Huỳnh Minh Phúc, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Email: minhphuc.dpihcm@gmail.com

TS. Trương Nữ Tô Giang, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Email: giangtnt@ueh.edu.vn

Tóm tắt

Nghiên cứu nhằm phân tích sự ảnh hưởng của các yếu tố thiện cảm đến quyết định lựa chọn điểm đến du lịch đến Hàn Quốc của du khách Việt Nam. Với 234 phiếu khảo sát hợp lệ được phân tích dữ liệu thông qua phần mềm Smart-PLS3, kết quả nghiên cứu cho thấy, Thiện cảm về lịch sử và văn hóa; Thiện cảm về chính trị và kinh tế; Thiện cảm về lối sống và giải trí; Thiện cảm về con người; Thiện cảm về quan cảnh và khí hậu có ảnh hưởng tích cực đến Thiện cảm chung về quốc gia (Hàn Quốc) và Thiện cảm chung về quốc gia (Hàn Quốc) có ảnh hưởng tích cực Quyết định lựa chọn điểm đến Hàn Quốc là quốc gia đi du lịch nước ngoài của du khách Việt Nam. Từ đó, nghiên cứu đề xuất một vài hàm ý quản trị đối với các doanh nghiệp kinh doanh, vận hành tour du lịch nước ngoài và các cơ quan hữu quan.

Từ khóa: thiện cảm du lịch, thiện cảm chung về quốc gia, thiện cảm về Hàn Quốc, quyết định lựa chọn điểm đến, du khách Việt Nam

Summary

The study aims to analyze the influence of affinity factors on Vietnamese tourists’ decision to choose a tourist destination for South Korea. With 234 valid survey questionnaires analyzed through Smart-PLS3 software, the research results show that affinity factors about history and culture; affinity factors about politics and economy; affinity factors about lifestyle and entertainment; affinity factors about people; affinity factors about landscape and climate positively influence on the General affinity factors about the country (South Korea) and the General affinity factors about the country (South Korea) positively influence the decision to choose South Korea as a destination for foreign tourists. On that basis, the study proposes management implications for businesses operating tours abroad and relevant agencies.

Keywords: tourism affinity, country affinity, affinity toward South Korea, decision to choose a destination, Vietnamese tourists

ĐẶT VẤN ĐỀ

Nghiên cứu về hành vi tiêu dùng, quyết định lựa chọn mua (hay sử dụng) sản phẩm, dịch vụ của quốc gia xuất xứ dựa trên yếu tố ác cảm tiêu dùng (consumers’ animosity) hay thiện cảm tiêu dùng (consumers’ affinity) đang được nhiều tác giả quan tâm và nghiên cứu. Trong đó, kết quả nghiên cứu của một số học giả đã cho thấy vai trò và tầm quan trọng của các yếu tố thuộc về “thiện cảm” ảnh hưởng quyết định lựa chọn mua (hay sử dụng) sản phẩm, dịch vụ của quốc gia xuất xứ (Nes và cộng sự, 2014; Asseraf và Shoham, 2017; Zaid và cộng sự, 2022). Ngoài ra, khi nghiên cứu về hành vi lựa chọn điểm đến du lịch nước ngoài, bên cạnh các yếu tố truyền thống, như: hình ảnh điểm đến, chất lượng dịch vụ, truyền thông – marketing…, thì các yếu tố thuộc thiện cảm cũng có ảnh hưởng đáng kể đến quyết định lựa chọn điểm đến du lịch nước ngoài. Trong đó, nghiên cứu của Josiassen và cộng sự (2020) về thiện cảm du lịch, ảnh hưởng của nó đối với khách du lịch và hành vi lưu trú khi du lịch đến quốc gia khác của người Mỹ đối với quốc gia điểm đến, cụ thể là Đức, được xem là một trong những nghiên cứu đầu tiên về vấn đề này.

