Có biểu hiện né tránh, đùn đẩy cho cấp dưới
Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, sáng 26/11, Quốc hội nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024; Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024.
Trình bày tóm tắt Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH Dương Thanh Bình cho biết, trong năm 2024, tình hình công dân đến nơi tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) giảm, nhưng số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, Đoàn ĐBQH tăng 1.033 đơn so với năm 2023.
Theo ông Dương Thanh Bình, việc theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền đối với các vụ việc đã chuyển còn hạn chế |
Ông Bình cho biết, việc thực hiện công tác dân nguyện luôn được các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH quan tâm, chú trọng để tiếp nhận, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trong việc hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân còn một số hạn chế như: Việc tổ chức tiếp công dân của Đoàn ĐBQH, ĐBQH ở một số địa phương còn phụ thuộc vào kế hoạch tiếp công dân định kỳ của địa phương và phân công của Đoàn ĐBQH; chất lượng phân loại, xử lý đơn còn những hạn chế, tình trạng chuyển đơn không đúng cơ quan có thẩm quyền chưa được khắc phục…
Trình bày tóm tắt Báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024 (số liệu từ ngày 01/10/2023 đến ngày 30/9/2024), Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, tích cực. Mặc dù có quyết tâm chính trị cao, nhưng công tác rà soát, hoàn thiện pháp luật trên các lĩnh vực có nhiều khiếu nại, tố cáo còn chậm. Trong công tác tiếp công dân, có chuyển biến so với trước nhưng thủ trưởng một số cơ quan hành chính chưa đảm bảo số ngày tiếp theo quy định. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền (đạt 81,4%) thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (83%). |
Cũng theo ông Bình, việc thực hiện kiến nghị của UBTVQH tại Nghị quyết 623, Báo cáo công tác dân nguyện hằng tháng đã được Chính phủ, bộ, ngành, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp thu và thực hiện có hiệu quả. Nhất là kiến nghị về hoàn thiện thể chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; hoàn thiện thể chế đối với một số lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo đã được Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số quy định về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đấu giá đất để khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, hạn chế phát sinh khiếu kiện, tranh chấp…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện kiến nghị giám sát của UBTVQH và giải quyết, trả lời đối với đơn thư do các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, ĐBQH chuyển đến còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc thực hiện một số kiến nghị về hoàn thiện các quy định của pháp luật về giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh; quy định về trường hợp người có thẩm quyền tự mình rà soát, sửa đổi quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có sai sót; hoàn thiện Cơ sở dữ liệu Quốc gia về khiếu nại, tố cáo… còn chậm, chưa rõ lộ trình thực hiện.
Việc thực hiện tổng kết, đánh giá kết quả việc thực hiện rà soát các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp chậm được thực hiện, thiếu tính chủ động và còn có biểu hiện trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp ủy đảng ở địa phương và chỉ đạo của bộ, ngành Trung ương. Bên cạnh đó, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước trong việc thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương còn hạn chế; có biểu hiện né tránh, đùn đẩy cho cấp dưới…
Làm rõ lý do dẫn đến gia tăng số lượng đơn tiếp nhận thuộc trách nhiệm xử lý của các bộ, ngành
Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, Báo cáo của Chính phủ đã tích hợp, phản ánh cơ bản đầy đủ kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC về hành chính năm 2024 của các cơ quan hành chính nhà nước và của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Kiểm toán nhà nước, trong đó, đã tổng hợp số liệu từ ngày 01/10/2023 đến ngày 30/9/2024 để trình Quốc hội, bảo đảm đồng bộ với các báo cáo về kinh tế – xã hội, ngân sách, công tác tư pháp…
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, tình trạng các cơ quan hành chính nhà nước chậm xem xét, giải quyết hoặc trả lời không đầy đủ, đúng hạn đối với đơn thư của công dân do các cơ quan Quốc hội chuyển đến là vấn đề tồn tại đã được các cơ quan của Quốc hội chỉ ra trong nhiều năm nhưng vẫn chưa khắc phục triệt để |
Qua Báo cáo cho thấy, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC năm 2024 tiếp tục có nhiều tiến bộ, đạt kết quả tích cực. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục bổ sung thông tin, đánh giá sâu sắc, làm rõ thêm một số nội dung để thể hiện đầy đủ, khách quan, toàn diện kết quả của công tác này.
Theo đó, về kết quả tiếp công dân, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ lý do của việc người đứng đầu các cơ quan hành chính, nhất là việc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân để có giải pháp khắc phục, làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới.
Về kết quả tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ lý do dẫn đến gia tăng số lượng đơn tiếp nhận thuộc trách nhiệm xử lý của các bộ, ngành nhưng số đơn đủ điều kiện xử lý lại có tỷ lệ thấp hơn nhiều so với ở địa phương, để từ đó có giải pháp khắc phục phù hợp, giảm tải khối lượng công việc cho cán bộ, công chức làm công tác này.
Đối với kết quả giải quyết tố cáo, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã thể hiện sự cố gắng, nỗ lực trong công tác giải quyết tố cáo, đã giải quyết 85,6% số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền, cao hơn mục tiêu “đạt tỷ lệ trên 85%” mà Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, số đơn tố cáo tăng cao 39,1% và số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền tăng 12,4% cho thấy hoạt động của bộ máy hành chính công vụ vẫn còn không ít bất cập, người dân còn thiếu tin tưởng vào sự khách quan, công tâm, năng lực xử lý của một bộ phận công chức, người có thẩm quyền trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hạn chế này để có giải pháp khắc phục hiệu quả hơn.
Thẩm tra kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo do các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyển đến cao hơn so với năm 2021 nhưng thấp hơn so với năm 2023 và các năm 2022, 2020, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, tình trạng các cơ quan hành chính nhà nước chậm xem xét, giải quyết hoặc trả lời không đầy đủ, đúng hạn đối với đơn thư của công dân do các cơ quan Quốc hội chuyển đến là vấn đề tồn tại đã được các cơ quan của Quốc hội chỉ ra trong nhiều năm, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa khắc phục triệt để. Đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm trách nhiệm giải quyết và thông báo kịp thời kết quả giải quyết theo đúng quy định của pháp luật./.