Từ khóa: giao dịch thuật toán, thị trường chứng khoán, kinh nghiệm thế giới

Summary

Algorithmic trading has been applied at a number of securities companies and financial service provider companies in Vietnam. From August 2023, the State Securities Commission has issued an official dispatch requesting securities companies not to implement this activity, to avoid negative impacts on the market. However, with the continuous development of artificial intelligence, algorithmic technology in general is an inevitable development trend in the stock market. This study reviews international experience on the impact of algorithmic trading on the stock market, thereby proposing a number of recommendations for Vietnam in the future.

Keywords: algorithmic trading, stock market, world experience

GIỚI THIỆU

Giao dịch thuật toán đã được các nhà đầu tư trên thế giới đưa vào áp dụng từ lâu, nhưng ở Việt Nam phương pháp giao dịch này mới được đưa vào sử dụng một vài năm gần đây. Giao dịch thuật toán mang lại nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư, như: khả năng thực hiện nhanh chóng, giúp các nhà đầu tư tuân thủ đúng mục tiêu đầu tư ban đầu mà không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc chi phối trong quá trình thực hiện lệnh, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch. Tuy nhiên, loại hình giao dịch này cũng mang lại nhiều hệ lụy cho các nhà đầu tư, cũng như toàn bộ TTCK do tác động về mặt quy mô giao dịch trên thị trường. Chính vì vậy, ở Việt Nam, phương pháp giao dịch thuật toán đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tạm thời đình chỉ, không cho phép các công ty chứng khoán thực hiện. Song, về mặt dài hạn, khi TTCK phát triển hơn nữa, tất yếu loại hình giao dịch này sẽ là xu thế tất yếu. Vì vậy, nghiên cứu này sẽ nghiên cứu kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới về tác động của giao dịch thuật toán đến TTCK, với các góc độ, như: (1) Tác động đến tính thanh khoản trên thị trường; (2) Tác động đến biến động giá trên thị trường; và (3) Tác động đến chi phí giao dịch trên thị trường.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ GIAO DỊCH THUẬT TOÁN

Thuật toán (Algorithm) được hiểu là một kế hoạch gồm một số bước thiết lập chính xác một chuỗi các hành động để đạt được một nhiệm vụ xác định; thuật toán có tính chính xác cao, luôn cho cùng một kết quả từ cùng một dữ liệu đầu vào (Umasankar và cộng sự, 2023). Phần lớn các giao dịch hàng ngày trên thị trường đều có sự tham gia của các giao dịch thuật toán, đặc biệt đối với các quốc gia có TTCK được xếp hạng mới nổi và phát triển, tỷ trọng giao dịch của hình thức giao dịch này gia tăng rất nhanh qua từng năm. Hendershott và Riordan (2013) nghiên cứu 30 công ty có tính thanh khoản lớn nhất niêm yết trên TTCK Đức và nhận thấy, các giao dịch thuật toán chiếm tới trên 52% tổng khối lượng và trên 64% tỷ lệ các lệnh giao dịch trên thị trường.

TÁC ĐỘNG CỦA GIAO DỊCH THUẬT TOÁN ĐẾN TTCK THẾ GIỚI

Các giao dịch thuật toán có thể nhanh chóng phản ứng với các tin tức, sự thay đổi về giá cả cũng như mức thanh khoản trên thị trường. Vì thế, nhìn chung, các nhà đầu tư sử dụng giao dịch thuật toán có rất nhiều lợi thế so với nhà đầu tư không sử dụng. Boehmer và cộng sự (2020) nghiên cứu tác động của việc sử dụng giao dịch thuật toán đến 42 TTCK trên toàn cầu cho thấy, các giao dịch thuật toán chủ yếu tác động đến thị trường ở 3 góc độ: Tính thanh khoản của thị trường; Biến động giá trên thị trường và Chi phí giao dịch trên thị trường.

