Báo cáo về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong giai đoạn 5 năm qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành khá đầy đủ, đồng bộ các cơ chế, chính sách điều chỉnh hoạt động của DNNN, tạo khung khổ pháp lý để các DNNN tổ chức triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh và đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Doanh nghiệp nhà nước đầu đàn cần “nghĩ lớn, làm lớn”
Hội nghị toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

DNNN có vai trò then chốt trong nền kinh tế

Số liệu thống kê được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu lên cho thấy, khu vực DNNN đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao; có doanh thu và đóng góp đáng kể vào thu ngân sách nhà nước: Chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường. Theo tính toán sơ bộ, tổng tài sản của khối DNNN theo giá trị sổ sách năm 2021 khoảng 4 triệu tỷ đồng; quy mô tài sản bình quân của 01 DNNN khoảng 4.100 tỷ đồng, cao gấp 10 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 109 lần doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Xét về hiệu quả sản xuất kinh doanh, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn 2016 – 2020 là 10,46%, cao hơn mức lãi suất ngân hàng trong cùng giai đoạn; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản bình quân là 4,87%, cao hơn khối doanh nghiệp tư nhân trong nước là 1,26%. Khu vực DNNN đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp NSNN. Số thuế và các khoản phải nộp bình quân của DNNN là 576 tỷ đồng, gấp 43 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 14 lần doanh nghiệp dân doanh. Về hiệu suất sử dụng lao động, khu vực DNNN đạt 18,9 lần; tiếp đến là khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước 17,0 lần và thấp nhất là khu vực FDI với 13,0 lần.

Cùng với đó, DNNN đóng vai trò chi phối trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như: dầu khí, điện lực, tài chính, ngân hàng, viễn thông, hạ tầng giao thông và sản xuất, cung ứng một số nguyên vật liệu đầu vào cơ bản cho nền nền kinh tế… Hiện nay, có tới 96% khách hàng sử dụng mạng điện thoại di động là của Viettel, VNPT và Mobifone. Các ngân hàng thương mại nhà nước như BIDV, Vietcombank, Vietinbank… chiếm hơn 50% tổng dư nợ cho vay của toàn ngành.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Doanh nghiệp nhà nước đầu đàn cần “nghĩ lớn, làm lớn”
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ pháp luật, cơ chế chính sách đảm bảo hiệu quả, hiệu lực để “cởi trói” DNNN nhằm phát huy được lợi thế, khắc phục hạn chế, tận dụng cơ hội phát triển, hiện thực hóa vai trò, vị trí của DNNN trong nền kinh tế

Các DNNN cũng có vai trò lớn trong sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích. Nhiều tập đoàn, tổng công ty tham gia cùng Nhà nước đảm bảo an ninh, quốc phòng, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia; cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như điện, nước, thuỷ lợi, thủy nông, vệ sinh môi trường…

Bên cạnh đó, DNNN cũng đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cần thiết cho phát triển kinh tế – xã hội. Vốn đầu tư của khối DNNN đã đóng góp đáng kể trong tổng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào phát triển kinh tế xã hội, chiếm 24,6% so với tổng vốn đầu tư của Nhà nước và chiếm 12% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2016-2020.

Các kết quả đạt được cho thấy, DNNN có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế. Hoạt động của các DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty có ảnh hưởng lớn đến phát triển một số ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Hoạt động đầu tư của DNNN trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng của nền kinh tế đã giúp giảm bớt gánh nặng từ ngân sách nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng của đất nước; góp phần thực hiện tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

6 tồn tại hạn chế làm giảm hiệu quả DNNN

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc không tạo ra được năng lực tăng thêm có thể dẫn đến trong 5 năm tới, đóng góp của khu vực DNNN đối với nền kinh tế sẽ rất hạn chế, khi tỷ trọng đóng góp hiện nay của DNNN vào GDP đang là khoảng 29%.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu lên 6 tồn tại, hạn chế của khu vực DNNN thời gian qua, khiến kết quả hoạt động và đóng góp của khối DNNN vẫn chưa tương xứng với tiềm năng nguồn lực nắm giữ và thị trường chi phối.

