Từ khóa: kinh tế bền vững, hệ thống thủy điện, sông Mekong, Đồng bằng sông Cửu Long, biến đổi khí hậu

Summary

The impacts of flow reduction and salinity in the Mekong Delta are taking place seriously and have a strong impact on sustainable economic development in this region, caused by various factors, such as: human impacts, climate change, hydroelectric systems and especially impacts from dam, canal projects on the upper Mekong River. This article analyzes the impact of the dam system on the Mekong River and salinity affecting the sustainable economic development of the Mekong Delta region, thereby proposing solutions to limit negative effects and create impetus for sustainable development in this region.

Keywords: sustainable economy, hydroelectric system, Mekong River, Mekong Delta, climate change

ĐẶT VẤN ĐỀ

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2022), ĐBSCL là vùng kinh tế nông nghiệp quan trọng, đóng góp trên 33% GDP nông nghiệp cả nước và 30% GDP của Vùng. ĐBSCL đứng đầu cả nước về sản lượng lúa gạo, chiếm 56% tổng sản lượng (24,5 triệu tấn); chiếm 98% sản lượng cá tra (1,41 triệu tấn) và 60% các loại trái cây cả nước (4,3 triệu tấn). Đi cùng với đó, ĐBSCL chiếm 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam [5]. Như vậy, có thể thấy nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của ĐBSCL. Để đạt được vị trí đứng đầu trong việc sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của cả nước, chắc chắn không thể thiếu đi việc sử dụng và cải thiện nguồn nước nhằm phục vụ cho nhiệm vụ sản xuất gạo. Vì vậy, có thể nói nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên để ĐBSCL phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức, như: việc khai thác, sử dụng nước quá mức đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng. Đặc biệt, BĐKH, nước biển dâng đang diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan, làm ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt tại các đô thị, tuyến dân cư, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội của toàn Vùng. Do đó, nghiên cứu phân tích tác động của các yếu tố chủ quan và khách quan đến khan hiếm nguồn tài nguyên nước gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế bền vững khu vực ĐBSCL mang tính cấp bách và có giá trị thực tiễn cao.

THỰC TRẠNG BIẾN ĐỔI TÀI NGUYÊN NƯỚC GÂY ẢNH HƯỞNG ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÙNG ĐBSCL

ĐBSCL có diện tích 3,96 triệu ha, chiếm 5% diện tích lưu vực, chịu nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên. Trong đó, diện tích bị ảnh hưởng của lũ lụt chiếm trên 1,9 triệu ha ở vùng thượng nguồn và từ 1,2 – 1,6 triệu ha ở vùng ven biển bị xâm nhập mặn; Khoảng 1,0 triệu ha ở những vùng thấp trũng thuộc diện đất phèn và sự lan truyền nước chua; Thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt khoảng 2,1 triệu ha ở những vùng xa sông, gần biển [7]. Những thách thức về nguồn nước đối với vùng ĐBSCL đến từ 2 nguyên nhân chính có xuất phát từ phía thượng lưu và phía biển, cụ thể:

Hệ thống đập nước trên sông Mekong tác động đến lưu lượng nước vùng ĐBSCL

Dòng chảy sông Mekong có liên quan đến 5 quốc gia gồm: Campuchia, Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam, nhưng chỉ có 4 quốc gia (trừ Trung Quốc không tham gia) được điều phối hợp tác phát triển bởi Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC). Hiện trạng hệ thống đập nước trên sông Mekong đang có 45 đập lớn (chưa tính các con đập trên các nhánh phụ) trên lãnh thổ 5 nước và đang được dự án Giám sát hoạt động của các đập thủy điện trên sông Mekong (MDM) giám sát, theo dõi. Hoạt động xây dựng hồ chứa (thủy điện, cấp nước, chuyển nước dẫn đến thay đổi chế độ thủy văn của Vùng gây xói lở bờ sông, bờ biển, thiếu phù sa, hạ thấp đáy sông… làm thay đổi chế độ dòng chảy lũ (sinh lũ lớn trên sông) gây ngập úng.

