Thứ trưởng cho biết, theo quy định, từ khi hình thành dự án đến khi có thể giải ngân được vốn, tổ chức thi công trải qua nhiều giai đoạn, tương ứng với từng giai đoạn thì quy trình, trình tự, thủ tục chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật, tùy từng tính chất của dự án như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật NSNN, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật bảo vệ môi trường, Luật thuế, Luật kiến trúc…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra 21 loại tồn tại, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công
Thủ tướng chủ trì cuộc họp Chính phủ trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về giải ngân vốn đầu tư công, chiều 3/8

Trước hết, các dự án phải được phê duyệt chủ trương đầu tư làm cơ sở báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, tiếp đó mới đủ điều kiện được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn; tiếp đó là quyết định đầu tư dự án để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương giao kế hoạch vốn đầu tư hằng năm. Sau khi được bố trí kế hoạch vốn đầu tư hằng năm, để có thể giải ngân, chủ đầu tư thực hiện công tác lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tuyển chọn nhà thầu, tiến hành giải phóng mặt bằng, thanh toán… toàn bộ hoạt động này được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật khác nhau như Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đấu thầu, Luật NSNN, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng….

“Mỗi một giai đoạn có những vướng mắc khác nhau, trong khi đó việc thực hiện phải được thực hiện tuần tự theo quy định của pháp luật, tuân thủ thời gian, không được thực hiện trước các hoạt động nên dù có vướng mắc nhỏ thì cũng sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ tiến độ tổng thể của dự án”, Thứ trưởng Phương chỉ rõ.

Qua làm việc với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng kết được khoảng 21 loại tồn tại, khó khăn vướng mắc, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có phân thành 03 nhóm chính.

Thể chế, chính sách trong 6 lĩnh vực còn nhiều vướng mắc

Về lĩnh vực đất đai, Thứ trưởng cho biết, có 4 vướng mắc. Một là việc xác định phân loại đất, nguyên tắc sử dụng đất giữa các Luật không thống nhất. Khái niệm phân loại đất tại Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 không thống nhất với Luật quy hoạch đô thị năm 2009, Luật giao thông đường bộ…, dẫn tới khó khăn trong thu hồi và sử dụng đất của dự án.

Hai là, vướng mắc trong xác định giá đất. Theo quy định của Luật Đất đai, việc xác định thế nào là phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường, thời điểm áp dụng giá… là rất khó xác định, chưa quy định cụ thể. “Vướng mắc này cũng dẫn tới khó khăn trong cả việc huy động nguồn thu từ tiền sử dụng đất cho đầu tư công cũng như trong xác định giá để đền bù”, Thứ trưởng nói.

Ba là, thời gian thông báo thu hồi đất còn bất cập: Theo quy định của Luật Đất đai, trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết.

“Thực tế, nơi người dân không đồng thuận, việc thu hồi đất sẽ kéo dài (có thể hơn 1 năm) do phải thực hiện hết thời gian thông báo theo luật định, mới có thể thực hiện được các biện pháp cưỡng chế thu hồi. Do vậy, việc quy định về khung thời gian tối đa để cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất đối với các trường hợp người dân không đồng thuận thu hồi là cần thiết”, Thứ trưởng dẫn chứng và nhận định.

Ngoài ra, một số quy định về đất đai chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn: (i) Có sự chênh lệch giữa giá đất Nhà nước thu hồi với giá đất do nhà đầu tư đền bù, bao gồm cả diện tích theo cơ chế thỏa thuận, dẫn tới sự so sánh của người dân, khiếu nại, khiếu kiện…; (ii) Công tác quản lý đất đai còn lỏng lẻo, đất công bị người dân lấn chiếm, không xác định nguồn gốc đất đai của các thửa đất bị thu hồi; (iii) Quy trình thủ tục pháp lý của công tác thu hồi đất một số nơi chưa chặt chẽ, công khai minh bạch dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện của người dân; (iv) Ban Quản lý dự án các cấp không được thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Về lĩnh vực tài nguyên, môi trường, Thứ trưởng cho biết, quy định về khoáng sản còn chưa rõ ràng. Theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 là chưa rõ liệu đất san lấp có phải là khoáng sản hay không.

