PGS, TS. Nguyễn Thị Như Hà
Viện Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực, Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam
Tóm tắt
Vấn đề sở hữu là một trong những “chìa khóa” quan trọng để giải quyết các vấn đề kinh tế và hoàn thiện quan hệ sản xuất của mô hình XHCN ở Việt Nam. Yêu cầu đặt ra đối với giải quyết vấn đề sở hữu ở nước ta phải đặt trong mối quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN và nền dân chủ XHCN. Trên cơ sở phân tích cơ sở lý thuyết vấn đề sở hữu trong mối quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN và nền dân chủ XHCN, đánh giá thực tế ở Việt Nam, tác giả đề xuất một số khuyến nghị.
Từ khóa: Vấn đề sở hữu, mối quan hệ giữa kinh tế thị trường, nhà nước và nền dân chủ XHCN.
Summary
The issue of ownership is one of the vital “keys” to solving economic problems and perfecting the production relations of the socialist model in Vietnam. The requirements for solving the issue of ownership in our country must be placed in the relationship between the socialist-oriented market economy, the socialist rule of law state, and socialist democracy. Based on the analysis of the theoretical basis of the issue of ownership in the relationship between the socialist-oriented market economy, the socialist rule of law state and socialist democracy, and the assessment of the reality in Vietnam, the author proposes several recommendations.
Keywords: Ownership, the relationship between the market economy, the state and socialist democracy
GIỚI THIỆU
Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là một nhiệm vụ quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng ta. Từ Đại hội VI, đặc biệt kể từ Đại hội IX đến nay quan điểm của Đảng về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN không ngừng được phát triển và ngày càng hoàn thiện, thể hiện sự nhất quán về nhận thức, tư duy đổi mới, sáng tạo của Đảng trong xu hướng phát triển. Đặc biệt, Vấn đề sở hữu trong mối quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN và nền dân chủ XHCN là một trong những vấn đề cần tập trung làm rõ cả về lý luận và thực tiễn, vì nó là “chìa khóa” để mở ra những cánh cửa cho sự phát triển kinh tế – xã hội.
Mối quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN và nền dân chủ XHCN là sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa và bổ sung giữa ba thành tố: Nhà nước, thị trường và xã hội, khi chúng được đặt trong tổng thể hoàn thiện mô hình xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trong đó: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vận hành nền kinh tế theo nguyên tắc pháp quyền đối với các chủ thể, các doanh nghiệp, xã hội và người dân, bảo vệ quyền con người quyền công dân; kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện đại, vận hành đầy đủ theo các quy luật của thị trường, coi trọng tuân thủ pháp luật và liêm chính kinh doanh; nền dân chủ xã hội văn minh, dựa trên nguyên tắc pháp quyền kết hợp với điều chỉnh của đạo đức xã hội. Thực chất mối quan hệ này trong tổng thể cấu trúc kinh tế – xã hội là sự kết hợp vai trò của các chính sách và chức năng của thị trường cũng như các chính sách xã hội dựa trên nguyên tắc thị trường. Vì vậy, khi nghiên cứu và giải quyết vấn đề sở hữu của kinh tế thị trường định hướng XHCN không thể tách rời nó trong mối quan hệ của 3 thành tố trên.
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ SỞ HỮU TRONG GIẢI QUYẾT MỐI QUAN HỆ GIỮA KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XHCN, NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN VÀ NỀN DÂN CHỦ XHCN
Sở hữu được hiểu là quan hệ giữa con người với con người trong quá trình sản xuất và tái sản xuất trên cơ sở chiếm hữu các nguồn lực của quá trình sản xuất và kết quả lao động tương ứng của quá trình sản xuất hay tái sản xuất ấy ở những điều kiện lịch sử nhất định. Sự biến đổi, sự phát triển của sở hữu là một quá trình lịch sử tự nhiên. Điều đó có nghĩa là không có một hình thức sở hữu nào là vĩnh viễn, bất biến; nó có sự biến đổi theo sự phát triển của lực lượng sản xuất và sự biến đổi đó đi theo quy luật từ thấp đến cao.