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, thị hiếu và nhu cầu du lịch nước ngoài đến Hàn Quốc của du khách Việt có sự gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Theo Hiệp hội du lịch Việt Nam, năm 2023 có hơn 5 triệu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài, trong đó hơn 420.000 du khách Việt Nam lựa chọn du lịch Hàn Quốc, đứng thứ 2 trong số các điểm đến du lịch nước ngoài được du khách Việt Nam lựa chọn (sau Thái Lan) [7]. Để lý giải cho việc đông du khách Việt Nam lựa chọn Hàn Quốc là điểm đến yêu thích, nhóm tác giả lựa chọn nghiên cứu quyết định lựa chọn điểm đến du lịch nước ngoài của du khách Việt Nam dưới góc độ phân tích mối tương quan giữa các nhân tố thuộc về thiện cảm.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Lý thuyết nhận thức cảm xúc (CET)

CET là một khung lý thuyết quan trọng dùng để nghiên cứu về cách nhận thức của cá nhân ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc và các hành vi tiếp theo sau đó. CET chỉ ra rằng, niềm tin và mong muốn được coi là trạng thái tinh thần cơ bản nhất; đồng thời, gợi ý rằng, một quá trình ra quyết định của chúng ta được tiến hành và phụ thuộc bởi quy trình gồm 3 yếu tố: nhận thức, cảm xúc và hành vi (Verhagen và van Dolen, 2011).

Giai đoạn đầu là giai đoạn nhận thức, đề cập đến trạng thái tinh thần của một người (tích cực hoặc tiêu cực) đối với một vấn đề. Nó là kết quả của một chuỗi các quá trình nhận thức được thiết kế để xử lý các thông tin thông qua một loạt hoạt động nhận thức (Sjöblom và Hamari, 2017). Tiếp theo là trạng thái tinh thần hay giai đoạn cảm xúc (của một cá nhân), là kết quả tổng hợp của việc đánh giá nhận thức về quá trình các sự kiện hoặc suy nghĩ. Nói cách khác, việc quan sát một sự kích thích và hệ quả của sự đánh giá nguyên nhân những cảm xúc hình thành trên cơ sở các nhận thức. Theo Reisenzein (2009), cảm xúc là cơ sở hình thành nên nhận thức (niềm tin) và động cơ (ham muốn) thôi thúc hành vi. Hành vi được coi là sự thôi thúc việc mua hàng và sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn, nó được gợi lên khi có một sự kích thích từ suy nghĩ và cảm nhận (Chan và cộng sự, 2017).

Lý thuyết bản sắc xã hội (SIT)

Theo Tajfel và Turner (2004), nguồn gốc lý thuyết liên quan thiện cảm của người tiêu dùng có thể bắt nguồn từ lý thuyết bản sắc xã hội; lý thuyết này phân biệt giữa trong nhóm và ngoài nhóm. Trong thuyết bản sắc xã hội, một người không chỉ có một cái tôi cá nhân, mà còn có một vài cái tôi xã hội; những cái tôi này tương ứng với việc mở rộng vòng kết nối các thành viên nhóm. Khác biệt bối cảnh xã hội có thể kích thích một cá nhân suy nghĩ, cảm nhận và hành động dựa trên các cấp độ khác nhau của bản thân. Những người phát triển thiện cảm đối với một quốc gia nước ngoài có thể vì họ đồng nhất với văn hóa của đất nước, họ coi bản sắc của đất nước là một trong những nhóm của họ vì họ thấy nó hấp dẫn hoặc họ thấy rằng, họ đồng nhất với quốc gia đóng góp vào bản sắc xã hội của họ. Ban đầu, thuật ngữ thiện cảm của người tiêu dùng đã được giới thiệu bởi Jaffe và Nebenzahl (2006). Sau đó, nghiên cứu của Oberecker và cộng sự (2008) đã mở rộng khái niệm thiện cảm của người tiêu dùng trong một nghiên cứu định tính, kết quả nghiên cứu gợi ý rằng, nền tảng các nguồn thiện cảm có thể được phân loại thành 4 trình điều khiển vĩ mô và 3 trình điều khiển vi mô. Đến nghiên cứu của Oberecker và Diamantopoulos (2011) đã khái niệm hóa về thiện cảm là mức độ cao hơn cấu trúc trật tự với 2 chiều kích thứ nhất (đồng cảm và gắn bó).

Mô hình nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu

Trên cơ sở kế thừa 2 lý thuyết trên, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu các yếu tố thiện cảm ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến du lịch đến Hàn Quốc của du khách Việt Nam như Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Ảnh hưởng của các yếu tố thiện cảm đến quyết định lựa chọn điểm đến du lịch đến Hàn Quốc của du khách Việt Nam

Nguồn: Nhóm tác giả nghiên cứu đề xuất

Trên cơ sở mô hình nghiên cứu, các giả thuyết được đưa ra như sau:

H1: Thiện cảm về lịch sử và văn hóa có tác động tích cực đến Thiện cảm chung về quốc gia.