Việt Nam là quốc gia nằm ở hạ lưu Sông Mekong trước khi đổ ra biển, có tới 5 đập lớn chiếm 1/9 số lượng đập lớn song trữ lượng nước tại Việt Nam chỉ chiếm 1,3% trong tổng số 46.631 Km3. Lưu lượng trung bình năm của hệ thống sông Mekong khi chảy về Việt Nam đã được Biển Hồ (Campuchia) điều tiết đạt 13.800 m3/s, lưu lượng mùa lũ lên đến 30.000m3/s và lưu lượng mùa kiệt xuống còn 5.020 m3/s [8]. Tuy nhiên, lưu lượng nước được đề cập chỉ mang tính tham vấn, vì lưu lượng này phụ thuộc rất nhiều vào các quốc gia ở thượng nguồn sông Mekong, mà đặc biệt là Trung Quốc với trữ lượng nước lớn.

Theo Ban thư ký của MRC cho biết, liên tiếp từ năm 2019 đến năm 2021, các dòng chảy chính của con sông này đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 60 năm qua. Trong đó, năm 2020 là năm khô hạn nhất của lưu vực hạ lưu sông Mekong khi lượng mưa mỗi tháng đều dưới mức bình thường (trừ tháng 10). Tuy nhiên, đầu mùa khô năm 2023, lượng nước trên hệ thống sông Mekong đang rút chậm, cộng thêm việc tiếp nhận một lượng lớn nước xả từ các từ các đập thủy điện đầu lưu vực (tính riêng, các đập thượng nguồn trên lãnh thổ Trung Quốc đã xả tổng cộng 677 triệu m3 nước tích trữ trong mùa mưa vào hệ thống sông Mekong) đã khiến dòng chảy sông Mekong tại Thái Lan cao hơn 50% so với dòng chảy trong điều kiện tự nhiên đầu tháng 01/2022. Hiện tượng mực nước cao hơn dòng chảy tự nhiên đã là một sự bất thường và mất cân bằng sinh thái cho các quốc gia vùng hạ lưu, mà trong đó có Việt Nam ở cuối nguồn. Như vậy, các đập thủy điện ở Trung Quốc và các hồ chứa ở Thái Lan, Lào, Campuchia sẽ làm chậm tốc độ dòng chảy thiên nhiên của sông Mekong, làm bồi lắng một lượng phù sa lớn tại hồ, thay đổi động lực dòng chảy gây xói lở các đoạn sông hạ lưu, đập chắn đường đi cho chu trình sinh sản đồng thời cũng làm thay đổi chế độ phù du, dinh dưỡng sông ảnh hưởng đến chu trình sinh sản và sinh trưởng của các loài cá, tác động đến sinh kế của người dân ven sông. ĐBSCL hàng năm người dân vẫn mong lũ về (còn gọi là mùa nước nổi) để khai thác thủy sản, vệ sinh đồng ruộng, lấy phù sa. Chỉ riêng các tỉnh trong vùng ven biên giới Việt Nam – Campuchia, mùa nước nổi hàng năm cũng thu nhập khoảng 4,500 tỷ đồng [10]. Có thể thấy, ảnh hưởng các công trình đập, thuỷ điện trên thượng nguồn sông Mekong (riêng lượng phù sa từ thượng nguồn Trung Quốc chiếm khoảng 50% tổng lượng phù sa của sông Mekong) tác động rất lớn đến ĐBSCL từ hiện trạng, dòng chảy, lượng phù sa cho đến lợi ích kinh tế (Bảng).

Bảng: Số lượng đập lớn và thông tin trữ lượng nước năm 2022

Quốc gia

Số lượng đập

Tổng trữ lượng nước

(Km3)

Tỷ lệ dự trữ nước

(%)

Campuchia

2

1.037

2,2

Trung Quốc

11

24.396

52,3

Lào

21

17.292

37,1

Thái Lan

7

3.299

7,1

Việt Nam

5

607

1,3

Tổng cộng

45

46.631

100

Nguồn: Mekong Dam Monitor (2023) [8]