Ph.Ăngghen viết: “Bất cứ sự thay đổi nào của chế độ xã hội, bất cứ sự cải biến nào về mặt quan hệ sở hữu cũng đều là kết quả tất yếu của việc tạo nênnhững lực lượng sản xuất mới, không còn phù hợp với sản xuất cũ nữa”[1]. C.Mác chỉ ra rằng: “Quan hệ sở hữu cổ đại đã bị quan hệ sở hữu phong kiến tiêu diệt, và quan hệ sở hữu phong kiến bị quan hệ sở hữu tư bản tiêu diệt. Như vậy, chính lịch sử đã phê phán những quan hệ sở hữu đã qua”[2].
Trong lịch sử phát triển của nhân loại chủ thể sở hữu, đối tượng sở hữu và các loại hình, hình thức sở hữu đã có những nấc thang phát triển. Tất cả sự biến đối đó đều vận động theo tiến trình phát triển của chế độ xã hội nhất định nhằm khai thác có hiệu quả các nguồn lực và đưa lại lợi ích tối ưu cho chủ sở hữu.
Công cuộc đổi mới ở Việt Nam là chuyển từ nền kinh tế tập trung bao cấp dựa trên chế độ công hữu là chủ yếu dưới hai thức là quốc doanh và tập thể sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý nhà nước định hướng XHCN – đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thì tất yếu vấn đề sở hữu sẽ có những biến đổi để phù hợp với bản chất và xu hướng phát triển của nền kinh tế – xã hội đó. Cụ thể khi giải quyết vấn đề sở hữu phải đặt trong mối quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN và nền dân chủ XHCN và tập trung các vấn đề sau:
(i) Nội hàm sở hữu
Nếu trong nền kinh tế tập trung bao cấp vấn đề sở hữu mới chỉ giải quyết là đối tượng sở hữu là của ai? Và đi cùng với nó sẽ có câu trả lời ai sử dụng? lợi ích thuộc về ai? thì trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN của nền dân chủ XHCN nội hàm sở hữu bao hàm nội dung kinh tế và nội dung pháp lý:
– Về nội dung kinh tế: Sở hữu là cơ sở, là điều kiện của sản xuất. Nội dung kinh tế được biểu hiện rõ nhất ở các quyền: quyền sở hữu; quyền sử dụng; quyền tổ chức, quản lý; quyền phân phối lợi ích. Các quyền này được thể hiện rõ khi thực thi các quyền đó phải trên cơ sở thực hiện quan hệ kinh tế giữa các bên tham gia. Điều này vừa thực hiện yêu cầu của nền kinh tế thị trường (là sự tường minh trong giải quyết quan hệ kinh tế), vừa thực hiện được mục tiêu của chủ sở hữu trong nền kinh tế thị trường (đem lại lợi ích cho họ). Như vậy, có thể thấy nội dung kinh tế của vấn đề sở hữu sẽ chịu sự chi phối của các nguyên tắc, quy luật của kinh tế thị trường. Nhưng để đảm bao nội dung kinh tế của vấn đề sở hữu, nhà nước (ở cả 3 khâu lập pháp, hành pháp và tư pháp) phải giải quyết các nội dung đó trong mối quan hệ đảm bảo lợi ích hợp pháp cho chủ sở hữu, lợi ích quốc gia và lợi ích các chủ khác có liên quan dưới sự giám sát của xã hội.
– Về nội dung pháp lý: Sở hữu thể hiện những quy định mang tính chất pháp luật về quyền hạn và nghĩa vụ của chủ thể sở hữu được thực thi trong hoạt động của kinh tế thị trường. Điều này đòi hỏi nhà nước pháp quyền XHCN phải đặc biệt chú trọng vấn đề này khi xây dựng và hoạch định cơ chế quản lý với quá trình phát triển kinh tế – xã hội để đảm bảo tính hợp pháp, minh bạch của vấn đề sở hữu.
Nội dung kinh tế và nội dung pháp lý của sở hữu thống nhất biện chứng trong một chỉnh thể. Nội dung pháp lý là phương thức để thực hiện nội dung kinh tế một cách chính đáng, hiệu quả. Khi nghiên cứu, xem xét nội dung kinh tế mà không xem xét nội dung pháp lý thì các vấn đề của nội dung kinh tế sẽ không được thực hiện một cách hợp pháp. Ngược lại, khi xem xét nội dung pháp lý mà không xem xét nội dung kinh tế thì nội dung pháp lý của sở hữu mang tính hình thức. Do đó, trong thực tế giải quyết vấn đề sở hữu (cả về nội dung kinh tế và nội dung pháp lý) là phải giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN để xây dựng nền dân chủ XHCN.