H2: Thiện cảm về chính trị và kinh tế có tác động tích cực đến Thiện cảm chung về quốc gia.

H3: Thiện cảm về lối sống và giải trí có tác động tích cực đến Thiện cảm chung về quốc gia.

H4: Thiện cảm về con người có tác động tích cực đến Thiện cảm chung về quốc gia.

H5: Thiện cảm về quan cảnh và khí hậu có tác động tích cực đến Thiện cảm chung về quốc gia.

H6: Thiện cảm chung về quốc gia có tác động đến Quyết định lựa chọn điểm đến du lịch nước ngoài.

H7: Thiện cảm chung về quốc gia làm vai trò trung gian cho mối quan hệ giữa Thiện cảm về lịch sử và văn hóa với hành vi Quyết định lựa chọn điểm đến du lịch nước ngoài.

H8: Thiện cảm chung về quốc gia làm vai trò trung gian cho mối quan hệ giữa Thiện cảm về chính trị và kinh tế với hành vi Quyết định lựa chọn điểm đến du lịch nước ngoài.

H9: Thiện cảm chung về quốc gia làm vai trò trung gian cho mối quan hệ giữa Thiện cảm về lối sống và giải trí với hành vi Quyết định lựa chọn điểm đến du lịch nước ngoài.

H10: Thiện cảm chung về quốc gia làm vai trò trung gian cho mối quan hệ giữa Thiện cảm về con người với hành vi Quyết định lựa chọn điểm đến du lịch nước ngoài.

H11: Thiện cảm chung về quốc gia làm vai trò trung gian cho mối quan hệ giữa Thiện cảm về quan cảnh và khí hậu với hành vi Quyết định lựa chọn điểm đến du lịch nước ngoài.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng các thang đo của Oberecker và cộng sự (2008); Nes và cộng sự (2014); Sánchez và cộng sự (2018) và Zaid và cộng sự (2022) để phát triển biến đo lường cho các nhân tố Thiện cảm ảnh hưởng đến Quyết định lựa chọn điểm đến du lịch nước ngoài của du khách Việt Nam. Trong đó, thang đo của Oberecker và cộng sự (2008) được xem làm nghiên cứu nền tảng liên quan đến nhân tố Thiện cảm và Nes và cộng sự (2014) được sử dụng chủ yếu để phát triển thang đo cho các biến độc lập của nghiên cứu này. Các thang đo này được đo lường theo phương pháp Likert 5 mức độ với mức 1 là “Hoàn toàn không đồng ý” và ở mức 5 là “Hoàn toàn đồng ý”.

Phương pháp lấy mẫu thuận tiện được sử dụng, thông qua bảng khảo sát trên Google Form và phiếu khảo sát được phát trực tiếp tại các công ty kinh doanh vận hành tour du lịch nước ngoài. Các đáp viên sẽ được sàng lọc qua câu hỏi gạn lọc, nếu đáp viên chọn phương án “Tôi chưa từng đến Hàn Quốc và chưa/không có ý định du lịch đến Hàn Quốc” thì phiếu khảo sát này dừng lại. Sau quá trình thực hiện khảo sát, nhóm tác giả đã thu thập được tổng cộng 234 phiếu trả lời hợp lệ. Phần mềm SPSS 20 được sử dụng để phân tích thống kê mô tả cho dữ liệu, đồng thời, phần mềm SmartPLS 3 được sử dụng nhằm kiểm định về mô hình đo lường lẫn mô hình cấu trúc (Bài viết sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu thực hiện phân tích nhân tố khẳng định (CFA) với các tiêu chí hệ số tải ngoài nhân tố > 0.7; phương sai trích trung bình (AEV) > 0.5; độ tin cậy tổng hợp (CR) > 0.6 và hệ số là Cronbach’s Alpha

Bảng: Kết quả kiểm định độ tin cậy và giá trị hội tụ

Biến

Hệ số tải ngoài

Cronbach’s Alpha

Độ tin cậy tổng hợp

Phương sai trích trung bình (AVE)

Thiện cảm lịch sử và văn hóa (LSVH)

