Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tháng đầu tiên của năm 2023: Tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023, diễn ra hôm nay (ngày 2/2), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế – xã hội phục hồi tích cực, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tốt trong năm 2022. Việc này đã tạo điều kiện cho nhân dân cả nước vui Xuân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm với không khí phấn khởi, đoàn kết, tương thân tương ái, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của năm mới 2023.

Cụ thể, trong tháng đầu tiên của năm 2023, sản xuất nông nghiệp ổn định, bảo đảm tiến độ gieo trồng vụ Đông Xuân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 2,5%), loại trừ yếu tố giá tăng 15,8% (cùng kỳ năm 2021 giảm 4%). Du lịch phục hồi nhanh, khách quốc tế tháng 1 đạt trên 870.000 lượt người, gấp 44,2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Thu ngân sách nhà nước đạt 11,3% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 12% dự toán (tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước). Vốn FDI đăng ký mới có tín hiệu tích cực, đạt 1,2 tỷ USD, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại ước xuất siêu 3,6 tỷ USD…

Thị trường tiền tệ bước đầu có mức tăng trưởng tích cực. Đến ngày 17/1, tín dụng tăng 0,65% so với cuối năm trước; bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng, đáp ứng nhu cầu thanh toán, rút tiền mặt của người dân, doanh nghiệp trước và trong dịp Tết Nguyên đán.

Cũng trong tháng qua, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg, ngày 27/1/2023 để chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan và địa phương, tập trung quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm được giao, nhất là trong quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, xử lý các khó khăn, vướng mắc của hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản… nhanh chóng khơi thông nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực mới, khí thế mới, không gian mới để phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Điều hành vĩ mô tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức

Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng, trong tháng 1/2023, do nghỉ Tết nên số ngày làm việc chỉ khoảng 20 ngày, bằng 2/3 so với các tháng khác, cùng với tác động kép của tình hình thế giới, trong nước, nên hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu… điều hành vĩ mô tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, Bộ trưởng chỉ ra 3 khó khăn, thách thức chính.

Thứ nhất, hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp đạt thấp. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1 bằng 92% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm cao hơn tháng Tết các năm 2018-2022. Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm giảm so với cùng kỳ năm trước và giảm ở nhiều địa phương có quy mô công nghiệp lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đồng Nai…

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 12/2022 (tháng cao điểm sản xuất phục vụ Tết Nguyên đán) tiếp tục giảm so với tháng 11 năm 2022, là tháng thứ 2 liên tiếp dưới 50 điểm từ khi mở cửa lại nền kinh tế; số đơn, quy mô đơn đặt hàng mới, sản lượng và hoạt động mua hàng của doanh nghiệp đều giảm.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 1/2023 giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 14,3%.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tháng 1 đều giảm so với cùng kỳ năm trước, lần lượt giảm là 25%; 21,3% và 28,9%. Xuất khẩu sang các thị trường chủ lực giảm mạnh: Mỹ (giảm 24,5%), EU (giảm 32,7%), Hàn Quốc (giảm 14,9%), ASEAN (giảm 13,4%)… Đây là mức giảm khá lớn khi so với các tháng Tết cùng kỳ giai đoạn 2018-2022.

Thị trường bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là về thanh khoản, dòng tiền và tiếp cận nguồn vốn, ảnh hưởng trực tiếp và tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, việc làm của người dân; nhiều doanh nghiệp báo lỗ hoặc phát sinh doanh thu rất thấp trong quý IV/2022 và cả tháng 1/2023.

Thứ hai, áp lực điều hành tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát tăng cao. Lạm phát cơ bản tháng 1 tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn lạm phát chung (4,89%), là mức tăng cao nhất cùng kỳ tháng 1 từ năm 2016 đến nay.

