Từ khóa: lối sống công nhân, biến đổi lối sống công nhân, khu công nghiệp, Bắc Ninh

Summary

Within the scope of this article, the authors focus on clarifying some concepts related to worker lifestyle and changing worker lifestyle. At the same time, evaluate changes in production and business methods, technology, corporate culture and the impact of these changes on changing the lifestyle of workers in industrial parks in Bac Ninh province. On that basis, the authors propose solutions to manage changes in workers’ lifestyles in industrial parks in the locality.

Keywords: worker lifestyle, changing worker lifestyle, industrial park, Bac Ninh

GIỚI THIỆU

Trong thời đại Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, khoảng cách về không gian địa lý được thu hẹp tối đa. Điều đó đồng nghĩa với việc mối giao lưu, quan hệ giữa con người với con người được mở rộng. Bên cạnh đó, tác động của cuộc CMCN 4.0 cũng tác động đến sự thay đổi của doanh nghiệp về phương thức sản xuất, văn hóa doanh nghiệp, công nghệ sản xuất, từ đó ảnh hưởng đến lối sống của công nhân tại các KCN. Sự biến đổi lối sống diễn ra nhanh chóng trong thời gian ngắn, bao gồm cả những biến đổi tích cực và tiêu cực. Đây là thách thức rất lớn đối với mỗi quốc gia, mỗi địa phương, đặc biệt là những địa phương có nhiều KCN như Bắc Ninh trong việc tìm ra các giải pháp để quản lý biến đổi lối sống công nhân theo hướng tích cực, văn minh, lành mạnh.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT

Lối sống và lối sống công nhân

“Lối sống” là một phạm trù rộng, là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn. Theo Đobơrianop (1985): “Lối sống là sinh hoạt cá nhân, chủ quan hóa của hệ thống những quan hệ xã hội, của toàn bộ tổng thể những điều kiện sống, thể hiện trong hoạt động của con người”.

Phạm Hồng Tung (2007) cho rằng: “Lối sống của con người là các chiều cạnh chủ quan của văn hóa, là quá trình hiện thực hóa các giá trị văn hóa thông qua hoạt động sống của con người. Lối sống bao gồm tất cả những hoạt động sống và phương thức tiến hành các hoạt động sống được một bộ phận lớn hoặc toàn thể nhóm hay cộng đồng người chấp nhận và thực hành trong một khoảng thời gian tương đối ổn định, đặt trong mối tương tác biện chứng của các điều kiện sống hiện hữu và trong các mối liên hệ lịch sử của chúng”.

Nguyễn Trần Bạt (2009) đã đưa ra định nghĩa về lối sống như những cách thức, phép tắc tổ chức và điều khiển đời sống cá nhân và cộng đồng đã được thừa nhận rộng rãi và trở thành thói quen. Lối sống có quan hệ chặt chẽ với phương thức sản xuất của mỗi thời đại. Tuy nhiên, lối sống hình thành và thể hiện không chỉ trong lao động sản xuất, mà cả trong nhiều lĩnh vực khác như: hoạt động xã hội, hoạt động chính trị, hoạt động tư tưởng văn hóa, thể dục thể thao… Lối sống bao gồm nhiều yếu tố cấu thành như: cách thức lao động, làm ăn, kinh doanh, tác phong làm việc…; tư tưởng, quan điểm, thái độ, tinh thần làm việc; các phong tục tập quán, thói quen trong sinh hoạt, làm việc; cách thức giao tiếp, ứng xử với nhau; quan niệm về đạo đức và nhân cách.

Có thể thấy, điểm giống nhau cơ bản của các tác giả khi định nghĩa về lối sống là ở chỗ, họ đều cho rằng, lối sống bao gồm tất cả các lĩnh vực hoạt động sống cơ bản của con người, từ lao động, sinh hoạt, hoạt động xã hội – chính trị và giải trí.

Từ đó, có thể nêu khái niệm về lối sống công nhân là tổng hòa những hoạt động sống của những người công nhân và các cá nhân người lao động công nghiệp trong điều kiện của một hình thái kinh tế – xã hội nhất định và biểu hiện trên các lĩnh vực của đời sống: trong lao động và hưởng thụ, trong quan hệ giữa người với người, trong sinh hoạt tinh thần và văn hóa.