“Do vậy, để kịp thời đáp ứng yêu cầu nguồn cung vật liệu cho dự án trọng điểm, cần sửa đổi quy định về khái niệm “khoáng sản” theo hướng tài nguyên đất hay đất đồi, đất san lấp không phải là khoáng sản”, Thứ trưởng đề xuất.

Tiếp theo là vướng mắc về trình tự, thủ tục liên quan đến: (i) việc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định hiện hành còn rườm rà, tốn nhiều thời gian của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân đang sở hữu giấy phép; (ii) phần hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản còn phức tạp, mất nhiều thời gian để thực thiện.

“Cần có quy định riêng biệt về trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản đối với từng nhóm, loại khoáng sản, tổ chức, cá nhân được cấp phép cho phù hợp…”, thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng đề xuất.

Về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, theo Thứ trưởng vẫn còn cứng nhắc: Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, thì việc thu hồi, chuyển đổi mục đích đất lúa, dù rất ít, cũng phải lập ĐTM là không cần thiết, nhất là đối với dự án giao thông nông thôn. Do vậy, Thứ trưởng cho rằng, việc quy định tối thiểu diện tích đất lúa phải thu hồi, chuyển đổi là cần thiết.

Về lĩnh vực ngân sách nhà nước và công sản, Thứ trưởng chỉ ra các vướng mắc về Quy định đầu tư xây dựng đường quốc lộ và dự án liên vùng, trong trường hợp địa phương muốn đầu tư xây dựng đường quốc lộ bằng nguồn vốn của NSĐP sẽ gặp vướng mắc giữa quy định của Luật NSNN và Luật Giao thông đường bộ, không thể triển khai.

Bên cạnh đó, công tác lập kế hoạch đầu tư, nhất là nguồn thu sử dụng đất, nguồn bội chi ngân sách địa phương gặp trở ngại, chưa bảo đảm được nguồn thu từ sử dụng đất do vướng mắc trong xác định giá đất, nhất là các địa phương lập kế hoạch đầu tư từ nguồn thu từ đất cao, không thực hiện được đấu giá đất, ảnh hưởng đến nguồn thu và nguồn vốn thực hiện các dự án, từ đó ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân. Bên cạnh đó, nguồn bội chi ngân sách địa phương chủ yếu là các khoản vốn vay lại từ nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong khi thủ tục đầu tư các dự án này phức tạp, mất nhiều thời gian để gia hạn hiệp định, ký kết hiệp định, dẫn đến nhiều địa phương không thể giao được kế hoạch đầu tư từ nguồn bội chi NSĐP và đề xuất giảm bội chi ngân sách địa phương.

“Việc chuyển giao tài sản công giữa các cấp khi có sự thay đổi về cơ quan quản lý, cơ cấu tổ chức, phân cấp quản lý còn phức tạp”, Thứ trưởng nói và đưa ra nguyên nhân là do việc xác định giá trị chuyển giao của tài sản gặp nhiều khó khăn, trong đó phải xác định nguyên giá, giá trị còn lại theo sổ sách theo quy định hiện hành cũng như xác định thẩm quyền quyết định.

“Ví dụ như đường Quốc lộ 4B, đến nay, Bộ Giao thông chưa có quyết định giao cho tỉnh Lạng Sơn để thực hiện quyền quản lý, dẫn tới chậm trễ trong triển khai thực hiện dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội”, Thứ trưởng dẫn chứng.

Về lĩnh vực xây dựng, Thứ trưởng cũng cho biết còn nhiều vướng mắc. Về thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng, toàn bộ các dự án nhóm A, B của bộ, cơ quan trung ương; dự án nhóm A do địa phương quản lý, dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính từ 02 tỉnh trở lên đều phải trình Bộ Xây dựng hoặc Bộ chuyên môn về xây dựng thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng.