Tính thanh khoản của thị trường

Boehmer và cộng sự (2020) cho rằng, do phần lớn đối tượng sử dụng giao dịch thuật toán là các nhà đầu tư tổ chức với quy mô và giá trị giao dịch lớn, vì thế để che giấu hành vi của mình họ thường tách nhỏ các lệnh mua hoặc bán chứng khoán trên thị trường, việc tách lệnh như vậy sẽ làm đa dạng số lượng lệnh với các bước giá đặt khác nhau, tạo ra nhiều lựa chọn cho các nhà đầu tư khi giao dịch, vì thế gia tăng khả năng khớp lệnh. Foucault và các cộng sự (2003) nghiên cứu tác động của các nhà tạo lập đến điểm cân bằng của TTCK và nhận thấy, các giao dịch thuật toán giảm chi phí quan sát thị trường, đồng thời chủ động điều chỉnh các lệnh giới hạn để đáp ứng biến động trên thị trường.

Hendershott và Riordan (2013) cho rằng, các giao dịch thuật toán sẽ chủ động quan sát các điều kiện của thị trường để tối ưu các lệnh mua và bán nhằm đạt được mức thanh khoản tốt nhất. Thực tế cho thấy, có một vài chiến lược mà các giao dịch thuật toán sử dụng nhằm tăng tính thanh khoản bên mua và giảm tính thanh khoản bên bán khi mức chênh lệch giá được mở rộng trong giao dịch, nhằm tối ưu lợi nhuận của các nhà đầu tư này. Ví dụ các giao dịch thuật toán có thể chủ động chuyển từ lệnh bán sang lệnh mua nếu mức chênh lệch giá trở nên hẹp dần; hoặc các thuật toán với lệnh bán và thuật toán với lệnh mua có thể tách biệt hoàn toàn, nhưng sẽ rất nhạy cảm với các điều kiện của thị trường khi có sự thay đổi với hành động mua hoặc bán này.

Brogaard và cộng sự (2014) nghiên cứu tác động của giao dịch thuật toán đến chất lượng TTCK Mỹ và nhận thấy các giao dịch này chiếm tới 77% toàn bộ thị trường, đặc biệt khi thị trường có xu hướng đảo chiều, số lượng giao dịch đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy, khi thị trường khó khăn, thì các giao dịch thuật toán đã rút lui hoặc khi thị trường có giao dịch bất thường, thì có sự tham gia của các lệnh giao dịch thuật toán. Các tác giả cũng cho rằng, các giao dịch thuật toán đã đối ứng khoảng 51% các lệnh bán trên toàn thị trường.

Tại châu Âu, Menkveld (2013) nghiên cứu chi tiết về tác động của giao dịch thuật toán đến giao dịch các cổ phiếu của Hà Lan tại Sở Giao dịch chứng khoán Euronex trong giai đoạn 2007-2008. Nghiên cứu cho thấy, khối lượng giao dịch được đặt bởi các giao dịch thuật toán không có dư lệnh đến cuối phiên, trong khi số lượng lệnh bên trong phiên thì thay đổi liên tục và thu nhập của các nhà đầu tư đều đến từ các giao dịch thụ động (tức cung cấp các lệnh tăng tính thanh khoản); đồng thời, mức chênh giữa giá mua và giá bán đã được giảm khoảng 30% trong năm nghiên cứu đó, so với các chứng khoán của Bỉ không được sự can thiệp bởi các lệnh giao dịch thuật toán. Brogaard và các cộng sự (2014) cũng công bố kết quả tương tự, khi nhận thấy số liệu chênh lệch giá được cải thiện trên Sở Giao dịch chứng khoán Alpha tại Canada từ khi có sự xuất hiện của 11 công ty cung cấp giao dịch thuật toán tại nước này.

Biến động giá trên thị trường

Boehmer và cộng sự (2020) nhận định các giao dịch thuật toán chủ yếu tác động đến biến động giá chứng khoán theo góc độ, như: khoảng giá theo ngày, chênh lệch lợi nhuận trong ngày và biến động lợi nhuận theo ngày. Khi thị trường trở nên hiệu quả hơn, giá cả chứng khoán sẽ nhanh chóng biến động để phản ứng với thông tin mới trên thị trường; đối với các nhà giao dịch thuật toán, thông tin thị trường có thể được mã hóa dưới dạng “tin tốt”, “tin xấu” hoặc “tin bình thường”, từ đó các lệnh giao dịch sẽ nhanh chóng được đưa ra, tác động đến khối lượng và giá cả mua hoặc bán, tác động đến thị trường. Bên cạnh đó, biến động giá chứng khoán trên thị trường có thể được tăng lên do các nhà đầu giao dịch thuật toán nhanh nhạy thường ưu tiên các thị trường, hoặc các cổ phiếu có biến động giá lớn để kiếm lợi nhuận từ việc biến động giá này, vì thế đối với các cổ phiếu blue-chip hoặc với các thị trường có tiềm năng biến động giá cao thường được các nhà đầu tư giao dịch thuật toán quan tâm tham gia nhiều hơn, điều này tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa biến động giá của chứng khoán trên thị trường.

