TS. Nguyễn Lan Hương
Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ
Tóm tắt
Bán lẻ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) cũng như kinh tế cả nước. Những năm gần đây, mặc dù thị trường bán lẻ Thành phố có sức tăng trưởng cao nhưng doanh nghiệp bán lẻ nội địa của Thành phố lại đối mặt với nhiều khó khăn trong phát triển. Bài viết phân tích thị trường bán lẻ và hiện trạng phát triển doanh nghiệp bán lẻ tại TP.HCM để có một số khuyến nghị giúp doanh nghiệp bán lẻ nội địa vượt qua thách thức.
Từ khóa: bán lẻ, phát triển kinh tế, TP. Hồ Chí Minh
Summary
Retail plays a crucial role in the economic development of Ho Chi Minh City (HCMC) and the national economy. In recent years, although the City’s retail market has experienced high growth, domestic retail enterprises in the City face many difficulties in development. This article analyzes the retail market and the current situation of retail enterprise development in HCMC to provide some recommendations to help domestic retail enterprises overcome challenges.
Keywords: retail, economic development, Ho Chi Minh City
ĐẶT VẤN ĐỀ
Bán lẻ hiện đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế Việt Nam. Theo Báo cáo xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030, bán lẻ nội địa đã được xác định góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ và gắn liền với việc phát triển thương hiệu hàng Việt Nam do tỷ lệ hàng hóa thương hiệu Việt tại các các doanh nghiệp bán lẻ Việt luôn vượt mức 80%. Tại TP.HCM, bán lẻ cùng với bán buôn được xem là một trong bốn lĩnh vực cốt lõi tạo nên sự phát triển kinh tế thành phố.
Trong thị trường bán lẻ các tỉnh thành, thị trường bán lẻ TP.HCM được đánh giá là có sự tăng trưởng cao, quy mô lớn nhất nước. Cụ thể: tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ của thành phố luôn chiếm từ 20-30% cả nước (Mỹ phương, 2022), tăng trưởng doanh thu bán lẻ của thành phố đạt 11,6% trong khi cả nước chỉ là 8,6%; Dân số thành phố cao nhất nước, ước tính hơn 13 triệu dân trong khi cả nước 98,5 triệu dân. Số lượng doanh nghiệp bán lẻ của TP.HCM vừa đa dạng vừa đứng đầu cả nước.
Do vai trò của bán lẻ trong phát triển kinh tế TP.HCM và kinh tế Việt Nam, cùng sự đóng góp của ngành bán lẻ TP.HCM trong ngành bán lẻ nước, bài viết sẽ tìm hiểu hiện trạng thị trường bán lẻ và hiện trạng phát triển doanh nghiệp bán lẻ nội địa tại TP.HCM để từ đó có những khuyến nghị giúp doanh nghiệp bán lẻ nội địa phát triển, đóng góp bền vững vào sự phát triển kinh tế thành phố và cả nước.
Trong giới hạn về nguồn lực, bài viết sẽ tập trung nghiên cứu vào bán lẻ hàng hóa trực tiếp tại cửa hàng.
TỔNG QUAN CHUNG VỀ THỊ TRƯỜNG BÁN LẺ VIỆT NAM VÀ BÁN LẺ TP.HCM
Theo các tố chức quốc tế như UNIDO, WB, INCENTRA, UN CONTRADE, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN về quy mô bán lẻ và thương mại điện tử, thuộc nhóm 30 quốc gia có tầng lớp tiêu dùng trung lưu lớn nhất thế giới. (Bộ Công Thương, 2022)
Với tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ của Thành phố luôn chiếm từ 20%-30% cả nước (Mỹ Phương, 2022), tăng trưởng doanh thu bán lẻ của thành phố đạt 11,6% trong khi cả nước chỉ là 8,6%, thì những đánh giá của các tổ chức quốc tế và Bộ Công Thương về thị trường bán lẻ Việt Nam cũng đã nói lên phần nào về thị trường bán lẻ TP.HCM.
Đặc trưng bởi thị trường bán lẻ lớn, sức tăng trưởng cao nên những năm gần đây, TP.HCM cũng như cả nước đã thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài qua các thương vụ mua bán và sáp nhập. Cụ thể: Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan mua toàn bộ hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam với tổng giá trị đến đến 879 triệu USD; Aeon đã đầu tư phát triển nhiều trung tâm thương mại, Tập đoàn Central Retail Thái Lan đã công bố khoảng đầu tư 1,45 tỷ USD (Nguyễn Thị Phượng, 2023), mạng lưới cửa hàng tiện lợi như 7-Eleven, Family Mart, Circle K hiện đang phủ sóng trong hầu hết các khu dân cư mới. Theo Bộ Công Thương năm 2023 thì từ nay đến năm 2025, khuynh hướng này vẫn phát triển mạnh. Và TP.HCM, được đánh giá là điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nước ngoài (Ái Vân, 2023).
HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN CỦA CÁC DOANH NGHIỆP BÁN LẺ NỘI ĐỊA VÀ NƯỚC NGOÀI TẠI TP.HCM
Để đáp ứng yêu cầu của thị trường bán lẻ khi hội nhập kinh tế quốc tế, kết cấu hạ tầng thương mại TP.HCM có những biến chuyển tích cực. Trong giai đoạn 4 năm năm, từ năm 2020 đến năm 2023, số lượng siêu thị và trung tâm thương mại tăng gần 11,7% (Tổng cục Thống kê, 2023), cơ cấu phân phối hàng hóa đã có sự dịch chuyển nhanh qua các kênh phân phối hiện đại, giảm dần số chợ và gia tăng các cửa hàng tiện dụng- siêu thị- trung tâm thương mại. Trong đó siêu thị tăng 12,7% và trung tâm thương mại tăng 6,7% (Bảng 1).
Bảng 1: Số lượng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tại TP.HCM qua giai đoạn 2020-2023
Năm 2020 |
Năm 2021 |
Năm 2022 |
Năm 2023 |
Tăng trưởng 2023/2020 |
|
Chợ |
237 |
236 |
235 |
233 |
-1,7% |
Tổng số siêu thị và trung tâm thương mại |
282 |
283 |
287 |
315 |
11,7% |
Siêu thị |
237 |
237 |
240 |
267 |
112,7% |
– Trong nước |
198 |
198 |
188 |
215 |
8,6% |
– Có vốn nước ngoài |
39 |
39 |
52 |
52 |
33,3% |
Trung tâm thương mại |
45 |
46 |
47 |
48 |
6,7% |
– Trong nước |
34 |
34 |
27 |
28 |
-17,6% |
– Có vốn nước ngoài |
11 |
12 |
20 |
20 |
81,8% |
Nguồn: Cục Thống kê TP.HCM, 2024
Bảng 1 cho thấy:
Đối với mảng siêu thị, mặc dù số lượng tăng trưởng chung đạt mức 12,7% nhưng siêu thị trong nước chỉ tăng trường 8,6% trong khi nước ngoài tăng trưởng đến 33,3%.
Tương tự, số lượng trung tâm thương mại chỉ tăng trưởng 6,7%, nhưng số lượng trung tâm thương mại có vốn nước ngoài tăng trưởng 81,8%, trong khi số lượng trung tâm thương mại trong nước giảm -17,6%. Chỉ trong 4 năm, từ chỉ chiếm 24% số trung tâm thương mại của TP.HCM thì nay, số trung tâm thương mại có vốn nước ngoài đã chiếm đến 41,7% tổng số trung tâm thương mại của Thành phố.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước chưa khai thác hiệu quả thị trường với sự gia tăng mạnh của nhóm người tiêu dùng trẻ và tầng lớp trung lưu; hệ thống cơ sở vật chất của các doanh nghiệp trong nước tuy có nhiều cải thiện, nhưng chưa hiện đại; hàng giả, hàng kém chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng hình ảnh cạnh tranh chung của các doanh nghiệp bán lẻ nội địa (Bộ Công Thương, 2022).
Đối với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, bên cạnh doanh nghiệp bán lẻ lớn như Central Group, AEON group, Lotte Mart, Emart, Big C, MM Mega Market, thì các doanh nghiệp, như: 7-Eleven, Family Mart, Circle K, GS25, Hachi Hachi, Fuji…, đã phủ sóng gần như mọi ngóc ngách. Trong 5 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam thì đã có đến 3 nhà bán lẻ mang thương hiệu nước ngoài (Central Group, AEON group, Lotte Mart).
Trong bối cảnh chuyển đổi số, bên cạnh những lợi thế về trang thiết bị, công nghệ hiện đại, vận hành khoa học, trưng bày bắt mắt, hàng hóa phong phú, thương hiệu danh tiếng, nguồn lực tài chính, năng lực tiếp thị. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đã bắt đầu mang những mô hình bán lẻ mới vào thành phố (bán lẻ trải nghiệm, bán lẻ qua hệ thống RFID tích hợp với visa- ATM không cần nhân viên thâu ngân…), nên đã thu hút rất lớn sự quan tâm của người tiêu dùng. Đặc biệt là nhóm người tiêu dùng trẻ, người tiêu dùng yêu thích công nghệ, muốn tiết kiệm thời gian hoặc nhóm người tiêu dùng yêu thích sự trải nghiệm trước khi mua.
