các hậu quả lâu dài, tác động lan tỏa, đồng thời các tính tới việc kiểm soát được hàng lậu để tránh thất thu cho NSNN và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Bà Trần Ngọc Ánh – Giám đốc Ngoại vụ cấp cao của HEINEKEN Việt Nam phát biểu tại Hội thảo |
Đứng trên góc độ doanh nghiệp trực tiếp chịu tác động từ việc điều chỉnh thuế, bà Trần Ngọc Ánh – Giám đốc Ngoại vụ cấp cao của HEINEKEN Việt Nam và ông Nguyễn Hoàng Giang – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn (SATRACO) thuộc Sabeco, đều thống nhất cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế còn đang đối mặt với nhiều thách thức cả trong và ngoài nước, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, rất cần Chính phủ duy trì môi trường kinh doanh ổn định, cũng như có các chính sách và giải pháp hỗ trợ kích thích tiêu dùng để đẩy mạnh sản xuất, tăng trưởng kinh tế.
“Doanh nghiệp rất cần có một phương án chính sách thuế hài hòa để đạt được các mục tiêu ngân sách, bảo vệ sức khỏe, đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định và dự báo được cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp rất mong các nhà quản lý khi ban hành các chính sách cần lưu tâm đến bối cảnh, tình hình hiện tại các doanh nghiệp”, đại diện HEINEKEN bày tỏ.
Trong khi đó, đại diện Sabeco đề xuất trong các phương án đưa ra, cần xem lộ trình phù hợp để doanh nghiệp có thể thích nghi và chấp nhận được./.