Hasbrouck và Saar (2009) so sánh mức độ biến động của giá chứng khoán tại thị trường cổ phiếu Mỹ trong giai đoạn 2001-2011 và nhận thấy, với một số các khoảng thời gian ngắn, các mức dao động giá lớn hơn so với các mức giao động bình quân trong dài hạn; ngụ ý rằng, độ trễ ngẫu nhiên của các nhà giao dịch khi đặt lệnh để hạn chế rủi ro về giá cả trong các phiên giao dịch. Trong các sự kiện tiêu cực, sụt giảm mạnh của thị trường thường diễn ra nhanh và mạnh ngoài sự dự đoán biến động giá dựa trên các phân tích cơ bản hay các nền tảng cơ bản của thị trường. Vì thế, trong các vụ sụp đổ của TTCK (như năm 1929 hoặc năm 1987) rất khó xác định được giai đoạn trước đó thị trường bị bong bóng chi phối. Một số nhà phân tích cho rằng, có thể bám vào các vòng lặp, hay dấu hiệu của thị trường, như: các tin tức về thị trường, về khối lượng giao dịch hoặc tần suất đặt lệnh mua bán chứng khoán; tuy nhiên, những điều trên vẫn rất khó có thể nhận ra bằng mắt thường hoặc thông qua các quan sát thông thường. Với các giao dịch thuật toán, bằng cách sử dụng các số liệu với quy mô lớn và nhanh chóng, có thể tìm ra các mối liên hệ bất thường trên thị trường, vì thế giúp các nhà đầu tư nhanh chóng đặt lệnh theo chiến lược của mình; điều này một lần nữa sẽ làm cho thị trường tăng tần suất xuất hiện các lệnh mua hoặc bán chứng khoán “tiêu cực”, càng làm cho mức độ biến động giá lớn hơn nữa.

Chi phí giao dịch

Chi phí giao dịch với máy tính rẻ và nhanh hơn nhiều so với việc con người thao tác xử lý, vì thế bằng việc ứng dụng máy móc vào giao dịch chứng khoán trên thị trường, đã làm cho chi phí giao dịch giảm đi đáng kể qua các năm gần đây. Jones (2013) nghiên cứu về chi phí giao dịch trung bình đối với các cổ phiếu niêm yết trên Dow Jones và nhận thấy, tổng chi phí giao dịch giảm mạnh trong giai đoạn 1975-2010. Nghiên cứu của Angel và cộng sự (2010) cho thấy, chi phí môi giới chứng khoán bình quân tại Mỹ giảm nhanh và mạnh trong giai đoạn 2003-2010, với giải thích rằng, đây là giai đoạn ứng dụng nhiều các phát minh và phần mềm liên quan đến giao dịch chứng khoán; đồng thời nhóm tác giả cũng tiến hành so sánh chi phí giao dịch tại nhiều quốc gia khác nhau tại năm 2009 và nhận thấy, các cổ phiếu lớn được giao dịch tại Mỹ có chi phí giao dịch thấp nhất trên thế giới, với mức chi phí xung quanh khoảng 40 điểm cơ bản (tương đương 0,4%) và Mỹ cũng là thị trường áp dụng công nghệ thông tin, và ứng dụng các giao dịch thuật toán lớn nhất toàn cầu.

Menkveld (2013) cho rằng, với các TTCK mới hơn, hoặc tích cực đổi mới thường quan tâm đến ứng dụng các công nghệ, các giao dịch thuật toán vào giao dịch, vì thế đã tác động rất lớn đến chi phí giao dịch. Thực tế cho thấy, sự tác động mạnh nhất là giảm hẳn chi phí thanh toán bù trừ trên hệ thống; với việc tham gia của một trung tâm thanh toán bù trừ mới là EMCF đã tạo ra một “cuộc chiến” giảm giá lên đến 50% của phí thanh toán bù trừ trong giao dịch chứng khoán. Mức giảm giá này đã nhanh chóng nhân rộng toàn bộ các cổ phiếu niêm yết tại Euronext, từ đó có lợi cho nhà đầu tư trong quá trình giao dịch chứng khoán của mình.