Biến đổi lối sống công nhân

Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trước tác động của CMCN 4.0, lối sống công nhân có sự thay đổi để thích ứng với những yêu cầu mới, cập nhật xu hướng mới trong xã hội. Trong đó, có những thay đổi lớn về các mặt: đời sống sinh hoạt, văn hóa, giao tiếp ứng xử… Tất cả những thay đổi này làm biến đổi lối sống công nhân trong giai đoạn phát triển mới. Từ đó, có thể khái quát biến đổi lối sống công nhân là sự thay đổi mang tính xu hướng về đời sống sinh hoạt, văn hóa, giao tiếp ứng xử của công nhân trong bối cảnh CMCN 4.0.

Quản lý biến đổi lối sống công nhân

CMCN 4.0 đã làm thay đổi cách mà con người sống và làm việc. Các đặc điểm chính của CMCN 4.0 bao gồm: sự gia tăng tự động hóa và việc sử dụng robot, dữ liệu lớn để tạo ra chuỗi cung ứng thông minh và trí tuệ nhân tạo trong việc ra quyết định. Trong bối cảnh CMCN 4.0, xu hướng đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động và hiệu quả hoạt động là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp. Việc thay thế con người sang máy móc, công nghệ hiện đại đã trở thành mục tiêu và phương tiện để phát triển kinh tế tại các quốc gia. Xét về lâu dài thì quá trình này sẽ đem lại cơ hội việc làm mới tốt hơn trong tương lai cho người lao động. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi, nguy cơ thất nghiệp do đổi mới công nghệ là một vấn đề cần được lưu tâm. Bên cạnh đó, lối sống của công nhân cũng có sự thay đổi khi du nhập văn hóa của người lao động các nước, các địa phương khác nhau. Những thay đổi này bao gồm cả những thay đổi tích cực và những thay đổi chưa phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam, của địa phương. Trong bối cảnh đó, mỗi quốc gia, mỗi địa phương cần có có giải pháp quản lý biến đổi lối sống công nhân phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế – văn hóa, xã hội tăng trưởng mạnh, người lao động có lối sống văn minh. Do đó, có thể khái quát quản lý biến đổi lối sống công nhân là hệ thống các định hướng, giải pháp, cơ chế tác động nhằm hướng biến đổi lối sống công nhân trong các KCN theo hướng văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Để đánh giá sự biến đổi lối sống công nhân trong các KCN, nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát 360 công nhân của 32 doanh nghiệp tại KCN Quế Võ 1 và KCN Yên Phong của tỉnh Bắc Ninh trong năm 2022.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Lối sống tích cực được thể hiện ở phẩm chất đạo đức, nhân cách, ý thức trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ đồng nghiệp, tính năng động sáng tạo trong lao động… Đây là những là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng mối quan hệ giữa con người với con người trong lao động sản xuất, trong đời sống thường ngày.

Theo kết quả khảo sát của nhóm tác giả ở Hình 1, đa phần ý kiến đánh giá, công nhân trong các KCN hiện nay chịu khó, chuyên cần (65,28%), dám nghĩ dám làm (62,7%), năng động, sáng tạo trong lao động (63,61%), có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp (58,06%), có tinh thần đoàn kết, hòa đồng, sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp (59,72%), có trách nhiệm (52,5%), trung thực trong lao động (51,3%). Ngoài ra, đa số người lao động cũng có ý thức chấp hành nội quy, kỷ luật và ý thức nâng cao tay nghề.

Hình 1: Lối sống tích cực của công nhân trong các KCN tỉnh Bắc Ninh

Biến đổi lối sống công nhân trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
Nguồn: Kết quả khảo sát

Bên cạnh những thay đổi tích cực, vẫn còn một bộ phận công nhân có lối sống không lành mạnh, thái độ, tinh thần, tác phong làm việc chưa cao, vụ lợi, ích kỷ. Theo kết quả khảo sát ở Hình 2, một bộ phận công nhân còn lười biếng (27,78%); thụ động (31,11%), lối sống buông thả, thực dụng (28,06%), ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân (22%), tâm lý hưởng lạc, chạy theo đồng tiền (31,11%), ứng xử, giao tiếp kém (25,56%), đua đòi, lãng phí (29,44%).