(ii) Chủ sở hữu là xác định chủ thể (có thể là cá nhân, tập thể một nhóm người, pháp nhân, một tổ chức…) có quyền chiếm đoạt, định đoạt, sử dụng hoặc nhượng quyền sử dụng đó cho một chủ thể khác đối với tài sản (của mình) được xã hội hoặc pháp luật thừa nhận. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta các chủ sở hữu đang có xu hướng đa dạng hóa đan xen nhiều hình thức mới có tính xã hội hóa cao. Đồng thời, nó còn phải được xem xét trong mối quan hệ giữa chủ sở hữu với các chủ thể khác trong nền kinh tế, cũng từ mối quan hệ đó tạo nên một quan hệ của xã hội và được luật pháp hóa cả về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể đối với các vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội. Chính vì vậy, các chủ sở hữu vừa phải hoạt động theo những nguyên tắc và quy luật của thị trường, vừa thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước pháp quyền XHCN và có trách nhiệm với xã hội; giữa các chủ thể vừa có sự hợp tác, vừa có cạnh tranh và được bình đẳng trước pháp luật. Đây là cơ sở để các chủ sở hữu điều tiết hoạt động của mình.
– Quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu trong mối quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN và nền dân chủ XHCN được thể hiện. Trước hết các chủ sở hữu được quyền sản xuất, kinh doanh những ngành, lĩnh vực mà luật pháp không cấm điều đó có nghĩa là các chủ sở hữu trên cơ sở nắm bắt các xu hướng vận động, các quan hệ kinh tế của thị trường (trong và ngoài nước) và năng lực, tiềm lực của mình để lựa chọn đầu tư sản xuất, kinh doanh theo sự “dẫn dắt của thị trường” mà luật pháp cho phép để tối đa hóa lợi nhuận, lợi ích.
Đồng thời, các chủ sở hữu được quyền tiếp cận các nguồn lực của quốc gia (đất đai, lao động, vốn…), các thành tựu khoa học công nghệ một cách bình đẳng theo quy định, chính sách của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và tôn trọng nền dân chủ XHCN. Như vậy, một vấn đề được đặt ra là khi giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN và nền dân chủ XHCN là phải tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho các chủ sở hữu thực hiện quyền của mình để tối ưu hóa việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của quốc gia cũng như nguồn lực của chủ sở hữu.
– Về nghĩa vụ của chủ sở hữu: bất kể một quốc gia nào, một chế độ chính trị thì các chủ thể kinh tế, các chủ sở hữu đều phải có nghĩa vụ tham gia để xây dựng và phát triển quốc gia đó, xã hội đó và chính sự phát triển của quốc gia, của xã hội đó sẽ tạo điều kiện, cơ hội để các chủ sở hữu được phát triển hơn. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nghĩa vụ của các chủ sở hữu trước hết là thực hiện các nghĩa vụ tài chính quốc gia theo luật định trong mối quan hệ với nhà nước, với xã hội. Tiếp đến là nghĩa vụ bảo vệ môi trường, sinh thái và tham gia thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Để phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN xây dựng chiến lược, chính sách phát triển mà trong đó phải hàm chứa các nghĩa vụ của các chủ sở hữu nhằm tạo ra một sự kết hợp của các chủ sở hữu thực hiện một cách tự giác, minh bạch với sự giám sát có hiệu quả của các tổ chức xã hội.
Nhà nước vận hành nền kinh tế – xã hội theo nguyên tắc pháp quyền, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tính tối thượng của luật pháp được mọi tổ chức và công dân phục tùng. Xã hội càng phát triển càng thúc đẩy các chủ sở hữu thực hiện tốt hơn trách nhiệm xã hội, mở rộng phúc lợi cho người lao động, bảo đảm quyền của người lao động và tham gia cung ứng dịch vụ xã hội theo nguyên tắc phi lợi nhuận. Các tổ chức xã hội cũng vận dụng phương thức quản trị xã hội để có thể gia tăng quy mô các quỹ, thúc đẩy tăng trưởng tài chính, nhờ đó có điều kiện thực hiện tốt hơn mục tiêu, sứ mệnh và giá trị đạo đức của tổ chức.