Brogaard và các cộng sự (2014) đã nghiên cứu tác động trực tiếp của giao dịch thuật toán đến chi phí thực hiện lệnh của các nhà đầu tư trong dài hạn. Các tác giả đã sử dụng dữ liệu từ thị trường Anh, được thu thập từ các báo cáo giao dịch chi tiết của Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA) trong giai đoạn 2007-2011; đồng thời, kết hợp dữ liệu từ ANcerno với chi phí giáo dịch của các nhà đầu tư tổ chức, để có thể đánh giá tốt nhất về các giao dịch thuật toán; các tác giả nhận thấy các giao dịch thuật toán không có tác động đáng kể đến chi phí giao dịch của các nhà đầu tư tổ chức.

THỰC TRẠNG GIAO DỊCH THUẬT TOÁN TRÊN TTCK Ở VIỆT NAM

Hiện nay, một số tổ chức tài chính trong và ngoài nước đã cung cấp một số dịch vụ tài chính liên quan đến giao dịch thuật toán, hỗ trợ các nhà đầu tư tham gia thị trường. Do các giao dịch thuật toán vẫn còn mới trên thị trường, nên các công ty cung cấp dịch vụ liên quan đến giao dịch thuật toán chủ yếu hướng tới các sản phẩm hỗ trợ số liệu để thực hiện các thuật toán, đưa ra cách phân tích và chiến lược giao dịch trên thị trường.

Điển hình nhất của ứng dụng giao dịch thuật toán trên thị trường là các tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam cung cấp API mở cho cộng đồng đầu tư. API nói chung và Web API nói riêng đang được ứng dụng ngày càng phổ biến trên thế giới, đây là phương thức, giao thức để kết nối với các thư viện và các ứng dụng khác, nó cho phép khả năng truy xuất đến một tập các hàm hay dùng, để trao đổi và giao tiếp dữ liệu giữa các ứng dụng khác nhau, tùy từng mục đích sử dụng của người phát triển nó. Trong giao dịch chứng khoán, nhằm phát triển hệ thống giao dịch thuật toán, các nhà phát triển phần mềm giao dịch luôn mong muốn tối ưu hóa quy trình thu thập dữ liệu đầu vào của các chứng khoán mình nghiên cứu, hoặc truy xuất các số liệu, trạng thái của tài khoản chứng khoán, như: các lệnh đặt mua, bán; hoặc các lệnh hủy, lệnh sửa thông qua các API được các công ty chứng khoán, hoặc sở giao dịch chứng khoán cung cấp. Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, tần suất để thực hiện quy trình này rất nhanh, được tính theo giây, hoặc đối với các nước phát triển thậm chí tính theo mili giây. Một số công ty chứng khoán và công ty tài chính đang cung cấp dịch vụ liên quan đến giao dịch thuật toán trên thị trường, như: SSI, VNDirect, KBSV, TCBS, HSC, VPS, FSS, DATX… Tuy nhiên, với quy định hiện nay của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các dịch vụ vẫn dừng lại ở cung cấp dịch vụ có liên quan cho khách hàng, chứ chưa có thực hiện đẩy lệnh giao dịch thuật toán vào khớp lệnh trên thị trường.

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ VỀ GIAO DỊCH THUẬT TOÁN TRÊN TTCK VIỆT NAM

Về mặt xu hướng phát triển, nếu Việt Nam muốn nâng hạng thị trường, thì cần đáp ứng nhiều điều kiện về cơ sở hạ tầng hàng hóa giao dịch trên thị trường…, vì thế việc áp dụng giao dịch thuật toán trên thị trường là xu thế tất yếu. Dựa vào thực trạng hoạt động về các giao dịch thuật toán trên TTCK Việt Nam, cũng như kinh nghiệm quốc tế về ảnh hưởng của giao dịch thuật toán trên TTCK, tác giả có một số khuyến nghị đối với ứng dụng giao dịch thuật toán trên TTCK Việt Nam như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ sở pháp lý về giao dịch thuật toán trên TTCK Việt Nam. Cho đến nay, chưa có quy định chính thức nào về giao dịch thuật toán tại Việt Nam. Điều này gây khó khăn cho các tổ chức tài chính khi triển khai giao dịch thuật toán trên thị trường, cũng như các nhà đầu tư khi muốn sử dụng dịch vụ này ở các tổ chức tài chính, nhưng vẫn chưa chắc chắn về việc có được triển khai dịch vụ này trên thị trường hay không.