Cụ thể 6 hạn chế được Bộ trưởng chỉ ra bao gồm: Một là, các tập đoàn, tổng công ty về cơ bản chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế. DNNN tuy nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế, nhưng không có các dự án đầu tư phát triển quy mô đủ lớn tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của khu vực doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mới như sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ cao, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hoá, tăng trưởng xanh, công nghiệp công nghệ 4.0…

Hai là, hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Khu vực DNNN tiếp tục có xu hướng giảm dần quy mô và tỷ lệ đóng góp ở tất cả các chỉ tiêu về hiệu quả trong giai đoạn 2016-2021. Các DNNN nhìn chung đang có chỉ số nợ cao nhất trong các loại hình doanh nghiệp; chỉ hoạt động hiệu quả ở rất ít ngành, lĩnh vực có lợi thế tự nhiên như khai thác khoáng sản, dầu khí hoặc viễn thông, tài chính-ngân hàng.

Ba là, năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các DNNN quy mô lớn vẫn còn hạn chế. Công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp triển khai chậm, chưa thực sự tiệm cận theo các nguyên tắc và thông lệ quốc tế tốt, phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại. Chế độ đãi ngộ và xử lý trách nhiệm cơ bản vẫn áp dụng như đối với công chức, viên chức nhà nước, không tạo được động 4 lực khuyến khích người lao động, nhất là cán bộ quản lý.

Bốn là, việc thực hiện các dự án đầu tư mới của DNNN trong thời gian qua hầu như đều chậm trễ, rất ít dự án, công trình mới có quy mô lớn của DNNN được khởi công. Tính riêng đối với 19 Tập đoàn Tổng công ty thuộc UBQLVNN và Tập đoàn Viettel, nơi nắm giữ đến gần 90% nguồn lực của khu vực DNNN, chỉ triển khai thực hiện 3 dự án đầu tư nhóm A, trong đó có 2 dự án chuyển tiếp từ năm 2015 trở về trước và 01 dự án khởi công mới năm 2016.

Năm là, việc tái cơ cấu toàn diện DNNN vẫn mang tính hình thức, mới chủ yếu tập trung sắp xếp, CPH, thoái vốn để có cơ cấu hợp lý hơn, mà chưa chú trọng thực hiện các định hướng, giải pháp đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và một chiến lược kinh doanh dài hạn có tính khả thi cao. Việc nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực quản trị DNNN theo chuẩn mực quốc tế chưa ghi nhận được kết quả đáng kể. Trình độ quản trị của DNNN tại Việt Nam vẫn còn rất thấp so với chuẩn mực quốc tế. Các Tổng giám đốc (CEO) của DNNN chủ yếu thông qua cơ chế bổ nhiệm theo quy hoạch; mức lương và các chế độ đãi ngộ khác chưa gắn với hiệu quả công việc.

Sáu là, DNNN còn thiếu tầm nhìn chiến lược để phát triển doanh nghiệp nhất là tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và vươn ra quốc tế.

8 giải pháp khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả DNNN

Để khắc phục các tồn tại hạn chế và khơi thông nguồn lực cho khu vực DNNN, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ pháp luật, cơ chế chính sách đảm bảo hiệu quả, hiệu lực để “cởi trói” DNNN nhằm phát huy được lợi thế, khắc phục hạn chế, tận dụng cơ hội phát triển, hiện thực hóa vai trò, vị trí của DNNN trong nền kinh tế.

Bộ trưởng nêu lên 8 giải pháp trọng tâm trong giai đoạn tới.