“Trên thực tế các địa phương gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện, quy định này đi ngược lại chủ trương phân cấp và quy định đã áp dụng trước đây”, Thứ trưởng nói và kiến nghị sửa đổi theo hướng giao cơ quan chuyên môn xây dựng cấp tỉnh thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Về thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành công trình, thứ trưởng chỉ rõ, theo quy định, các cơ quan có ngành dọc như Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính… khi có dự án thì thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công xây dựng và khi hoàn thành công trình là của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra 21 loại tồn tại, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

“Quy định này là chưa phù hợp với thực tế do các dự án này thường có quy mô đầu tư nhỏ, cấp huyện và được đầu tư rải rác, gây khó khăn, làm chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, giải ngân và ảnh hưởng trực tiếp đến việc kiểm tra công tác nghiệm thu công trình trong quá trình thi công và khi hoàn thành”, Thứ trưởng nhận định và đề nghị sửa đổi theo hướng giao cơ quan chuyên môn xây dựng địa phương kiểm tra công tác nghiệm thu để tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thì hợp lý hơn.

Về phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, theo quy định của Luật Đầu tư công, thẩm quyền phê duyệt là người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, đồng thời, quyết định thành lập Hội đồng thẩm định hoặc giao cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công tổ chức thẩm định dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch.

Tuy nhiên, khoản 2, 3, và 4 Điều 10 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng quy định thêm chủ đầu tư (trong trường hợp đã xác định) được tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự toán chi phí chuẩn bị dự án.

“Như vậy, đã có sự chưa thống nhất trong việc xác định cơ quan thẩm định và phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án đầu tư xây dựng giữa pháp luật về đầu tư công và xây dựng. Một số địa phương kiến nghị trước mắt sửa đổi khoản 2 Điều 10 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP cho thống nhất với khoản 5 Điều 40 Luật Đầu tư công. Về lâu dài, đối với dự án có cấu phần xây dựng đề nghị nghiên cứu sửa đổi khoản 5 Điều 40 Luật Đầu tư công theo hướng giao thêm cho chủ đầu tư thẩm định và phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ.

Về việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án, Thứ trưởng chỉ rõ, có sự không thống nhất giữa pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư công. Theo quy định tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, theo tính chất của dự án và điều kiện cụ thể, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện tại giai đoạn chuẩn bị dự án hoặc thực hiện dự án, đảm bảo phù hợp trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai; đồng thời quy định, giai đoạn chuẩn bị dự án gồm các công việc, trong đó có nội dung lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi để phê duyệt/quyết định đầu tư xây dựng và thực hiện các công việc cần thiết khác liên quan đến chuẩn bị dự án. Như vậy, theo quy định trên, nếu việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện giai đoạn chuẩn bị dự án khi dự án chưa có Quyết định đầu tư là trái với quy định tại Điều 52, 54 của Luật Đầu tư công.

“Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư bảo đảm vẫn quản lý đất đai hiệu quả, nhưng vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai dự án”, Thứ trưởng đề xuất.

Lĩnh vực đấu thầu cũng còn nhiều khó khăn. Các quy định về trường hợp chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, chưa giải quyết được trong một số trường hợp cấp bách, chưa quy định chỉ định thầu đối với gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn.

Việc lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đấu thầu, đặc biệt trong các lĩnh vực xã hội hóa, lĩnh vực có hai nhà đầu tư quan tâm thì chưa được quy định rõ, còn lúng túng trong thực tiễn. Những nội dung này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu, nghiên cứu, đề xuất trong dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) để tháo gỡ”, Thứ trưởng nói.

Ngoài ra, quy định về vốn nhà nước tại các Luật đấu thầu, Luật Xây dựng chưa thống nhất, gây lúng túng cho các bộ, địa phương trong việc áp dụng trình tự, thủ tục đối với từng dự án đầu tư công. Để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, Luật Đầu tư công đã quy định nguồn vốn đầu tư công theo Luật NSNN, do đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, chỉ áp dụng quy định về vốn đầu tư công theo đúng quy định tại Luật Đầu tư công.