Thứ hai, sớm thực hiện hiện đại hóa sở giao dịch chứng khoán tại Việt Nam. Các giao dịch thuật toán chỉ có thể thực hiện được khi hệ thống giao dịch của sở giao dịch chứng khoán đủ mạnh để các công ty cung cấp dịch vụ thuật toán đẩy lệnh lên hệ thống. Thực tế cho thấy, việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành công văn số 6014/UBCK-CNTT, ngày 31/8/2023 về việc không cho phép các công ty chứng khoán sử dụng giao dịch thuật toán là do hiện tượng nghẽn lệnh giao dịch của sở giao dịch chứng khoán, với nguyên nhân chính được đưa ra là do một số công ty chứng khoán đẩy lệnh giao dịch tần suất nhanh, khiến cho hệ thống của sở giao dịch chứng khoán không đáp ứng được. Bằng cách này, tính thanh khoản trên thị trường sẽ được cải thiện rõ rệt, các dải mức giá đưa ra trên thị trường sẽ đa dạng, phục vụ tốt nhu cầu giao dịch chứng khoán của các nhà đầu tư.

Thứ ba, tiếp tục thanh tra, giám sát việc công bố thông tin chính thống trên thị trường. Trên thực tế, nếu thông tin của doanh nghiệp hoặc thông tin trên thị trường không được công bố ở các kênh chính thống theo quy định, như: chính xác, đầy đủ, kịp thời; trong khi các thông tin này bị rò rỉ ở các trang mạng xã hội, các diễn đàn trên các phương tiện thông tin đại chúng và sẽ được các công cụ trí tuệ nhân tạo nhận diện, trở thành dữ liệu đầu vào của giao dịch thuật toán. Điều này sẽ gây ra sự bất bình đẳng về việc tiếp cận thông tin của các nhà đầu tư, ngoài ra còn có thể gây ra sự nhầm nhẫn trong thuật toán, gây nhiễu loạn thị trường.

Thứ tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần quy định mức phí giao dịch chứng khoán tối thiểu. Điều này vừa bảo vệ các công ty chứng khoán trên thị trường, tránh cuộc đua hạ phí giao dịch về 0% gây tổn hại tới các công ty chứng khoán nhỏ và vừa, về mặt dài hạn sẽ tránh tình trạng độc quyền của các công ty chứng khoán lớn. Việc quy định mức phí giao dịch chứng khoán tối thiểu này sẽ phần nào tạo sự cân bằng trên thị trường đối với các nhà đầu tư giao dịch thông thường và giao dịch thuật toán./.

Tài liệu tham khảo

1. Angel, J., Harris, L, Spatt, S. (2010), Equity Trading in the 21st Century, Marshall School of Business, Working Paper, 12-29.

2. Boehmer, E., Jones, M., Zhang, X. (2020), Tracking Retail Investor Activity, Journal of Finance, 8, 1-34.

3. Brogaard, J., Hendershott, T., Riordan, R. (2014), High-Frequency Trading and Price Discovery, Review of Financial Studies, 27, 2267-2306.

4. Foucault, T., Kadan, O., Kandel, E. (2013), Liquidity Cycles and Make/Take Fees in Electronic Markets, Journal of Finance, 68, 299-341.

5. Hasbrouck, J., Saar, G. (2009), Technology and Liquidity Provision: the Blurring of Traditional Definitions, Journal of Financial Markets, 12, 143-172.

6. Hendershott, T., and Riordan, R. (2013), Algorithmic Trading and the Market for Liquidity, Journal of Financial and Qualitative Analysis, 48, 1001-1024.

7. Jones, M. (2013), What Do We Know about High-Frequency Trading?, Working paper, Columbia Business School, 28-29.

8. Menkveld, A. (2013), High Frequency Trading and the New-Market Makers, Journal of Financial Markets, 16, 712-740.

9. Umasankar, T., Pradeep, A. (2023), Algo Trading – A New Paradigm in The Stock Trading, International Symposium on Electronic Systems Devices and Computing (ESDC), 1, 1-4.

TS. Phạm Tiến Mạnh – Học viện Ngân hàng

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024)