0.777~0.827

0.856

0.896

0.634

Thiện cảm về chính trị và kinh tế (CTKT)

0.763~0.859

0.773

0.867

0.686

Thiện cảm về lối sống và giải trí (LSGT)

0.741~0.852

0.800

0.867

0.620

Thiện cảm về con người (CN)

0.763~0.815

0.793

0.866

0.617

Thiện cảm về quan cảnh và khí hậu (QCKH)

0.769~0.836

0.808

0.875

0.636

Thiện cảm về quốc gia (Hàn Quốc) (QG)

0.767~0.871

0.751

0.858

0.669

Quyết định lựa chọn Hàn Quốc là điểm đến du lịch nước ngoài (LCDD)

0.725~0.820

0.775

0.856

0.598

Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu của nhóm tác giả

Bằng kỹ thuật Bootstrap với 10.000 mẫu (Hình 2), kết quả cho thấy, tất cả các mối quan hệ đều có hệ số đường dẫn dương mang tác động tích cực và có ý nghĩa thống kê (p

Theo Hair và cộng sự (2021), kỹ thuật Bootstrap cũng được sử dụng để kiểm định giả thuyết trung gian. Kết quả phân tích cho thấy, có sự tác động gián tiếp của các biến Thiện cảm về chính trị và kinh tế lên Quyết định lựa chọn điểm đến du lịch nước ngoài thông qua vai trò Thiện cảm chung về quốc gia H8 (βCTKTàQGàLCDD = 0.042; 95% CI [-0.008; 0.159]); Thiện cảm về lối sống và giải trí lên Quyết định lựa chọn điểm đến du lịch nước ngoài thông qua vai trò Thiện cảm chung về quốc gia H9 (βLSGTàQGàLCDD = 0.036; 95% CI [0.025; 0.173]); Thiện cảm về con người lên Quyết định lựa chọn điểm đến du lịch nước ngoài thông qua vai trò Thiện cảm chung về quốc gia H10 (βCNàQGàLCDD = 0.42; 95% CI [0.088; 0.253]); Thiện cảm chung về quan cảnh và khí hậu lên Quyết định lựa chọn điểm đến du lịch nước ngoài thông qua vai trò Thiện cảm chung về quốc gia H11 (βQCKHàQGàLCDD = 0.40; 95% CI [0.164; 0.322]). Đồng thời, kết quả phân tích cho thấy chưa đủ bằng chứng thực nghiệm để ủng hộ sự tác động gián tiếp của Thiện cảm về lịch sử và văn hóa lên Quyết định lựa chọn điểm đến du lịch nước ngoài thông qua vai trò Thiện cảm chung về quốc gia H7 (βLSVHàQGàLCDD = 0.053; 95% CI [0.001; 0.191]).

Hình 2: Hệ số đường dẫn mô hình cấu trúc

Ảnh hưởng của các yếu tố thiện cảm đến quyết định lựa chọn điểm đến du lịch đến Hàn Quốc của du khách Việt Nam

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý QUẢN TRỊ

Kết luận

Kết quả nghiên cứu này cơ bản tương đồng với các nghiên cứu trước đây, thông qua Lý thuyết nhận thức cảm xúc, Thiện cảm về lịch sử và văn hóa; Thiện cảm về chính trị và kinh tế; Thiện cảm về lối sống và giải trí; Thiện cảm về con người; Thiện cảm về quan cảnh và khí hậu có ảnh hưởng tích cực đến Thiện cảm chung về quốc gia (Hàn Quốc) và Thiện cảm chung về quốc gia (Hàn Quốc) có ảnh hưởng tích cực Quyết định lựa chọn điểm đến Hàn Quốc là quốc gia đi du lịch nước ngoài của du khách Việt Nam. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu khẳng định vai trò trung gian của Thiện cảm chung về đất nước Hàn Quốc giữa Thiện cảm về chính trị và kinh tế; Thiện cảm về lối sống và giải trí; Thiện cảm về con người; Thiện cảm về quan cảnh và khí hậu với Quyết định lựa chọn điểm đến Hàn Quốc là quốc gia đi du lịch nước ngoài; ngoại trừ Thiện cảm về lịch sử và văn hóa chưa đủ bằng chứng thực nghiệm thể hiện sự tác động đến Quyết định lựa chọn điểm đến Hàn Quốc là quốc gia đi du lịch nước ngoài thông qua trò trung gian của Thiện cảm chung về đất nước Hàn Quốc.

