Bộ Công an thông tin về vụ Nguyễn Thị Phương Hằng, Việt Á và Cục Lãnh sự
Chánh Văn phòng Bộ Công an đã thông tin thêm về 3 vụ án: Nguyễn Phương Hằng, Công ty Việt Á, Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao

Sớm đưa ra xét xử theo quy định pháp luật vụ Nguyễn Phương Hằng

Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, hơn 1 năm nay, báo chí, dư luận xã hội, cộng đồng mạng sôi sục bàn tán và vừa qua, ngày 24/3, cơ quan chức năng đã khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

“Đến nay, Bộ Công an đã chỉ đạo công an TP. Hồ Chí Minh tập trung lực lượng điều tra làm rõ toàn bộ vụ việc sớm đưa ra xét xử theo quy định pháp luật”, Trung tướng nói.

Được biết, ngày 24/3, Công an TP. Hồ Chí Minh đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng, sinh năm 1971, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam.

Theo điều tra ban đầu, Công an TP. Hồ Chí Minh xác định, từ tháng 3/2021 cho đến trước khi bị bắt tạm giam, bà Nguyễn Phương Hằng đã thông qua nhiều tài khoản Youtube, Facebook, Tiktok, phát ngôn trực tiếp qua mạng internet, đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân, gây bất bình dư luận. Hành vi của bà Nguyễn Phương Hằng vừa xâm phạm danh dự, uy tín của các công dân, vừa ảnh hưởng xấu đến truyền thống văn hóa dân tộc, gây bất bình trong dư luận.

Trước những hành vi trên, từ ngày 15/2 đến 24/3/2022, cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh đã mời làm việc 4 lần đối với bà Nguyễn Phương Hằng để cảnh báo, nhắc nhở, khuyến cáo, răn đe và yêu cầu bà Hằng chấm dứt việc lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, sử dụng mạng xã hội thực hiện hành vi xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, bà Nguyễn Phương Hằng cố ý né tránh, không chấp hành. Công an TP. Hồ Chí Minh xác định, bà Hằng đã quản lý, sử dụng 12 kênh trên mạng xã hội để trực tiếp livestream với nội dung xuyên tạc đời tư của nhiều người.

Dù nhiều lần được cơ quan chức năng nhắc nhở nhưng bà Hằng vẫn cố ý né tránh không chấp hành mà tiếp tục các hành vi trên. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Phương Hằng tổ chức các hoạt động tụ tập đông người tại TP. Hồ Chí Minh và tại một số tỉnh, thành khác gây phức tạp về an ninh trật tự, bức xúc dư luận địa phương.

Trước đó, ngày 8/4/2021, Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh đã xử phạt hành chính đối với bà Nguyễn Phương Hằng về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của UBND tỉnh Bình Thuận. Cùng với đó, từ năm 2021 đến nay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh thụ lý đơn thư của nhiều cá nhân tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng, gồm: nhà báo Nguyễn Đức Hiển, nhà báo Đặng Thị Hàn Ni, bà Đinh Thị Lan, ca sĩ Vy Oanh, vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên – Công Vinh… Các cá nhân trên tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng về các hành vi đưa tin sai sự thật, vu khống, làm nhục nguời khác, lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Về vụ Việt Á, đang chờ đợi làm các thủ tục tiếp theo

Về vụ Việt Á, Trung tướng Tô Ân Xô cho hay, đã có thông báo của Ủy ban kiểm tra Trung ương, chờ đợi làm các thủ tục tiếp theo.

Cụ thể, Tại kỳ họp thứ 13 từ ngày 28 đến ngày 31/3, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 liên quan đến vụ việc tại CTCP Công nghệ Việt Á.

Theo đó, UBKT Trung ương nhận thấy Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số đồng chí lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong hai việc.

Thứ nhất là phê duyệt, giao tổ chức thực hiện, ký hợp đồng, đánh giá, nghiệm thu, chuyển giao, quản lý, kiểm tra, giám sát, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề tài khoa học nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 của Học viện Quân y;

Thứ hai là việc xác nhận và đề nghị khen thưởng đối với Học viện Quân y, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và một số cá nhân trong truyền thông.

Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Y tế đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số đồng chí lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc đánh giá chuyên môn, kiểm tra, giám sát; cấp phép, cấp số đăng ký lưu hành; hiệp thương giá và mua sắm bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.

UBKT xác định các cá nhân sau đây cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm nêu trên; chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;

Ông Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế;

Ông Phạm Công Tạc, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;

Ông Nguyễn Trường Sơn, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế và một số đồng chí lãnh đạo, cán bộ Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế.

UBKT nhận định những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Liên quan đến những vi phạm nêu trên còn có trách nhiệm của một số tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Tài chính, sẽ tiếp tục được kiểm tra, làm rõ.

Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 1, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, kết quả thu hồi tài sản ở vụ án này, hiện cơ quan điều tra đã thu giữ, kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch bất động sản, tài khoản giá trị 1.220 tỉ đồng, trong đó có 380 tỷ đồng tiền mặt và giá trị bất động sản hơn 840 tỷ đồng.

Vụ Cục Lãnh sự: Số người tham gia đông, có liên quan đến các bộ, ban ngành, địa phương

Về vụ nhận hối lộ liên quan đến Cục Lãnh sự- Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, cơ quan điều tra đã xác định có hành vi lợi dụng chính sách để trục lợi, các bị can bị tạm giam bước đầu nhận tội, phối hợp cơ quan điều tra trong quá trình tố tụng.

“Hoạt động của các đối tượng trong vụ án nhận hối lộ là tinh vi, số người tham gia đông, gồm cả trong và ngoài nước, có liên quan đến các bộ, ban ngành, địa phương, thời gian dài, một số đối phó quyết liệt, nên mất thời gian trong điều tra xác minh vụ việc”, Trung tướng Tô Ân Xô cho hay.

Ông Xô cũng cho biết, cơ quan điều tra đang phối hợp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan làm rõ bản chất vụ việc.

“Cơ quan công an đề nghị các cá nhân tổ chức hợp tác với cơ quan điều tra, chủ động cung cấp tài liệu liên quan cho cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an, thời gian tới sẽ có bước đột phá chuyển biến mới vụ việc này”, Trung tướng nói.

Trước đó, ngày 28/1, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 4 lãnh đạo, cán bộ thuộc Cục Lãnh sựu, Bộ Ngoại giao về tội nhận hối lộ.

Đó là bà Nguyễn Thị Hương Lan (48 tuổi, Cục trưởng Lãnh sự Bộ Ngoại giao). Các thuộc cấp của bà Lan gồm ông Đỗ Hoàng Tùng (42 tuổi, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự); Lê Tuấn Anh (40 tuổi, Chánh văn phòng Cục Lãnh sự); Lưu Tuấn Dũng (35 tuổi, Phó phòng Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao). Tất cả đều bị điều tra với cáo buộc nhận hối lộ. Hiện sai phạm và số tiền nhận hối lộ cụ thể của bà Lan, ông Tùng và 2 người còn lại vẫn chưa được Bộ Công an công bố chi tiết.

Theo thông báo chính thức từ Bộ Công an, loạt lãnh đạo, cán bộ nhân viên Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam này bị cáo buộc có hành vi “trục lợi cá nhân” khi xét duyệt cấp phép cho một số hãng hàng không, doanh nghiệp, công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong thời điểm khó khăn dịch bệnh nguy cấp./.