Không chỉ giảm thuế xuống 10% với tất cả các loại hình báo chí, mà có thể nghiên cứu giảm xuống 5%

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, hôm nay (ngày 28/11), Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) với nhiều ý kiến đa chiều, đặc biệt là về thuế đối với cơ quan báo chí.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) nêu thực trạng hoạt động của các cơ quan báo chí đang đứng trước nhiều khó khăn, có nhiều “bài toán” cần giải quyết. Các cơ quan báo chí cũng đứng trước sức ép phải cạnh tranh thông tin trên mạng xã hội và các nguồn thông tin khác, trong khi đòi hỏi chất lượng thông tin báo chí phải tốt hơn, đầu tư công sức nhiều hơn.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề xuất áp dụng thuế suất 10% giúp các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị
Ông Đỗ Chí Nghĩa chỉ ra nghịch lý, các nhà báo phải làm việc sớm tối, bất kể giờ giấc để kịp thời đưa tin tức cho độc giả, nhưng thu nhập lại ngày càng giảm. Đây là tâm tư chung của nhiều phóng viên yêu nghề

Để đảm bảo cho các cơ quan báo chí ổn định hoạt động, ông Nghĩa đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu có những chính sách mạnh mẽ hơn nữa cho các cơ quan báo chí, không chỉ giảm thuế xuống 10% với tất cả các loại hình báo chí, mà có thể nghiên cứu giảm xuống 5%.

“Anh em báo chí rất trông đợi vào lần này. Việc giảm thuế là sự động viên rất quan trọng. Khi giảm thuế, chúng ta lại tăng được giá trị thông tin và niềm tin của xã hội, công chúng, góp phần đấu tranh với các thông tin xấu độc, định hướng giá trị thông tin xứng tầm với vị thế của đất nước”, ông Nghĩa lập luận.

“Đề nghị đưa báo chí vào dạng doanh nghiệp vừa và nhỏ, để được ưu đãi về thuế.”, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề xuất.

Theo Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh), hiện nay, cơ quan báo chí hoạt động với mục tiêu phi lợi nhuận, phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền và giáo dục thay vì mục tiêu kinh doanh, nhưng vẫn phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20% như các doanh nghiệp thông thường. Điều này gây áp lực tài chính lớn, đặc biệt khi nguồn thu từ quảng cáo ngày càng giảm do cạnh tranh với các nền tảng số. Bên cạnh đó, luật thuế hiện tại chưa có quy định riêng cho cơ quan báo chí, dẫn đến việc áp dụng mức thuế suất như doanh nghiệp thông thường, mà không xét đến vai trò đặc biệt của báo chí trong hệ thống chính trị và xã hội.

Từ phân tích trên, ông Bình đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% hoặc thấp hơn đối với phần thu nhập từ hoạt động ngoài nhiệm vụ chính trị như: quảng cáo, tổ chức sự kiện; đồng thời miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản tài trợ, viện trợ cho cơ quan báo chí để tạo nguồn lực hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chính trị và truyền thông. Cũng cần tách biệt rõ ràng giữa thu nhập từ hoạt động tuyên truyền, nhiệm vụ chính trị được miễn thuế, thu nhập từ các hoạt động kinh doanh thì hưởng ưu đãi thuế suất thấp.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề xuất áp dụng thuế suất 10% giúp các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% hoặc thấp hơn đối với phần thu nhập từ hoạt động ngoài nhiệm vụ chính trị

“Cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các cơ quan báo chí địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và khả năng tự chủ tài chính thấp hoặc rất thấp. Xây dựng cơ chế kê khai thuế đơn giản, ưu tiên hỗ trợ các cơ quan báo chí trong việc xác định thu nhập chịu thuế và áp dụng các ưu đãi. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kê khai và quyết toán thuế để giảm gánh nặng hành chính cho cơ quan báo chí”, ông Bình đề xuất.

Mọi khoản thu nhập của doanh nghiệp là thu nhập chịu thuế

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc khẳng định, mục tiêu sửa đổi Luật nhằm đảm bảo sự đúng đắn, phù hợp, công bằng, hợp lý và thúc đẩy sự phát triển. Xu thế của thế giới hiện nay là thắt chặt chính sách tài khóa, tức là tăng thuế suất lên để đảm bảo sự vững mạnh của tài chính công. Tuy nhiên, đất nước vừa trải qua dịch Covid-19, nên vẫn ủng hộ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển. Vì vậy, vẫn thực hiện chính sách tài khóa mở rộng. So với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam ở mức thấp.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề xuất áp dụng thuế suất 10% giúp các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị
Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, chúng ta làm gói thuế thế nào để đảm bảo sự công bằng, hợp lý và thúc đẩy phát triển. Còn những lĩnh vực ưu tiên phát triển, mà cần sự hỗ trợ từ ngân sách, phải giám sát có hiệu quả, tránh mất kiểm soát

Về nguyên tắc đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Phó Thủ tướng khẳng định, mọi khoản thu nhập của doanh nghiệp là thu nhập chịu thuế. Đối với doanh nghiệp nước ngoài không có địa chỉ thường trú tại Việt Nam, nhưng có phát sinh các hoạt động tại Việt Nam có thu nhập thì phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Thời gian qua, chúng ta đã thu được thuế từ các sàn thương mại điện tử, mua bán online…

Về thuế đối với đơn vị sự nghiệp và cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng cho biết, có 3 loại hình đơn vị sự nghiệp: Nhà nước cấp toàn bộ, tự chủ chi thường xuyên và tự chủ toàn diện. Đã có doanh thu thì cần nộp thuế, nếu dịch vụ công tính chưa đủ, không cần nộp thuế và dịch vụ công trên địa bàn đặc biệt khó khăn được giảm thuế.

Đối với cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề xuất áp dụng thuế suất 10% giúp cho các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Nhất trí cao về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, các đại biểu nhất trí cao về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước phải cải cách hệ thống chính sách thuế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và yêu cầu đổi mới trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với xu hướng cải cách thuế trên thế giới.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề xuất áp dụng thuế suất 10% giúp các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung thảo luận

Các đại biểu cũng phân tích, làm rõ một số nội dung về người nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, xác định thu nhập chịu thuế, chi phí được trừ và chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, thuế suất, phương pháp tính thuế, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, những vấn đề liên quan đến tổ chức và cá nhân nước ngoài kinh doanh trên nền tảng số, không thường trú tại Việt Nam; thuế đối với các cơ quan báo chí, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, tự chủ tài chính trong lĩnh vực y tế, giáo dục và các quỹ tài chính ngoài ngân sách, doanh nghiệp khởi nghiệp và các lĩnh vực khác…

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và tại tổ, tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, quyết định theo Chương trình xây dựng pháp luật.”, ông Hải cho biết./.