Hàm ý quản trị

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả xuất một vài hàm ý quản trị đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận hành tour du lịch nước ngoài và các cơ quan hữu quan như sau:

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận hành tour du lịch nước ngoài

Một là, nâng cao công tác xúc tiến, giới thiệu đến du khách Việt Nam, trong đó, tập trung vào các sản phẩm về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc, di tích, truyền thống và các công trình kiến trúc mang tính lịch sử về đất nước Hàn Quốc trong các chương trình marketing, thúc đẩy, chiêu thị và xúc tiến phát triển du lịch đến Hàn Quốc thông qua các ấn phẩm, brochure, trang web và phương tiện thông tin quảng bá du lịch về văn hóa Hàn Quốc…

Hai là, lồng ghép các thông tin về quan hệ ngoại giao kinh tế, chính trị giữa 2 nước Việt Nam – Hàn Quốc trong các ấn phẩm, brochure được sử dụng tại các chương trình xúc tiến, quảng bá thúc đẩy du lịch đến Hàn Quốc. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa 2 nước Việt Nam – Hàn Quốc có bước phát triển mạnh mẽ, vấn đề này có ý nghĩa tích cực, tác động đáng kể đến thiện cảm của người dân và du khách Việt Nam đối với đất nước Hàn Quốc.

Ba là, các nhà quản trị kinh doanh trong lĩnh vực vận hành tour du lịch đến Hàn Quốc nên xem xét xây dựng các tour du lịch kết hợp thưởng thức âm nhạc, giải trí tại Hàn Quốc, hay “sản phẩm du lịch chuyên biệt” đến Hàn Quốc để thưởng thức các chương trình lễ hội âm nhạc…, nhằm thúc đẩy và kích thích hơn nữa nhu cầu du lịch đến Hàn Quốc của du khách Việt Nam.

Bốn là, theo khảo sát, du khách Việt Nam quyết định lựa chọn điểm đến du lịch nước ngoài đến đất nước Hàn Quốc ngoài các yếu phổ biến khi lựa chọn một điểm đến du lịch nước ngoài, gồm: văn hóa, kiến trúc, ẩm thực, cơ sở hạ tầng, cảnh quan, sự kiện, thương mại…, yếu tố có ảnh hưởng đáng kể là sự hiếu khách, thân thiện, cũng như tính cách cởi mở của người dân Hàn Quốc đã góp phần thúc đẩy đến sự cảm nhận và dẫn đến quyết định lựa chọn du lịch đến Hàn Quốc của du khách Việt Nam. Đây là vấn đề quan trọng mà các nhà quản trị, công ty vận hành tour du lịch sang Hàn Quốc lưu ý trong việc tiếp thị, khai thác và vận hành tour du lịch đến Hàn Quốc.

Năm là, xây dựng các tour du lịch đến Hàn Quốc có tính chuyên biệt và phù hợp, như: tour du lịch theo thời điểm, từng mùa trong năm, hoặc xây dựng những gói “sản phẩm du lịch riêng có của đất nước Hàn Quốc” liên quan đến quan cảnh, phong cảnh và vẻ đẹp đặc trưng của đất nước Hàn Quốc. Điều này nhằm góp phần kích thích nhu cầu và thị hiếu đối với du khách Việt Nam khi quyết định lựa chọn Hàn Quốc là điểm đến du lịch nước ngoài.

Đối với các cơ quan hữu quan

Một là, bên cạnh các chính sách truyền thống, cần quan tâm đến việc thúc đẩy, gia tăng các yếu tố về “sự thiện cảm” của du khách nước ngoài đối với đất nước Việt Nam thông qua các yếu tố, như: truyền thống, lịch sử, văn hóa, quan cảnh, vẻ đẹp thiên nhiên, khí hậu, thời tiết và con người Việt Nam.

Hai là, xây dựng gói sản phẩm dịch vụ du lịch đặc sắc, hấp dẫn mang tích chuyên biệt và riêng có của đất nước Việt Nam, như: du lịch văn hóa (ẩm thực và di sản), du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng), du lịch đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, hay các “gói sản phẩm du lịch theo mùa”, “gói sản phẩm du lịch theo vùng miền, đặc trưng văn hóa” của Việt Nam.

