Thông tin trên được đưa ra tại Lễ ký kết biên bản ghi nhớ và công bố sáng kiến “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” do Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (iDEA) – Bộ Công Thương và Amazon Global Selling Việt Nam tổ chức ngày 8/6/2022.

Amazon hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam
Sáng kiến “Thương mại điện tử Xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” được kỳ vọng góp sức xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới

Hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp chuyển đối số

Trên thế giới, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) toàn cầu được dự báo sẽ có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến đạt 7.385 tỷ USD vào năm 2025.

Không nằm ngoài xu thế, ở trong nước, những năm gần đây, TMĐT đã có những bước tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như tương lai nền kinh tế số Việt Nam trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Năm 2021, doanh thu TMĐT bán lẻ của Việt Nam tăng 16%, đạt 13,7 tỷ USD; quy mô thị trường B2C TMĐT ước tính chiếm 6,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự báo giai đoạn 2022-2025 TMĐT Việt Nam tăng trung bình 25%/năm, đạt 35 tỷ USD vào năm 2025 và chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Đặc biệt, thông tin về quá trình chuyển đổi số tại Bộ Công Thương, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin từ rất sớm để cải cách thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Quá trình chuyển đổi số hay điện tử hoá trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đã góp phần làm giảm khối lượng công việc, tổ chức xử lý thủ tục hành chính, góp phần tăng chất lượng dịch vụ công và thời gian để giải quyết các hồ sơ của các thủ tục hành chính.

Lợi ích to lớn của chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Song, bên cạnh những cơ hội phát triển, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và mở rộng thị trường tiềm năng nhờ vào TMĐT xuyên biên giới, vẫn tồn tại những bất cập đối với các doanh nghiệp Việt Nam như: Thiếu thông tin về các quy định liên quan của thị trường nước ngoài; Chưa có sự chuẩn bị để đáp ứng được sở thích và tâm lý của người tiêu dùng nước ngoài; Chưa đủ các kỹ năng, kiến thức về marketing trong TMĐT xuyên biên giới; Xây dựng định hướng kinh doanh, bảo vệ thương hiệu trong TMĐT xuyên biên giới…

Vì vậy, sáng kiến “Thương mại điện tử Xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” được kỳ vọng, sẽ hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp Việt Nam triển khai chuyển đối số, trang bị kiến thức chuyên ngành về xuất nhập khẩu, nắm bắt thông tin thị trường, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời từng bước xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.

Ông Gijae Seong – Giám đốc Quốc gia, Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, sáng kiến hướng tới mục tiêu hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực TMĐT xuyên biên giới cho 10.000 doanh nghiệp tại Việt Nam trong giai đoạn 2022- 2026.

Thông qua sáng kiến, các doanh nghiệp được trang bị kiến thức chuyên ngành về xuất khẩu, nắm bắt thông tin thị trường, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây cũng là cầu nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam và thế giới, từng bước xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.

Tham gia Chương trình, các doanh nghiệp và nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam sẽ được đào tạo với hơn 20 khóa học đa dạng nội dung như: TMĐT xuyên biên giới, nghiên cứu thị trường, xây dựng danh mục sản phẩm, đăng ký và bảo vệ thương hiệu, quy trình bán hàng trên Amazon.

Trong năm 2022, Chương trình sẽ được khởi động tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số địa phương khác.

88% DN được khảo sát tại Việt Nam nhận định TMĐT rất quan trọng

Cũng trong dịp này, Amazon Global Selling Việt Nam cũng công bố Báo cáo “Người bán hàng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu: Xu hướng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử Việt Nam”. Báo cáo được thực hiện bởi AlphaBeta thông qua việc khảo sát 300+ doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Báo cáo chỉ ra, doanh thu bán lẻ hàng hoá xuyên biên giới của Việt Nam ước tính tăng trưởng trên 20% mỗi năm, đạt 75,4 nghìn tỷ đồng trong năm 2021 và dự kiến đạt 256,1 nghìn tỷ đồng vào năm 2026. Báo cáo này nhận định, nếu coi “Thương mại điện tử B2C” như là một ngành hàng xuất khẩu, đây sẽ là ngành xuất khẩu thế mạnh đứng thức 5 tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.

88% doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam nhận định TMĐT rất quan trọng trong hoạt động xuất khẩu của họ, đồng thời nhận định doanh số bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới sẽ cao hơn doanh số bán lẻ online trong nước./.