(iii) Đối tượng sở hữu
Trong xu hướng phát triển đối tượng sở hữu chủ yếu luôn có sự biến đổi theo sự phát triển kinh tế – xã hội trong các giai đoạn. Từ đối tượng sở hữu chủ yếu là nô lệ, đến đất đai, đến tư bản (tiền, vốn), lao động, tài nguyên… ngày nay đối tượng sở hữu mới là tài nguyên trí tuệ, nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt là tài nguyên trí tuệ đang trở thành đối tượng sở hữu ngày càng quan trọng và đưa lại “siêu” lợi nhuận cho chủ sở hữu. Nhà nước vận hành nền kinh tế theo nguyên tắc pháp quyền để tạo sự bình đẳng cho các chủ thể kinh tế cạnh tranh và bình đẳng tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các đối tượng sở hữu nhất là các nguồn lực, tài nguyên trí tuệ thông qua pháp luật, các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch và cơ chế, chính sách cùng với các công cụ kinh tế trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc thị trường phù hợp với yêu cầu xây dựng CNXH ở Việt Nam.
Để khai thác, sử dụng đối tượng sở hữu có hiệu quả và thực hiện được nhiệm vụ kinh tế của cách mạng XHCN theo hướng giao quyền sử dụng cho các chủ thể kinh tế khác nhau, không có sự phân biệt giai tầng trong xã hội theo nguyên tắc cơ bản đó là làm cho đối tượng sở hữu đó sau khi đã giao quyền sử dụng cho chủ thể kinh tế thì phải được đưa vào tham gia hoạt động trên thị trường để thực hiện mục tiêu đặt ra, vừa đưa lại lợi ích cho các chủ thể, vừa đảm bảo lợi ích của quốc gia trong sự phát triển kinh tế – xã hội. Tránh tình trạng đối tượng sở hữu đó trở thành sự đặc quyền của một nhóm người (nhóm lợi ích), hoặc chỉ chú ý lợi ích trước mắt (theo tư duy nhiệm kỳ); hoặc làm cho đối tượng sở hữu trở thành vô chủ.
Vì vậy, nhà nước xác định rõ vị trí, vai trò của các đối tượng sở hữu trong xu hướng phát triển kinh tế – xã hội để có những quyết sách và chính sách tối ưu cho việc khai thác và sử dụng đối tượng sở hữu (nhất là nguồn lực thuộc quyền sở hữu của nhà nước) vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường, vừa đảm bảo lợi ích của các chủ thể kinh tế và đảm bảo lợi ích xã hội.
(iv) Các hình thức sở hữu:
Phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN để giải phóng sức sản xuất của xã hội để huy động các nguồn lực (trong và ngoài nước) cho phát triển kinh tế – xã hội với hiệu quả cao; tức là kinh doanh vừa có lãi, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội, vừa bảo đảm môi trường sinh thái. Giống như các nền kinh tế thị trường thì nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam cũng hướng tới thực hiện sản xuất kinh doanh có lợi nhuận, phải tạo ra các cơ hội để các chủ thể được phát huy vai trò tự chủ, được bình đẳng tiếp cận, khai thác và sử dụng các nguồn lực xã hội để phát triển sản xuất. Đây thể hiện tính dân chủ trong hoạt động kinh tế.
Với đặc trưng của nền kinh tế thị trường là nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu khác nhau thì nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam sẽ có nhiều hình thức sở hữu. Cụ thể ở Việt Nam hiện có: sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân và sở hữu hỗn hợp. Với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước các chủ thể kinh tế được quyền lựa chọn các hình thức sở hữu để phù hợp với yêu cầu và phát huy tối ưu tiềm năng trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo luật pháp. Xu hướng trong sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hình thức công hữu ngày càng trở thành hạt nhân cơ bản trong quá trình xây dựng CNXH.
Việc tồn tại nhiều hình thức sở hữu trong nền kinh tế sẽ khai thác có hiệu quả các tiềm lực của nền kinh tế ở các cấp độ khác nhau – đó là yếu tố cho sự phát triển nền kinh tế phong phú tương thích với các thang bậc phát triển của lực lượng sản xuất. Mặt khác, sự phát triển nền kinh tế thị trường đa sở hữu sẽ tạo môi trường cạnh tranh – là động lực của sự phát triển kinh tế – xã hội.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam sở hữu công hữu (nhà nước và tập thể) sẽ là nền tảng, là trụ cột của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Sở hữu công hữu phải được xây dựng và phát triển trên cơ sở đáp ứng yêu cầu phát triển của quốc gia như: tăng tiềm lực, tăng sức cạnh tranh, tạo điều kiện cho việc đầu tư khoa học công nghệ mới để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Sở hữu tư nhân cải biến theo xu hướng tích cực có tác động thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia đó. Ở Việt Nam, từ sau thời kỳ đổi mới sở hữu tư nhân luôn được thừa nhận, coi đó là một bộ phận của quan hệ sản xuất mới (nhưng nó phải hoạt động theo đúng luật pháp), nó được tồn tại lâu dài và phát triển; là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.