Ba là, chú trọng việc nâng cao trình độ và phát triển nguồn nhân lực (con người) phục vụ trong lĩnh vực du lịch có tính chuyên nghiệp, sẵn sàng phục vụ du khách với thái độ chân thành, niềm nở, vui vẻ và tạo thiện cảm trong cảm nhận (trong mắt) của du khách. Mặt khác, cần xây dựng các chính sách “làm du lịch tại chỗ”, du lịch cộng đồng, người dân tại địa phương cùng tham gia làm du lịch. Cần chú trọng đến những chương trình đào tạo, hướng dẫn cho người dân địa phương về kiến thức chuyên môn, tính chuyên nghiệp, thái độ phục vụ du khách, thái độ niềm nở, vui vẻ, nhiệt tình, chân thành và hiếu khách…, nhằm làm gia tăng sự thiện cảm của du khách quốc tế về con người (người dân) Việt Nam (Nguyen, 2024)./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Asseraf, Y., and Shoham, A. (2017), Destination branding: The role of consumer affinity, Journal of Destination Marketing & Management, 6(4), 375-384.

2. Chan, T. K., Cheung, C. M., and Lee, Z. W. (2017), The state of online impulse-buying research: A literature analysis, Information & Management, 54(2), 204-217.

3. Hair Jr, J. F., Hult, G. T. M., Ringle, C. M., Sarstedt, M., Danks, N. P., and Ray, S. (2021), Partial least squares structural equation modeling (PLS-SEM) using R: A workbook, Springer Nature.

4. Jaffe E.D. and Nebenzahl I.D. (2006), National image/competitive advantage, 2nd edition, Copenhagen Business School Press.

5. Josiassen, A., Kock, F., and Nørfelt, A. (2022), Tourism affinity and its effects on tourist and resident behavior, Journal of Travel Research, 61(2), 299-313.

6. Nes, E. B., Yelkur, R., and Silkoset, R. (2014), Consumer affinity for foreign countries: Construct development, buying behavior consequences and animosity contrasts, International Business Review, 23(4), 774-784.

7. Nguyễn Ngọc Hoài Thanh (2023), Hơn 5 triệu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài trong năm 2023, truy cập từ https://www.nguoiduatin.vn/hon-5-trieu-nguoi-viet-nam-di-du-lich-nuoc-ngoai-trong-nam-2023-204641922.htm.

8. Nguyen, M. H. (2024). Natural absurdity: How satirical fables can inform us of a vision for sustainability?. https://books.google.com/books?id=viQtEQAAQBAJ

9. Oberecker, E. M., Riefler, P., and Diamantopoulos, A. (2008), The consumer affinity construct: Conceptualization, qualitative investigation, and research agenda, Journal of international marketing, 16(3), 23-56.

10. Oberecker, E. M., and Diamantopoulos, A. (2011), Consumers’ emotional bonds with foreign countries: does consumer affinity affect behavioral intentions?, Journal of International Marketing, 19(2), 45-72.

11. Reisenzein, R. (2009), Emotional experience in the computational belief-desire theory of emotion, Emotion Review, 1(3), 214-222.

12. Sánchez, M., Campo, S., and Alvarez, M. D. (2018), The effect of animosity on the intention to visit tourist destinations, Journal of destination marketing & management, 7, 182-189.

13. Sjöblom, M., and Hamari, J. (2017), Why do people watch others play video games? An empirical study on the motivations of Twitch users, Computers in human behavior, 75, 985-996.

14. Tajfel, H., and Turner, J. (2004), An integrative theory of intergroup conflict, In M. J. Hatch & M. Schultz (Eds.), Organizational identity: A reader, Oxford: Oxford University Press.

15. Verhagen, T., and Van Dolen, W. (2011), The influence of online store beliefs on consumer online impulse buying: A model and empirical application, Information & Management, 48(8), 320-327.

16. Zaid, P.K., Katon P., Anggraeni P. I., and Ikhsan N. et al. (2022), Does Affinity Country Really Matter? Re-examining the Effect of Consumer Affinity on Consumer Purchase Intention, International Journal of Social Science and Business, 6(2), 253-261.

Ngày nhận bài: 05/11/2024; Ngày phản biện: 17/11/2024; Ngày duyệt đăng: 28/11/2024