Thứ nhất, tập trung tăng đầu tư, tăng đổi mới sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động để DNNN thực hiện vị trí, vai trò mở đường, dẫn dắt. Theo đó, có cơ chế vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quyền của chủ sở hữu; vừa tạo điều kiện cho DNNN, đặc biệt là DNNN quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong các ngành kinh tế chủ lực, có đầy đủ quyền tự chủ, được hoạt động và cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác. “Cần phải có tư duy: DNNN đầu đàn, dẫn dắt cần phải “nghĩ lớn, làm lớn”, đầu tư các dự án quy mô lớn, có tính chất lan tỏa đối với nền kinh tế và các thành phần kinh tế khác”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thứ hai, gắn phát triển DNNN với thực hiện chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Xác định rõ ngành, lĩnh vực then chốt cần có sự hiện diện của DNNN phù hợp với định hướng phát triển bền vững của đất nước (như năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ 8 cao, kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia…). Khuyến khích các DNNN chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới sử dụng năng lượng sạch, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, bao trùm và nhân văn theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Cop 26.

Thứ ba, cần thay đổi nhận thức, quan điểm về cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp. Mục tiêu của cổ phần hóa, thoái vốn không phải là rút vốn nhà nước ra khỏi DNNN, thu hẹp phạm vi, quy mô của khu vực DNNN, mà tái cơ cấu lại danh mục đầu tư, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó có chính sách hỗ trợ, khuyến khích và công cụ quản lý riêng đối với DNNN quy mô lớn có vai trò quan trọng trong các ngành, lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế; tách biệt khỏi thể chế, chính sách áp dụng cho các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích, DNNN quy mô nhỏ tại các địa phương. Đối với loại doanh nghiệp này, cần phải xây dựng và xác định rõ định hướng, giao cho họ các sứ mệnh, nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể tương xứng với nguồn lực, vị trí và vai trò trong phát triển các ngành lĩnh vực có liên quan của nền kinh tế. Không áp đặt mệnh lệnh hành chính đối với cổ phần hóa, thoái vốn mà thực hiện theo nguyên tắc và tín hiệu thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả để cơ cấu lại và huy động thêm vốn phục vụ phát triển DNNN có liên quan.

Thứ tư, xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đồng bộ về DNNN, tài sản nhà nước để đánh giá, theo dõi và giám sát; qua đó, có định hướng phù hợp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý thông tin về doanh nghiệp nhà nước trên nguyên tắc đo lường được, khách quan, kịp thời và minh bạch nhằm tăng cường giám sát hoạt động của DNNN tức thời, phát hiện sớm các rủi ro, ngăn ngừa sai phạm, thất thoát, lãng phí.

Thứ năm, các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là UBQLVNN tại doanh nghiệp cần phải thay đổi cách thức làm việc, chủ động thực hiện đầy đủ và hiệu lực các quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp theo quy định pháp luật và thông lệ quốc tế; không can thiệp vào quá trình điều hành, quản trị kinh doanh tại doanh nghiệp.

Thứ sáu, hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước thông qua việc phân công một Bộ làm đầu mối quản lý nhà nước thực hiện giám sát hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu, xây dựng định hướng phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Thứ bảy, xây dựng cơ chế giám sát và nâng cao hiệu quả giám sát hơn theo các phương thức: Đánh giá hiệu quả hoạt động/đầu tư theo chỉ tiêu tài chính tổng thể, không đi theo từng dự án/hoạt động cụ thể; Nâng cao trách nhiệm giải trình của DNNN trước cơ quan đại diện chủ sở hữu, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong thực hiện giám sát hoạt động của DNNN để đảm bảo hiệu quả trong việc phát hiện sớm các sai phạm, cảnh báo các nguy cơ làm DNNN bị thua lỗ, mất vốn nhà nước.

Thứ tám, nghiên cứu cơ chế, chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là đối với quản lý cấp cao của doanh nghiệp. Đổi mới công tác quản lý cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao để tuyển dụng hoặc thuê cán bộ chất lượng cao, có thể xem xét cả các Tổng giám đốc nước ngoài thí điểm tại một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty./.