Hình 2: Một số biểu hiện của lối sống tiêu cực của công nhân trong các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Biến đổi lối sống công nhân trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
Nguồn: Kết quả khảo sát

Lối sống buông thả đã dẫn tới nhiều công nhân vi phạm kỷ luật lao động, như: không sử dụng thiết bị bảo hộ lao động, không chấp hành nội quy lao động, nhất là tình trạng trộm cắp tài sản, nghỉ làm tự do không xin phép, không hoàn thành định mức công việc và không chấp hành kỷ luật lao động. Như vậy, nhiều công nhân đã có biểu hiện lệch chuẩn trong lối sống, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp và hình ảnh người công nhân Việt Nam. Một số công nhân suy thoái có lối sống thực dụng, thoả mãn nhu cầu trước mắt. Thực tế cho thấy, lối sống tiêu cực tác động đến thái độ và hành vi ứng xử của công nhân KCN, làm mất hình ảnh công nhân Việt Nam trước các chủ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Theo nhóm tác giả, có nhiều nguyên nhân dẫn đến lối sống tiêu cực, thiếu lành mạnh:

(1) Nguyên nhân chủ quan

– Nguyên nhân từ phía công nhân trong KCN

Tại các KCN tỉnh Bắc Ninh, có nhiều thành phần lao động đến từ nhiều địa phương khác nhau với phong tục, tập quán và văn hóa khác nhau. Nhiều công nhân đến từ vùng sâu, vùng xa như Sơn La, Lai Châu với những phong tục tập quán lạc hậu, hạn chế trong văn hóa ứng xử, hiểu biết phát luật và nhận thức nên dễ bị lôi kéo, kích động, giờ giấc làm việc còn tùy tiện.

Đó là chưa kể, công nhân trong KCN tỉnh Bắc Ninh đa phần có trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn thấp, mức độ nhận thức kém, nên việc học hỏi chuyên môn, kỹ năng tay nghề hạn chế. Bên cạnh đó, nhận thức kém dẫn đến việc thiếu hiểu biết về pháp luật, nội quy, quy chế công ty dẫn đến vi phạm kỷ luật, không tuân thủ nội quy, quy chế công ty và KCN.

– Nguyên nhân từ phía doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp thiếu quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, người lao động dẫn đến đời sống công nhân không đảm bảo, họ phải tìm các doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh khác có thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, việc thiếu sân chơi cho công nhân sau giờ làm cũng là nguyên nhân dẫn đến công nhân sa đà vào rượu chè, cờ bạc, trò chơi điện tử…

(2) Nguyên nhân khách quan

Hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan đến lĩnh vực xây dựng đời sống công nhân, lao động hiện chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, mới chỉ mang tính định hướng; công tác xây dựng, phê duyệt và cấp giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư cho các KCN chưa gắn với quy hoạch xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hoá – xã hội dành cho công nhân lao động; nội dung, mô hình về phương thức tổ chức và hoạt động văn hóa công nhân lao động ở các KCN còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa sát với đối tượng, điều kiện của công nhân lao động.

CMCN 4.0 khiến người công nhân lệ thuộc nhiều vào máy móc thiết bị, công nghệ trong sản xuất, xu hướng sử dụng điện thoại thông minh, xem ti vi và các trò chơi điện tử nhiều hơn, ít giao tiếp hơn. Đây là nguyên nhân dẫn đến giao tiếp ứng xử kép, tinh thần đoàn kết, phối kết hợp, giúp đỡ nhau trong công việc và trong đời sống bị hạn chế.

Ngoài ra, tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, xu hướng chạy theo lợi nhuận, tăng trưởng kinh tế thuần túy chưa đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội dẫn đến nhiều doanh nghiệp không quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động. Bên cạnh đó, quá trình hội nhập cũng dẫn đến trong cùng KCN có nhiều lao động đến từ các nước khác nhau, đến từ các vùng miền khác nhau, dễ kéo theo tâm lý ăn chơi, đua đòi, sống lệch chuẩn.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Để quản lý biến đổi lối sống công nhân trong các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh trước tác động của cuộc CMCN 4.0, qua nghiên cứu thực trạng, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp sau:

Đối với ban quản lý và doanh nghiệp trong các KCN tỉnh Bắc Ninh

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của việc học tập nâng cao trình độ và rèn luyện ý thức, tác phong và lối sống tích cực cho công nhân lao động

– Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của doanh nghiệp về việc nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động.

– Đẩy mạnh và kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp để người lao động nhận thức đúng và tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện chương trình đào tạo do doanh nghiệp tổ chức.

– Phối hợp tham gia với các ban ngành chức năng có liên quan nghiên cứu, tổ chức nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng, học tập phù hợp, phong phú nhằm khuyến khích, thu hút công nhân lao động có điều kiện thuận lợi tích cực học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.