Tình trạng nhiễm mặn tại ĐBSCL

Xâm nhập mặn gây ra những hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của cả vùng ĐBSCL. Nguyên nhân là do triều cường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây tình trạng xâm nhập nặn, úng ngập, làm suy giảm diện tích và chất lượng rừng ngập mặn ven biển, nguy cơ xói lở bờ biển. Cả 13 địa phương thuộc ĐBSCL đều đã bị nhiễm mặn, trong đó đã có 11/13 tỉnh/thành công bố tình trạng thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn là: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Ninh Thuận. Mặc dù đã có một số giải pháp được áp dụng để kiểm soát xâm nhập mặn ở địa phương như: Xây dựng hệ thống kênh rạch dẫn nước ở ĐBSCL (khoảng 5.000 km kênh được đào khắp các tỉnh, 45 công trình thủy lợi với mục đích giảm thiểu lũ lụt và ngăn mặn); Các công trình ngăn mặn lớn tại ĐBSCL gồm hệ thống thủy nông Quản Lộ – Phụng Hiệp, hệ thống thủy lợi ngọt hóa và ngăn mặn ở tỉnh Bến Tre, cống đập Ba Lai và hệ thống đê biển cho toàn bộ hệ thống ven biển ĐBSCL, tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn vẫn diễn biến phức tạp. Các vùng cách cửa sông từ 25-35 km, độ mặn 4% xâm nhập thường xuyên, nhất là trong các đợt triều cường, nước biển lên cao. Vùng cách cửa sông từ 35-45 km, độ mặn 4% xuất hiện không thường xuyên, chỉ vào lúc triều cường. Trên hệ thống sông Vàm Cỏ, độ mặn 4 gram/lít đã vào sâu 50 km trên sông Vàm Cỏ Tây và độ mặn 1gram/lít đã vào sâu 70 km trên sông Vàm Cỏ Đông. Tương tự, trên hệ thống sông Cửu Long, sông Tiền độ mặn 4 gram/lít cũng đã vào sâu 50 km, độ mặn 2 gram/lít đã vào đến TP Mỹ Tho. Trên sông Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên, Ba Lai độ mặn 4 gram/lít đã vào sâu hơn 50 km. Năm 2023, chiều sâu ranh mặn 4% trong thời kỳ này trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn từ 45-55 km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 35-45 km; sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên là 45-55 km; sông Hậu là 30-40 km; sông Cái Lớn là 30-40 km [7].

Những vấn đề đặt ra đối với nguồn tài nguyên nước cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL

Nguồn nước vùng ĐBSCL đang đối mặt với 3 thách thức lớn, cụ thể:

(i) Phát triển chuỗi đập thủy điện ở thượng nguồn sẽ khiến cho hàng ngàn người dân bị mất chỗ ở, chế độ dòng chảy bị thay đổi, hàng triệu tấn phù sa bị lấy mất dẫn đến gia tăng sạt lở, sụt lún bờ sông, bờ biển. Đồng thời, việc xây dựng các đập nước trên sông Mekong sẽ cắt đứt giao thông đường thủy, đe dọa nghiêm trọng nguồn cá, sụt giảm tính đa dạng sinh học, thu hẹp các khu đất ngập nước quan trọng và nhiều rủi ro tiềm ẩn chưa thể dự kiến hết được.

(ii) Việc BĐKH và nước biển dâng là một trong những thách thức vô cùng to lớn đối với vùng ĐBSCL. Tình trạng lũ lụt, khô hạn, sạt lở, xâm nhập mặn, bão và lốc xoáy hằng năm diễn thất thường và khó lường. Theo thống kê, tốc độ sạt lở bờ sông và bờ biển ngày càng mạnh. Bình quân mỗi năm ĐBSCL mất chừng 550 ha đất tự nhiên do sạt lở. Tình trạng sạt lở xảy ra nhiều trong giai đoạn chuyển mùa (từ mùa mưa sang mùa nắng).

(iii) Suy giảm chất lượng môi trường đất – nước, khai thác tài nguyên quá mức đang đặt ra những hệ lụy lớn. Tình trạng giảm nguồn nước cả về mùa mưa và mùa khô. Đồng thời, cộng thêm mực nước biển dâng và lún sụt đồng bằng khiến xu hướng gia tăng sự xâm nhập mặn trong mùa khô, đặc biệt là những năm có sự quay trở lại của hiện tượng El-Nino như năm 2016. Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất, dẫn đến nạn khai thác nước dưới đất ở các vùng ven biển đang ở mức báo động, tạo hệ quả sụt giảm tầng nước ngầm, gây nên tình trạng sụt lún đất mặt và xâm nhập mặn vào các tầng nước dưới đất.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP BẢO VỆ NGUỒN TÀI NGUYÊN NƯỚC CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ BỀN VỮNG VÙNG ĐBSCL

