Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản số 5032/BKHĐT-TH ngày 22/7/2022 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tổ chức đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

    Bộ KH&ĐT hướng dẫn đánh giá thực hiện Kế hoạch KTXH năm 2022, dự kiến kế hoạch năm 2023
    Các địa phương gửi báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023 đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước 31/7. Ảnh minh họa

    Năm 2022: Đánh giá những đóng góp của thể chế vào phát triển kinh tế – xã hội

    Trên cơ sở tình hình, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2022, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tổ chức đánh giá và ước thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 trên tất cả các ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, quản lý. Nội dung đánh giá cần nêu rõ các công việc đã triển khai, kết quả đạt được 6 tháng và ước cả năm 2022, đặc biệt nêu rõ những thành tựu nổi bật, phương pháp thực hiện mới, khó khăn, hạn chế, phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và đề ra bài học kinh nghiệm.

    Một số mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cần được tập trung đánh giá tình hình, kết quả thực hiện như việc thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội; thực hiện các chính sách, giải pháp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; các giải pháp tài khóa, tiền tệ để kích thích tổng cầu, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, kết nối cung cầu lao động, thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư.

    Xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật; chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thiện khung khổ pháp lý để phát triển đồng bộ, ổn định, bền vững các loại thị trường, nhất là thị trường vốn, tiền tệ, lao động, khoa học công nghệ, bất động sản, …; hoàn thiện cơ chế, chính sách cho hoạt động của các mô hình kinh doanh, các sản phẩm, dịch vụ áp dụng công nghệ mới, phân cấp cho các địa phương; xây dựng, hoàn thiện và triển khai hệ sinh thái thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo. Đánh giá những đóng góp của thể chế vào phát triển kinh tế – xã hội.

    Việc đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số; cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập; phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực; phát triển lực lượng doanh nghiệp; thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; cơ cấu lại các ngành theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế.

    Phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, tăng cường kết nối vùng, liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, các dự án hạ tầng nền tảng số quốc gia dùng chung, hạ tầng đô thị các khu kinh tế ven biển, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng thương mại.

    Việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo; đổi mới, phát triển mạnh mẽ và đồng bộ thị trường khoa học – công nghệ.

    Đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, đô thị xanh, đô thị thông minh; thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương…

    Căn cứ đặc điểm, tình hình của ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiến hành đánh giá thêm các nội dung, chỉ tiêu khác phù hợp với tình hình của đơn vị và địa phương.

    Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023: Bám sát những dự báo, bối cảnh trong nước và quốc tế

    Về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 của cả nước phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 và dự báo tình hình trong nước, thế giới và khu vực trong thời gian tiếp theo tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần nghiên cứu, xác định các vấn đề cơ bản của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 trên tất cả các ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, quản lý; trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu, như: Bối cảnh xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; Mục tiêu chủ yếu và một số cân đối lớn; Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

    Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nghiên cứu, đề xuất các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của năm 2023 bảo đảm thống nhất với nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của các kế hoạch 5 năm 2021-2025, mục tiêu tổng quát, mục tiêu chủ yếu của năm 2023, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tiễn và trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương.

    Kế hoạch của các ngành, lĩnh vực và các cấp địa phương bám sát các nội dung; đảm bảo phù hợp với quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 của địa phương; phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương; bám sát những dự báo, đánh giá tình hình và bối cảnh trong nước và quốc tế trong giai đoạn tới; kế thừa những thành quả đã đạt được, đồng thời đổi mới, tiếp thu, tiếp cận xu hướng phát triển chung của khu vực và thế giới cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.

    Về tổ chức thực hiện, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện các nội dung theo phân công và gửi báo cáo bằng văn bản về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và qua thư điện tử thktxh@mpi.gov.vn trước ngày 31/7/2022 để nghiên cứu, tổng hợp báo cáo kế hoạch chung của cả nước.

    Các địa phương gửi báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 của địa phương mình đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31/7/2022./.

    Các nội dung chủ yếu cần tập trung trong kế hoạch năm 2023

    Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 22/7/2022 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) và Dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 quy định các nội dung chủ yếu cần tập trung trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 như sau:

    – Bối cảnh xây dựng kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, bao gồm: nhận định, phân tích những cơ hội, thuận lợi, thách thức, rủi ro của bối cảnh trong nước, khu vực và quốc tế tác động đến việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển KTXH. Đặc biệt lưu ý những vấn đề như ảnh hưởng của xung đột quân sự Nga – Ukraine, chính sách phòng chống dịch COVID-19 và thương mại của các đối tác, rủi ro của thị trường bất động sản, tài chính, khả năng kiểm soát dịch COVID-19 trong nước và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH…

    – Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023.

    – Mục tiêu chủ yếu và một số cân đối lớn.

    – Các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu./.