Trong lĩnh vực đầu tư công, Thứ trưởng cho hay, các địa phương chủ yếu kiến nghị các nội dung về tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; bổ sung quy định một số loại công trình, dự án đã xác định rõ được diện tích thu hồi thì cho tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; bổ sung quy định cho phép một số công việc được hành động trước như kiểm đếm, đo đạc, thực hiện các dự án tái định cư; bổ sung cơ quan lập đề xuất chủ trương đầu tư là các Ban Quản lý dự án; đề nghị phân cấp hơn nữa trong việc giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân được phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách địa phương; cho phép Hội đồng nhân dân từng cấp được quyết định việc kéo dài kế hoạch đầu tư vốn ngân sách đại phương…

Đề xuất này, Thứ trưởng cho biết, Chính phủ đã trình Quốc hội khi dự thảo Luật Đầu tư công, tuy nhiên để bảo đảm khách quan, tránh việc kéo dài thời gian thực hiện dự án, đội vốn, bố trí vốn phân tán… nên Quốc hội đã quy định như tại Điều 27, 67 và Điều 68 Luật Đầu tư công hiện hành.

6 vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện

Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN chưa sát với khả năng thực hiện, dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao, còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”, dự kiến vốn trước rồi mới tiến hành làm thủ tục đầu tư hoặc thực hiện các thủ tục gia hạn hiệp định, dẫn tới kéo dài thời gian bố trí vốn đối với dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Việc công bố chỉ số giá xây dựng tại các địa phương chưa kịp thời, chưa sát với thị trường, gây bị động cho chủ đầu tư, nhà thầu.

Chất lượng chuẩn bị dự án thấp, công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt, dẫn tới nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng vẫn chưa thể thi công và giải ngân vì lại vướng mắc về quy hoạch, địa điểm, phải điều chỉnh đơn giá dẫn đến phải thay đổi hoặc điều chỉnh lại dự án.

Các cấp, các ngành và người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án đã và đang triển khai, cụ thể như 02 dự án trọng điểm thuộc ngành y tế của Bộ Y tế tại Hà Nam, đến nay còn vướng mắc về hợp đồng, đơn giá gốc để điều chỉnh hợp đồng dẫn dến không có cơ sở thanh toán cho nhà thầu, dự án phải dừng thi công nhiều năm, số vốn NSNN bố trí cho dự án từ các năm 2017, 2018 phải kéo dài sang năm 2022; một số dự án xây dựng cơ sở vật chất các trường đại học trọng điểm, giải ngân chậm do vướng mắc về giải phóng mặt bằng,..

Năng lực của Ban Quản lý dự án, cán bộ chuyên môn làm công tác đầu tư tại các cấp, nhất là cấp huyện, xã còn yếu kém. Mặc dù hầu hết các bộ, địa phương đều thực hiện giao ban định kỳ nhưng các chủ đầu tư đều chưa chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp căn cơ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cụ thể từng dự án được giao quản lý.

“Chất lượng trả lời của một số bộ, ngành quản lý lĩnh vực còn chung, chưa đi sâu, cụ thể vào kiến nghị của địa phương, tâm lý của cán bộ, công chức sợ không dám làm khi gặp vấn đề vướng mắc nào dù nhỏ liên quan đến dự án cũng dừng lại hoặc làm cầm chừng”, Thứ trưởng chỉ rõ.

Ý thức chấp hành pháp luật, ý thức tôn trọng kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công chưa cao, chưa chủ động, nghiêm túc trong tuân thủ các quy định, tiêu chí, nguyên tắc trong đầu tư công, dễ thỏa hiệp khi phê duyệt các dự án chưa đạt yêu cầu về pháp lý, hiệu quả… Quy định phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, nhất là về thời gian thẩm định dự án, phê duyệt dự án hầu như chưa được tuân thủ theo đúng quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra 21 loại tồn tại, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công
Giải ngân đầu tư công còn gặp những khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022. Ảnh minh họa

Những khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022

Theo Thứ trưởng, năm 2022 là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (thực chất là năm đầu tiên triển khai do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2021), là năm các bộ, địa phương bắt đầu khởi công mới nhiều dự án nên thông thường thường cần từ 6 đến 8 tháng hoàn tất thủ tục nên tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm.