Để đảm bảo nguồn tài nguyên nước, điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế bền vững vùng ĐBSCL cần thực hiện đồng bộ những giải pháp sau:

Giải pháp đối với BĐKH

Theo số liệu thống kê của Ủy ban liên chính phủ về BĐKH, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do tình hình thời tiết biến đổi cực đoan. Để thích nghi và sống chung với biến đổi khí hậu, ĐBSCL cần tăng cường, thúc đẩy và xúc tiến các dự án xây dựng hệ thống đập, cống ngăn mặn tại địa phương có cửa sông, cửa biển. Hệ thống đập, cống ngăn mạnh mang lại hiệu quả cao cho các giải pháp ngăn mặn mùa khô. Cùng với đó là ĐBSCL cần thêm nhiều hơn các dự án xây hồ chứa nước ngọt với diện tích lớn có khả năng đáp ứng được số lượng lớn diện tích hoa màu, lưu lượng nước đủ mạnh để có thể đáp ứng được nhu cầu rửa mặn và đẩy nước biển xâm lấn vào mùa khô hạn. Đặc biệt, ĐBSCL cần có kế hoạch triển khai những dự án kênh đào mang tính kết nối với các địa phương khác, như khu vực Tây Nguyên với hệ thống núi hùng vĩ sẽ là nguồn cung cấp nước ngọt khả thi cho các dự án kênh đào đến các tỉnh khu vực ĐBSCL. Điều này, không những giải quyết được vấn đề nước ngọt sinh hoạt của người dân mà còn là một trong những tuyến đường giao thương giữa ĐBSCL và các tỉnh Tây Nguyên. Hệ thống kênh đào sẽ là phần nguồn cung cấp nước cho các hồ chứa nước ngọt khi mùa khô đến, giảm sự phụ thuộc nguồn nước từ đầu nguồn sông Mekong.

Giải pháp với các dự án đập nước trên thượng nguồn sông Mekong

Với dự báo có đến gần 200 các dự án đập nước, đập thủy điện ở đầu nguồn trong những năm kế tiếp có thể nhận ra rằng, việc kiểm soát nguồn nước ở ĐBSCL ngày càng khó khăn hơn khi các nước trên thượng nguồn bắt đầu thực hiện các dự án ngăn nước. Hiện nay, vị thế của Việt Nam và trên thế giới đã thay đổi rõ rệt, có sức ảnh hưởng hơn rất nhiều. Chúng ta nên tận dụng sức ảnh hưởng trong các cuộc họp của Ủy hội sông Mekong quốc tế và đặc biệt cần tăng cường trao đổi các vấn đề liên quan đến việc sử dụng tài nguyên nước trong các cuộc gặp mặt Các nguyên thủ quốc gia của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Theo đó, cần phải yêu cầu các quốc gia trong Ủy hội sông Mekong Quốc tế chia sẻ dữ liệu liên quan đến thông số các dự án đập ngăn nước đã đang và lên kế hoạch xây để đưa ra các phương án thích hợp và đặc biệt là phải có một thỏa thuận về việc xả lượng nước nhất định vào mùa khô hằng năm. Đồng thời, đối với các quốc gia không nằm trong Ủy hội sông Mekong Quốc tế, thì cần tăng cường đối ngoại song phương hoặc đa phương nhằm tìm được tiếng nói chung trong vấn đề tài nguyên nước. Trong thực tế hệ thống sông Lan Thương (thượng nguồn sông Mekong) của Trung Quốc chỉ đóng góp 16% tổng lưu lượng nước của hệ thống sông Mekong tuy nhiên hệ thống các đập của Trung Quốc giữ tới 50% lượng phù sa đổ về hạ nguồn hằng năm [1]. Điều đó cho thấy Trung Quốc nắm vai trò quan trọng trong vấn đề này, không chỉ Việt Nam mà các nước hạ nguồn cũng chịu tác động rất lớn.