Mặt khác, trong nền kinh tế thị trường tính đa dạng về sở hữu chính là để đạt được mục tiêu phát triển có hiệu quả. Khi thừa nhận đa dạng sở hữu cũng đồng nghĩa việc cho phép khai thác tối ưu các tiềm lực các nguồn lực của quốc gia, không có sự “ngăn sông, cấm chợ” và để tối đa hóa lợi ích các chủ thể kinh tế dù là hình thức sở hữu nào cũng phải có bài toán để đưa ra quyết định tối ưu trong đầu tư và sử dụng các nguồn lực hợp lý.
Sự đa dạng hóa về sở hữu phù hợp với điều kiện lịch sử của các quốc gia trong thời kỳ quá độ lên CNXH trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường còn tạo động lực thúc đẩy phát triển; bởi khi đa dạng hóa sở hữu sẽ tạo sự cạnh tranh bình đẳng theo các quy luật của thị trường; từ đó, một mặt loại trừ nhân tố yếu kém của nền kinh tế, mặt khác thúc đẩy mạnh sự phát triển của các chủ thể. Có thể thấy, một kết quả lớn trong công cuộc đổi mới của các quốc gia quá độ lên CNXH (Việt Nam, Trung Quốc) về đa dạng sở hữu đã khai thác và sử dụng có hiệu quả các tiềm lực của các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh để thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội.
Phát triển kinh tế thị trường với sự đa dạng hóa sở hữu còn là yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế, đảm bảo quyền dân chủ cho các chủ thể tham gia sản xuất, kinh doanh. Xu thế mới nhất trong sự phát triển của kinh tế thế giới và cũng là xu thế cơ bản của cạnh tranh quốc tế ngày nay là tất cả các nền kinh tế đều phải gia tăng thực lực kinh tế của mình bằng việc thừa nhận nền kinh tế đa sở hữu để huy động các nguồn lực cho sự phát triển và lấy đó làm điểm tựa chính để cạnh tranh toàn cầu.
ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VỀ SỞ HỮU TRONG MỐI QUAN HỆ GIỮA KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XHCN, NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN VÀ NỀN DÂN CHỦ XHCN
Kết quả đạt được
Với chủ trương và chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước về thừa nhận và tạo điều kiện phát triển nền kinh tế đa dạng các loại hình sở hữu và sự điều tiết của các quy luật thị trường, vấn đề sở hữu trong nền kinh tế được thay đổi một cách căn bản về chủ thể sở hữu, đối tượng sở hữu, nội hàm sở hữu, các hình thức sở hữu. Chuyển sang kinh tế thị trường quan hệ sở hữu là quan hệ “mở”, các chủ thể trong nền kinh tế được lựa chọn loại hình sở hữu để sản xuất kinh doanh, phát huy tối ưu tiềm năng, thế mạnh của mình có thể là sở hữu tư nhân, có thể là sở hữu hỗn hợp (liên kết), có thể là sở hữu với tư cách là các cổ đông…trên cơ sở của luật pháp.
Đặc biệt với sự hoàn thiện của hệ thống pháp lý và sự thông thoáng của môi trường kinh doanh trong nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quan hệ sở hữu ở Việt Nam đã có sự “thay máu” cho nền kinh tế, các chủ sở hữu được quyền tham gia liên kết hợp tác trong chuỗi giá trị mang tính khu vực và toàn cầu để có cơ hội phát triển và xâm nhập thị trường thế giới nhằm tối đa hóa lợi ích. Quyền và lợi ích của các chủ sở hữu trong nền kinh tế được đảm bảo hơn. Thực tế, phạm vi quyền sở hữu của công dân được mở rộng, nhất là quyền sở hữu đối với tư liệu sản xuất mà trước đó không được thừa nhận. Trong các quyền tài sản của cá nhân, quyền sử dụng đất đóng vai trò quan trọng nhất (nhất là nông dân).
