“Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân rất quan trọng, không chỉ liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân của từng công dân, mà còn liên quan đến công tác quản lý con người, quản lý xã hội và tác động đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo chủ quyền quốc gia. Do đó, đòi hỏi một hành lang pháp lý phải hết sức rõ ràng, cụ thể, minh bạch về vấn đề này…”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nhấn mạnh, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban diễn ra hôm nay (ngày 8/2), để thẩm tra dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề khó, mới, nên cần thẩm tra thật chặt chẽ…
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Huy Khánh, pháp luật hiện hành đã có quy định về thông tin cá nhân, bảo vệ thông tin cá nhân trong một số văn bản luật, nhưng mới chỉ dừng lại ở quy định chung chung (ảnh: qh)

Thay mặt Ủy ban Quốc phòng và An ninh báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị định, Đại tá Vũ Huy Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban cho biết, trong giai đoạn phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, dữ liệu cá nhân, nhất là dữ liệu cá nhân trên không gian mạng trở thành nguồn tài nguyên giá trị mà các đối tượng xấu có thể thu thập, mua bán, sử dụng để thực hiện các hành vi xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân, vi phạm pháp luật…, nên phải có biện pháp bảo vệ tương xứng.

“Pháp luật hiện hành đã có quy định về thông tin cá nhân, bảo vệ thông tin cá nhân trong một số văn bản luật, nhưng mới chỉ dừng lại ở quy định chung chung về quyền, chế tài, chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ các loại thông tin này và chưa có quy định về khái niệm dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân…”, ông Khánh nói.

Do đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh thống nhất việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh, thống nhất về bảo vệ dữ liệu cá nhân là rất cần thiết, phù hợp với chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Về tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu và thông tin cá nhân, trả lời đạt biểu Quốc hội ở phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, thực trạng này đang diễn ra rất phức tạp. Để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này, Bộ Công an kiến nghị một số giải pháp như: Hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách đặc thù về bảo vệ an toàn, an ninh mạng; các bộ, ngành, địa phương chủ động đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng bảo đảm an ninh hệ thống, an ninh thông tin quan trọng; xây dựng chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này; đẩy mạnh hợp tác quốc tế…

Tại phiên họp, đa số các đại biểu cho rằng cần thiết ban hành một văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh, thống nhất về bảo vệ dữ liệu cá nhân; đồng thời đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, không quy định lại hoặc quy định khác về các nội dung liên đến quan bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được các luật quy định.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề khó, mới, nên cần thẩm tra thật chặt chẽ…
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại phiên họp tới (ảnh: qh)

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề khó, mới, nhiều nội dung chưa được thực tế kiểm nghiệm. Do đó, đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiến hành thẩm tra thật chặt chẽ theo tinh thần xây dựng luật.

“Ủy ban Quốc phòng và An ninh xem xét các vấn đề của dự thảo Nghị định có vượt thẩm quyền hay không, nếu có là gì? Đồng thời lưu ý, theo quy định của Hiến pháp năm 2013, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật, trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng…”, ông Phương lưu ý.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh hoàn thiện báo cáo thẩm tra, báo cáo tổng hợp ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại phiên họp tới…/.