Giải pháp về phát triển kinh tế đối với vùng ngập mặn

Khu vực ĐBSCL cần duy trì diện tích có rừng ngập mặn hiện có (73,372 ha) và có kế hoạch tăng thêm diện tích rừng ngập mặn lên 100,000 ha trong 3 năm tới. Việc tăng diện tích rừng ngập mặn sẽ bảo vệ được con người tránh khỏi những thiên tai hằng năm, trong bối cảnh thiên tai đang có xu hướng tăng dần qua các năm do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Phát triển các loại hình sản xuất, kinh doanh dưới tán rừng ngập mặn để đảm bảo được sinh kế cho người dân nhờ hệ sinh thái vô cùng đa dạng, thông qua khai thác các loài hải sản sinh sống và phát triển trong rừng ngập mặn. Áp dụng các phương pháp nuôi trồng đạt hiệu quả việc khai thác tài nguyên rừng ngập mặn ở các dạng nguyên liệu đầu vào, như: than củi, sợi dệt, dược liệu, phụ phẩm để xuất khẩu và tận dụng quang cảnh để phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn. Đồng thời, nghiên cứu thay đổi cơ cấu giống cây trồng chịu mặn tốt thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL và có định hướng phát triển để ổn định cây trồng, vật nuôi và nâng cao đời sống kinh tế của người dân./.

Tài liệu tham khảo

1. An Nguyên (2023), Trung Quốc xây kênh đào lớn nhất thế giới: 1 chỉ số lớn gấp 3 lần đập Tam Hiệp, kết nối tới cả Việt Nam, truy cập từ https://cafef.vn/trung-quoc-xay-kenh-dao-lon-nhat-the-gioi-1-chi-so-lon-gap-3-lan-dap-tam-hiep-ket-noi-toi-ca-viet-nam-188230725152222121.chn.

2. Bộ Chính trị (2022), Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022, “Phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

3. Brian Eyler và cộng sự (2023), Phân tích tác động thủy điện ở lưu vực 3S sông Mê Kông, truy cập từ https://www.stimson.org/2023/analysis-of-hydropower-impacts-in-the-mekongs-3s-basin/.

4. Brian Eyler và cộng sự (2023), Nước Về Đâu: Mùa Mưa Mê Kông 2023, truy cập từ https://www.stimson.org/event/wheres-the-water-mekong-wet-season-2023/.

5. Chương Phượng (2023), Năm 2023: Đồng bằng sông Cửu Long thu hút khoảng 100 nghìn tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp, truy cập từ https://vneconomy.vn/nam-2023-dong-bang-song-cuu-long-thu-hut-khoang-100-nghin-ty-dong-dau-tu-vao-nong-nghiep.htm#:~:text=Theo%20B%E1%BB%99%20N%C3%B4ng%20nghi%E1%BB%87p%20v%C3%A0,th%E1%BB%A7y%20s%E1%BA%A3n%20v%C3%A0%20tr%C3%A1i%20c%C3%A2y.

6. Kang Sothear (2023), Nội các phê duyệt Dự án Tonle Bassac trị giá 1,7 tỷ USD, truy cập từ https://www.khmertimeskh.com/501294139/cabinet-approves-1-7b-tonle-bassac-project/.

7. Lê Minh Hoan (2022), Báo cáo tái cơ cấu nông nghiệp và đầu tư hệ thống các công trình thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2022 – 2030, Hội nghị công bố “Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030”, ngày 21/6/2022.

8. Stimson (2023), Mekong Dam Monitor, truy cập từ https://www.stimson.org/project/mekong-dam-monitor/.

9. Ry Sochan (2023), Tuyến đường thủy Bassac-Kep mang tên Kênh Funan Techo, truy cập từ https://www.phnompenhpost.com/national/bassac-kep-waterway-link-named-funan-techo-canal.

10. Thạch Thông, Duy Hưng (2023), Campuchia không xây thủy điện trên dòng chính sông Mekong, truy cập từ https://vtv.vn/the-gioi/campuchia-khong-xay-thuy-dien-tren-dong-chinh-song-mekong-20230912184916842.htm.

11. Thế Đan (2023), Giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long, truy cập từ https://vnexpress.net/giai-phap-ung-pho-bien-doi-khi-hau-tai-dong-bang-song-cuu-long-4604020.html.

ThS. Bùi Hữu Quân, TS. Hoàng Nguyên Khai

Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024)