Sự thay đổi về sở hữu trên cơ sở những nguyên tắc, quy luật của thị trường và các chính sách của nhà nước để đảm bảo nền kinh tế thị trường phát triển theo định hướng XHCN là tiền đề quan trọng cho việc thực hiện lợi ích của quốc gia, lợi ích xã hội, lợi ích các chủ thể và phân phối, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế cũng như từng bước thực hiện sự công bằng trong xã hội – đó cũng là nền tảng vững chắc để hoàn thiện và xây dựng mô hình CNXH ở Việt Nam
Hạn chế
Trên thực tế trong thời gian qua một số đối tượng sở hữu quan trọng của nền kinh tế như đất đai, các tài nguyên trong lòng đất vẫn còn những sai lệch khi giao các quyền cho các chủ sở hữu, cũng như việc khai thác và sử dụng nó. Vấn đề sở hữu bị “tha hóa”: của “công” thành của “tư”, coi của công là của “chùa” nên sử dụng lảng phí, thất thoát, tham nhũng hoặc sau khi được giao quyền sử dụng, nhưng không triển khai đưa vào hoạt động, coi như của “giành được” cứ “đắp chiếu” để đấy chờ cơ hội “vàng” để chuyển nhượng kiếm chác chênh lệch hiện tượng này xẩy ra trong việc đất đai ở một số khu công nghiệp, khu đô thị. Đây là hiện tượng đi ngược với định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường.
Mấu chốt của vấn đề là ở chỗ việc giải quyết các vấn đề này chưa theo đúng các quy luật cơ bản thị trường, như: vấn đề giá cả, quan hệ cung cầu, cạnh tranh… Bởi, nếu khi giao quyền sử dụng đất xuất phát từ sử dụng đất theo nhu cầu thật của thị trường, thì nó sẽ đưa vào sử dụng theo nhu cầu đó. Bên cạnh đó, nếu việc định giá cho thuê theo quy luật giá trị và trên cơ sở có sự cạnh tranh bình đẳng thì sẽ giảm thiểu hiện tượng “tha hóa” trong giải quyết quan hệ sở hữu.
Quan hệ giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng trong giải quyết lợi ích cũng chưa được pháp lý hóa rõ ràng, chưa thực hiện công khai và minh bạch về quyền và nghĩa vụ của các bên để có cơ sở giải quyết khi tranh chấp. Trên thực tế ở Việt Nam hiện nay, quan hệ phân chia lợi ích giữa chủ sở hữu và người sử dụng còn bất công. Chẳng hạn như đất đai, người sử dụng được hưởng lợi ích cao gấp rất nhiều lần so với đại diện chủ sở hữu (nhà nước). Đây cũng chính là nguyên nhân làm bất ổn (đầu cơ, găm hàng, thổi giá…) trên thị trường bất động sản ở Việt Nam.
Hệ lụy của quan hệ sở hữu đó đã chi phối đến sự tổ chức, quản lý nền kinh tế bằng mệnh lệnh hành chính, bỏ qua các quy luật kinh tế vốn có của thị trường dẫn đến nền kinh tế thị trường định hướng XHCN bị cản trở sự phát triển, các mặt tích cực của cơ chế thị trường không được phát huy đầy đủ; nền kinh tế không được khai thông để kết nối các lợi thế của các chủ thể làm cho sản xuất, lưu thông và đời sống; chưa phát triển đúng với yêu cầu và tiềm lực vốn có của nó.
CÁC GIẢI PHÁP TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ SỞ HỮU TRONG MỐI QUAN HỆ GIỮA KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XHCN, NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN VÀ NỀN DÂN CHỦ XHCN
Tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu
Thể chế hóa về sở hữu (quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt và hưởng lợi từ tài sản) của Nhà nước, tổ chức, cá nhân; Bảo đảm công khai, minh bạch quyền và nghĩa vụ trong thủ tục hành chính và dịch vụ công để đối tượng sở hữu được giao dịch thông suốt trên thị trường theo những quy luật và cơ chế thị trường; bảo đảm hiệu lực thực thi và bảo vệ có hiệu quả quyền sở hữu tài sản (đối tượng sở hữu). Đặc biệt hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ để khuyến khích sáng tạo, đảm bảo tính minh bạch và độ tin cậy, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Hoàn thiện pháp luật về đất đai, tài nguyên, đầu tư vốn nhà nước để phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực khắc phục tình trạng lãng phí, tham nhũng. Cần hoàn thiện cơ chế công khai minh bạch các nguồn lực quốc gia theo định kỳ để các chủ thể nắm bắt được thông tin chính xác, chủ động tiếp cận và định hướng các hoạt động của họ theo đúng pháp luật và các quan hệ thị trường, xã hội. Chú ý phân định rõ tài sản đưa vào kinh doanh và tài sản thực hiện chính sách xã hội.