Nếu khuynh hướng đầu tư nước ngoài vào ngành bán lẻ tiếp tục gia tăng theo dự báo của Bộ Công Thương, thì rất có thể trong dài hạn. Nếu doanh nghiệp bán lẻ nội không có các giải pháp phát triển hiệu quả, doanh nghiệp bán lẻ có vốn nước ngoài sẽ dẫn dắt ngành bán lẻ thành phố và bán lẻ Việt Nam.
CÁC KHUYẾN NGHỊ CHUNG
Để doanh nghiệp bán lẻ nội địa thành phố có thể giữ được vị trí trong thị trường của chính mình, cần có sự chung tay hỗ trợ từ phía nhà nước, chính quyền và doanh nghiệp. Cụ thể:
Về phía Nhà nước
– Hoàn thiện các bộ luật liên quan đến chống phá giá, chống thao túng thị trường từ các doanh nghiệp nước ngoài.
– Quan tâm đến giáo dục tinh thần dân tộc.
Về phía Chính quyền TP.HCM:
– Tạo môi trường cạnh tranh công bằng thông qua thực thi nghiêm các bộ luật, kiểm soát hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng.
– Cung cấp các gói vay ưu đãi, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp bán lẻ nội địa đầu tư vào cải tiến công nghệ và mở rộng thị trường.
– Phát động các phong trào người Việt, thương hiệu Việt.
Về phía doanh nghiệp:
– Cải thiện năng lực quản lý qua tăng cường học hỏi các kỹ năng quản lý hiện đại và nâng cao khả năng sử dụng các các công cụ phân tích dữ liệu thông minh.
– Đầu tư vào công nghệ, sử dụng hệ thống quản lý thông minh, tự động hóa quy trình để tăng hiệu quả hoạt động, giảm chi phí.
– Sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) phân tích hành vi khách hàng để dự đoán nhu cầu và tối ưu hóa danh mục sản phẩm.
– Phát triển hình thức đa kênh, gia tăng thương mại điện tử để tối đa hóa khả năng tiếp cận khách hàng.
– Đa dạng hóa, quan tâm đến chất lượng hàng hóa và minh bạch hóa nguồn gốc hàng hóa được trưng bày tại cửa hàng.
– Tăng cường marketing và xây dựng hình ảnh nhà bán lẻ phù hợp với nhóm khách hàng mục tiêu.
– Nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự thông qua đào tạo, cung cấp, kiến thức, kỹ năng chăm sóc khách hàng và quản lý hệ thống hiện đại.
– Cải thiện hệ thống cửa hàng, nâng cấp cơ sở vật chất, tạo không gian mua sắm hiện đại và thuận tiện.
– Nghiên cứu triển khai các mô hình bán lẻ mới như bán lẻ trải nghiệm hoặc tích hợp các công nghệ thanh toán hiện đại (RFID kết hợp với ví điện tử).
– Thu hút người tài thông qua xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn.
Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng hàng hóa cũng như ổn định nguồn cung, các doanh nghiệp cũng cần thiết lập quan hệ hợp các với các nhà cung cấp./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ái Vân (2023), Nhiều điểm sáng trong ‘bức tranh’ kinh tế TPHCM, truy cập từ https://dttc.sggp.org.vn/nhieu-diem-sang-trong-buc-tranh-kinh-te-tphcm-post108433.html.
2. Bộ Công Thương (2022), Báo cáo xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030.
3. Cục Thống kê TP.HCM (2024), Niên giám Thống kê TP.HCM năm 2023, truy cập từ https://thongkehochiminh.gso.gov.vn/Niengiam/Niengiam.
4. Nguyễn Thị Phượng (2023), Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ nội địa, truy cập từ https://tapchicongthuong.vn/giai-phap-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cua-doanh-nghiep-ban-le-noi-dia-106321.htm.
5. Mỹ Phương (2022). TP.HCM: Điểm sáng 20 năm bình ổn thị trường đậm chất thương hiệu, truy cập từ https://www.vietnamplus.vn/tphcm-diem-sang-20-nam-binh-on-thi-truong-dam-chat-thuong-hieu-post838236.vnp.
6. Tổng cục Thống kê (2024), Niên giám Thống kê 2023, Nxb Thống kê.
Ngày nhận bài: 08/11/2024; Ngày phản biện: 15/11/2024; Ngày duyệt đăng: 29/11/2024 |