Ngoài ra, giá nguyên, nhiên vật liệu, xăng dầu trong những tháng đầu năm 2022 tăng cao, có tình trạng khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng… một số nơi chưa cập nhật kịp thời, sát giá thị trường, chủ đầu tư có tâm lý chọn biện pháp an toàn khi lựa chọn thực hiện ký hợp đồng trọn gói, nên khó khăn khi xảy ra biến động giá thì nhà thầu sẽ phải gánh chịu, dẫn đến nhà thầu trúng thầu, ký hợp đồng trọn gói thi công cầm chừng, chờ chính sách điều chỉnh giá hợp đồng và giá vật liệu xây dựng, có tâm lý chờ cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng phù hợp diễn biến giá thị trường.

Cần coi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2022, trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo định hướng đó, Thứ trưởng nêu ra 3 nhóm giải pháp chính.

Thứ nhất là tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách. Trong đó, Thứ trưởng đề nghị, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương có liên quan nghiên cứu sửa tổng thể các Luật có liên quan đến thực hiện dự án đầu tư công (một Luật sửa nhiều Luật). Trong đó, sớm sửa đổi và ban hành các quy định tại các Luật liên quan đến đầu tư công như Luật đất đai (như thống kê, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, giá đất, giá đền bù, thu hồi…); Luật NSNN (về phân cấp nhiệm vụ chi); Luật Xây dựng (về cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định BCNCKT, TKCS…); Luật Khoáng sản (về làm rõ khái niệm “khoáng sản” tài nguyên đất hay đất đồi, đất san lấp không phải là khoáng sản)… Bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi.

Xây dựng và ban hành quy định về các hành động trước được phép thực hiện đối với dự án đầu tư công, nhất là công tác chuẩn bị đầu tư (bố trí kinh phí nghiên cứu, trong trường hợp dự án không khả thi thì được phép hạch toán chi phí hợp lệ), công tác giải phóng mặt bằng (coi là dự án độc lập, được thực hiện đầy đủ, toàn bộ các hoạt động ngay sau khi chủ trương đầu tư được duyệt)…

Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu các vướng mắc về đất đai theo phản ảnh của các địa phương trong quá trình sửa đổi Luật đất đai.

Bộ Xây dựng nghiên cứu, đơn giản hóa và phân cấp hơn nữa quy định liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng công trình theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho địa phương trong công tác kiểm tra, nghiệm thu, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nhóm A, B trên địa bàn, dự án thực hiện trên địa bàn 02 địa phương trở lên. Kiểm tra, hướng dẫn địa phương kịp thời cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng phù hợp diễn biến giá thị trường; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương liên quan đến việc thực hiện hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định trong bối cảnh giá nhiên liệu, nguyên vật liệu xây dựng biến động mạnh theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 85/NQ-CP.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định”, Thứ trưởng cho biết.

Nhóm giải pháp thứ hai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai dự án đầu tư công. Theo đó, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải chủ động, thực sự vào cuộc và trả lời, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư.

Tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm; phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án;

Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án, từ sớm, từ xa, hạn chế tối đa việc thay đổi, điều chỉnh dự án;

Chính quyền các cấp phải tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất… hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện.

“Nâng cao kỷ luật, kỷ cương, tuân thủ đúng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt, hạn chế tư duy nhiệm kỳ trong việc xây dựng, lựa chọn danh mục dự án đầu tư công, bảo đảm mục tiêu, hiệu quả đầu tư”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Nhóm giải pháp thứ ba, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đầu tư công.

Theo đó, Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu, đặc biệt là giải quyết khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu san lấp; kiểm tra việc xây dựng, công bố giá, chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định; kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi./.