Nâng cao năng lực của nhà nước pháp quyền XHCN
Nhà nước pháp quyền XHCN phải được xây dựng và củng cố trên cả ba lĩnh vực: Lập pháp, tư pháp và hành pháp. Cơ quan lập pháp với nhiệm vụ xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và thông lệ quốc tế về vấn đề sở hữu; thực hiện lợi ích của các chủ thể và phân phối các nguồn lực và thu nhập trong xã hội. Cơ quan tư pháp phải có trách nhiệm xét xử, giải quyết tranh chấp… một cách công tâm, minh bạch nhằm bảo đảm và tạo điều kiện thuận lợi để xã hội vận hành, phát triển ổn định và bền vững. Bên cạnh đó, cần xây dựng các thiết chế tư pháp hiện đại, trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo vệ pháp luật, công lý, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Nâng cao hiệu lực các công cụ, chính sách trong điều tiết, định hướng, tạo môi trường ổn định, thông thoáng, minh bạch… của Nhà nước nhằm tạo điều kiện phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế – xã hội; “giải phóng mạnh mẽ và không ngừng phát triển sức sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, khuyến khích mọi người vươn lên làm giàu chính đáng, giúp đỡ người khác thoát nghèo và từng bước khá giả hơn”[3].
Chính sách kinh tế của nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN phải tương thích cơ chế thị trường, tức là phải tạo ra một môi trường để các chủ thể trong nền kinh tế cạnh tranh với nhau một cách công bằng, phải lấy thị trường làm căn cứ để phân bổ nguồn lực có hiệu quả, hạn chế tới mức tối đa sự can thiệp hành chính của nhà nước vào vấn đề sở hữu. Bảo đảm cho mọi chủ thể trong nền kinh tế thị trường có một sân chơi cạnh tranh công bằng và bình đẳng, có cơ hội ngang nhau trong việc tiếp cận các cơ hội phát triển cũng như cơ hội tiếp cận đối với đối tượng sở hữu hợp pháp.
Nhà nước điều tiết nền kinh tế bảo đảm cho thị trường phát triển, tuân thủ các quy luật của thị trường, tương thích với thông lệ, luật pháp quốc tế; kiến tạo được môi trường vĩ mô; xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở và bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, Nhà nước thực hiện vai trò kiểm tra, kiểm soát, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong việc chấp hành các chính sách chế độ, sử dụng các chương trình đầu tư tín dụng để tạo điều kiện và hướng dẫn các ngành, các địa phương và các thành phần kinh tế phát triển một cách hợp lý, ngăn ngừa tình trạng độc quyền, lạm dụng và nhân danh kinh tế thị trường hay bàn tay nhà nước để can thiệp làm méo mó thị trường, lệch lạc các nguồn lực và tổn hại lợi ích cộng đồng, hạn chế các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh.
Thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của Nhà nước để người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực nhà nước, dịch vụ công một cách công bằng, loại bỏ cơ chế “xin – cho”. Định hình cơ chế nắm bắt, tiếp nhận, xử lý hiệu quả thông tin thị trường, phản hồi xã hội để hoạch định và thực thi luật pháp, chính sách sát hợp thực tiễn, hạn chế tối đa những can thiệp chủ quan duy ý chí, bất chấp quy luật khách quan. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực.
Vận dụng một số nguyên tắc thị trường vào quản trị công để nâng cao hiệu quả quản trị các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, nhất là quản trị các cơ sở thuộc sở hữu nhà nước. Tăng cường hiệu lực chế tài nhà nước trong việc xử lý các vấn đề về sở hữu; xử lý và ngăn chặn kịp thời những biểu hiện lợi ích nhóm, lợi ích bất hợp pháp hoặc xâm hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội, dẫn tới kìm hãm sự phát triển và cải cách xã hội.