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đây là điều đã được dự báo từ trước, khi lạm phát và giá cả tháng 1 chịu tác động cộng hưởng đồng thời bởi nhiều yếu tố: (i) quy luật tiêu dùng, giá cả tăng cao vào dịp Tết; (ii) các chính sách hỗ trợ thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, thuế giá trị gia tăng, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí… hết hiệu lực từ đầu năm 2023; (iii) xu hướng lạm phát tăng từ nửa cuối năm 2022 đến nay; (iv) chi phí sản xuất tăng, bao gồm cả lãi vay, tiền lương, giá nguyên vật liệu đầu vào trong nước và nhập khẩu…

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng lạm phát hiện nay không xuất phát từ thị trường tài chính, tiền tệ như năm 1997 và giai đoạn 2008-2013, mà do gián đoạn chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn cung toàn cầu. Đây là vấn đề chưa từng có tiền lệ, phát sinh do kinh tế thế giới đồng thời bị tác động bởi đại dịch Covid-19, xung đột Nga – Ucraina, cộng hưởng với chính sách tiền tệ nới lỏng mà nhiều quốc gia theo đuổi trong giai đoạn trước đây.

Để ứng phó với tình trạng lạm phát cao, nhiều nền kinh tế lớn tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, làm thu hẹp phía cầu của nền kinh tế để tận dụng thời gian, củng cố lại các chuỗi cung ứng và sản xuất. Tuy nhiên, mặt trái là làm suy giảm hoạt động đầu tư, hạn chế việc cải thiện phía cung của nền kinh tế. Từ đó, tạo thành nguy cơ “đình lạm” kéo dài, tức là lạm phát cao, tăng trưởng thấp tại các quốc gia.

Theo Bộ trưởng, trọng tâm chính sách để kiểm soát lạm phát không chỉ tập trung vào chính sách tiền tệ, mà phải đồng thời là cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó chính sách tài khóa phải đóng vai trò quan trọng và quyết định. Tình hình doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp khó khăn, thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động, lãi suất tăng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn trong thời gian vừa qua sẽ tác động đến sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế năm 2023. Điều này đòi hỏi phải kịp thời nghiên cứu, bổ sung ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Thiên tai xảy ra trong tháng chủ yếu là do mưa lớn, trái quy luật; sạt lở làm 6,6 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng. Thời gian tới cần đặc biệt chú ý khả năng thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và thủy điện, đi kèm với đó là xâm nhập mặn sớm với độ mặn cao.

Chủ động giải pháp thích ứng kịp thời với bối cảnh, tình hình mới

Bộ trưởng chỉ rõ, trong nước, khó khăn, thách thức đang ngày càng gia tăng, hoạt động sản xuất, kinh doanh đối mặt với nhiều khó khăn hơn, ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế, lạm phát trong quý I và nửa đầu năm 2023; áp lực điều hành vĩ mô, nền kinh tế ngày càng lớn. Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế, thực hiện các chính sách thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn, vừa là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút khách du lịch, vừa là thách thức, làm gia tăng áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa của nước ta, cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ… tiếp tục diễn biến bất thường.

“Khó khăn, thách thức đang ngày càng gia tăng cả từ bên ngoài và cả từ bên trong nền kinh tế; sức ép điều hành tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô tăng cao. Yêu cầu cần có các giải pháp chủ động điều hành mới, chính xác, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng, triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn, phù hợp với diễn biến tình hình để không làm tăng thêm và hóa giải các khó khăn, thách thức, tận dụng thời gian, cơ hội phục hồi nhanh và phát triển bền vững”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý I/2023, Bộ trưởng cho rằng, các bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện, nhất quán Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chương trình hành động của Chính phủ triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau Tết Nguyên đán; chủ động giải pháp thích ứng kịp thời với bối cảnh, tình hình mới và các tình huống phát sinh; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời để tập trung xử lý, tháo gỡ ngay những vấn đề khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các động lực tăng trưởng lớn của năm 2023 là tiêu dùng trong nước, đầu tư công và xuất khẩu; thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, các định hướng lớn./.