– Xây dựng xã hội học tập, giáo dục ý thức tự học cho công nhân, lao động. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người công nhân về sự cần thiết phải học tập, coi học tập là điều kiện tiên quyết để trở thành người lao động có tri thức, có văn hóa, có việc làm ổn định, thu nhập ngày càng cao hơn.

– Các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo động lực cho công nhân học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và rèn luyện tác phong làm việc, lối sống tích cực. Bên cạnh đó, công đoàn các doanh nghiệp cũng cần có những hỗ trợ, khuyến khích cả về vật chất lẫn tinh thần trong điều kiện cho phép để biểu dương, khen thưởng kịp thời những đoàn viên, công nhân, lao động trong điều kiện vừa học, vừa làm đạt thành tích cao cả trong công tác và học tập, nhất là đối với công nhân, lao động có tinh thần cao trong tự học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và có lối sống đẹp, tác phong làm việc chuyên nghiệp.

Thứ hai, xây dựng mô hình “Điểm học tập, sinh hoạt văn hóa” phục vụ công nhân lao động gắn với các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa công nhân tại KCN.

Trên cơ sở thống kê, rà soát, khảo sát thực tế hoạt động của các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại các KCN, cần đầu tư bổ sung trang thiết bị, sách, báo, máy tính kết nối internet cho các điểm sinh hoạt văn hóa phục vụ công nhân lao động.

Vận động các khu công nghiệp bố trí diện tích nhà cho “Điểm học tập, sinh hoạt văn hóa” phù hợp với quy mô công nhân và giao cho công đoàn các KCN quản lý để phục vụ công nhân lao động học tập, sinh hoạt văn hóa.

Tổ chức sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện đề án và đánh giá mô hình “Điểm học tập, sinh hoạt văn hóa”; khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện đề án và công nhân lao động có thành tích xuất sắc trong học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và có lối sống đẹp, tác phong làm việc công nghiệp, hiện đại, chuyên nghiệp.

Thứ ba, kết hợp đào tạo chuyên môn với giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc tích cực

Bên cạnh việc đào tạo chuyên môn, kỹ năng cho công nhân, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh giáo dục ý thức chính trị, văn hóa lối sống. Trong đó, cần tập trung giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm xây dựng và nâng cao ý thức chính trị cho công nhân. Đối với giáo dục lối sống công nhân, thì việc xác định những chuẩn mực lao động, các quyền, các nghĩa vụ của chủ thể, các thiết chế tương ứng và các điều kiện đảm bảo thi hành là rất quan trọng.

Thứ tư, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ công nhân.

Phối hợp giữa các ngành chức năng để tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động trong công nhân. Để đẩy mạnh tuyên truyền những chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công nhân cần tiếp tục phối hợp hoạt động có hiệu quả với các ngành chức năng về công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, phòng chống các tệ nạn xã hội. Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật trong công nhân; tăng cường phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra về thực hiện chế độ chính sách, giải quyết việc làm cho công nhân. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến giải quyết chế độ tiền lương, tiền công, đóng nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, công tác bảo hộ lao động cho công nhân trực tiếp tại các doanh nghiệp; chủ động kiểm tra, giám sát việc ký và thực hiện thoả ước lao động tập thể, hợp đồng lao động, xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở.

Đối với công nhân

Trong thời đại CMCN 4.0, mỗi người công nhân cần tích cực nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm và thái độ, ý thức, tác phong làm việc, lối sống lành mạnh phù hợp với văn hóa, nội quy doanh nghiệp và ban quản lý KCN.

Người công nhân phải tự ý thức được những giá trị truyền thống của cha ông và dân tộc cũng như những giá trị tinh hoa của nhân loại cần tiếp thu để có lối sống với thế giới quan khoa học, hướng tới chân – thiện – mỹ, kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Trần Bạt (2009), Văn hóa và con người, Nxb Hội nhà văn.

2. Nguyễn Thị Kim Hoa và cộng sự (2021), Tác động của biến đổi xã hội đến ổn định và phát triển vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

3. Phạm Hồng Tung (2007), Nghiên cứu về lối sống: Một số vấn đề về khái niệm và cách tiếp cận, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, số 23.

4. Trịnh Duy Luân (2003), Nghiên cứu những vấn đề biến đổi xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Xã hội học, 2(82).

4. V. Đobơrianop (1985), Xã hội học Mac-Lenin, Nxb Thông tin lý luận.

Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Vũ Hồng Phong

Trường Đại học Lao động – Xã hội

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 02, tháng 01/2024)