Mặt khác, cần tiếp tục hoàn thiện và thể chế hóa việc phân cấp, phân định và phối hợp giữa nhà nước Trung ương và nhà nước địa phương trong việc quản lý, điều tiết các vấn đề sở hữu, nhất là vấn đề đất đai, các công sản, các tài nguyên quốc gia tại địa phương… nhằm phát hiện kịp thời những bất hợp lý trong việc khai thác, sử dụng và phân chia lợi ích từ các nguồn lực đó để giảm thiểu tình trạng “cha chung không ai khóc” hoặc ngược lại coi đó là “của riêng” của địa phương để khai thác vì lợi ích cục bộ địa phương.
Để điều tiết và can thiệp đúng đắn, hiệu quả đối với nền kinh tế thị trường XHCN và xây dựng nền dân chủ XHCN, Nhà nước cần không ngừng hoàn thiện và nâng cao hiệu quả và năng lực hoạt động, hiện đại hóa các công cụ quản lý. Đồng thời, Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế – xã hội, để có thể nắm bắt được chính xác thực tiễn về các vấn đề sở hữu, lợi ích và phân phối trong xã hội để xây dựng các chính sách phù hợp, đúng đắn, tạo điều kiện cho kinh tế thị trường định hướng XHCN và nền dân chủ XHCN phát triển bền vững.
Đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý về sở hữu để phát huy nền dân chủ XHCN trong mối quan hệ với Nhà nước và thị trường
Tạo lập đầy đủ cơ chế bảo đảm vai trò liên kết, phối hợp hoạt động để giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các thành viên trong các tổ chức xã hội; bảo đảm thực hiện chức năng phản biện luật pháp, cơ chế, chính sách của Nhà nước, giám sát các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực thi pháp luật. Thực hiện tốt và hiệu quả quy chế Dân chủ ở cơ sở, qua đó thực sự phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị – xã hội, nghề nghiệp và cộng đồng trong tham gia xây dựng, phản biện và giám sát thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề sở hữu và liên quan đến vấn đề sở hữu.
Tạo môi trường, cơ chế, chính sách để phát triển các tổ chức xã hội; nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức xã hội; lấy ý kiến của nhân dân thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng khi ban hành tổ chức thực thi chính sách, pháp luật thì tăng cường giám sát xã hội để phát hiện những bất cập, những tình huống mới phát sinh, những vướng mắc của người dân và doanh nghiệp để tập trung tháo gỡ nhất là về các nguồn lực đất đai, tài chính, nhân lực…cũng như các vấn đề an sinh xã hội.
Trong công cuộc đổi mới nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương V (khóa XII), nhận thức và thực hiện mối quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN và nền dân chủ XHCN đã có những chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề về sở hữu để từng bước thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhà nước đã thực hiện chức năng, vai trò của mình trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên cơ sở tôn trọng vai trò, chức năng và nguyên tắc của thị trường và đề cao vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức xã hội./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- C. Mác và Ăngghen (1993), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia.
- C. Mác và Ăngghen (1994), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia.
- C. Mác và Ăngghen (1995), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia.
- C. Mác và Ăngghen (2002), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2017), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm BCHTW khóa XII.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia.
- Đặng Quang Định (2021), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, truy cập từ https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/823673/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia-o-viet-nam.aspx.
- Ngô Tuấn Nghĩa (Chủ biên), Quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất ở Việt nam trong điều kiện kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế (Sách chuyên khảo), Nxb Chính trị quốc gia.
- Vũ Văn Phúc, Vấn đề sở hữu trong nền kinh tế quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, truy cập từ https://dangcongsan.vn/kinh-te/van-de-so-huu-trong-nen-kinh-te-qua-do-len-chu-nghia-xa-hoi-o-nuoc-ta-567463.html.
- Phạm Quốc Thái (Chủ biên) (2015), Sở hữu trong nền kinh tế thị trường hiện đại: Lý luận, thực tiễn thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam (Sách chuyên khảo), Nxb Lao động – Xã hội.
[1] C.Mác và Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.467
[2] C.Mác và Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, t.16, tr.41
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, tr.77.
Ngày nhận bài: 16/11/2024; Ngày phản biện: 23/11/2024; Ngày duyệt đăng: 26/11/2024 |