“Quan Âm Các – Ngôi đền không bị lũ lụt cuốn trôi, kiên cố giữa sông Dương Tử suốt 700 năm” – đây không chỉ là một tiêu đề ấn tượng mà còn là biểu tượng của sự kiên trì và bền bỉ của kiến trúc Trung Hoa. Nằm tại trung tâm sông Dương Tử thuộc thành phố Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc, Quan Âm Các đã chứng kiến biết bao trận lũ dữ dội qua các thế kỷ mà vẫn đứng vững như chưa hề có chuyện gì, xứng đáng với danh hiệu “Nhất các của vạn lý Dương Tử”.
Quan Âm Các giữa lòng Dương Tử
Quan Âm Các, được xây dựng trên một tảng đá lớn nên còn được gọi là đền Long Bàn. Nằm giữa sông Dương Tử, trải qua vô số trận lũ lụt trong suốt 700 năm. Liệu đằng sau sự “ngạo nghễ” ấy có bí mật gì?
Bí ẩn đằng sau sự vững chãi của Quan Âm Các không chỉ nằm ở bản thân vị Bồ Tát được thờ trong chùa mà còn ở chính kiến trúc độc đáo của nó. Mỗi khi mùa mưa đến, mực nước sông Dương Tử dâng cao khiến Quan Âm Các bị nhấn chìm đến một nửa, chỉ lộ ra cửa sổ tầng hai và mái nhà.
Quan Âm Các rộng khoảng 300m2 với chiều dài 24m, rộng 10m và cao 14m, gồm 2 tầng với nhiều cửa nhỏ, phần mái phủ màu rêu phong theo năm tháng. Theo các ghi chép lịch sử như “Biên niên sử huyện Vũ Xương”, “Vũ Xương huyện chí”, Quan Âm Các trước kia là ngôi chùa nhỏ thờ Bồ Tát nhưng cũng sớm bị lũ cuốn. Cũng có tài liệu ghi chép ở bảo tàng, cho rằng Quan Âm Các được xây dựng vào thời nhà Tống, chức năng chính là giúp kiểm soát lũ lụt và tránh thiên tai, được xây dựng lại vào thời nhà Nguyên (năm 1345). Đến năm Gia Tĩnh thứ 6 nhà Minh (1527), ngôi chùa cũng từng bị phá hủy và được xây dựng lại với quy mô lớn hơn, có thêm điện Quan Âm và lầu Xuân Dương. Đến nhà Thanh, năm Đồng Trị thứ 3 (1864) được gia cố thêm lần nữa và tồn tại cho đến ngày nay.
Nhiều người cũng tự hỏi, không biết điều gì đã giúp Quan Âm Các không bị lũ cuốn trôi suốt 700 năm, liệu có điều huyền cơ gì ở đây hay không? Vào mùa mưa, lũ lụt thường xuyên xảy ra ở lưu vực sông Dương Tử. Trong suốt nhiều thế kỷ, công trình cổ kính này đã bị ngập lụt vô số lần nhưng cấu trúc chính của công trình vẫn được bảo tồn tốt.
Quan Âm Các không sợ lũ sao?
Thời xa xưa khi công nghệ chưa phát triển, Quan Âm Các do người xưa xây dựng đã có thể chống chọi được với dòng nước lũ. Bí ẩn đằng sau nó là gì?
Điều đầu tiên phải kể đến, móng của Quan Âm Các rất vững chãi, được xây dựng trên một khối đá khổng lồ giữa lòng sông, tên là bãi đá Long Bàn, chính vì thế người ta cũng gọi đây là đền Long Bàn. Đây cũng là bí mật ẩn giấu giúp Quan Âm Các tồn tại qua nhiều năm bất chấp lũ xiết cuồn cuộn dâng cao hàng năm.
Ngoài ra, khối đá Long Bàn giống như tảng đá hình vòng cung, xung quanh Quan Âm Các cũng có tường rào bao quanh để điều tiết dòng nước. Bức tường cũng phần nào giúp chùa chịu áp lực của nước nhỏ hơn nhiều.
Quan Âm Các đã kinh qua nhiều trận đại hồng thủy lớn như năm 1954 hay 1998 khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng. Kinh hoàng hơn nữa khi ngược về dòng thời gian xa hơn vào năm 1911, nạn hồng thủy đã lấy đi tính mạng của cả trăm nghìn người.
Tòa điện chính của Quan Âm Các được xây bằng gạch xanh cũng không sợ lũ lụt. Phần nền dày hơn 1m và được xây dựng bằng đá. Ở phía Tây có một bức tường đá cong, tích hợp toàn bộ chùa với khối đá Long Bàn – tạo thành cấu trúc giống như mạn tàu, có thể làm chậm tốc độ di chuyển của nước, vừa chống lại được tác động của lũ như nói ở trên đồng thời cũng có lợi để xả lũ theo dòng chảy.
Ngoài ra ở góc phía Tây của Quan Âm Các còn có lỗ thoát nước hình chữ “L”, dài khoảng 30cm, rộng 20cm, nằm ở điểm thấp nhất của toàn bộ tòa nhà khi thủy triều xuống, nước lũ có thể nhanh chóng xả ra từ lỗ thông này, giúp giảm thiệt hại cho tòa nhà.
Cũng không thể không nhắc đến vai trò của cơ quan quản lý di tích trong việc bảo tồn Quan Âm Các sau nhiều năm như vậy. Sau trận lụt sông Dương Tử năm 1998, Quan Âm Các đã được tu sửa toàn diện.
Năm 2006, Quan Âm Các được công nhận là một trong những di tích văn hóa trọng điểm quốc gia. Vì lý do bảo tồn, cục di tích văn hóa địa phương đã dừng dự án tham quan và người dân chỉ được phép chiêm ngưỡng Quan Âm Các từ bên ngoài.